• Dale Shaw
  • BBC Earth

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhiều loài cây cối và động vật đang bị đe dọa dưới tác động của con người.

Việc bị mất đi môi trường sống và tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến nhiều giống loài khắp thế giới.

Rùa biển mất dần nơi chúng về đẻ trứng vì tình trạng lở bãi biển, trong khi đó voi châu Phi bị đe dọa vì bọn săn trộm và tranh chấp khu vực sinh sống với nông dân.

Cả hai loài đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà chúng tồn tại.

Hoạt động của chúng giúp các loài khác sống gần đó có thể cùng sinh tồn. Việc mất những sinh vật đó và những sinh vật tiếp theo được để cập dưới đây có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thế giới nói chung.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khi cá voi trồi lên mặt nước để hít thở, chúng xả ra phân, giúp làm đại dương màu mỡ và giúp chuỗi thức ăn phát triển

Cá voi

Trong suốt 200 năm, ngành công nghiệp đánh bắt cá voi đã tàn phá số lượng cá voi toàn cầu. Nhưng nỗ lực bảo tồn trong thời gian gần đây đã giúp ổn định số lượng loài vốn đã cạn kiệt này.

Điều này cực kỳ quan trọng vì cá voi giúp hành tinh lành mạnh theo nhiều cách. Một trong số cách không thể không kể đến là, đó là phân cá voi. Khi cá voi trồi lên mặt nước hít thở, chúng đồng thời phun ra chất thải giúp đại dương thêm màu mỡ và giúp chuỗi thức ăn phát triển.

Khi chết đi, cá voi cũng giúp ích cho môi trường.

Là sinh vật khổng lồ và sống lâu, cá voi tích trữ lượng khí carbon lớn, hấp thu từ bầu khí quyển và lưu trữ trong cơ thể.

Khi cá voi chết, lượng carbon này chìm dưới đáy đại dương. Xác cá voi khổng lồ sau đó trở thành thức ăn cho khoảng 400 loài sinh vật biển.

Những hành động nhỏ nhoi của chúng ta cũng có thể giúp ích cho cá voi và các sinh vật khác trong đại dương.

Cá và động vật có vú sống ở đại dương có thể thiệt mạng vì ăn phải hoặc dính vào những mảnh vụn trôi nổi trong nước, hầu hết những loại rác thải này do chúng ta vứt ra ngoài và bị trôi ra biển.

Hãy tái chế nhiều nhất có thể hoặc tổ chức thu thập rác bãi biển, hành động này có thể cắt giảm đáng kể các loại rác thải trôi vào đại dương.

Chim

Nếu chim chóc chỉ đơn thuần là dùng để làm đẹp cho thế giới, thì sự tồn tại của chúng cũng có lý.

Nhưng ngoài tác dụng trên, chúng còn đem lại rất nhiều ích lợi khác cho môi trường của chúng ta.

Từ vùng địa cực đến rừng mưa, sa mạc và mọi loại môi trường, bạn có thể để ý chim chóc đóng vai trò quan trọng.

Chim chóc rất quan trọng cho quá trình thụ phấn. Ta có thể nghĩ côn trùng như ong hay bướm thực hiện phần lớn việc thụ phấn, nhưng chim giúp thụ phấn cho 5% các loại thực vật mà con người dùng làm thực phẩm hoặc thuốc men.

Chim cũng giúp phát tán hạt giống. Hạt giống chúng ăn sẽ thải ra ngoài qua đường tiêu hóa (với lượng phân bón tốt cho cây) và khi chim di cư qua hành trình cực kỳ xa xôi, chúng giúp hạt giống phát tán khắp toàn cầu.

Phân chim biển là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho các rặng san hô khắp thế giới, giúp chúng có thể tồn tại.

Chim cũng giúp làm giảm các loài sâu bọ khó chịu. Chúng tiêu thụ khoảng 500 triệu tấn côn trùng mỗi năm, giúp rất nhiều cho nông nghiệp.

Mất môi trường sống đồng nghĩa với việc một số loài chim sẽ giảm số lượng nhanh chóng. Những chương trình bảo tồn và đưa giống trở lại môi trường như Red Kites ở miền nam nước Anh, đã giúp tăng số lượng chim.

Số lượng chim có thể tăng dần trở lại nhờ vào những hành động nhỏ nhưng quan trọng như ta để thức ăn và nước sạch bên ngoài cho những con chim trong vườn, đặc biệt là trong mùa đông.

Dơi

Dơi đem lại vô số ích lợi về sinh thái cho thế giới. Chúng cũng là động vật thụ phấn, và vì dơi chủ yếu ăn đêm, chúng thụ phấn cho những cây mà chim chóc và côn trùng thường bỏ qua, ví dụ những loài cây hiếm như xương rồng.

Hơn 500 loài cây, trong đó có xoài, chuối và bơ phụ thuộc vào quá trình dơi giúp thụ phấn.

Và cũng như chim, dơi là nhân tố phát tán hạt giống mạnh mẽ. Vai trò của chúng đặc biệt quan trọng trong rừng mưa, nơi đang cây cối đang bị đốn hạ nặng nề và sinh cảnh sống dần bị quét sạch.

Phân dơi giàu dưỡng chất hơn phân bò và cung cấp phần lớn dưỡng chất cho hệ thống hang động mà các loài khác có thể tận dụng.

Và tài nguyên tự nhiên của loài sinh vật tuyệt vời này rất có ích cho xã hội loài người. Con người đã bắt chước khả năng định vị siêu âm của dơi vào những phát kiến công nghệ như sóng siêu âm.

Hãy đặt một chiếc hộp dành cho dơi, hơi giống tổ chim nhưng có khe hở ở đáy hộp, và đặt vào vị trí phù hợp trong vườn nhà. Đó là cách tuyệt vời để giúp dơi phát triển.

Báo tuyết

Sống ở vùng rừng núi khắc nghiệt và hiểm trở ở miền trung và nam Á, loài báo tuyết đặc hữu này là một trong những loài mèo lớn bí ẩn nhất thế giới.

Con người biết rất ít về chúng, nhưng ta biết số lượng loài đang giảm dần. Trong tự nhiên có thể chỉ còn 4.000 cá thể báo tuyết.

Chúng gặp nguy hiểm vì nhiều yếu tố. Bộ lông chống lạnh, rất dày và tuyệt đẹp khiến báo tuyết trở thành mục tiêu của bọn săn trộm, trong khi đó cũng xảy ra tình trạng người chăn gia súc giết báo tuyết trả thù vì chúng tấn công đàn gia súc.

Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân lớn. Loài mèo này tìm đến sống ở những vùng có khí hậu giá lạnh và ảm đạm, thường ở độ cao trên 3.000m, nơi chúng có thể dễ dàng ngụy trang trong môi trường tuyết.

Nhưng hành tinh ấm lên cũng đồng nghĩa với môi trường sống lý tưởng cho chúng đang dần bị thu hẹp.

Báo tuyết cũng đóng vai trò then chốt về sinh thái ở khu vực chúng sinh sống và săn mồi.

Khi săn bắt động vật ăn cỏ như cừu và dê, báo tuyết đảm bảo những loài này không tiêu thụ quá mức cây cỏ trên mặt đất và gây ra tình trạng thiếu thức ăn cho các loài nằm ở tầng dưới trong chuỗi thức ăn.

Các nhóm bảo tồn đang làm việc với người dân sinh sống gần báo tuyết và nỗ lực thay đổi thái độ của chủ sở hữu bầy gia súc với sinh vật tuyệt vời này bằng cách nhờ người dân tham gia vào nghiên cứu cũng như bảo tồn.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho các loài như báo tuyết.

Đây không phải chỉ là nghĩa vụ của chính phủ và các tập đoàn - mà từng hành động đơn lẻ nhỏ như giảm sử dụng xe hơi khi có thể, sử dụng năng lượng tái tạo, ăn ít thịt hoặc cố gắng mua sắm bền vững cũng đóng góp rất nhiều.