Hậu trường chiến dịch ‘tháo ngòi nổ’ Israel - Palestine

Thứ Bảy, 22 Tháng Năm 20218:00 SA(Xem: 2786)
  • Tác giả :
Hậu trường chiến dịch ‘tháo ngòi nổ’ Israel - Palestine

Chiến sự Israel và Palestine tạm dừng với lệnh ngừng bắn ngày 21/5, một phần nhờ những nỗ lực đối thoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các bên liên quan, theo AP.

Sau 11 ngày diễn ra các cuộc xung đột, Israel và Palestine đã tuyên bố lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ rạng sáng 21/5.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại rằng cuộc giao tranh dữ dội giữa nước này và lực lượng Hamas sắp kết thúc.

Tuy nhiên, ông Biden dường như vẫn giữ cảnh giác ngay cả sau cuộc điện thoại buổi chiều, AP đưa tin.

Chính quyền ông Biden cho rằng mọi thứ vẫn có thể diễn ra theo hướng ngược lại trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Các quan chức Mỹ và Israel đều lo ngại rằng thỏa thuận do Ai Cập làm trung gian có thể bị phá hủy bởi loạt tên lửa khác từ phía Hamas, một nguồn tin cho biết.

no luc thuc day ngung ban cua ong Biden anh 1

Tổng thống Joe Biden phát biểu về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Ảnh: AP.

Xung đột giữa Israel và Palestine được xem là cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden. Cuộc khủng hoảng mà ông đã xử lý phần lớn bằng cách tránh máy quay và thay vào đó lựa chọn phương án giải quyết phía sau hậu trường.

Các cuộc đối thoại hậu trường

Tổng thống Mỹ đã mô tả các cuộc thảo luận để tiến tới lệnh ngừng bắn là “cuộc thảo luận cấp cao chuyên sâu và liên tục, theo nghĩa đen”.

Tất cả điều đó xảy ra "với mục đích tránh các cuộc xung đột kéo dài mà chúng ta đã thấy trong những năm trước khi chiến tranh bùng phát", ông cho biết.

Những điện đàm giữa ông Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu chỉ là một phần nhỏ bên cạnh chính sách ngoại giao mà Nhà Trắng đã tiến hành trong suốt thời gian bạo lực leo thang.

Tổng thống Mỹ và các trợ lý cấp cao của ông đã có hơn 80 cuộc trao đổi, qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp, để tìm kiếm một kết thúc hòa bình, theo Nhà Trắng.

Trong bài phát biểu kéo dài hơn 3 phút ca ngợi lệnh ngừng bắn, ông Biden đã nhắc lại niềm tin của mình rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng đồng thời cũng chia buồn đối với dân thường Palestine đã thiệt mạng trong cuộc bắn phá và cam kết viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.

Lệnh ngừng bắn tại Trung Đông là điều mà ông Biden đã hy vọng sẽ đạt được, đặc biệt là trong thời kỳ đầu của nhiệm kỳ tổng thống, khi đại dịch Covid-19 đã gây ra đủ nỗi lo về khủng hoảng y tế và kinh tế.

no luc thuc day ngung ban cua ong Biden anh 2

Người dân ăn mừng sau lệnh ngừng bắn. Ảnh: Sky News.

Sự rạn nứt trong nội bộ

Phía sau cuộc xung đột tại Trung Đông, sự rạn nứt giữa Tổng thống Biden và các thành viên trong đảng Dân chủ đã bộc lộ.

Vị tổng thống với gần 50 năm hoạt động trong chính trường thường được biết đến cùng chủ trương ủng hộ mạnh mẽ dành cho Israel, tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Dân chủ lại có quan điểm khác. Điều này đã dẫn đến chia rẽ về cách tiếp cận của Mỹ để đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine.

Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa không ngừng tìm kiếm cơ hội tận dụng cuộc xung đột như “một loại đạn dược” để chỉ trích, chống lại nhiệm kỳ Tổng thống Biden.

Ông Biden đã cố gắng tránh bình luận trước công chúng về các cuộc không kích của quân đội Israel khi xung đột bùng phát.

Nhưng thời gian trôi qua, ông phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các đảng viên Dân chủ, những người mong muốn ông lên tiếng phản đối Israel, khi số người Palestine thiệt mạng và phải di dời không ngừng tăng trong cuộc không kích.

Hôm 18/5, khi đang ở Michigan để thăm cơ sở của Ford, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Rashida Tlaib đã gặp ông Biden trên đường băng sân bay và kêu gọi ông lên tiếng phản đối các cuộc tấn công của Israel.

Cũng trong tuần này, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont và Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez bang New York đã đệ trình nghị quyết ngăn chặn việc bán vũ khí quân sự trị giá 735 triệu USD cho Israel.

Khi lệnh ngừng bắn được đưa ra, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy đã bày tỏ sự nhẹ nhõm và ghi nhận nỗ lực của chính quyền ông Biden.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra những lo ngại rằng nếu biện pháp hai nhà nước không có tiến triển thì “một chu kỳ bạo lực” mới sẽ lại diễn ra trong tương lai.

Kết quả từ những nỗ lực ngoại giao hậu trường

Ít nhất là những nỗ lực ngoại giao của ông Biden lần này đã ngăn chặn được xung đột Israel - Hamas trượt sâu vào cuộc chiến đẫm máu như năm 2014. Cuộc chiến kéo dài 7 tuần của 7 năm trước đã khiến hơn 2.300 người Palestine thiệt mạng và gần 11.000 người bị thương, trong khi Israel mất 67 binh sĩ và dân thường, cùng hơn 500 người bị thương.

Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Israel - Hamas lần này cũng đã khiến ít nhất 230 người ở Gaza và 12 người ở Israel thiệt mạng.

no luc thuc day ngung ban cua ong Biden anh 3

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã làm nhiều dân thường bị thương. Ảnh: AP.

Trong bài phát biểu về lệnh ngừng bắn, ông Biden đã lưu ý rằng Vòm Sắt (Iron Dome), hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và Israel phát triển, đã đóng vai trò quan trọng bảo vệ người dân.

Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và đạn pháo. Tổng thống Mỹ đã hứa sẽ tiếp tục bổ sung tên lửa Vòm Sắt cho Israel sau ngừng bắn ở Gaza.

Một số nhà phê bình từ lâu đã cho rằng Iron Dome về cơ bản là để kéo dài xung đột. “Theo thời gian, Iron Dome có thể gây hại nhiều hơn là có lợi”, nhà khoa học chính trị Israel Yoav Fromer bình luận trên tờ The Washington Post.

“Khả năng bảo vệ người Israel khỏi các cuộc tấn công tên lửa của Iron Dome sẽ không bao giờ xóa bỏ được xung đột”, ông Fromer cho biết.

Ông cũng cam kết gửi viện trợ nhân đạo tới người dân Palestine. "Chúng tôi sẽ hợp tác với chính quyền Palestine, không phải Hamas, và theo cách không cho phép Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự của mình”, ông Biden cho biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn