Xung đột Israel - Hamas kéo Mỹ trở lại lò lửa Trung Đông

Thứ Tư, 12 Tháng Năm 20216:48 SA(Xem: 2730)
Xung đột Israel - Hamas kéo Mỹ trở lại lò lửa Trung Đông
Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng với hy vọng tránh vướng vào xung đột Israel - Palestine, nhưng cuộc khủng hoảng mới đang kéo ông trở lại "vũng lầy".

Xung đột giữa Israel và nhóm dân quân Hamas của Palestine đang leo thang nhanh chóng. Mâu thuẫn âm ỉ giữa hai bên bắt đầu bùng phát khi Israel lên kế hoạch trục xuất 4 gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư.

Israel coi Đông Jerusalem là một phần trong thủ đô của mình, điều không được Liên Hợp Quốc thừa nhận. Dù tòa án Israel đã hoãn quyết định trục xuất các gia đình Palestine, đụng độ vẫn nổ ra giữa dân thường Palestine với cảnh sát Israel, khi lực lượng này ngăn cản họ tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem trong tháng Ramadan.

Sau khi yêu cầu cảnh sát Israel rút khỏi khu vực thánh đường Al-Aqsa, vốn được coi là địa điểm linh thiêng với cả người Hồi giáo và Do Thái, nhóm vũ trang Hamas đã phóng hàng loạt tên lửa vào lãnh thổ Israel.

Quân đội Israel đã đáp trả bằng hàng loạt đợt không kích nhằm vào Dải Gaza, khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng, trong đó có một số chỉ huy Hamas. Nhóm dân quân này tiếp tục "ăn miếng trả miếng" bằng cách phóng rocket vào Tel Aviv và các thành phố đông dân khác của Israel. Tổng cộng 32 người Palestine và ba người Israel đã thiệt mạng do các hành động quân sự trong hai ngày qua.

Tên lửa được phóng từ Dải Gaza về phía thành phố Tel Aviv, Israel, ngày 11/5. Ảnh: AFP.

Tên lửa được phóng từ Dải Gaza về phía thành phố Tel Aviv, Israel, ngày 11/5. Ảnh: AFP.

Đây là đợt giao tranh nghiêm trọng nhất giữa Hamas và Israel kể từ năm 2019, đặt Tổng thống Mỹ Biden vào một tình thế khó khăn về cả mặt đối ngoại lẫn đối nội, khi những người cấp tiến trong đảng Dân chủ của ông ngày càng chỉ trích mạnh mẽ Israel, quốc gia vốn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cựu tổng thống Donald Trump.

"Không có triển vọng thành công nào trong vấn đề này. Chúng ta không có những lãnh đạo sẵn sàng đưa ra quyết định ở cả hai bên", Aaron David Miller, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhà đàm phán lâu năm của Mỹ về Trung Đông, nhận xét, đề cập tới xung đột leo thang gần đây giữa Israel và dân quân Hamas. "Điều tốt nhất mà chính quyền Biden có thể làm được trong cuộc xung đột này là giảm thiểu bạo lực".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan từ tuần trước đã cho thấy những nỗ lực giảm căng thẳng, khi can thiệp để tòa án Israel hoãn phán quyết trục xuất 4 gia đình Palestine.

Các tổng thống Mỹ thường có xu hướng thận trọng khi nghiên cứu về Trung Đông trong những tháng đầu nhiệm kỳ và chính quyền Biden cũng không ngoại lệ. Ông tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ không vội vàng thiết lập lại hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là trước những dấu hỏi về mối quan hệ giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas.

Tại phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng một, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ủng hộ các nỗ lực thành lập một nhà nước Palestine độc lập nhưng thêm rằng trên thực tế, tiến tới mục tiêu đó trong ngắn hạn là điều "rất khó khăn".

Chính quyền Biden ủng hộ việc công nhận Israel nhưng kiên định với đường lối ngoại giao truyền thống, cố gắng duy trì khoảng cách an toàn với các quốc gia Arab tại Vùng Vịnh và phối hợp chặt chẽ với Jordan. Ngoại trưởng Jordan từng bay tới Washington và kêu gọi duy trì hiện trạng ở Jerusalem.

Biden và Blinken đều là những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm có mối quan hệ lâu năm với Israel nhưng sự ủng hộ dành cho nhà nước Do Thái này đang bị xói mòn trong nội bộ đảng Dân chủ, khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Netanyahu đang nghiêng về cánh hữu.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ cánh tả của Biden trong cuộc đua giành vé đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, cho rằng Mỹ phải "lên tiếng mạnh mẽ chống lại hành vi bạo lực từ các phần tử cực đoan có quan hệ đồng minh với chính phủ Israel".

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm nhà máy xử lý nước Carrollton ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, hôm 6/5. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm nhà máy xử lý nước Carrollton ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, hôm 6/5. Ảnh: AFP.

Một dự luật mới được nghị sĩ Betty McCollum đưa ra hồi tháng trước và được các đảng viên Dân chủ cấp tiến bộ ủng hộ sẽ ngăn chặn mọi viện trợ của Mỹ cho Israel nhằm sáp nhập, cưỡng chế nhà cửa hay giam giữ trẻ em Palestine, kể cả ở Jerusalem.

Theo Phyllis Bennis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, dù Tổng thống Biden có lên tiếng bày tỏ những bất đồng đối với Thủ tướng Netanyahu, thực tế cho thấy cách tiếp cận của ông hiện chưa có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm Trump. Một khác biệt duy nhất là quyết tâm của Biden trong việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn bị chính quyền Trump chỉ trích và đến giờ vẫn bị Thủ tướng Israel kịch liệt phản đối.

Theo Brian Katulis, chuyên gia tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một số tổng thống Mỹ thường phạm phải sai lầm là không chú ý đến các thách thức từ "lò lửa" Trung Đông. Biden dường như không phải là ngoại lệ, khi ông nỗ lực giải quyết các vấn đề nổi bật khác trong thời gian đầu nhiệm kỳ.

"Biden đã hướng ưu tiên trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ vào mặt trận trong nước, với trọng tâm là đại dịch và nền kinh tế", Katulis nói. "Trên mặt trận đối ngoại, ông chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và biến đổi khí hậu. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến vài ngày qua cho thấy mọi thứ có thể biến thành mớ bòng bong như thế nào".

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn