Bầu cử Anh: Vì sao Boris Johnson thắng to còn đảng Lao động thua đậm?

Thứ Ba, 11 Tháng Năm 20214:00 SA(Xem: 2497)
Bầu cử Anh: Vì sao Boris Johnson thắng to còn đảng Lao động thua đậm?
bbc.com

Bầu cử Anh: Boris Johnson thắng to, phe tả cờ Đỏ thua đậm


Bầu cử nghị viện và hội đồng địa phương các xứ thành viên Liên hiệp Vương quốc Anh (UK): England, Scotland, Wales ngày 05/05/2021 đem lại nhiều kết quả bất ngờ.

Results in maps and charts promo image

Sau chưa đầy sáu tháng tách khỏi EU, Anh ít bị bận đầu óc vào các vấn đề mang tính cơ chế phức tạp của Liên hiệp châu Âu, câu hỏi "di dân" cũng được khép lại nên cuộc bầu cử diễn ra yên ổn, tập trung vào các vấn đề cụ thể của từng địa phương, không gay gắt như thời còn các phe phái đả phá nhau đòi chặn, hay mở biên giới.

Đảng Reform Party vốn là đảng Brexit (từng có trên 7 triệu phiếu cử tri) đổi tên mới chỉ giành được đúng hai ghế ủy viên hội đồng địa phương ở Anh này vì "nhãn mác" đã hết thời.

Bảo thủ 'tô xanh' ở xứ Anh

Đầu tiên là sự thắng lợi của đảng Bảo thủ (cờ Xanh dương) nhờ thành tích tiêm chủng ở xứ Anh (England), và chương trình trợ cấp cứu giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

The Sunday Times cho rằng thời điểm bầu cử là "thuận lợi nhất" cho ông Boris Johnson, vì nếu cuộc bỏ phiếu xảy ra năm ngoái, ông không được uy tín như mấy tháng qua.

Anh Quốc đã dần chế ngự được Covid - có một số địa phương ghi nhận zero ca lây nhiễm - và 77% dân số đã được tiêm chủng, nên điểm của chính phủ Johson "đang cao".

Đảng Bảo thủ "hạ đảng Lao động trắng bụng" ở Hartlepool, 'thành trì' từ 1974 của phe tả, khiến Bức tường Đỏ (Red Wall - vành đai các địa phương bỏ phiếu truyền thống cho Lao động) hoàn toàn tan vỡ.

Các chính trị gia Bảo thủ theo đường lối gìn giữ Liên hiệp Anh giữ được đủ phiếu ở Scotland, phần nào góp phần "hạ nhiệt" xu hướng đòi ly khai của Đảng Quốc gia Scotland (SNP - cờ màu Vàng).

Một màu Xanh khác, của Đảng Xanh, cũng tăng lên ở England, nhờ ý thức môi trường trong cử tri trẻ càng ngày càng cao, và có vẻ như họ chọn Đảng Xanh chứ hoàn toàn không tin vào Lao động.

BBC News bình luận rằng: "Đảng Xanh giành phiếu ở mọi nơi, Lao động mất ghế ở mọi nơi."

Nhưng bài học thứ hai, cũng liên quan đến dịch Covid, là cử tri nhìn vào hành động cụ thể của các chính trị gia.

inflatable of Boris Johnson

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Búp bê khổng lồ 'Boris Johnson' ở Hartlepool, nơi ứng viên đảng Bảo thủ Jill Mortimer được bầu vào Quốc hội, đánh bại ứng viên Lao động dù đây là 'thành trì' của cờ Đỏ từ 1974

Nhờ thế, tuy là thuộc đảng Lao động, ông Mark Drakeford, thủ hiến (First Minister) của xứ Wales (3,1 triệu dân), đã tái đặc cử vì người dân tin vào năng lực chống dịch Covid của ông và chính phủ Wales.

Scotland với lá cờ Vàng của SNP

Ở Scotland (4,6 triệu dân), lãnh đạo SNP, bà Nicola Sturgeon cũng tái đắc cử và đảng của bà đạt 64 ghế trong nghị viện ở Holyrood (thiếu một ghế để có đa số quá bán), nhờ cử tri tin vào tay lái vững vàng của bà chống đại dịch Covid.

Những người chỉ trích bà thì nói Nicola Sturgeon nhận hết thành tích về mình trong khi chương trình tiêm chủng ở Scotland tốt được như thế là nhờ công chính phủ trung ương ở London.

Tranh cãi về trưng cầu dân ý đòi độc lập mà SNP theo đuổi có thể nay tạm "nguôi đi", nhưng sẽ được nêu ra trong hai năm tới.

SNP tiếp tục cầm quyền 5 năm tới ở Scotland và tuyên bố sau dịch Covid sẽ thúc đẩy tiếp nghị trình độc lập.

Xu thế dân tộc chủ nghĩa như vậy đã thành nét chủ đạo ở chính trường Scotland.

Hiu hắt màu cờ Đỏ của Lao động

Nhưng một kết luận dễ thấy nữa là ở cả Scotland và England là sự thảm bại của đảng Lao động Anh có màu cờ Đỏ.

Ở Scotland, họ bị mất phiếu cho Đảng Xanh, và cho SNP và chỉ còn được 22 ghế nghị sĩ trong Nghị viện Scotland, so với Bảo thủ (31), đảng Xanh (8), Dân chủ Tự do (4).

Vì England không có nghị viện riêng, cuộc bầu cử là đợt tranh phiếu vào các hội đồng địa phương, chức thị trưởng London, Liverpool và nhiều đô thị lớn.

Phe Bảo thu thắng đậm ở Midlands, Cornwall và County Durham.

Lao động giữ được chức thị trưởng London (9 triệu dân) cho ông Sadiq Khan, nhưng số phiếu của ông bị giảm đi so với kỳ bầu cử trước. Ứng viên Bảo thủ, ông Shaun Bailey, người Anh da đen, về nhì.

Nhưng nhìn vào 143 hội đồng địa phương toàn England, có những hội đồng cấp tỉnh (county), quản lý mấy triệu dân, thì Lao động thua đau chưa từng có: Họ bị mất 164 ghế đại biểu (councillor), trong khi đảng Bảo thủ giành thêm 172 ghế.

Nhìn chung, đảng Lao động Anh bị các báo trung hữu cho là "lạc lối" vì sa đà vào các vấn đề thời thượng như quyền giới tính, 'văn hóa xóa' (cancel culture), mà bỏ qua những điều thiết yếu của cuộc sống, nhất là trong cử tri bình dân và trí thức trung dung.

Một dân biểu Quốc hội Anh thuộc đảng Lao động, ông Khalid Mahmood còn đăng bài trên báo nói đảng của ông "đã bị một thiểu số "chiến binh woke đánh chiếm", và chương trình của đảng chỉ phục vụ cảm tính của "tiểu tư sản London", mà quên đi quyền lợi, nhu cầu việc làm, an sinh xã hội của cử tri bình dân Anh.

Bầu cử Anh

Chụp lại hình ảnh,

BBC News bình luận rằng về kết quả bầu cử cấp địa phương ở England: "Đảng Xanh giành phiếu ở mọi nơi, Lao động mất ghế ở mọi nơi, Bảo thủ thắng mọi chỗ, trừ vùng Đông Nam."

Mấy năm qua, tại Mỹ, Anh và một số nước châu Âu nổi lên phong trào 'woke' muốn lật lại lịch sử 'thực dân, đế quốc'.

Những nhóm vận động này lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các bất công có thực thời nay, từ phân biệt giới tính đến 'chất da trắng' của văn hóa Âu Mỹ, cần được xóa bỏ.

Những người theo xu hướng này tự nhận vai trò giám sát mạng xã hội, phát ngôn của các chính trị gia, giới học thuật, đài báo để "phát hiện, tố cáo" những điều bất công xưa và nay.

Đặc biệt, họ đòi xét lại di sản chủ nghĩa nô lệ mấy trăm trước mà các thủ phạm chính là giới tư sản Mỹ, Anh... nhưng người phải chỉnh sửa là mọi cá nhân sống thời nay.

Ngoài việc giật đổ tượng của các chủ nô đồng thời là chính trị gia thế kỷ 18-19, luồng văn hóa này yêu cầu chỉnh sửa, viết lại sách giáo khoa, phim ảnh để "chuộc tội" cho những gì đế quốc Anh gây ra.

Tuy thế, như nhà báo Matthew Syed viết trên Sunday Times (09/05), đa số cử tri Anh đã không chấp nhận việc xóa bỏ lịch sử của cha ông họ, và tin rằng nước Anh từ xưa đến nay là "một thế lực làm điều thiện" (a force for good).

Quan điểm dân tộc chủ nghĩa này - ở cả Scotland và England, hiển nhiên va chạm với phong trào 'Văn hóa Xóa' mà một số giới đấu tranh và nhân vật trí thức đô thị Anh ủng hộ.

Trong đại dịch Covid, đông đảo cử tri Anh chú ý nhiều hơn đến thu nhập, việc làm, sức khoẻ, nên các khẩu hiệu đòi bình quyền bị một số nhân vật thiên tả thúc đẩy, gồm cả yêu cầu xóa cách gọi học sinh là nam (boys) và nữ (girls) để thay bằng một từ 'phi giới tính' trong tiếng Anh, xem ra không giúp cho phe tả giành phiếu.

Theo tờ báo thiên tả The Guardian thì chính lãnh đạo hiện nay của Lao động, Sir Keir Stamer thừa nhận đảng của ông "đánh mất niềm tin của quần chúng lao động".

Tuy thế, có tờ báo như The Independent đăng ý kiến hỏi có phải chính Sir Keir Stamer mới cần "ra đi" để cứu đảng của ông.

Sir Keir Stamer bị chỉ trích là không đủ mạnh mẽ để tạo cho phe Lao động một tính cách mới, sau khi bỏ lãnh đạo trước, ông Jeremy Corbyn, một người Marxist.

Có cảnh báo rằng sau thời vinh quanh của các thủ tướng Tony Blair (1997-2007) và Gordon Brown (2007-2010), đảng Lao động Anh phải cải tổ mạnh nữa thì mới có cơ hội giành chức thủ tướng... trong 10 năm nữa, tức là 2031.

Nhìn chung, cuộc bỏ phiếu ở Anh cho thấy đại dịch Covid vẫn tiếp tục có tác động đến các đảng phái chính trị, và chống dịch là thước đo thành tích của các chính trị gia, bất kể họ thuộc màu cờ nào.

Queue at supermarket

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thời Covid ở Anh: người dân xếp hàng vào siêu thị trong không khí bình thản, yên lặng

Điểm đáng chú ý là người dân Anh có đầu óc thực tiễn, ổn định, rất chú ý đến hành động của các quan chức chính quyền chứ không dễ nghe các khẩu hiệu 'nổ', cho dù hay đến đâu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn