"Chiến tranh Kinh tế": Một câu chuyện cổ xưa

Thứ Sáu, 07 Tháng Năm 20215:00 SA(Xem: 2028)
"Chiến tranh Kinh tế": Một câu chuyện cổ xưa
rfi.fr

"Chiến tranh Kinh tế": Một câu chuyện cổ xưa

Minh Anh

Từ tháng Giêng năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một chiến thương mại ầm ĩ « vô tiền khoáng hậu », kéo dài từ mấy năm qua mà vẫn chưa cho thấy hồi nào kết thúc. Sự kiện này còn minh chứng cho một thực tế : Ngoài khía cạnh chính trị, quân sự, kinh tế cũng là một mặt trận đối đầu gay gắt không kém, có thể sử dụng cả trong thời bình lẫn thời chiến.

Nhà chính trị học Ali Laidi, phóng viên đài truyền hình quốc tế France 24, lưu ý « chiến tranh thương mại » là một câu chuyện xa xưa, đã có từ thời con người bắt đầu khai thiên lập địa. Nếu như từ thế kỷ XIX trở về trước, chiến tranh kinh tế thường đi kèm với những chiến dịch quân sự hay những cuộc va chạm đẫm máu, thì đến thế kỷ XX, kinh tế trở thành một mặt trận xung đột hoàn toàn riêng biệt, một trong những khía cạnh của cuộc chiến toàn diện hiện đại. 

Nhà chính trị học, nhà báo đài truyền hình quốc tế France 24, tác giả tập sách "Lịch sử thế giới về chiến tranh kinh tế".

Nhà chính trị học, nhà báo đài truyền hình quốc tế France 24, tác giả tập sách "Lịch sử thế giới về chiến tranh kinh tế". © Ảnh chụp tại phòng thu của đài RFI.

Đây cũng chính là nội dung chính cuộc phỏng vấn nhà chính trị học Ali Laidi dành cho RFI Tiếng Việt. Mục Tạp chí Thế giới Đó đây hôm nay mời quý vị theo dõi.

*******

RFI Tiếng Việt : Là nhà chính trị học, nhà báo và cũng là tác giả tập sách « Lịch sử thế giới về chiến tranh kinh tế », ông có thể giải thích đôi điều vì sao « chiến tranh kinh tế » là chuyện xửa chuyện xưa ?

Ali Laidi : Điều này đã tồn tại ngay từ khi Con Người xuất hiện. Trong cuốn sách "Lịch sử Thế giới về chiến tranh kinh tế", tôi khởi sự bằng cách đưa ra các ví dụ đã có ngay từ thời Tiền Sử. Nghĩa là kể từ lúc các nhóm người muốn đi đến những nơi giầu nguồn sinh kế như sông suối để bắt cá, gần các bụi cây để hái lượm… những nhóm người này đã tìm cách đánh nhau để chiếm đoạt những vùng đất đó, bởi vì, điều này hiển nhiên là rất quan trọng cho sự tồn tại của họ.

Đến thời kỳ đồ đá, khi người ta biết trồng trọt cũng là lúc con người nghĩ cách làm kho để cất trữ lương thực. Chính vào lúc chúng ta chế ra các kho dự trữ, thì những kho chứa này lại trở thành đối tượng cho các cuộc đối đầu giữa các nhóm để chiếm lấy các nguồn dự trữ từ nhóm này hay nhóm khác…

Những điều này đã được các đại sử gia nói đến rất nhiều như Lawrence H. Keeley chẳng hạn. Ông cho rằng 80-90% nguyên nhân của các vụ đối đầu quân sự hay những cuộc chiến khốc liệt giữa các nhóm người ngay từ thời đồ đá và nhất là trong thời kỳ xã hội nguyên thủy đều là vì nguyên nhân kinh tế.

Hoa Kỳ và phương Tây cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng trong tập sách ông cũng nói rằng điều này không phải có gì là mới mẻ. Hoạt động gián điệp kinh tế cũng là câu chuyện có từ ngàn xưa ?

Ali Laidi : Trong mối tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và phương Tây, kẻ đầu tiên đi đánh cắp kỹ thuật chính là phương Tây. Họ đã đánh cắp kỹ nghệ chế biến lụa. Trong vòng hơn mấy nghìn năm, Trung Quốc nghiêm cấm người ta đưa những hiểu biết, bí quyết làm lụa của đế chế ra bên ngoài. Mãi đến dưới thời hoàng đế Justinien, đế quốc Đông La Mã, người châu Âu mới đánh cắp được kỹ nghệ làm lụa.

Rồi như tôi kể lại trong tập sách, ở thế kỷ XIX, làm cách nào người Anh thông qua Công ty Đông Ấn Anh đã ăn cắp kỹ nghệ chế biến chè. Trên thực tế, vào thời điểm đó, Anh Quốc mua rất nhiều hàng hóa, nhất là chè của Trung Quốc, nhưng đáp lại người Trung Quốc lại mua rất ít sản phẩm của Anh.

Thế nên, đến một lúc nào đó, Anh quyết định tìm cách đánh cắp kỹ nghệ. Họ trông cậy vào một nhà sinh học, ông Robert Fortune. Người này đến Trung Quốc như là một gián điệp, ông ấy ăn mặc như người Trung Quốc, nói thạo tiếng Hoa. Ông ấy hóa trang và tự giới thiệu mình như là người Hoa để thâm nhập vào vùng đẹp nhất chuyên trồng và chế biến chè ngon nhất tại Trung Quốc. Tại đây, Robert Fortune đã thu lượm được nhiều giống cây chè và quan sát được cách chế biến từ những lá chè.

Tất cả những thứ này đều được ông ấy mang về Ấn Độ và người Anh lập một xưởng chế biến chè tại Ấn Độ. Có thể nói, mối tương quan lực lượng cũng bắt đầu từ cái cách người phương Tây đã đánh cắp kỹ nghệ, các bí quyết sản xuất của Trung Quốc. Ngày nay, rõ ràng là Trung Quốc cũng sử dụng các kỹ thuật đánh cắp, gián điệp kinh tế hòng đuổi kịp sự chậm trễ về kỹ thuật – công nghệ mà Trung Quốc tích tụ từ 4-5 thế kỷ qua.

Như vậy, theo ông, « kinh tế » còn là một mặt trận mà người ta có thể sử dụng trong một cuộc chiến theo đúng nghĩa của nó trong thời bình. Những khái niệm mới như vấn đề an ninh kinh tế, chiến lược « thông tin kinh tế » vì thế xuất hiện và trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và Nhà nước đóng một vai trò ngày một lớn và mấu chốt ?

Ali Laidi : Thật ra điều này đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa bao giờ được hợp thức hóa cả. Tại châu Âu, người ta cứ khăng khăng giữ ở một số khái niệm về kinh tế. Chẳng hạn, trường phái Montesquieu cho rằng vào thời điểm người ta thiết lập một mối quan hệ thương mại với nước khác, họ không giao chiến với nhau, quả thật điều này đúng trong đa số trường hợp.

Chỉ có điều, người ta lại từ chối nhìn mặt khác của vấn đề. Như tôi có nói đến trong tập sách, mặt khác ở đây là, chính vấn đề thương mại cũng dẫn đến sự đối đầu. Phần đông, người ta không nhìn thấy mặt thứ hai này. Những gì tôi cố gắng nêu rõ, với tư cách là một nhà chính trị học, điều mà tôi cho là thú vị, chính là mối tương quan lực lượng trong trường kinh tế. Trái với những gì người ta đang nghĩ tại châu Âu, tôi chứng minh rằng bạo lực tàn khốc xảy ra không chỉ duy nhất vì chính trị, mà còn có vấn đề kinh tế nữa.

Việc các nhà nghiên cứu về chiến tranh kinh tế nêu lên được sự hiện hữu của sự khốc liệt này là một điều có lợi. Người ta nói rất ít về những hiện tượng này trong vòng nhiều thế kỷ. Thuật ngữ khái niệm « chiến tranh kinh tế » tái xuất hiện sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ không hẳn là chuyện ngẫu nhiên.

Đây thật sự là một cuộc cách mạng rất dữ dội trên bình diện địa chính trị, vốn dĩ đã có một sự hạ nhiệt vào cuối thập niên 1980. Trước đó, có một sự đoàn kết lẫn nhau ở phía đông và tây, trong một thế giới lưỡng cực. Nhưng khi Liên Xô bị sụp đổ, một lần nữa người ta rơi vào trạng thái « thân ai nấy lo ». Nước Mỹ quyết định đặt ra những ưu tiên nhằm bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình ngay từ năm 1993.

Rồi Trung Quốc cũng quyết định tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Nước Nga cũng muốn tìm lại sức mạnh thông qua kinh tế nhờ vào việc khai thác và bán khí đốt từ tập đoàn Gazprom, một công cụ ngoại giao gây áp lực kinh tế thật sự.

Do vậy, một loạt các khái niệm như chiến tranh kinh tế, đối đầu kinh tế lại xuất hiện. Và tôi đưa ra một định nghĩa khá đơn giản về chiến tranh kinh tế như sau : đây chính là việc sử dụng những phương thức gian lận và bất hợp pháp để phòng giữ và chinh phục một thị trường. Tôi nói rõ là chiến tranh kinh tế có thể diễn ra ở cả thời bình lẫn thời chiến.

Quả thật, khái niệm này, luôn tồn tại trước đây, giờ lại nổi lên. Châu Âu, khu vực cuối cùng trên bình diện địa chính trị, đã hiểu rằng các mối quan hệ kinh tế chưa bao giờ là bình lặng cả. Đúng là 80% mối quan hệ này là bình yên, nhưng 20% còn lại ngày mỗi lúc căng thẳng trong các mối quan hệ kinh tế thế giới, do đó cần phải được chú trọng nhiều hơn.

Ông nghĩ gì về cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc ? Liên Hiệp Châu Âu, cũng như là Pháp đang trong thế kẹt giữa hai siêu cường này, phải chăng là do thiếu một chiến lược ?

Ali Laidi : Rõ ràng là như vậy. Vì Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ nghĩ đến có đối đầu kinh tế, vì Liên Hiệp Châu Âu chỉ xây dựng khối trên nền tảng hòa bình, và cũng vì Liên Âu từ chối nhìn nhận là ngoài khía cạnh quân sự, còn có những vấn đề về kinh tế, do vậy Liên Âu đã bị chậm trễ.

Liên Âu không biết là phải đặt mình ở đâu trong cuộc đọ sức đang được lặp lại giữa Trung Quốc và Mỹ. Đương nhiên là Hoa Kỳ được lợi khi kêu gọi Liên Âu đứng sau họ để chống Trung Quốc, nhưng EU cũng có lợi ích khi phải nghĩ đến những quyền lợi của mình, trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Dầu gì đi chăng nữa, trong cuộc đọ sức này, Liên Âu rõ ràng là miếng mồi. Mục tiêu của cả hai nước này là duy trì áp lực để điều khiển châu Âu về mặt kinh tế và nhất là thủ lợi từ một thị trường tiêu thụ lớn. Nếu châu Âu không hiểu và không ý thức được về điều này, thì họ sẽ bị biến mất trong cuộc đại chiến giữa hai ông khổng lồ, Bắc Kinh và Washington. Do vậy, vì lợi ích của mình, Liên Âu phải có một chiến lược của riêng mình, cả với Mỹ lẫn với Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn