«Con đường tơ lụa mới» : Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc

Thứ Năm, 15 Tháng Hai 20187:00 SA(Xem: 6243)
«Con đường tơ lụa mới» : Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc
Silk_route1-696x393
Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển.

Les Echos hôm nay 07/02/2018 có bài phân tích mang tựa đề « Con đường tơ lụa mới : Kế hoạch thực sự của Tập Cận Bình ». Theo tác giả Michel De Grandi, không nên bị choáng ngợp trước kế hoạch đại quy mô này mà quên đi những nguy cơ đang đe dọa, vì ẩn giấu phía sau là tham vọng của Bắc Kinh : nhào nặn một quá trình toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa.

Kế hoạch thật là vĩ đại với ngân sách khoảng 1.000 tỉ đô la, các dự án trải rộng trên tất cả các châu lục, từ vận chuyển trên bộ lẫn trên biển. Về mặt tài chính, có sự tham gia của nhiều quỹ, một ngân hàng phát triển tập hợp khoảng 60 nước : Con đường tơ lụa mới có những con số gây chóng mặt.

Dự án được Bắc Kinh lăng-xê năm 2013 không được Paris hưởng ứng mấy. Tuy nhiên từ khi chuyến tàu nối liền Vũ Hán với Lyon đến nơi, và khi tổng thống Pháp thăm Trung Quốc, chủ đề này được chính thức nêu ra và bắt đầu được chú ý hơn. Liên tục diễn ra các hội nghị để thông tin, các diễn giả cố thuyết phục các doanh nghiệp tham gia « kế hoạch Marshall tuyệt vời » này. Tuy nhiên theo Le Figaro, dự án này có nhiều mối nguy tiềm ẩn, nhất là với sự mù quáng của phương Tây, cách suy nghĩ đơn giản với mối lợi trước mắt.

Kế hoạch đầy tham vọng bao trùm toàn cầu

Ba năm sau khi giới thiệu, « Con đường tơ lụa mới » không ngừng mở rộng về mặt địa lý : từ 60 nước ban đầu, nay đã lên đến khoảng 100. Chẳng hạn châu Phi hầu như tham gia toàn bộ, Bắc Cực có « Con đường tơ lụa mới » riêng, hoặc Nam Mỹ, nơi Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện.

Danh sách các lãnh vực cũng được nối dài. Từ các cơ sở hạ tầng giao thông đơn thuần, nay gồm cả hợp tác văn hóa, du lịch. Tên của kế hoạch cũng được đổi từ  « Con đường tơ lụa mới » sang « Một vành đai, một con đường » (One Belt, One Road hay Nhất Đới, Nhất Lộ). Trong nước cũng như ngoài nước, Trung Quốc tổ chức các cuộc hội thảo để làm phong phú nội dung cho bộ khung kế hoạch.

Theo Les Echos, rõ ràng là sau lớp vỏ dự án kinh tế, « Con đường tơ lụa mới » mang nhiều tham vọng, mà trước hết là kế hoạch tuyên truyền hoàn hảo. Để khuyến dụ, chính quyền Bắc Kinh sử dụng giọng lưỡi khác nhau cho từng đối tượng. Các lý lẽ đưa ra trước các nhà nghiên cứu khác hẳn so với trước các nhà báo, còn đối với giới kinh doanh thì được nhấn mạnh về các mặt khác. Tất cả những hoạt động quảng bá này chuyển đổi « Con đường tơ lụa mới » từ một khái niệm sơ khai ban đầu trở thành một việc đương nhiên.

Xuất khẩu quyền lực mềm và mô hình Nhà nước tập quyền

« Con đường tơ lụa mới » mang lại tầm vóc cho ngoại giao kinh tế, giúp Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài Hoa lục. Nhưng không chỉ có thế. Dự án này còn xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc và quyết tâm nhào nặn lại thế giới. Tập Cận Bình và Trung Quốc muốn lãnh đạo việc tái tổ chức các định chế toàn cầu.

Cái nhãn « Con đường tơ lụa mới » trở nên lý tưởng để quy tụ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, từ các quan chức cao cấp Nhà nước đến doanh nhân. Có thể gọi đây là « ngoại giao diễn đàn », một lãnh vực mà Bắc Kinh rất tích cực hoạt động. Không chỉ tham gia vào việc hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, mà còn phổ biến một thông điệp mới mang tính ý thức hệ.

Chủ tịch Trung Quốc muốn rao giảng về phương thức phát triển thay thế cho mô hình dân chủ phương Tây đang gặp nhiều khó khăn. Ông Tập khoe khoang một Nhà nước vững mạnh, tập quyền, có khả năng nhanh chóng ra quyết định và áp đặt thực hiện trong thời gian ngắn. Và cuối cùng, đừng quên phương diện địa chính trị của dự án này.

Trung Quốc mong muốn trở thành đại cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/1949) ; tìm lại thời vàng son đã đánh mất vào thế kỷ 19.

Con đường tơ lụa không trải thảm đỏ

Bên cạnh những kế hoạch trên bộ là các dự án trên biển. Từ những tuyến cáp xuyên đại dương cho đến đầu tư vào các cảng biển, với tầm vóc quy mô, mà giai đoạn cuối cùng là lưu chuyển các dữ liệu tin học từ vùng này đến vùng khác thông qua mạng cáp quang. Chỉ riêng vùng Địa Trung Hải, đã có hơn một chục hải cảng được dự kiến đầu tư.

Tác giả cảnh báo, không nên chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt của kế hoạch đại quy mô này. Tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với châu Âu là một ví dụ. Những chuyến tàu đến châu Âu chất đầy hàng hóa made in China, nhưng chiều ngược lại thì ít hẳn. Từ đó có thể đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc thâm nhập thị trường Hoa lục, hiện hết sức bất bình đẳng đối với phương Tây.

Cũng không có gì cho thấy người nước ngoài có thể dễ dàng tham gia những kế hoạch được Trung Quốc đưa ra. Hành lang kinh tế mà Bắc Kinh xây dựng tại Pakistan với 50 tỉ đô la, đã trở thành một khu vực dành riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc, không có bất kỳ một công ty Pakistan nào được phép bổ một nhát cuốc. Thế nên không nên mơ tưởng rằng thảm đỏ được Bắc Kinh trải ra trước « Con đường tơ lụa mới ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn