Người gốc Á ở Mỹ có thế lực mới nổi

Thứ Sáu, 09 Tháng Tư 20216:00 SA(Xem: 2859)
Người gốc Á ở Mỹ có thế lực mới nổi

Vấn đề người gốc Á ở Mỹ đang trở thành nỗi sợ hãi và bức xúc. Người gốc Á đang tập hợp và trở thành lực lượng chính trị phát triển nhanh nhất ở Mỹ trước sự gia tăng các vụ bạo lực có yếu tố phân biệt chủng tộc ngày càng đáng báo động.

Khi mới nghe tin về vụ nổ súng ở Atlanta, Mike Park không giấu nổi sự giận dữ. "Chúng tôi không thể cứ ngồi yên trong cộng đồng nhỏ của mình", Park nói trên New York Times.

Sinh ra trong gia đình nhập cư Hàn Quốc, Park lớn lên với mong muốn thoát khỏi danh tính gốc Á. Khi còn đi học, anh từng khó chịu vì được chọn là học sinh phát biểu trong ngày châu Á - Thái Bình Dương.

Có lần Park xấu hổ khi bạn bè từ chối dùng bữa tại nhà mình, vì những món ăn muối chua như kim chi được cất đầy trong tủ lạnh.

Ở tuổi 42, giống như nhiều người cùng thế hệ, anh Park trân trọng và tự hào về tổ tiên Hàn Quốc cũng như nguồn gốc châu Á của bản thân.

attachment

Cuộc biểu tình phản đối bạo lực nhắm vào người gốc Á diễn ra ở Atlanta hồi tháng 3. Ảnh: New York Times.
Vụ nổ súng ở Atlanta khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, thôi thúc Park phải hành động để kết nối, gắn kết các thành viên cộng đồng tích cực hơn. Sứ mệnh này càng thêm quan trọng, trong bối cảnh các vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á dâng cao trên cả nước.

"Tôi tin rằng những tội ác như vậy sẽ khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo ra sự thức tỉnh trong cộng đồng", ông Park cho biết, theo New York Times.

Không còn im lặng
Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ gốc Á nằm trong nhóm sắc tộc thiểu số, họ ít đi bỏ phiếu nhất, cũng như hiếm khi tham gia các nhóm vận động chính trị.

Nhưng tình thế giờ đã thay đổi. Các đại diện của người gốc Á tham gia ngày càng mạnh mẽ vào đời sống chính trị, chạy đua với số ứng viên kỷ lục, cũng như đăng ký bỏ phiếu nhiều chưa từng có. Cộng đồng gốc Á hiện là nhóm cử tri tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ.

Nhưng có một thực tế rằng khối cử tri gốc Á vẫn chỉ là thế lực đang nổi, chưa có sự ảnh hưởng đáng kể.

Với lịch sử tham gia đời sống chính trị Mỹ tương đối ngắn ngủi, dân gốc Á khác biệt với các nhóm sắc tộc khác - những nhóm đã xây dựng lòng trung thành cho một đảng qua nhiều thế hệ.

Đa phần gia đình gốc Á đến Mỹ từ sau 1965, khi Mỹ bắt đầu mở rộng cánh cửa hơn dành cho người châu Á. Trong cộng đồng gốc Á cũng có những cách biệt lớn, chẳng hạn khoảng cách giàu nghèo ở nhóm sắc tộc này là lớn nhất tại Mỹ.

attachment

Người Mỹ gốc Hàn Quốc Mike Park. Ảnh: New York Times.
"Họ là nhóm cử tri dao động (thường không chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho phe nào) điển hình. Những người nhập cư không lớn lên trong một gia đình truyền thống Dân chủ hay Cộng hòa, vì thế có nhiều khả năng để thuyết phục họ", Karthick Ramakrishman, giám đốc tổ chức nghiên cứu dữ liệu và chính sách về người châu Á - Thái Bình Dương AAPI Data, cho biết.

Lịch sử dữ liệu bầu chọn của cộng đồng gốc Á rất đáng chú ý. Năm 1992, đa phần cử tri nhóm này bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa George H. Bush. Hiện nay, phần đông lại nghiêng về đảng Dân chủ.

Ngay chính nội bộ cộng đồng gốc Á cũng có nhiều khác biệt. Ví dụ, người gốc Việt có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa nhiều hơn, trong khi đa phần dân gốc Ấn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.

Trong năm 2020, kết quả cho thấy số cử tri gốc Á đi bỏ phiếu ở mức cao chưa từng có trong lịch sử: khoảng 6,2 triệu người. Theo tính toán của ông Ramakrishman, con số này tăng 21% so với năm 2016, và là mức tăng cao nhất so với các nhóm sắc tộc khác.

Nguồn năng lượng mới
Thế hệ thứ 2 chính là động lực đáng kể cho phong trào chính trị gốc Á hiện nay. Họ là những người ở độ tuổi 30-40 và đang xây dựng gia đình. Những gia đình này có sự đa dạng về chủng tộc, văn hóa và lịch sử hơn so với cha mẹ họ.

Tại quận Cam ở tiểu bang California, Marc Ang là một chủ doanh nghiệp, đồng thời là nhà hoạt động chính trị bảo thủ. Cha của Ang là một người nhập cư Philippines gốc Hoa. Ông đến Mỹ vào thập niên 1980 theo diện nhân viên tay nghề cao trong ngành thép. Khoảng 30% dân Mỹ gốc Á đang sống ở California.

"Chúng tôi giờ là những bác sĩ, luật sư, doanh nhân hàng đầu. Việc chúng tôi trở thành một khối cử tri là điều không thể tránh khỏi", ông Ang nói.

Dù là người của đảng Cộng hòa, ông Ang vẫn tán dương nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thu hút sự chú ý của dư luận đối với làn sóng bạo lực nhắm vào người gốc Á.

Đây là động lực khích lệ, giúp đoàn kết những nhóm vốn ít quan tâm tới đời sống chính trị như người gốc Hoa, gốc Hàn Quốc hay Philippines.

attachment

Andrew Yang đang là gương mặt gốc Á nổi bật trên chính trường Mỹ. Ảnh: NBC.
Số ứng viên gốc Á chạy đua tranh cử cho các chức vụ trong cơ quan công quyền trong những năm gần đây nhiều chưa từng có. Gương mặt ấn tượng nhất là ông Andrew Yang trong cuộc đua thị trưởng New York, Michelle Wu tranh ghế thị trưởng Boston, hay Robert Bonta là ứng viên chức vụ tổng chưởng lý California.

Năm 2020, ít nhất 158 người Mỹ gốc Á tham gia tranh cử tại các cơ quan lập pháp tiểu bang, tăng 15% so với năm 2018.

Marvin Lim là thành viên cơ quan lập pháp tiểu bang Georgia. Lim tự xưng là người nhập cư "thế hệ 1,5". Ông từ Philippines chuyển tới Mỹ năm 7 tuổi. Khi trở thành luật sư, Lim bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì cảm thấy đồng cảm với những giá trị mà đảng này chủ trương.

Tháng trước, Lim gặp gỡ Tổng thống Joe Biden khi ông chủ Nhà Trắng tới thăm Atlanta sau vụ nổ súng. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình quan trọng như thế", Lim nói.

Vẫn cần thêm tiếng nói đại diện
Người Mỹ gốc Á có xu hướng nghiêng về đảng Dân chủ. Xu hướng này thậm chí mạnh mẽ hơn trong thế hệ sinh ra ở Mỹ.

Nhưng cũng có những yếu tố khiến một bộ phận người gốc Á quay lưng với đảng Dân chủ.

Anthony Lam là người nhập cư gốc Việt lớn lên trong một gia đình lao động ở Los Angeles. Trong quá khứ, Lam thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.

Nay, khi trở thành chủ một tiệm thẩm mỹ ở San Dieago, Lam ngày càng thất vọng với một số chính sách của đảng Dân chủ, cũng như tình trạng bất ổn xuất phát từ phong trào Black Lives Matter.

Khi Lam lên án các vụ cướp bóc, một số thành viên Dân chủ da trắng chỉ trích ông.

"Họ nói 'ông không hiểu gì về phân biệt chủng tộc'. Tôi nói 'đợi chút, giờ các ông mới biết về phân biệt chủng tộc sao? Tôi đã sống chung với nó 40 năm rồi'", ông Lam cho biết.

attachment

Michelle Wu là ứng viên chạy đua vị trí thị trưởng Boston. Ảnh: New York Times.
Năm 2016, ông Lam bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton. Năm 2020, người đàn ông gốc Việt ban đầu ủng hộ ứng viên Dân chủ Andrew Yang trong vòng sơ bộ. Tuy nhiên, ông Lam cuối cùng bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump, bởi thất vọng với phe Dân chủ.

Dù tiếng nói ngày càng được chú ý trong đời sống chính trị những năm gần đây, một số cộng đồng gốc Á vẫn cảm thấy họ "vô hình". Điều này có thể dẫn tới xu hướng "cánh hữu" hóa.

Rob Yang sở hữu hai cửa hàng thời trang ở Minneapolis và St. Paul. Sau vụ người Mỹ gốc Phi George Floyd thiệt mạng, cửa hàng của Yang bị cướp phá trong các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter.

Yang cho biết ông ủng hộ phong trào Black Lives Matter và bỏ phiếu cho ông Biden, nhưng nhiều thành viên khác trong cộng đồng thì không. "Nhiều năm bị bỏ mặc khiến họ tức giận và không còn hào hứng với chính trị", Yang nói.

Trong khi đó, ông Park cho biết vụ tấn công ở Atlanta, cũng như làn sóng bạo lực khắp nước Mỹ, là lời cảnh tỉnh; rằng sự thành công về kinh tế không đồng nghĩa người gốc Á có thể được bảo vệ khỏi thù hận chủng tộc - điều vốn ăn sâu bén rễ trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Park tin rằng đã đến lúc người gốc Á cần đứng lên, giành lấy chỗ đứng của họ trong đời sống chính trị nước Mỹ.

"Đã qua rồi cái thời người ta mang tư duy 'cái đinh thò ra sẽ bị đóng thụt vào'. Chúng tôi nhận ra rằng sẽ chẳng có điều gì xấu khi cất lên tiếng nói", ông Park cho biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn