Ý nghĩa của tư tưởng Tập Cận Bình

Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20174:00 CH(Xem: 7794)
Ý nghĩa của tư tưởng Tập Cận Bình

Viet-Studies

Tác giả: Salvatore Babones

Dịch giả: Huỳnh Hoa

3-11-2017

Ảnh: AFP

Vào cuối tháng Mười vừa qua đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 19. Đảng tổ chức những đại hội như thế này mỗi năm năm một lần, từ năm 1977, khi ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), cha đẻ của thời kỳ cải cách Trung Quốc, lên nắm quyền tại đại hội đảng lần thứ 11. Ông Mao Trạch Đông (Mao Zedong) đã qua đời một năm trước đó, để lại một chính đảng đang rối loạn, một đất nước tan hoang sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Ông Đặng bắt đầu lập lại trật tự, thiết chế hóa mối quan hệ giữa đảng và nhà nước và đưa Trung Quốc vào con đường cải cách, mở cửa.

Phải mất 20 năm thì “học thuyết Đặng Tiểu Bình” – đặt ra “những vấn đề căn bản liên quan tới công cuộc xây dựng, củng cố và phát triển chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc” – mới được tôn vinh trong cương lĩnh của đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội toàn quốc lần thứ 15, tháng Chín năm 1977. Ông Đặng qua đời tháng Hai năm đó, đã không sống đủ lâu để chứng kiến ngày được suy tôn.

Đã cai trị Trung Quốc một cách hiệu quả suốt hai thập niên, ông Đặng không chút hoài nghi về vị trí của ông trong lịch sử. Nhưng trái lại, ông Mao đã cai trị Trung Quốc gần ba thập kỷ nhưng di sản của ông ta bị vứt bỏ chỉ trong chưa đầy mười hai tháng. Có lẽ đó là lý do tại sao chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc, chủ tịch ủy ban quân sự trung ương, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình phải suy tính cẩn thận để loại trừ mọi rủi ro. Chỉ 5 năm sau khi lên nắm quyền cai trị, ông ta đã sắp xếp để “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào và tôn vinh trong điều lệ của đảng.

Nghị quyết tóm tắt tư tưởng Tập Cận Bình, dưới tiêu đề rối rắm: “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” đã được 2.287 đại biểu tham dự đại hội đảng hoàn toàn nhất trí thông qua. Nghị quyết mở đầu bằng sự tán thành tất cả các chính sách của ông Tập từ trước đến nay, được tóm lược trong 14 điểm mà ông Tập trình bày trong diễn văn khai mạc đại hội. Nó kết thúc bằng lời hô hào những phần tử trung thành của đảng “hãy tư duy theo bức tranh toàn cảnh” trong khi kiên định đi theo “sự lãnh đạo của ủy ban trung ương với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân cốt lõi”. Ở giữa là trái tim của chương trình này, một tuyên bố dài 131 từ về chương trình điều hành của ông Tập. Một triết lý cai trị ngắn gọn như vậy đáng được trích dẫn đầy đủ:

“Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với Quân giải phóng nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân khác; thi hành đầy đủ tư tưởng Tập Cận Bình về tăng cường sức mạnh quân sự; tăng cường sự phát triển của Quân giải phóng nhân dân bằng cách nâng cao lòng trung thành chính trị của quân đội, thông qua cải cách và công nghệ và điều hành quân đội phù hợp với luật pháp; xây dựng lực lượng nhân dân tuân theo mệnh lệnh của đảng, có thể chiến đấu và chiến thắng, và duy trì lối hành xử tuyệt vời; bảo đảm rằng Quân giải phóng nhân dân sẽ hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ trong thời đại mới; nuôi dưỡng ý thức mạnh mẽ về cộng đồng dân tộc Trung Quốc; giữ vững công lý trong khi theo đuổi các lợi ích chung; làm việc để xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai cùng nhân loại; tuân theo nguyên tắc thực hiện tăng trưởng chung thông qua đàm phán và cộng tác; và theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Trong số 10 mệnh đề kể trên, 5 mệnh đề đầu tiên tập trung vào quân đội, 4 mệnh đề kế tiếp về xã hội và mệnh đề cuối cùng vào chính sách đối ngoại, có thể coi đây như là bản rút gọn những ưu tiên của ông Tập và có thể cũng là của đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung. Thế giới nhìn vào bài diễn văn của ông Tập và hy vọng tìm thấy những dấu hiệu của chủ nghĩa quốc tế tự do, nhưng tư tưởng Tập Cận Bình lại là một chương trình không lay chuyển về phục hưng dân tộc được hậu thuẫn bởi sự gia tăng sức mạnh quân sự.

Đảng thứ nhất, Quân đội thứ nhì

Mặc dù nguyên tắc đầu tiên rõ ràng của tư tưởng Tập Cận Bình là “Đảng Trước Hết” (Party First), nhưng ông Tập lại được biết tới nhiều hơn nhờ Giấc mơ Trung Quốc (Chinese Dream) – giấc mơ xây dựng “một xã hội phồn vinh vừa phải” giữa một chương trình “phục hồi dân tộc” của ông. Đặt “Đảng Trước Hết” lên trước “Giấc mơ Trung Quốc” và bạn sẽ có một phiên bản chuyên chế của một ước mơ thịnh vượng có thể được gọi là “Nước Mỹ Trên Hết Với Đặc Điểm Trung Quốc”. Ông Tập có thể là lãnh tụ tối cao của một chế độ độc tài nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta miễn nhiễm với những thủ đoạn chính trị. Và một khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, chủ nghĩa dân tộc là thứ sẵn sàng thay thế cho thành tích kinh tế trong việc duy trì niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Khi cần phải khơi dậy lòng nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa thì từng đồng chi phí cho quân đội đều sẽ đáng giá. Ông Đặng đã sẵn sàng dùng xe tăng để áp đặt tầm nhìn của ông về tương lai Trung Quốc, khét tiếng nhất là vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ông Tập cũng quan tâm như vậy trong việc giữ cho  Giải Phóng Quân Nhân dân (PLA) dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng ngày nay PLA có nhiều khả năng sẽ tham chiến trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn hoặc ngoài Biển Đông hơn là trên các đường phố của thủ đô Bắc Kinh. Với ông Tập, PLA là công cụ hữu dụng trong việc nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy nặng mùi hiếu chiến nhiều hơn là để trực tiếp trấn áp đối lập.

Vì thế mặc dù ông Tập rất cẩn thận công khai nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của quyền lực chính trị so với quân sự, ở Trung Quốc ngày nay đó là chuyện hiển nhiên. PLA không còn đặt ra mối đe dọa trước mắt đối với người dân Trung Quốc; các máy bay và hàng không mẫu hạm của nó chủ yếu dùng để uy hiếp các nước láng giềng hơn là uy hiếp quần chúng dân sự. Và tất cả các chỉ dấu đều cho thấy, chủ nghĩa quân phiệt mạnh được ủng hộ ở Trung Quốc ngang với ở Hoa Kỳ, nếu không nói là hơn. Như vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên của tư tưởng Tập Cận Bình là sự chuyển hóa quân đội PLA từ một lực lượng dự phòng để trấn áp nội bộ thành một lực lượng chiến đấu có khả năng thực thi sức mạnh của Trung Quốc trên thế giới.

Dân tộc, Vành đai và Con đường

Phần thứ hai của tư tưởng Tập Cận Bình là cộng đồng, cả nội bộ và bên ngoài. Cộng đồng nội bộ là cộng đồng của “dân tộc Trung Hoa”, là một quan niệm tương đối mới mẻ trong chính trị Trung Quốc. Nước Trung Hoa Dân quốc cũ, trước khi chính phủ của nó phải lưu vong ra đảo Đài Loan, thường cổ xúy một học thuyết về cái gọi là năm dân tộc của Trung Quốc: Hán (Trung Hoa), Mãn, Mông, Hồi và (Tây) Tạng. Từ khi thành lập năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận một quần thể các dân tộc thiểu số, nói theo sự tuyên truyền chính thức của Liên xô về việc xây dựng quốc gia như là một liên minh nhiều dân tộc. Tư tưởng Tập Cận Bình đã bỏ tất cả những thứ đó lại đằng sau.

Trong nước Trung Quốc của Tập chỉ có một dân tộc – dân tộc Trung Hoa. Được xây dựng vững chắc chung quanh bản sắc của người Hán chiếm đa số, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang được củng cố (với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền) chung quanh một ngôn ngữ tiêu chuẩn là tiếng Quan thoại (Mandarin) và một niềm an ủi tinh thần là Khổng giáo phiên bản thế kỷ 21. Bên ngoài Trung Quốc, hai sáng kiến này được kết hợp ở các viện Khổng tử gây nhiều tranh cãi – các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã được lồng ghép vào khoảng 500 trường đại học khắp thế giới. Những gì mà viện Khổng tử cố gắng đạt được ở nước ngoài thì truyền thông do nhà nước kiểm soát và giáo trình học tập đang quảng bá không ngừng nghỉ ở trong nước: hình ảnh Trung Quốc như là một quốc gia-dân tộc thống nhất, không chỉ bắt buộc sự tuân phục mà còn xứng đáng với lòng trung thành của các công dân.

Trong khi triều đại quân chủ cuối cùng và ngay cả nước Trung Hoa cộng hòa thuở ban đầu đều tự nhìn mình như là một cộng đồng các dân tộc thì nước Trung Quốc của thế kỷ hiện đại lại quay về với ý tưởng cổ xưa xem Trung Quốc như là nhà nước trung tâm của cả thế giới Âu-Á, của “thiên hạ” (tianxia). Bản thân từ Trung Quốc trong tiếng Hoa, Zhongguo, có nghĩa đen là nhà nước trung tâm (hoặc thi vị hơn, vương quốc ở chính giữa), và trước khi Trung Quốc hội nhập vào thế giới-kinh tế mà châu Âu là trung tâm – thì Trung Quốc quả là nhà nước trung tâm của chính nó, là một thế giới khá riêng biệt. Sáng kiến ngoại giao mang dấu ấn riêng của Tập Cận Bình, chương trình Nhất lộ, Nhất đới (một vành đai, một con đường) nhằm phát triển cơ sở hạ tầng Á-Âu, rõ ràng được thiết kế để đưa Trung Quốc quay trở lại vị trí trung tâm chính trị và kinh tế của cả châu lục.

Năm 2022 – kỷ niệm bách niên

Năm 2022 Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản. Lễ kỷ niệm cột mốc 100 năm này dự kiến sẽ được chào mừng cùng với việc tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng, và ông Tập sẽ đặt ra nghị trình. Không ai biết được liệu ông Tập có kéo dài sự cai trị của mình ra sau năm 2022 hay không và ở mức độ nào, nhưng hầu như chắc chắn rằng ông sẽ dùng sự kiện 100 năm đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022 như một cơ hội để in dấu sự hiểu biết của ông về bản sắc dân tộc Trung Quốc vào trái tim của đồng bào ông, vào trí óc của cả thế giới.

Thoạt nhìn qua, tư tưởng Tập Cận Bình có vẻ giống như một khẩu hiệu vô nghĩa nhưng xem xét sâu hơn nó bộc lộ một chương trình thống nhất, mà nói theo ngôn ngữ của ông Tập, về “sự phục hồi dân tộc”. Người Pháp có thể nhìn về Cách mạng Pháp, người Đức nhìn về sự kiện Mùa xuân của các dân tộc năm 1848, người Nhật về cuộc Canh tân Minh Trị và người Ý nhìn về Risorgimento[*] để hiểu biết rõ hơn về dự án của ông Tập. Tư tưởng Tập Cận Bình không gì khác hơn là một chương trình tái sinh một nhà nước-dân tộc Trung Hoa thời hậu cộng sản (dù không phải là thời hậu độc đảng).

Tên gọi đầy đủ của chương trình này, “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới” tiết lộ điểm then chốt. Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã từng là trụ cột trong tuyên truyền của đảng Cộng sản kể từ thời ông Đặng. Thời đại mới, thời đại ông Tập, vẫn đang được hình thành. Công cuộc chuyển hóa kép cần thiết để báo hiệu cho nó – chuyển hóa quân đội PLA và chuyển hóa cả dân tộc Trung Hoa – vẫn đang được thực thi. Hãy tìm cực điểm trong dự án chính trị của ông Tập, sự sinh thành một nhà nước-dân tộc Trung Quốc mới, ở lễ kỷ niệm 100 năm đảng Cộng sản vào năm 2022. Cho đến lúc đó, chúng ta chỉ có thể ước đoán tương lai sẽ như thế nào. Có lẽ chính ông Tập cũng không biết, nhưng chắc chắn ông ta sẽ có câu trả lời sau 5 năm nữa.

Salvatore Babones là Phó giáo sư Xã hội học và Chính sách Xã hội, Đại học Sydney, Australia – tác giả sách “Thiên hạ kiểu Mỹ: tiền Trung Quốc, sức mạnh Mỹ và điểm tận cùng của Lịch sử”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn