Lựa chọn thay thế đắt đỏ khi kênh đào Suez bị bịt kín

Thứ Bảy, 27 Tháng Ba 20211:00 SA(Xem: 4165)
Lựa chọn thay thế đắt đỏ khi kênh đào Suez bị bịt kín

Việc kênh đào Suez tắc nghẽn trước mắt gây ra tác động lâu dài cho hoạt động kinh doanh tại châu Âu và châu Á, sau đó sẽ là phần còn lại của thế giới.

Nhiều quốc gia và các tập đoàn quốc tế đang "run rẩy" dõi theo diễn biến tại kênh đào Suez, lo sợ giá cả hàng hóa sẽ leo thang cũng như chuỗi cung ứng quốc tế trở nên khó lường, theo Wall Street Journal.

Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đứng trước nguy cơ chuỗi cung ứng của họ, vốn đã bị gián đoạn vì đại dịch, nay càng trở nên chậm trễ.

Một số tập đoàn cân nhắc những tuyến vận tải thay thế, trong đó có con đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Con đường này sẽ khiến lịch trình di chuyển kéo dài thêm ít nhất 2 tuần.

Giới doanh nghiệp lãnh đủ

Kênh đào Suez bị phong tỏa từ hôm 23/3, sau khi con tàu chở hàng khổng lồ có tên Ever Given gặp sự cố và chắn ngang kênh đào. Vị trí hiện tại của Ever Given khiến giao thông từ cả hai phía của kênh đào Suez đều tắc nghẽn.

Sự cố xảy ra trên kênh đào Suez không ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty bán lẻ ở Mỹ. Tuy nhiên, đây là một đòn đánh vào các doanh nghiệp châu Âu, trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng hải đang gần quá tải bởi những biện pháp hạn chế phòng chống dịch bệnh.

kenh dao suez tac nghen anh 1

Tàu Ever Given đang chắn ngay tuyến đường biển qua kênh đào Suez. Ảnh: Getty.

"Kênh đào Suez chủ yếu dành cho giao thương giữa châu Á và châu Âu. Vì thế, từ góc nhìn của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ, sự cố sẽ có tác động nặng nề với châu Âu", Chris Sultemeier, cựu lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Walmart, cho biết.

Nhà sản xuất xe máy phân khối lớn hạng sang Ducati Motor Holding SpA có những dây chuyền sản xuất ở Bologna, Italy và phân phối sản phẩm ra toàn cầu. Tập đoàn cho biết các đơn giao hàng từ châu Âu tới châu Á nhiều khả năng sẽ trễ hẹn.

Giám đốc điều hành tập đoàn Claudio Donemicali cho biết sự gián đoạn nguồn cung do khó khăn trong vận chuyển hàng hóa đã kéo dài nhiều tháng qua, và là một trong những mối đe dọa lớn nhất với khả năng hồi phục của tập đoàn này kể từ nửa sau năm 2020.

"Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn so với năm ngoái", ông Domenicali cho biết.

Nếu tình trạng tắc nghẽn vẫn kéo dài, đe dọa việc nhập khẩu linh kiện cần thiết cho sản xuất, tập đoàn mẹ của Ducati là nhà sản xuất ôtô Audi AG sẽ phải bố trí phương án vận chuyển thay thế, kể cả vận chuyển hàng không với chi phí đắt đỏ hơn, một phát ngôn viên của Ducati cho biết.

Các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương cũng đứng ngồi không yên khi tuyến vận tải sang châu Âu tắc nghẽn.

Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang châu Âu, vốn đã tăng vọt trong một năm qua, hiện vẫn giữ ở mức ổn định trong vài ngày đầu sau khi kênh đào tắc nghẽn. Nhưng tình thế này có thể thay đổi nhanh chóng nếu tắc nghẽn kéo dài.

"Nếu tình hình trở nên tồi tệ và các tàu hàng lựa chọn đi vòng qua châu Phi, thay vì đợi kênh đào được giải phóng, việc giao hàng sẽ bị chậm trễ bởi thời gian vận chuyển kéo dài hơn dự tính ban đầu. Và nhiều khả năng giá cả cũng tăng lên bới chi phí vận chuyển trên tuyến đường dài hơn", Eytan Buchman, giám đốc tiếp thị từ tập đoàn điều hành thị trường vận chuyển hàng hóa trực tuyến Freightos, cho biết.

The Warehouse Group, nhà bán lẻ ở New Zealand, cho biết sự cố ở kênh đào Suez khiến tình trạng vận chuyển chậm trễ mà công ty này đối mặt từ cuối năm 2020 càng trở nên tồi tệ.

"Kênh đào Suez bị phong tỏa trong vài ngày không hề giúp ích cho việc kinh doanh". Giám đốc điều hành Nick Grayston cho biết.

Lựa chọn thay thế đắt đỏ

Lãnh đạo nhiều tập đoàn đang cân nhắc thiệt hại từ việc chờ đợi kênh đào Suez mở cửa trở lại với chi phí và thời gian tăng lên khi lựa chọn hình thức hoặc tuyến đường vận chuyển khác. Kênh đào Suez có thể sẽ mất nhiều ngày mới hoạt động trở lại.

Nếu tàu Ever Given tiếp tục chắn luồng giao thông qua kênh đào Suez, vận chuyển hàng hóa sẽ phải vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam của châu Phi. Điều này sẽ khiến thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao hơn nhiều so với qua kênh đào Suez.

Theo ông Alan Murphy, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu hàng hải Sea-Intelligence ApS, cự cố tại Suez làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm container, cũng như làm tuyến đường vận tải Á - Âu thêm chật chội.

"Tình trạng này sẽ buộc các nhà nhập khẩu tranh giành nhau từng chiếc container còn trống", ông Murphy nói, cảnh báo tắc nghẽn tại Suez sẽ sớm ảnh hưởng tới các tuyến giao thương hàng hải khác ngoài tuyến Á - Âu.

kenh dao suez tac nghen anh 2

Không ảnh vị trí tàu Ever Given. Ảnh: CNN.

Bên cạnh vận chuyển đường biển, hàng hóa có thể được vận chuyển trên bộ bằng hệ thống đường sắt kết nối từ Trung Quốc đến châu Âu. Tuần qua, các công ty vận tải đã tăng cường tiếp thị dịch vụ vận chuyển đường sắt sau sự cố tại Suez.

Một số nhà nhập khẩu Mỹ đang lo ngại các chuyến hàng từ Ấn Độ sẽ đến muộn trong vài tháng tới bởi sự cố khiến kênh đào Suez bị phong tỏa. Đây là tin xấu sau một năm vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Lúc này, các đơn đặt hàng từ Ấn Độ tới bờ Đông nước Mỹ vẫn được vận chuyển kịp thời hạn. Tuy nhiên, nếu các tàu hàng bị tắc nghẽn không thể về Ấn Độ, những chuyến giao hàng trong vài tuần tới chắc chắn sẽ trễ hẹn.

"Chúng tôi chưa nhận được thông tin về bất cứ vấn đề vận chuyển nào, nhưng mọi tình huống đều có thể xảy với những thảm họa vận chuyển tàu biển năm nay", doanh nhân Nathan Gordon, người sở hữu công ty nhập khẩu đồ trang trí Christmas Central trụ sở ở New York, cho biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn