Cuộc đua tại Bắc Cực của các cường quốc

Thứ Hai, 12 Tháng Hai 20187:00 CH(Xem: 5835)
Cuộc đua tại Bắc Cực của các cường quốc

Nguồn: Peter Apps, “US lagging behind in Arctic arms race”, Reuters, 02/02/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Năm ngoái, một tàu chở dầu của Nga đã đi từ Na Uy tới Hàn Quốc thông qua Bắc Băng Dương. Đây là lần đầu tiên một tàu chở dầu thực hiện hành trình này mà không cần tới sự trợ giúp của các tàu phá băng.

Đây là một khoảnh khắc quan trọng đối với việc khai phá những con đường thương mại ở Bắc Cực vốn thường xuyên đóng băng, và điều này cũng đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang vốn đã rất nóng bỏng giữa các cường quốc.

Washington chưa bao giờ coi Bắc Băng Dương là một ưu tiên chiến lược. Khu vực này được coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của nước Nga. Hiện nay Trung Quốc đang gia tăng các kế hoạch nhằm trở thành một nhân tố chủ chốt trong khu vực này.

Tuần trước, Trung Quốc đã ban hành cuốn Sách trắng đầu tiên về chiến lược Bắc Cực, cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Moskva nhằm tạo ra một con đường hàng hải ở khu vực Bắc Băng Dương song song với sáng kiến con đường thương mại “một vành đai một con đường” nối với Châu Âu.

Điện Kremlin và Bắc Kinh đã nhắc đi nhắc lại rằng tham vọng của họ chủ yếu là về thương mại và môi trường chứ không phải về quân sự. Tuy nhiên, Washington đang ngày càng nghi ngờ và nhận thức được nguy cơ tụt hậu. Vì vậy, Lầu Năm Góc đang xem xét lại chiến lược Bắc cực của mình.

Tháng 5 năm ngoái, Washington được tiết lộ là đang xem xét lắp đặt các tên lửa hành trình chống tàu lên các tàu phá băng mới nhất của mình, một sự thay đổi lớn so với vai trò chủ yếu là làm nghiên cứu và tìm kiếm cứu nạn của các con tàu này.

Sự mở rộng quân sự của Nga ở vòng cung Bắc cực đã vượt xa các nước khác. Moskva đã đổ rất nhiều nguồn lực vào phòng thủ bờ biển phía Bắc bao gồm việc tạo ra và mở cửa trở lại 6 cứ điểm quân sự và xây dựng 3 tàu phá băng hạt nhân nhằm bổ sung cho đội tàu gồm 40 chiếc hiện nay của mình.

Hạm đội phương Bắc của Nga cũng sẽ nhận thêm một loạt những khoản đầu tư mới, bao gồm 2 tàu phá băng được thiết kế để mang theo các tên lửa chống hạm.

Moskva coi các vùng biển phương Bắc như là một pháo đài mà ở đó họ có thể dấu các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân mà nước này cần dựa vào để răn đe chống lại các cuộc tấn công từ nước ngoài.

Dù các tàu ngầm vẫn có thể xâm nhập những vùng biển này mà không bị phát hiện nhưng sự phòng thủ của Moskva sẽ khiến cho các tàu mặt nước không thể nào tồn tại được gần lãnh thổ của Nga khi xảy ra chiến tranh.

Con tàu phá băng đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, tàu Tuyết Long 2, đã được hạ thủy vào hồi tháng 12 và sẽ hoạt động cùng với con tàu cùng tên do Ukraine chế tạo cho Bắc Kinh và đưa vào vận hành từ năm 1994. Cả hai con tàu Tuyết Long được cho là không được trang bị vũ khí nhưng điều đó có thể thay đổi một cách dễ dàng.

Nhưng chính tiềm năng thương mại ở Bắc Cực là điều có ý nghĩa quan trọng hơn. Đây là khu vực mà Mỹ dường như ngày càng có khả năng bị tụt hậu. Nga là nước duy nhất có đủ tàu phá băng để hộ tống các con tàu chở hàng xuyên qua các vùng nước thường bị đóng băng, mang lại cho nước này khả năng ảnh hưởng đến xu hướng vận tải biển của khu vực.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính rằng Bắc Cực có thể chứa hơn 1/5 trữ lượng dầu và khí chưa được khám phá của thế giới. Nga đã đưa ra các yêu sách của mình ở đó trong hơn một thập niên qua, sử dụng các tàu ngầm để cắm cờ Nga lên đáy đại dương ở đây.

Sự thèm muốn ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với khu vực này cũng có ý nghĩa quan trọng. Các chuyên gia Canada đã sốc khi nhìn thấy Sách trắng của Trung Quốc gọi Lối đi Tây Bắc (Northwest Passage) là một “eo biển quốc tế”. Canada từ lâu đã gọi khu vực này là “nội thủy” của mình.

Trung Quốc nói rằng bất cứ tranh chấp nào cũng nên được giải quyết thông qua “tham vấn hữu nghị”, nhưng điều đó không đủ để xoa dịu các mối quan ngại.

Mỹ có thể chưa bao giờ tiến hành một cuộc chiến tranh ở Bắc Cực. Nhưng chẳng cần chiến tranh thì nước này cũng sẽ dễ dàng bị đẩy ra khỏi một khu vực vốn có thể trở thành một vùng quan trọng của thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn