Mô hình phát triển của Trung Quốc và Mỹ, sự lựa chọn nào cho Việt Nam?

Chủ Nhật, 14 Tháng Hai 20216:00 SA(Xem: 4906)
Mô hình phát triển của Trung Quốc và Mỹ, sự lựa chọn nào cho Việt Nam?
rfa.org

Mô hình phát triển của Trung Quốc và Mỹ, sự lựa chọn nào cho Việt Nam?

Đỗ Thanh Minh 2021-02-12

Liệu Trung Quốc sắp vượt Mỹ?

Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khởi đầu từ tháng 3/2018 cho tới nay, giới nghiên cứu trên thế giới đã tốn rất nhiều giấy mực để bàn luận và dự đoán ai sẽ là người chiến thắng.

Hoa Kỳ là một siêu cường, còn Trung Quốc là một cường quốc đang lên muốn thay thế Hoa Kỳ để “lãnh đạo” thế giới. Chính vì vậy, cuộc thư hùng” giữa hai đại cường này sẽ tác động đến toàn bộ trật tự thế giới, và đương nhiên, các nước nhỏ như Việt Nam luôn phải đoán định xem ai sẽ là người chiến thắng để từ đó vạch ra chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại theo đường hướng lâu dài của mình.

Từ năm 2011, cuộc đối thoại giữa hai nhân vật đầy ảnh hưởng về lịch sử là Francis Fukuyama (Mỹ) và Trương Duy Vi (Trung Quốc) đã cho thấy sự so găng” giữa hai mô hình phát triển: Mỹ và Trung Quốc. Và những quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ cần tham khảo và nên chọn theo mô hình nào để phát triển.

Sau những rắc rối, lộn xộn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi, đặc biệt qua nhiệm kỳ đầy tranh cãi của TT Donald Trump, nhiều người trên thế giới, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu từ Việt Nam đã cảm thấy nghi ngờ và băn khoăn về mô hình của Mỹ. Họ cảm thấy rằng, mô hình dân chủ kiểu Mỹ đã lỗi thời, và dường như mô hình độc tài, chuyên chế được khoác dưới lớp áo của chủ nghĩa dân tuý lại đang chiếm ưu thế. Các ví dụ điển hình chính là Donald Trump của Mỹ và Duterte của Philippines. Chưa kể đến hình ảnh Trung Quốc dưới thời Hoàng đế Tập Cận Bình” dường như càng ngày càng mạnh lên, còn hình ảnh của Mỹ lại cho thấy sự rệu rã từ bên trong, đặc biệt sự cố ngày 6/1 đã phơi bày căn bệnh trầm kha của nước Mỹ dân chủ.

Một câu hỏi lớn mà nhiều người trên thế giới đang đặt ra là phải chăng đại dịch COVID-19 đang tái cấu trúc lại trật tự toàn cầu, khi mà kinh tế Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ với tốc độ cao hơn cả Âu-Mỹ và một cơ quan nghiên cứu của Anh đã dự đoán Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ vào năm 2028 để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

2019-06-29T025631Z_39813401_RC111CAC0850_RTRMADP_3_G20-SUMMIT-TRUMP.JPG
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phường bên lề Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 29/6/2019. Reuters

Các phương tiện truyền thông và tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc cũng không ngừng quảng bá những thành tựu kinh tế, chính trị mà nước này đạt được. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, cạnh tranh Mỹ-Trung được cho là sẽ phải trộn bài chia ván mới”. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng dù Mỹ đang đứng trước ngã tư giữa thịnh và suy, Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều nỗi lo thế kỷ, thậm chí là điểm yếu chí tử, có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh Mỹ-Trung trong tương lai.

Ngoài việc duy trì sự ổn định chính trị, những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt bao gồm các vấn đề lớn như thiếu lương thực, thiếu năng lượng, già hóa dân số và phát triển công nghệ bị lệ thuộc vào nước ngoài. Tất cả những vấn đề này muốn giải quyết được đòi hỏi một môi trường quốc tế và thân thiện để phát triển hòa bình. 

Tuy nhiên, hàng loạt hành động theo kiểu phô trương cơ bắp của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình vài năm gần đây đã làm dấy lên sự dè chừng đối với Trung Quốc. Trừ khi Bắc Kinh thay đổi đường lối, nếu không môi trường thế giới sẽ dần trở nên bất lợi cho nước này.

Bốn điểm yếu nghiêm trọng của Trung Quốc

Năm 2020, kinh tế Trung Quốc được cho là tăng trưởng 2,5%. Trong khi đó, kinh tế Mỹ giảm 3,5%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 7,4% và kinh tế toàn cầu sụt giảm 4,3%. Điều này khiến Trung Quốc trở thành cường quốc tăng trưởng dương duy nhất, song đằng sau sự hào nhoáng đó là một loạt vấn đề nghiêm trọng.

Thứ nhất, Trung Quốc có thể thiếu lương thực lâu dài. Năm 2020, thế giới đối mặt với nạn thiếu lương thực tồi tệ nhất trong 50 năm, nạn đói xảy ra ở ít nhất 25 quốc gia. Nhiều nước sản xuất lương thực hạn chế xuất khẩu. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng kho dự trữ lương thực của nước này đã đầy và các chuyên gia Trung Quốc cũng nói rằng Trung Quốc không thiếu lương thực, chỉ “hơi căng thẳng một chút” trong việc cân bằng, nhưng vẫn có thể tự cung tự cấp.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Cận Bình đã khởi xướng Chương trình Đĩa sạch” và “từ chối các bữa tiệc thừa mứa”. Phải chăng ông đang cố gắng giảm thiểu lãng phí hay vì tình trạng thiếu lương thực? 

Theo truyền thông Trung Quốc, nhu cầu lương thực của Trung Quốc năm 2020 vào khoảng 700 triệu tấn, trong đó 554 triệu tấn tự sản xuất và gần 150 triệu tấn phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, an ninh lương thực đang đối mặt với nguy cơ lớn. Năm ngoái, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu lúa mì, ngô và lúa mạch còn đậu tương thì mỗi năm đều nhập khẩu trên 100 triệu tấn. Nhiều địa phương như tỉnh Cam Túc, Hồ Bắc… đã tăng cường tích trữ lương thực và tin đồn về một cuộc khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc vẫn chưa dừng lại.

Trên thực tế, mỗi năm, Trung Quốc mất đi khoảng 200.000 mẫu đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy công nghiệp, nhà ở… Diện tích đất canh tác của nước này hiện chỉ còn không đầy 1,5 tỷ mẫu, tương đương 9% toàn cầu. Điều này có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực.

Ví dụ như Quảng Đông, sản lượng lương thực của tỉnh này trong năm 2019 là 12,41 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ lại tới 51,25 triệu tấn, tỷ lệ tự cung tự cấp chỉ là 24%. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Quảng Đông phá mốc 1.600 tỷ USD, cao gấp 2,62 lần vùng lãnh thổ Đài Loan, nhưng vẫn phụ thuộc nghiêm trọng vào lương thực nhập khẩu.

Ở chiều ngược lại, diện tích đất canh tác ở Mỹ rộng lớn, 1,6% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể nuôi sống 340 triệu người dân nước này. Hàng năm, Mỹ còn xuất khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương, tiểu mạch…. Hơn nữa, lượng đất có thể canh tác mà chưa khai thác của Mỹ còn rất nhiều, một khi cần đều có thể sử dụng để sản xuất lương thực. 

Trong bối cảnh này, sự khác biệt về điều kiện cung cấp lương thực giữa Mỹ và Trung Quốc đặt Mỹ ở thế bất khả chiến bại. Trong khi Trung Quốc cần nhập khẩu lương thực và nếu xảy ra chiến tranh, các tuyến vận tải trên bộ và trên biển bị nước ngoài kiểm soát, Bắc Kinh liệu có còn đủ dũng khí để đấu tranh với Mỹ hay không? Điều này làm lộ rõ điểm yếu cố hữu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thứ hai là năng lượng. Trung Quốc tuyên bố có thể tự cung tự cấp 90% năng lượng, nhưng Quy hoạch Phát triển Năng lượng 5 năm lần thứ 13 (kết thúc năm 2020) lại nói rằng Trung Quốc hy vọng có thể nâng tỷ lệ tự cung tự cấp về năng lượng lên 80%. Điều này không khác nào tự vạch áo cho người xem lưng”. 

Bắc Kinh ra sức phát triển năng lượng hạt nhân, thủy điện và năng lượng Mặt Trời…, song lại cần nhập khẩu dầu thô và khí đốt thiên nhiên. Lượng tiêu thụ dầu thô mỗi năm lệ thuộc vào nhập khẩu lên tới 72%, tiêu tốn khoảng 240 tỷ USD.

Ngoài việc không thể tự sản xuất đủ, hơn 70% dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc phải đi qua eo biển Malacca. Những năm gần đây, cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng leo thang, Mỹ bắt tay với các nước kiểm soát các tuyến nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, buộc Bắc Kinh phải phát triển hải quân biển xa để đối phó. Do đó, năng lượng đã trở thành điểm yếu lớn tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc chiến giành quyền bá chủ tương lai với Mỹ.

Thứ ba là vấn đề già hóa dân số. Chính sách một con của Trung Quốc bị cáo buộc là sai lầm, gây ra thảm họa nhân khẩu học ngày nay ở nước này. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh. Giáo sư Lương Kiến Chương thuộc Đại học Bắc Kinh đã xuất bản một bài báo chỉ rõ thời kỳ sụp đổ dân số của Trung Quốc đang đến và nếu nước này không thể thúc đẩy tỷ lệ sinh tăng lên đáng kể thì sẽ rơi vào tình trạng suy giảm không đáy. 

Bài báo lấy dữ liệu từ các khu vực khác nhau làm ví dụ như tỷ lệ sinh ở Ôn Châu vào năm 2020 thấp hơn 19,01% so với cùng kỳ năm 2019, ở Hợp Phì giảm khoảng 23% và Thái Châu giảm 32,6%. Sự suy giảm dân số sẽ làm giảm tỷ lệ thanh niên và tăng mạnh tỷ lệ người cao tuổi.

Nhà nghiên cứu Dị Phúc Hiền thuộc Đại học Wisconsin đã xuất bản cuốn sách "Quốc gia trống rỗng: Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đi lạc hướng", chỉ rõ tỷ lệ sinh ở 3 tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Trung Quốc trong năm 2019 chỉ đạt 0,61%, thấp hơn cả Nhật Bản (0,68%) và tỷ lệ sinh hiện nay ở khu vực Đông Bắc sẽ là tỷ lệ sinh ngày mai của Trung Quốc. Nhìn chung, sự gia tăng chi phí nhà ở, chi tiêu cho nuôi dạy con cái và giáo dục làm giảm mong muốn sinh con của những người trẻ tuổi, khiến tình trạng lão hóa dân số ngày một trầm trọng và lao động thiếu hụt. Đây chính là hiện thực chưa mạnh đã già” của Trung Quốc.

Con đường mà Trung Quốc đi cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nguồn nhân lực.

Vấn đề đáng lưu ý là cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực đáng báo động của Trung Quốc lại đang diễn ra ở một vùng của đất nước mà hầu như không thể quan sát được đối với người ngoài và thậm chí đối với hầu hết người Trung Quốc ở thành thị: Đó là vùng nông thôn Trung Quốc.

Trung Quốc đã bỏ qua việc phát triển nông thôn quá lâu. Nếu thực sự muốn trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, Bắc Kinh cần phải hành động ngay từ bây giờ để nâng cao mức nguồn lực con người càng nhanh càng tốt và từ đó đặt nền tảng cho lực lượng lao động của tương lai.

2019-01-29T214316Z_433066019_RC1887272750_RTRMADP_3_USA-CHINA-HUAWEI.JPG
Hình minh hoạ. Quốc kỳ Mỹ và biểu tượng của hãng công nghệ Hoa Vi của Trung Quốc hiện đang bị Mỹ cấm vận. Reuters

Thứ tư là nút thắt cổ chai trong phát triển khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ chính là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Khoa học công nghệ Trung Quốc trước đây chỉ “nhìn ngắn, vì lợi ích trước mắt”, “đi tắt, kiếm lợi nhanh”. 

Vì vậy, khi bị Mỹ cấm vận, các ông lớn công nghệ như Huawei, ZTE… đều gặp khó khăn và mong ngóng chờ đến ngày Mỹ nới lệnh trừng phạt. Càng ngày, cách thức mà Bắc Kinh áp dụng mấy chục năm qua như cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, ăn cắp bí mật công nghệ, sao chép công nghệ... càng khó tiếp tục. 

Trong thời gian ngắn hạn sắp tới, Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này. Do đó, để có thể thành công trong việc tự chủ nghiên cứu phát triển, Trung Quốc phải mất vài chục năm.

Việt Nam học được gì?

Các phân tích trên cho thấy, mặc dù với nhiệm kỳ của ông Trump, nền dân chủ Mỹ đã có những bước lùi, tuy nhiên, hệ thống dân chủ và các định chế chính trị quốc tế do Mỹ và các nước phương Tây đã xây dựng từ trước vẫn giữ vai trò xương sống trong trật tự quốc tế hiện hành. Mặc dù Trung Quốc vẫn đang cố vượt Mỹ và bộc lộ ý định sắp xếp lại trật tự thế giới theo cách của họ, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể làm được điều đó, ít nhất trong thế kỷ này.

Con đường phát triển của Đài Loan có thể là một bài học để có thể giúp Việt Nam phát triển, đứng vững trước sự đe doạ của Trung Quốc. Đài Loan trước đó, dưới thời của Tưởng Giới Thạch cũng áp dụng mô hình tương tự như Trung Quốc cộng sản với cách cai trị chuyên chế, độc đoán. Sau này, Đài Loan dưới thời kỳ của Tưởng Kinh Quốc đã phải lựa chọn, nếu tiếp tục giữ mô hình cũ thì chỉ là một bản sao của Trung Quốc cộng sản, sớm muộn cũng sẽ bị Trung Quốc thôn tính. Chính vì vậy, Tưởng Kinh Quốc đã phải quyết định cải cách Đài Loan đi theo mô hình dân chủ phương Tây để có thể phát huy sức mạnh nội lực cùng với sức mạnh của thế giới văn minh. Chính vì vậy, Đài Loan tuy nhỏ nhưng vẫn hiên ngang đứng vững trước mọi sự đe doạ của Trung Quốc.

Vì thế, Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang trên đường phát triển thành một cường quốc tầm trung, cần phải nhận thấy rằng, nếu Việt Nam thực sự muốn hoà nhập với thế giới thì cần phải xây dựng đất nước theo hướng dân chủ, tự do, để có thể phát huy được các sức mạnh nội lực đồng thời có thể tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài khi hội nhập với thế giới.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn