Biển Đông: Pháp,Mỹ có hành động “phối hợp” cụ thể để bảo vệ quyền tự do hàng hải

Thứ Ba, 09 Tháng Hai 20219:51 SA(Xem: 4539)
Biển Đông: Pháp,Mỹ có hành động “phối hợp” cụ thể để bảo vệ quyền tự do hàng hải
rfi.fr

Biển Đông: Pháp,Mỹ có hành động “phối hợp” cụ thể để bảo vệ quyền tự do hàng hải

Trọng Nghĩa

Tàu ngầm hạt nhâm SNA Emeraude lầ một trong 2 tàu của Pháp tham gia tuần tra ở Biển Đông. Ảnh tư liệu.

Tàu ngầm hạt nhâm SNA Emeraude lầ một trong 2 tàu của Pháp tham gia tuần tra ở Biển Đông. Ảnh tư liệu. Franck Seurot MARINE NATIONALE/AFP/File

Trong một động thái hiếm hoi, Hải Quân Pháp vừa phái một tàu ngầm tấn công hạt nhân cùng một tàu hỗ trợ hậu cần đến tuần tra tại vùng Biển Đông. Thông tin được tiết lộ vào lúc Hải Quân Mỹ cũng tăng cường việc cử chiến hạm – cụ thể là hai nhóm tác chiến tàu sân bay - vào hoạt động trong khu vực mà Bắc Kinh tự nhận là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là phải chăng Paris và Washington đã quyết định phối hợp hành động để hạn chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông.

Việc Pháp cử chiến hạm qua tuần tra tại Biển Đông đã được tiến hành “gần đây”, những mãi đến hôm qua, 08/02/2021 mới được bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly tiết lộ.

Trong một tin nhắn Twitter, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Pháp cho biết là tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude của Pháp cùng chiến hạm hỗ trợ BSAM Seine đã di chuyển qua Biển Đông trong thời gian gần đây. Kèm theo môt bức ảnh chụp hai chiến hạm Pháp, bà Parly xác nhận đây là một chiến dịch tuần tra “bất thường”, nhưng lại là một “bằng chứng nổi bật về khả năng triển khai lực lượng xa bờ và trong một thời gian dài của Hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản”.

Mục tiêu của chiến dịch này là gì? Theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, một trong những mong muốn của Paris là “để khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào mà chúng ta đến"

Theo giới quan sát, tuyên bố của bà Parly rất giống với thông điệp mà Hoa Kỳ thường nêu lên để khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải, đặc biệt là tại Biển Đông. Đó là đi đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Thời điểm diễn ra chiến dịch của Pháp tại Biển Đông rất đáng chú ý, vì được tiến hành ngay sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã không che giấu ý định phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để hạn chế các hành vi coi thường luật lệ quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc.

Phải chăng chiến dịch của Pháp được tiến hành trong sự phối hợp với Mỹ, vì vào cùng một thời điểm, Hải Quân Mỹ cũng gia tăng các hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là chiến dịch bảo vệ quyền "tự do hàng hải" đầu tiên dưới thời tổng thống Biden vào tuần trước của chiếc khu khu hạm USS John McCain áp sát quần đảo Hoàng Sa, hay thông tin vừa được Hải Quân Mỹ loan báo hôm nay, 09/02, theo đó hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng với nhóm tác chiến tháp tùng đã có mặt ở Biển Đông để cùng tập trận.

Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy của nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt, cũng xác nhận là Hải Quân Mỹ sẵn sàng “đáp ứng thách thức duy trì hòa bình và tiếp tục cho các đối tác và đồng minh trong khu vực thấy rằng Mỹ quyết tâm thúc đẩy một  vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.

Cho đến lúc này, chưa có thông tin chính thức nào về giả thuyết Pháp và Mỹ cùng phối hợp hành động trên Biển Đông, nhưng theo trang mạng báo Nhật Bản Japan Times vào hôm nay, thì vào cuối năm ngoái, truyền thông Nhật đã tiết lộ thông tin theo đó Pháp, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển lần đầu tiên vào tháng 5, với thông điệp nhằm chống lại Trung Quốc và tăng cường hợp tác đa phương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn