Trung Quốc rõ ràng là đứng đằng sau cú đảo chính tại Miến Điện ?

Thứ Bảy, 06 Tháng Hai 20218:00 SA(Xem: 3659)
Trung Quốc rõ ràng là đứng đằng sau cú đảo chính tại Miến Điện ?
Myanmar
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) (P) và lãnh đạo giới quân sự Miến Điện, Min Aung Hliang, ngày 12/01/2021, ở Naypyidaw.
Ngày 01/02/2021, quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính phủ dân sự, ban hành tình trạng khẩn cấp trong một năm. Tiến trình dân chủ hóa vừa được khởi sự, với sự ra đời của chính phủ dân sự cách nay hơn 5 năm, có nguy cơ bị đảo ngược. Hoa Kỳ và các nước phương Tây ngay lập tức lên án. Hội Đồng Bảo An họp khẩn ngày 02/02, nhưng chưa ra được tuyên bố chung, do Trung Quốc và Nga "phủ quyết".

« Bắc Kinh có hậu thuẫn cuộc đảo chính ở Miến Điện hay không ? » là câu hỏi và cũng là tựa đề bài viết của nhà nghiên cứu Azeem Ibrahim, đăng tải trên trang mạng Foreign Policy, đúng vào ngày nổ ra cuộc đảo chính. Theo ông Azeem Ibrahim, mặc dù giới tướng lãnh Miến Điện liên tục gây áp lực với chính quyền dân sự kể từ tháng 11/2020, trong vụ cáo buộc cuộc bầu cử ngày 03/11 là « gian lận », và buộc chính phủ của bà Aung San Suu Kyi phải xét lại kết quả, nhưng họ chưa quyết định hành động.

Tại sao Tatmadaw lại ra tay vào thời điểm này ? (« Tatmadaw » là từ mà người Miến Điện thường dùng để gọi giới tướng lãnh).

Theo tác giả, cần chú ý đến việc giới tướng lãnh Miến Điện kiên quyết phản đối kết quả cuộc bầu cử dân chủ diễn ra bối cảnh tại nước Mỹ, tổng thống mãn nhiệm Donald Trump cũng tìm mọi cách để phản bác kết quả cuộc bầu cử dân chủ, cho dù không đưa ra một bằng chứng nào, mang lại những áp lực chưa từng có đối với các định chế dân chủ, pháp quyền tại Mỹ (với đỉnh điểm là những người ủng hộ ông Trump tấn công nhà Quốc Hội ngày 06/01). Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh là rất có thể chính Trung Quốc mới là thế lực có « vai trò quan trọng nhất » trong quyết định đảo chính của giới tướng lãnh.

Chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc

Nhà nghiên cứu trung tâm tư vấn chính trị quốc tế Center for Global Policy đặc biệt chú ý đến cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing trong chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), ngày 11 và 12 tháng Giêng.

Ông Azeem Ibrahim nêu giả thiết : chính cuộc gặp này đã là tác nhân dẫn đến quyết định đảo chính của giới tướng lãnh. Theo nhà nghiên cứu Mỹ, rất có thể là phía Trung Quốc « đã không hề có một dấu hiệu công khai nào, để bật đèn xanh cho ý đồ đảo chính của giới tướng lãnh Miến Điện », nhưng thái độ của đại diện ngoại giao Bắc Kinh có thể đã khiến cho giới tướng lãnh Miến Điện nghĩ rằng dù sao chăng nữa, họ cũng sẽ được Bắc Kinh bảo vệ. Tính toán của giới quân sự Miến Điện có thể là Bắc Kinh « sẽ không bỏ lỡ cơ hội để mở rộng ảnh hưởng tại châu Á ». Và trong trường hợp Hoa Kỳ và các đồng minh trừng phạt giới quân sự Miến Điện, do đảo chánh, chính quyền Trung Quốc ắt hẳn sẽ đứng về phía giới tướng lãnh, để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu Azeem Ibrahim cũng nêu bật tình huống phức tạp hiện nay trong quan hệ giữa Trung Quốc và Miến Điện. Có một điều khá nghịch lý là, trong những năm vừa qua, Bắc Kinh đã siết chặt quan hệ với chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nhiều hơn là với giới tướng lĩnh Miến Điện trước đây, dưới thời độc tài quân sự. Tuy nhiên, hợp tác giữa Bắc Kinh với chính phủ Aung San Suu Kyi đang gặp trở ngại lớn trong một số dự án, như con đập khổng lồ Myitsone, trị giá 3,6 tỉ đô la, và sự phản đối của dân chúng địa phương, do các tác động lớn về môi trường. Có thể chính tướng Min Aung Hliang đã có những cam kết tăng cường quan hệ với Trung Quốc, tái khởi động dự án đập Myitson, và đây chính là một dấu hiệu cho thấy giới tướng lãnh có thể có những nhân nhượng quan trọng với Trung Quốc, nhiều hơn là với chính quyền dân sự. 

Tướng Miến Điện đề cập bất đồng về bầu cử với ngoại trưởng Trung Quốc

Chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chính quyền Miến Điện, cả về phía chính phủ dân sự, cũng như bên quân đội. Ông Vương Nghị là ngoại trưởng nước ngoài đầu tiên công du Miến Điện, kể từ sau cuộc bầu cử đầu tháng 11. Về mặt chính thức, chuyến công du này, cho thấy chính quyền Bắc Kinh « ủng hộ tân chính phủ », được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc Hội, tuy nhiên, Bắc Kinh cũng duy trì quan hệ mật thiết song song với giới tướng lãnh.

Cuộc gặp hồi giữa tháng Giêng 2021 giữa ngoại trưởng Trung Quốc và người đứng đầu giới tướng lãnh, tướng Min Aung Hliang, được báo chí Miến Điện chú ý, đặc biệt do việc thủ lĩnh quân đội Miến Điện đã công khai đề cập với đại diện ngoại giao Trung Quốc về những bất đồng nội bộ Miến Điện liên quan đến bầu cử. Trang mạng độc lập Irrawady cho biết tướng Min Aung Hliang đã chia sẻ với vị khách mời « những kết luận » của quân đội về « những sai lầm », « những cách tính toán không chính xác » làm sai lạc kết quả bỏ phiếu (điều khiến báo Irrawady ngạc nhiên, vì ắt hẳn lãnh đạo quân đội Miến Điện phải thừa hiểu, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tại Trung Quốc, không hề có bầu cử tự do).

Về câu hỏi Bắc Kinh có hậu thuẫn cho cuộc đảo chính của giới tướng lãnh Miến Điện hay không, hãng tin AP dẫn quan điểm của một số nhà quan sát ghi nhận, cho dù Trung Quốc « không có vai trò nào trong việc lật đổ bà Aung San Suu Kyi », thì cú đảo chính này cũng có thể khiến ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tại Miến Điện, và ảnh hưởng này sẽ càng gia tăng, nếu Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt các trừng phạt.

Bắc Kinh muốn Miến Điện « ổn định »

Tuy nhiên, tình hình Miến Điện dường như phức tạp hơn nhiều, đen trắng không dễ tách bạch. Theo AP, bất kể nội tình chính trị Miến Điện diễn biến ra sao, sự hiện diện về kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện có xu hướng ngày càng trở nên mạnh mẽ, với hàng loạt dự án khai thác mỏ, thủy điện xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng cam kết đầu tư hơn 21 tỉ đô la tính cho đến nay.

Hãng tin AP dẫn một luận điểm hoàn toàn ngược lại, của học giả Trung Quốc Triệu Can Thành (Zhao Gancheng), Viện nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải. Nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, « kinh doanh đòi hỏi môi trường ổn định », Bắc Kinh sẽ hoàn toàn không có lợi lộc gì khi Miến Điện rơi vào rối loạn, khiến các dự án của Trung Quốc ở đây bị ảnh hưởng nặng nề. Quan điểm của học giả Trung Quốc cũng phần nào trùng với nhận định của chuyên gia chính trị và kinh tế quốc tế Chris Ankerson, Center for Global Affairs, có trụ sở tại New York, theo đó, lợi ích chiến lược của Bắc Kinh tại Miến Điện là « ổn định » phải được duy trì.

Tuy nhiên, vấn đề thế nào là « ổn định » ? Cũng chuyên gia Chris Ankerson lưu ý, rất có thể quân đội Miến Điện đã quyết định ra tay đảo chính khi tính toán là, các thiệt hại do trừng phạt phương Tây do cú đảo chính sẽ ít hơn nhiều so với cái lợi thu hoạch được, do việc loại bỏ được đối thủ chính trị ngày càng trở nên đáng gờm trong nội bộ.

Đối với giới quân sự, lật đổ chính quyền Aung San Suu Kyi lúc này chính là thượng sách, khi áp lực từ phía các quốc gia dân chủ, đang trong tình trạng phân hóa, là không đủ để tác động đến nội tình Miến Điện, và chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi vừa được dân chúng ủng hộ nhiều hơn (theo kết quả bầu cử vừa qua), cũng vừa duy trì được quan hệ tốt với Bắc Kinh, có thể sẽ trở thành mội đối thủ đáng sợ hơn nhiều trong tương lai.

Đối tác kinh tế lớn nhất hiện nay của Miến Điện là Trung Quốc. Giới tướng lãnh kiểm soát một bộ phận lớn nền kinh tế Miến Điện. Rất có thể các tính toán của giới tướng lĩnh Miến Điện đã gặp gỡ quan điểm của Bắc Kinh. Theo chuyên gia John G. Dale, Đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi hơn nhiều, nếu kéo được Miến Điện vào hẳn quỹ đạo các dự án phát triển kinh tế của Trung Quốc. Như vậy, chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc giữa tháng Giêng vừa qua có thể chỉ là một tín hiệu đồng thuận bổ sung cho sự thống nhất quan điểm đã hình thành giữa hai bên.

(RFI)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn