Hạn mặn ĐBSCL năm 2021: dù chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn bị ảnh hưởng

Thứ Sáu, 05 Tháng Hai 20212:00 SA(Xem: 3162)
Hạn mặn ĐBSCL năm 2021: dù chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn bị ảnh hưởng
rfa.org

Hạn mặn ĐBSCL năm 2021: dù chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn bị ảnh hưởng

RFA 2021-02-03

Tình trạng xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra dự báo như vừa nêu vào ngày 2/2.

Theo thông tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, các chuyên gia cục trồng trọt cho hay xâm nhập mặn 2020-2021 cao hơn trung bình nhiều năm và có xu thế gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ tháng 1/2021. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long tập trung tháng 2 và 3.

Nguyên nhân được cho biết là do hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc đã giảm xả nước xuống hạ lưu, lưu lượng giảm 50% và hiện chỉ còn khoảng 1000 m3/s chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Việc giảm lượng nước ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tác động rõ nhất trong tháng 2 trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên Đán.

Tháng 11 Tây bắt đầu nước ít rồi, đến tháng này là hết nước luôn. Nước không lớn, chỉ là nước cạn thôi. Hiện tại không có nước luôn, nước ít lắm. - Nông dân

Một nông dân tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cho RFA biết vào tối 3/2 tình trạng hiện nay:

“Tháng 11 Tây bắt đầu nước ít rồi, đến tháng này là hết nước luôn. Nước không lớn, chỉ là nước cạn thôi. Hiện tại không có nước luôn, nước ít lắm.”

Theo nhận định của Ủy hội sông Mekong Quốc tế, tổng lượng dòng chảy trong tháng 2, từ thượng nguồn sông Mekong tại Campuchia về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khoảng 5-15%; từ tháng 3-5, khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

Nói rõ hơn về tình trạng thiếu nước năm nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết vào tối 3/2 như sau:

“Năm nay lượng mưa đến Đồng Bằng Sông Cửu Long nhiều hơn năm rồi, đặc biệt giai đoạn cuối mùa mưa. Tuy nhiên khả năng lượng nước bây giờ không còn nhiều vì dòng chảy ở thượng nguồn xuống bắt đầu có chiều hướng suy giảm bởi vì tụi tôi theo dõi mực nước bắt đầu từ Lào xuống Campuchia và Việt Nam thì thấy thấp xấp xỉ năm vừa rồi và thấp hơn trung bình nhiều năm.

Có một giai đoạn nước không vào hồ, chính vì nước vào các hồ ít như vậy thì khả năng điều tiết để trong mùa khô chống xâm nhập mặn ít đi. Bây giờ thấy có dấu hiệu xâm nhập mặn xuất hiện, đặc biệt những tỉnh ở Bến Tre, Trà Vinh bắt đầu có báo động là thiếu nước ngọt.”

Một người nông dân đang thu thoạch cây mía giữa thời kỳ hạn hán.

Trao đổi với RFA từ Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn cho hay mặc dù có cảnh báo là phải đề phòng, nhưng cho đến giờ tình hình có vẻ đỡ hơn so với năm ngoái:

“Điều khác quan trọng là năm ngoái nhân dân, chính quyền tương đối khá bất ngờ trước mức độ hạn mặn chậm nhưng năm nay chuẩn bị tốt hơn, người dân có những biện pháp đề phòng, chính quyền có chỉ đạo chuẩn bị sớm hơn về mùa vụ, bố trí cơ cấu sản xuất, nhất là sau vụ hạn mặn năm ngoái thì mọi người đã điều chỉnh lại sản xuất.

Ở một số vùng cây ăn quả bà con đã biết xây dựng những hồ chứa nước sẵn để dự phòng. Các vùng nhiễm mặn thì trồng lúa sớm hơn và giảm bớt diện tích lúa.”

Theo TS. Đặng Kim Sơn, chính vì có sự chuẩn bị tốt như vừa nêu nên ông cho rằng năm nay nếu tình hình hạn mặn xảy ra thì khả năng chống đỡ tốt hơn năm ngoái.

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào ngày 29/1 đưa ra dự báo xu thế xâm nhập mặn trong năm 2021 cho biết xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1.

Phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80-95km, sông Cái Lớn từ 45-52km.

Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 2/2 loan tin cho biết, hầu hết các trà lúa đông xuân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện đã vượt qua giai đoạn bị sự đe dọa của hạn, xâm nhập mặn và đang trong giai đoạn đòng trổ và chín.

Theo Cục trồng trọt, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã xuống giống trên 1,5 triệu héc ta cho vụ đông xuân 2020-2021.

Cuối tháng 1 các vùng đã nhiễm mặn như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã thu hoạch hơn 200.000 héc ta và sẽ tiếp tục thu hoạch 400.000 héc ta trong tháng 2, dứt điểm còn lại trong tháng 3.

Vẫn theo Cục trồng trọt, việc tổ chức sản xuất tập trung để tránh xâm nhập mặn đã cho kết quả tốt.

Tuy nhiên, vẫn có nông dân trồng lúa cho hay tình hình thực tế không được khả quan như thông tin nêu trên:

“Những ruộng gần bờ sông được bơm nước thì sẽ trúng mùa, còn những ruộng không có nước sẽ thất. Thiếu nước thì phải bơm mà nhiều khi không có nước bơm, còn bị nhiễm phèn nữa, bị mặn.

Mấy người làm ruộng nhiều bị lỗ không, toàn lỗ không à. Nông dân những ngày không làm đồng áng thì làm việc khác, không chỉ tập trung lúa không. Làm đủ công việc hết, ai mướn gì làm đó.”

Điều khác quan trọng là năm ngoái nhân dân, chính quyền tương đối khá bất ngờ trước mức độ hạn mặn chậm nhưng năm nay chuẩn bị tốt hơn, người dân có những biện pháp đề phòng, chính quyền có chỉ đạo chuẩn bị sớm hơn về mùa vụ, bố trí cơ cấu sản xuất, nhất là sau vụ hạn mặn năm ngoái thì mọi người đã điều chỉnh lại sản xuất. - TS. Đặng Kim Sơn

PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho biết để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn năm nay, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trước đó:

“Ngay từ cuối mùa mưa tụi tôi đã khuyến cáo người nông dân chỗ nào không bảo đảm lượng nước ngọt như trường hợp năm vừa rồi thì đừng trồng lúa nữa mà chọn cây trồng ít sử dụng nước hoặc ngắn ngày.”

Bên cạnh việc thông tin người dân, nhóm của PGS. TS. Lê Anh Tuấn còn đề xuất với các chính quyền địa phương vùng ĐBSCL:

“Chúng tôi cũng khuyến cáo các địa phương trữ nước mưa càng nhiều càng tốt, trong các ao, hồ hay các phương tiện trữ nước khác. Thậm chí là vét lại nước mưa, lót bạt chống thất thoát nước để sử dụng cho mùa khô này.

Đồng thời cũng khuyến cáo các địa phương nếu có biện pháp nào nào làm được nhà máy xử lý nước ngọt thành nước mặn thì nên tiến hành nhanh để có thể cho các nhà máy đó hoạt động trong mùa khô này.”

Trong khi đó, TS. Đặng Kim Sơn lại cho rằng bên cạnh việc đưa ra những giải pháp mà chính phủ và các tổ chức đang thực hiện, cần phải có những biện pháp căn cơ hơn, không chỉ dừng ở mức điều chỉnh thời vụ, xử lý các biện pháp dự phòng như hiện nay. Ông đề xuất:

“Phải hình dung ra được một môi trường trong tương lai ở Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ thay đổi về trữ lượng nước thế nào để bố trí lại sinh kế, bố trí lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp dài hạn, chỗ nào cần bảo vệ công trình, chỗ nào cần thay đổi cơ cấu sản xuất.”

Đại diện Cục trồng trọt khuyến cáo các địa phương vùng ngọt như Cần Thơ, Đồng Tháp… cần quan tâm, không chủ quan về tình hình xâm nhập mặn vì năm nay hạn mặn có đặc điểm thay đổi bất thường, dao động khó lường trước được.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn