bbc.com

Quan hệ Anh-Trung hậu Brexit: Thương mại hay nhân quyền? - BBC News Tiếng Việt


Two men shaking hands at a trade negotiation

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Anh Quốc đang đi trên con đường hậu Brexit trong vị thế "một quốc gia tự tin độc lập - và tràn đầy năng lượng tích cực", theo lời chính phủ.

Anh Quốc nay hoàn toàn tự do thiết lập các mối quan hệ thương mại dựa trên các điều khoản, điều kiện của mình, và tự do theo đuổi các cơ hội, nâng cao tiêu chuẩn sống.

Thế nhưng liệu Anh có thể giữ cân bằng giữa lợi nhuận với nguyên tắc căn bản này?

Liệu có đáng nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng vi phạm nhân quyền để đổi lấy việc đạt thỏa thuận thương mại với một quốc gia nào đó, qua đó hạ giá được vài bảng Anh đối với mỗi chiếc áo sơ mi nhập khẩu hay không?

Quyết tâm Năm Mới của Anh đang được thử thách, và Trung Quốc đang ngày càng ít được ưu ái hơn.

Ngoại trưởng Dominic Raab đã đề cập tới việc hàng triệu người Hồi Giáo Uighur đang bị giam giữ tại các trại cải tạo và bị buộc phải lao động làm việc "nếu nói ở mức tồi tệ nhất... thì là tình trạng tra tấn, vô nhân đạo và bị đối xử tồi tệ".

Ông cảnh báo các công ty của Anh sẽ phải đối diện với những khoản phạt nếu họ không chứng minh được rằng chuỗi cung ứng sản phẩm của mình không dính dáng gì tới tình trạng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Hồi tháng 12, một cuộc điều tra của BBC cho thấy hàng ngàn người Uighur và các sắc tộc thiểu số khác đã bị buộc phải tới làm việc tại những cánh đồng bông ở Tân Cương.

Vùng này sản xuất ra một phần năm sản lượng bông toàn cầu, cho nên không dễ để nói rằng liệu chiếc áo phông bạn đang mặc trên người có xuất xứ từ đâu.

Anh Quốc và Canada dẫn đầu trong việc nêu ra cáo buộc, nhưng người ta đặt câu hỏi là rốt cuộc vấn đề sẽ đi xa tới mức nào.

Ông Raab nói với BBC rằng Anh Quốc không nên tham dự các cuộc đàm phán về tự do thương mại với những nước có hồ sơ nhân quyền "nằm ở mức dưới tội diệt chủng".

Xác định tình trạng vi phạm nhân quyền

Có một số vấn đề trong chuyện này: trước hết là cần phải xác định rõ xem ai là người có quyền thẩm định tình trạng vi phạm nhân quyền.

Các sửa đổi trong Dự luật Thương mại - hiện đang được đưa ra trình trước Quốc hội Anh - muốn chính phủ phải chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ nhân quyền của các đối tác tiềm năng.

Một nội dung sửa đổi khác đề xuất việc để Tòa Thượng thẩm Anh tuyên bố tình trạng diệt chủng ở các quốc gia khác, và đề xuất việc buộc phải hủy bỏ ngay lập tức các thỏa thuận thương mại mà Anh có với các quốc gia bị nêu danh đó.

Tuy nhiên, ông Raab nói rằng quyết định tuyên bố về tội diệt chủng không thể và không nên trao cho tòa án. Thay vào đó, các dân biểu sẽ là bên nắm quyền yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm về các thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, các dân biểu thuộc đảng Lao Động, những người đã viết cho các dân biểu đảng Bảo thủ để thúc giục ủng hộ các nội dung sửa đổi này, nói rằng họ đã bị khước từ quyền theo dõi, giám sát.

Họ nêu ví dụ về các thỏa thuận thương mại tiếp nối với Ai Cập, Cameroon và Thổ Nhĩ Kỳ - là các nước mà trước đây Anh Quốc được hưởng những điều khoản tương tự dựa trên thỏa thuận mà ba nước này ký với EU.

Các dân biểu Lao động nói ba quốc gia này đều có hồ sơ nhân quyền đáng đặt câu hỏi.

Tiếp đến là Trung Quốc. Hiện Anh không có kế hoạch có thỏa thuận gì với Bắc Kinh và ra chỉ dấu nói London sẽ không thỏa thuận với bất kỳ nước nào không chia sẻ những giá trị dân chủ của Anh Quốc.

Thế nhưng cả Anh và Trung Quốc đều đang hướng tới việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có quy mô rộng lớn hơn.

Với tổng giá trị xuất nhập khẩu gần 80 tỷ bảng Anh trong năm 2019, Trung Quốc đã là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Anh Quốc, và đây không chỉ là việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ tài chính xuyên biên giới.

Câu hỏi về Trung Quốc

Kể từ lần uống bia nổi tiếng của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng David Cameron tại quán pub vùng Buckinghamshire hồi năm 2015, đầu tư của Trung Quốc vào Anh đã bùng nổ trong mọi lĩnh vực, từ các câu lạc bộ bóng đá cho tới các chuỗi nhà hàng.

Nay, sức hấp dẫn của Trung Quốc đã kém đi, nhưng không dễ gì trong việc quay lưng lại với khoản đầu tư hấp dẫn, hay với một thỏa thuận thương mại vốn có thể giúp làm giảm giá hàng nhập khẩu và đem lại những cơ hội to lớn cho các nhà xuất khẩu, khi mà nền kinh tế Anh đã đang vận hành rồi.

Lấy ví dụ như ngành dệt may - một thỏa thuận tự do thương mại sẽ gỡ bỏ mức thuế 12% đối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Rốt cuộc, các thỏa thuận thương mại đều được xây dựng trên cơ quan hệ sẵn có, mà trong trường hợp này là mối quan hệ hết sức béo bở.

Những người chỉ trích nói rằng việc kiềm chế, không thúc đẩy thêm quan hệ với các nước có hồ sơ nhân quyền kém là chưa đủ, mà cần phải hạ bớt xuống.

Thế nhưng việc ngoảnh mặt lại với các nước đang đem tới hàng ngàn công ăn việc làm cùng rất nhiều các loại mặt hàng khác nhau, từ những sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động cho tới hàng tỷ đồ dùng thiết yếu như thiết bị bảo hộ an toàn cá nhân PPE, lại không phải là chuyện dễ dàng gì.

Một số người nói chính bản thân Anh Quốc cũng có những vấn đề. Nước này đã nối lại việc bán vũ khí cho Ả-rập Saudi hồi năm ngoái, sau khi chính phủ nói rằng cơ chế cấp phép đã được điều chỉnh để đảm bảo rằng vũ khí bán ra sẽ không được sử dụng tại Yemen. Các nhóm nhân quyền không tin tưởng điều này cho lắm.

Giữ cân bằng giữa việc làm một công dân có trách nhiệm với việc tận dụng, khai thác các cơ hội làm ăn mới chỉ là một điểm giằng xé mà nước Anh đang phải đối diện, giữa lúc Anh Quốc đang định hình danh tính mới của mình trên vũ đài quốc tế.