A nurse in ICU in a hospital in Tooting

Nguồn hình ảnh, PA Media

Đại dịch Covid-19 khiến con số tử vong vượt quá mức trung bình hàng năm ở Anh trong năm 2020 là cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai tới nay.

Có gần 697.000 người tử vong năm 2020 - cao hơn gần 91.000 so với mức dự báo dựa trên số bình quân của năm năm trước.

Con số này cho thấy số người chết tăng 15%, mức tăng cao nhất trong hơn 75 năm qua.

Sau khi đã tính toán các chỉ số tuổi tác và quy mô dân số, tỷ lệ tử vong trong năm 2020 là cao nhất kể từ thập niên 2000 tới nay.

Số liệu tuy mới chỉ tính đến hết tháng 11 và chưa bao gồm thống kê của tháng 12 nhưng đã cho thấy tỷ lệ tử vong tính đến thời điểm đó đã là cao nhất ở xứ Anh (England) kể từ 2008 tới nay.

Phân tích của Nick Triggle

Phóng viên Y tế

Dữ liệu về tử vong có thể gây hiểu nhầm.

Một mặt, số người tử vong vượt dự báo trung bình là cao nhất từ Thế Chiến II. Mặt khác, tỷ lệ tử vong, một khi đã xét cả về độ tuổi và quy mô dân số, là ở mức tồi tệ nhất 'chỉ' trong hơn một thập kỷ qua.

Vậy chúng ta giải thích con số này ra sao?

Số người tử vong vượt mức trung bình cơ bản là con số tính xem có bao nhiêu người chết nhiều hơn dự tính, dựa vào số tử vong những năm trước.

Rõ ràng là, năm 2020 có số tử vong tăng vọt ngoài dự tính vì đại dịch, cũng như Thế chiến II dẫn đến con số tăng đột ngột.

Nó cho thấy đại dịch đã phá hủy những tiến bộ chúng ta đạt được trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng nó cũng giúp ta nhìn con số tử vong trong 12 tháng qua trong bối cảnh rộng hơn.

Giám đốc quỹ King, ông Richard Murray cho biết tình hình nhiều khả năng sẽ còn xấu đi, vì số người chết do Covid tăng cao sau khi dịch lan rộng trong vài tuần qua.

"Anh Quốc có một trong những tỷ lệ người tử vong cao nhất trên thế giới, với số người chết vượt dự tính trên một triệu dân cao hơn hầu hết các nước châu Âu và Mỹ," ông nói.

"Cần có một cuộc điều tra công để xác định chuyện gì đã xảy ra, nhưng đã có nhiều sai lầm.

"Trong một đại dịch, sai lầm làm mất mạng sống. Các quyết định phong tỏa liên tục ra trễ, và chính phủ không học được từ những sai lầm trong quá khứ hay kinh nghiệm của các nước khác.

"'Vòng bảo vệ' đối với những người trong ngành chăm sóc người già được hứa hẹn trong làn sóng thứ nhất được triển khai rất chậm và thường không đủ, góp phần dẫn đến thêm nhiều ca tử vong ở các trại dưỡng lão năm ngoái.

"Cũng như nhiều nước khác, Anh Quốc chuẩn bị rất tồi cho đại dịch loại này."

Matthew Reed từ Tổ chức từ thiện Marie Curie nói việc tập trung vào Covid không che được thực tế là đã có "khủng hoảng thầm lặng" về những người chết ở nhà.

Ông nói nhiều người đã chết sớm trong năm 2020 vì các nguyên nhân khác - với số người chết ở nhà tăng mạnh.

"Chúng tôi lo ngại rằng nhiều người đã không nhận được sự chăm sóc họ cần," ông nói thêm.