Thỏa thuận đầu tư : EU đã « bán một phần linh hồn » cho Trung Quốc ?

Thứ Sáu, 01 Tháng Giêng 202110:00 SA(Xem: 2966)
Thỏa thuận đầu tư : EU đã « bán một phần linh hồn » cho Trung Quốc ?
rfi.fr

Thỏa thuận đầu tư : EU đã « bán một phần linh hồn » cho Trung Quốc ?

Thụy My

Trung Quốc là nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới trong năm 2020. Tập Cận Bình hứa sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng đến năm 2020 vùng biển này đã đầy những đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp, Hồng Kông bị chà đạp thô bạo. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre cho rằng về nhân quyền, EU « đã bán phần nào linh hồn » qua thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Hôm nay, 31/12/2020, ngày cuối cùng của một năm thế giới gặp đầy biến động, với hai sự kiện lớn : Anh Quốc chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), và EU ký thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư với Trung Quốc. Trang nhất của Libération là ảnh một người Ăng-lê đang quay lưng lại với dòng tít bằng tiếng Anh : « Brexit : The End ». Tương tự, trang bìa Le Figaro đăng ảnh thủ tướng Anh Boris Johnson vui vẻ xách chiếc va li vẫy tay chào, chạy tựa « Goodbye ! ».

Nhật báo Công Giáo La Croix tỏ ra lạc quan về năm mới, đưa ra 8 lý do để hy vọng. Le Monde quan tâm đến « Covid-19 : Siết chặt giới nghiêm ở một số vùng », còn nhật báo kinh tế Les Echos cho biết những thay đổi về thuế trong năm 2021 đối với các gia đình. Ở các trang trong, báo chí Pháp đều bày tỏ nghi ngại về thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc.

Một thỏa thuận cân bằng ?

Ủy Ban Châu Âu khẳng định đây không phải là một hiệp định thương mại, mà là « tái cân bằng các cơ hội buôn bán và kinh doanh ». Bắc Kinh chấp nhận mở cửa cho lãnh vực sản xuất, trong đó có xe điện, khiến Đức rất hài lòng. Pháp cũng vui khi các doanh nghiệp châu Âu được xây dựng và làm chủ các bệnh viện tư nhân tại những thành phố trên 10 triệu dân, tuy nhiên về dịch vụ y tế thì vẫn phải hợp tác với một đối tác địa phương. Về viễn thông, có thể đầu tư vào cloud, lãnh vực hàng không thì chỉ mở cửa phân nửa. Còn đổi lại thì sao ? Thực ra thị trường châu Âu xưa nay vẫn rộng mở, EU chỉ nhượng bộ đôi chút về năng lượng tái tạo.

Về bảo hộ đầu tư, Trung Quốc phải tôn trọng sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, hàng năm phải công bố việc trợ giá cho nhiều lãnh vực…trừ kỹ nghệ. Còn về trọng tài, do quan điểm quá khác biệt nên đôi bên dời lại đến 2022.

Bruxelles, Berlin và Paris đều cho rằng nhờ gây áp lực tối đa, Bắc Kinh mới nhượng bộ thêm về môi trường và lao động. Tuy nhiên không thể ca khúc khải hoàn vì thỏa thuận sẽ không có hiệu lực nếu các nghị sĩ châu Âu không thông qua, trong khi một số đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc phê chuẩn Công ước về lao động cưỡng bức phải là điều kiện tiên quyết.

Thành tích hứa hão của Trung Quốc 

Le Figaro cho biết đây chính là « lằn ranh đỏ » được Pháp đặt ra cho thỏa thuận, sau một loạt những tiết lộ về việc giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương, trong đó một số bị buộc phải làm việc cho kỹ nghệ bông vải. Trung Quốc đã nhượng bộ vào phút chót.

Như vậy điều kiện làm việc của hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ sẽ được cải thiện chăng ? Theo Le Figaro, câu trả lời rất đơn giản : Không !

Đó là kiểu nhượng bộ quen thuộc của Trung Quốc : mơ hồ, không mang tính bắt buộc, với những từ ngữ ngoại giao khéo léo. Bắc Kinh đã có nhiều « tiền sự » trong những cam kết về nhân quyền.

Chỉ cần nhìn lại 20 năm qua, kể từ Thế vận hội 2008. Ủy ban Thế vận Quốc tế khoe rằng Bắc Kinh đã có những tiến bộ về tự do báo chí, nhưng Trung Quốc là nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới trong năm 2020. Tập Cận Bình hồi năm 2015 hứa sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng đến năm 2020 vùng biển này đã đầy những đảo nhân tạo do Bắc Kinh ra sức đào đắp. Trắng trợn nhất là việc chà đạp thô bạo Hồng Kông trong năm nay, bất chấp thỏa thuận đã ký với Anh năm 1997. Trung Quốc còn công khai tuyên bố các trại cải tạo Tân Cương là một thành công về « chống khủng bố ».

Châu Âu vẫn còn ngây thơ, hay một lần nữa lại đặt lợi ích kinh tế lên trên, tự trấn an lương tâm với một vài hứa hẹn mà thừa biết Trung Quốc sẽ không giữ lời ? Một khi EU không đặt chính trị ngang tầm với kinh tế, thì Bắc Kinh không việc gì phải thay đổi chính sách.

« Châu Âu đã bán một phần linh hồn về mặt nhân quyền »

Trả lời Le Figaro, nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Harvard Kennedy School nhận định, thủ tướng Đức Angela Merkel, mà vai trò chủ tịch luân phiên châu Âu kết thúc vào hôm nay, nhất định muốn có thỏa thuận này. Bà đã đặt lợi ích của nước mình lên trên lợi ích của EU – Đức là nước châu Âu duy nhất có cân bằng thương mại với Trung Quốc.

Trung Quốc muốn lợi dụng thời kỳ chuyển tiếp ở Mỹ để chứng minh rằng họ vẫn có đồng minh. Nhưng từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), người ta biết rằng Bắc Kinh hiếm khi tuân thủ các hiệp định quốc tế. Sáu tháng sau khi vào WTO, các nhà máy sản xuất hàng giả nở rộ tại Trung Quốc, cùng với nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ. Ngược lại, tại EU, các hiệp ước trở thành luật và đều được tôn trọng.

Theo ông Le Corre, EU càng mở cửa thì hàng Trung Quốc lại càng tràn ngập, trong khi các công ty châu Âu thường không đủ trọng lượng để cạnh tranh tại Hoa lục. Tuy EU đã đặt ra cơ chế thanh lọc đầu tư nước ngoài từ tháng 10, nhưng con sói đã vào được trong chuồng, như Hoa Vi hiện chiếm 50% cơ sở hạ tầng 5G.

Nhà nghiên cứu này dự đoán rất có khả năng Nghị Viện Châu Âu sẽ ngăn chặn thỏa thuận này. Có rất ít thông tin tích cực từ Trung Quốc trong năm 2020, và hình ảnh của quốc gia này trở nên rất xấu ở châu Âu : con virus corona chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán, các sự kiện ở Hồng Kông, Tân Cương, ngoại giao khẩu trang thô bạo… Theo Philippe Le Corre, cần có sự liên kết với các nước khác vì Bắc Kinh thích chơi trò chia rẽ. Về nhân quyền, ông cho rằng « chúng ta đã bán phần nào linh hồn với thỏa thuận này ».

Nếu xung đột, Bruxelles sẽ đơn độc trước Bắc Kinh

Trên Les Echos, chuyên gia François Godement của Viện Montaigne cảnh báo: « Trong trường hợp xung đột, Bruxelles sẽ phải đơn độc đối mặt với Bắc Kinh ».

Không có tòa án trọng tài, chỉ có danh sách các chuyên gia được mỗi bên đề cử, các nhóm làm việc và đối thoại thường niên EU-Trung Quốc : đó là một tiến trình chính trị nhiều hơn là luật pháp. Liên Hiệp Châu Âu sẽ đơn thân độc mã khi có tranh chấp với Trung Quốc, theo ông Godement, và đây là điều nguy hiểm nhất. Lẽ ra trước đó cần có sự phối hợp với Hoa Kỳ, tạo thành mối quan hệ tam giác.

Tương tự, Le Monde ra từ chiều hôm trước cho rằng « Trung Quốc-Châu Âu-Hoa Kỳ : Vào cuối năm 2020, đây là ba góc của tam giác địa chính trị ».

Bruxelles không hề thất nghiệp trong lúc năm hết Tết đến : vừa thở phào nhẹ nhõm khi giải tỏa được kế hoạch phục kinh tế thời Covid, các nhà đàm phán Brexit mới xong nhiệm vụ, lại đến thỏa thuận EU-Trung Quốc, gọi theo tiếng Anh là CAI (Comprehensive Agreement on Investments), phải hoàn thành trước 31/12,

Bối cảnh thế giới đã hoàn toàn đổi khác

Tờ báo nhắc lại, khi Bắc Kinh và Bruxelles bắt đầu thương lượng năm 2014, bối cảnh thế giới hoàn toàn khác. Tập Cận Bình mới lên ngôi được một năm, chưa thò ra móng vuốt độc tài như ở Hồng Kông và Tân Cương hiện giờ. Hoa Kỳ của Obama chưa « America first », và châu Âu 28 nước vẫn chưa ý thức được sức mạnh của sự đoàn kết và thị trường chung 500 triệu dân.

Sự bành trướng của Trung Quốc, những trở ngại từ nhiệm kỳ Donald Trump và thách thức Brexit rồi đến đại dịch đã giúp châu Âu hết ngây thơ. Trung Quốc đánh hơi được nguy cơ Âu-Mỹ xích gần lại, nên CAI được đàm phán từ 7 năm qua bỗng trở thành cấp thiết.

Về phía Bruxelles, thời điểm 31/12 trùng với việc kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Đức, bà Merkel muốn ra đi với bảng thành tích ; Ba Lan, Pháp, Hà Lan tỏ ra không vội vã ; còn phía Mỹ bắn tín hiệu nên tham khảo trước. Le Monde cho rằng nên cân nhắc thêm, và minh bạch hơn nữa, vì Bắc Kinh sẽ hài lòng xen vào được giữa Bruxelles và Washington.

Pháp đón giao thừa với lệnh giới nghiêm ngặt nghèo

Quay lại với nước Pháp, Le Figaro cho biết « Trong đêm giao thừa, 100.000 cảnh sát và hiến binh sẽ không nương tay » : Kể từ 20 giờ, tất cả những ai còn ở ngoài đường mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt vạ.

Lực lượng an ninh sẽ tăng cường kiểm soát ở các khu trung tâm và những khu dân cư nhạy cảm. Các thành phố Pháp như vậy sẽ vắng bóng người, kể cả khi đồng hồ điểm 12 tiếng bước sang năm mới. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran tuyên bố : « Vào cuối năm 2020 này, cách tốt nhất để mừng Tết dương lịch là không mừng gì cả ». Giao thông công cộng sẽ giảm hẳn, cấm bán xăng, bán rượu mang về.

Một đêm giao thừa với cuốn sách hay ngồi trước tivi ? Không ít người Pháp sau 10 tháng bị phong tỏa vẫn muốn cùng với bạn bè, người thân mừng một năm 2020 u ám đã kết thúc, bất chấp lệnh cấm không tụ tập quá 6 người. Giải pháp là ngủ lại tại chỗ để tránh bị phạt 135 euro, hoặc vui chơi thâu đêm đến 6 giờ sáng. Chủ nhà dành canapé, nệm hơi cho khách ngủ tạm, cũng có những khách mời tự mang theo túi ngủ, hoặc thuê nhà trọ Airbnb sát bên ; để mừng một năm mới mà theo các báo thì vẫn có nhiều lý do để hy vọng.

Các lý do khiến kinh tế thế giới có thể khởi sắc năm 2021

Tuy đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã làm toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2020, nhưng La Croix và Les Echos đều cho rằng năm 2021 kinh tế sẽ khởi sắc trở lại.

Trước hết theo La Croix, nhiều người dân sẽ được tiêm chủng trong vài tháng nữa, chấm dứt nạn hết đóng rồi mở, khiến doanh nghiệp không thể làm ăn. Xung đột thương mại Mỹ-Trung đỡ căng thẳng và thỏa thuận Brexit vào giờ chót là nhân tố thứ hai, rồi đến các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục. Các ngân hàng trung ương mở van tín dụng, mua vào ồ ạt trái phiếu và cổ phiếu, với số lượng cao gấp 2 đến 3 lần so với cuộc khủng hoảng 2008.

Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản xử lý tốt dịch bệnh và lại tăng trưởng, kéo theo kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, châu Phi may mắn ít bị tác hại của đại dịch, kinh tế Pháp chứng tỏ sức bật bất ngờ, và các nước phát triển đầu tư lớn vào chuyển đổi sinh thái.

Les Echos đưa ra ví dụ cụ thể với Pháp : GDP tăng 18,2% từ tháng Bảy đến tháng Chín, nhịp độ lập doanh nghiệp mới và tiêu dùng của các gia đình trở lại như trước khủng hoảng. Tờ báo lý giải, đó là vì suy thoái do đại dịch rất khác với những lần trước.

Không phải do đầu tư ồ ạt hay bong bóng tài chính bị vỡ, mà là cú sốc từ bên ngoài, tác động chủ yếu đến lãnh vực dịch vụ (vận chuyển, nhà hàng khách sạn, văn hóa…). Tốc độ và tầm cỡ của khủng hoảng buộc các nhà lãnh đạo phải hành động thật nhanh và mạnh. Cộng với viễn cảnh ngày càng rõ nét của các loại vaccin hiệu quả, nếu các nhân tố tiếp tục duy trì nỗ lực, năm 2021 sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn