Cục diện Biển Đông 2020: Cuộc chiến công hàm và tinh thần thượng tôn pháp luật

Chủ Nhật, 27 Tháng Mười Hai 20209:00 CH(Xem: 2434)
Cục diện Biển Đông 2020: Cuộc chiến công hàm và tinh thần thượng tôn pháp luật
Cục diện Biển Đông 2020: Cuộc chiến công hàm và tinh thần thượng tôn pháp luật
Tàu chiến của Mỹ và Australia diễn tập trên Biển Đông ngày 18/4. Ảnh: US Navy.

Việc nhiều nước đồng loạt nộp công hàm phản đối Trung Quốc trong năm 2020 cho thấy đây là “giai đoạn kết tinh” của sự đồng thuận trong giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.

Các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông – tuyến đường hàng hải quan trọng đối với thương mại và vận chuyển quốc tế, trong năm 2020 bất chấp sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19, đã khiến Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác phản ứng dữ dội.

Trong một năm đầy bất ổn và có vô số thách thức, Trung Quốc vẫn liên tiếp thực hiện các hành vi phi pháp ở Biển Đông. Nhưng thay vì lo sợ trước hành vi của Trung Quốc, các bộ quốc phòng và bộ ngoại giao trên khắp thế giới lại hoạt động tích cực hơn bao giờ hết.

Trung Quốc gia tăng các hành vi gây hấn

Một nghiên cứu từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết, trong năm 2020, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) triển khai tàu hải cảnh gần như hàng ngày tại “những khu vực quan trọng” ở Biển Đông, như những gì Bắc Kinh đã thực hiện vào năm 2019.

Trong một số trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn gia tăng các cuộc tuần tra, đặc biệt là tại khu vực bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là bãi cạn Panatag). Ít nhất một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã được phát hiện tại khu vực này trong 287 ngày trên tổng số 366 ngày. Trong năm 2019, số ngày xuất hiện là 162 ngày.

Đối với các hoạt động quân sự, AMTI cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng các tuyên bố công khai về sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Bên cạnh đó hai quốc gia này cũng leo thang xung đột trên nhiều mặt trận như công nghệ và thương mại.

Năm 2020 cũng là năm chứng kiến một loạt quốc gia bày tỏ quan điểm cứng rắn và phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều nước đã khẳng định vai trò pháp lý trong giải quyết tranh chấp và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, từ các diễn đàn đa phương đến các cuộc họp thượng đỉnh trên trường quốc tế.

Cuộc chiến công hàm

Đến thời điểm hiện tại, gần 10 quốc gia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có Philippines, Malaysia, Indonesia, Mỹ, Anh, Pháp. Mặc dù danh sách các nước lên án hành vi của Trung Quốc ngày càng kéo dài, nhưng không phải tất cả đều có mức độ phản đối giống nhau đối với Bắc Kinh.

Chẳng hạn, Indonesia yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra vào năm 2016, còn Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết này. Philippines là một trong những quốc gia có quan điểm cực kỳ cứng rắn khi bác bỏ gần như tất cả các yêu sách của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần hết Biển Đông là “bịa đặt” và là sản phẩm “trong trí tưởng tượng”.

Dù đưa ra những lập luận khác nhau, nhưng có một khía cạnh mà hầu hết các quốc gia đều nhất trí, đó là bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” hay “các quyền và lợi ích hàng hải” ở Biển Đông. Quan điểm này được đưa ra dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016. Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ ra là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

AMTI chỉ ra rằng, việc nhiều nước đồng loạt nộp công hàm phản đối Trung Quốc trong năm 2020 cho thấy đây là “giai đoạn kết tinh” của sự đồng thuận trong giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Thông qua công hàm phản đối gửi tới Liên Hợp Quốc, một số quốc gia, lần đầu tiên đã công khai bày tỏ lập trường của họ về vấn đề này. Trước đó vào năm 2016, nhiều nước trên thế giới đã ủng hộ chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Biển Đông tại Tòa trọng tài quốc tế.

“Ở thời điểm này, các bên cuối cùng đã lên tiếng khẳng định giá trị của phán quyết và bác bỏ những lập luận mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho yêu sách của mình”, AMTI-CSIS nhấn mạnh.

Những nỗ lực chưa từng có

Năm 2020 cũng chứng kiến những nỗ lực chưa từng có của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ hơn là "phi pháp". Ông Pompeo khẳng định: "Thế giới sẽ không để Trung Quốc biến Biển Đông thành đế chế hàng hải của mình”. Động thái này cho thấy sự dịch chuyển quan trọng về lập trường của Mỹ, từ những phát ngôn ngoại giao cẩn trọng trong những năm qua chuyển thành lời cảnh báo đáp trả mạnh mẽ trước hành vi của Trung Quốc.

Thời điểm Mỹ đưa ra thông điệp rất quan trọng: một ngày sau lễ kỷ niệm 4 năm Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông (12/7/2016-12/7/2020). Dù tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ không phải là một sự chuyển hướng hoàn toàn so với lập trường của các chính phủ tiền nhiệm nhưng các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng đó là sự ủng hộ mạnh mẽ và rõ ràng nhất của Washington đối với phán quyết của Tòa trọng tài.

Tuyên bố này đóng vai trò là bước đệm để chính phủ Mỹ và các đồng minh tại châu Âu thực hiện những động thái cứng rắn tiếp theo. Vào tháng 8, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đã trừng phạt 24 công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Đến tháng 9, Pháp, Đức và Anh (hay còn gọi là Nhóm E3) đã tham gia vào nỗ lực gây sức ép của Mỹ, gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong công hàm, ba nước khẳng định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là "khuôn khổ pháp lý" cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn, nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuối năm 2020, nhiều nước châu Âu đã bắt tay xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng họ. Điều này đã nêu bật vai trò quan trọng của Biển Đông, nơi diễn ra khoảng 50% giao thương hàng hải của EU mỗi năm.

Sự kiện đáng chú ý nhất trong năm là việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhân cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75, đã lên tiếng bác bỏ mọi âm mưu phá hoại phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế và bảo vệ chiến thắng của Manila trong vụ kiện Biển Đông.

“Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ nhằm làm giảm bớt, thu hẹp hoặc từ bỏ nó. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết", ông Duterte khẳng định.

Tuyên bố này đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Philippines, vì kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần bày tỏ lập trường mềm mỏng với Trung Quốc, thậm chí ông từng có ý định sẽ “tạm gác phán quyết sang một bên” để tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.

Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongcal thuộc trường Đại học Luật Philippines cho rằng, những bước đi mà nhiều quốc gia thực hiện nhằm thể hiện rõ quan điểm cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đang tạo ra một mặt trận thống nhất, có thể làm gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh.

“Các nước Đông Nam Á giờ đây có thể đưa ra những tuyên bố đầy đủ rằng không có bất cứ sự ủng hộ nào đối với lập trường của Trung Quốc về mặt pháp lý. Trung Quốc không thể dựa vào bất cứ cơ sở nào trong luật pháp quốc tế để biện minh cho yêu sách của họ”, chuyên gia Batongbacal nói.

Cùng chung quan điểm này, ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhấn mạnh, điều cần thiết là phải hình thành một liên minh rộng lớn nhằm đẩy lùi hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của Rappler, ông Poling nói: "Nếu Trung Quốc thấy rằng hành vi của họ ở Biển Đông làm suy yếu mục tiêu trở thành một cường quốc dẫn đầu trên thế giới, thì họ sẽ thỏa hiệp. Ngược lại, nếu những căng thẳng ở Biển Đông không làm suy yếu tham vọng toàn cầu của họ, thì họ sẽ tiếp tục gây hấn".

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc nhiều quốc gia đồng loạt phản đối hành vi của Trung Quốc là một trong những cách thức tốt nhất để thực thi phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016.

Tại hội một thảo trực tuyến do trường Đại học Luật thuộc Đại học Philippines tổ chức, chuyên gia luật biển James Kraska đã nêu bật những tiến bộ đạt được liên quan đến tình hình Biển Đông trong năm 2019, đồng thời viện dẫn sự ủng hộ tích cực của Mỹ, Anh, Pháp Đức và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đối với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2020. Ông Kraska coi đây là “một thắng lợi lớn giúp cho việc xây dựng, củng cố các quy tắc quốc tế và hình thành khả năng răn đe”. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, giả quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là “một cuộc chơi lâu dài và có thể kéo dài nhiều thập kỷ”.

“Chúng ta đang tham gia một cuộc đấu tranh lâu dài. Là một phần của cuộc chơi này, chúng ta phải kiên nhẫn trong đấu tranh bảo vệ luật pháp, tìm cách cân bằng giữa các nước lớn”, ông Kraska nhấn mạnh./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn