Vì sao Trung Quốc siết kiểm soát các hãng công nghệ trong nước

Chủ Nhật, 03 Tháng Giêng 20215:00 SA(Xem: 3213)
Vì sao Trung Quốc siết kiểm soát các hãng công nghệ trong nước

Trung Quốc đã để các hãng công nghệ như Alibaba, Tencent tự do phát triển đến mức quyền lực và quy mô của họ thống trị cả nền kinh tế.

Jack Ma và nhiều doanh nhân khởi nghiệp khác tại Trung Quốc giàu lên khi Bắc Kinh để ngành Internet tự do phát triển. Tuy nhiên, quan điểm này giờ đã thay đổi khi quyền lực các doanh nghiệp trên ngày càng lớn.

Hôm 24/12, giới chức Trung Quốc cho biết sẽ mở cuộc điều tra liệu Alibaba có các hành vi độc quyền hay không, như cấm người bán bán hàng trên các nền tảng khác. Đồng thời, 4 cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc, trong đó có ngân hàng trung ương, cho biết họ sẽ sớm gặp Ant Group - công ty tài chính của Alibaba để thảo luận về chính sách giám sát mới.

Việc Trung Quốc siết kiểm soát Alibaba và Ant - những cột trụ trong đế chế kinh doanh của Jack Ma - tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang kiềm chế quyền lực của các Big Tech như Google hay Facebook. Washington và Brussels từ lâu đã giận dữ vì ảnh hưởng khổng lồ của số ít công ty trong lĩnh vực thương mại, quảng cáo và truyền thông trên toàn cầu.

Đồng sáng lập Alibaba Jack Ma trong một cuộc họp báo tại Hong Kong năm 2018. Ảnh: Reuters

Đồng sáng lập Alibaba Jack Ma trong một cuộc họp báo tại Hong Kong năm 2018. Ảnh: Reuters

Trung Quốc cũng sản sinh ra các đại gia Internet của riêng họ. Những công ty này được ca ngợi là biểu tượng cho sự phát triển công nghệ của quốc gia. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt nội dung đăng tải và phát ngôn trên các nền tảng này. Tuy nhiên, họ lại phản ứng chậm chạp với lo ngại về quyền lực và quy mô của các công ty đó, kể cả khi những doanh nghiệp này đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân Trung Quốc, hơn hẳn các đại gia Internet Mỹ.

Ngoài Alibaba và Ant, các đại gia Internet khác của Trung Quốc còn có JD.com và Pinduoduo trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tencent trong mảng game, truyền thông xã hội và thanh toán di động, ByteDance trong mảng video ngắn, Didi Chuxing - ứng dụng gọi xe và Meituan - giao đồ ăn. Một số công ty đã niêm yết trên sàn New York hoặc Hong Kong. Nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu đã kiếm số tiền khổng lồ nhờ sự thành công của các doanh nghiệp này.

Hôm 24/12, tờ People’s Daily cũng có bài đăng ủng hộ việc điều tra Alibaba. Đây là tín hiệu cho thấy có sự đồng thuận và phối hợp rộng rãi đằng sau động thái này. "Đây là bước quan trọng trong việc củng cố hoạt động chống độc quyền trên không gian mạng", bài báo viết, "Việc này sẽ giúp quản lý ngành này một cách có trật tự và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, lâu dài của các nền tảng".

Cổ phiếu Alibaba tại New York hôm qua giảm hơn 13% vì thông tin bị điều tra chống độc quyền. Alibaba cho biết sẽ phối hợp với giới chức và các mảng kinh doanh của họ vẫn đang hoạt động bình thường. Ant thì nói rằng sẽ "nghiêm túc nghiên cứu và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của chính quyền, cam kết nỗ lực hoàn thành những việc liên quan".

Frank Fine - Giám đốc chống độc quyền và an ninh dữ liệu tại DeHeng Law Offices cho biết các động thái chống lại các nền tảng Internet lớn ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức lớn. "Họ sẽ lưỡng lự trong việc làm tổn hại các công ty đang rất thành công này. Những doanh nghiệp này có hệ sinh thái lớn, cung cấp việc làm cho hàng nghìn người. Việc này cần cân nhắc rất nhiều", ông nói.

Việc Bắc Kinh trấn áp các Big Tech bắt đầu công khai từ tháng trước, khi giới chức ra lệnh hoãn IPO được chờ đợi của Ant Group chỉ vài ngày trước giờ G. Trước đó, Jack Ma công khai phàn nàn giới chức Trung Quốc quá ám ảnh với việc kiềm chế rủi ro tài chính.

Alipay của Ant đã trở thành công cụ thanh toán không thể thay thế với hàng trăm triệu người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức lo lắng về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của công ty này với các sản phẩm tín dụng và cho vay quy mô nhỏ.

Tuần ngay sau khi IPO Ant bị hoãn, giới chức Trung Quốc công bố dự thảo quy định về hành vi phản cạnh tranh của các công ty Internet. Các hành động bị coi là phản cạnh tranh gồm sử dụng quyền lực của nền tảng để thu thập thông tin không cần thiết về người dùng, hay "khóa" người dùng vào các nền tảng khiến họ khó chuyển sang dịch vụ khác.

Alibaba là một gã khổng lồ ở Trung Quốc, xét trên mọi phương diện. Hơn 750 triệu người - tương đương nửa dân số nước này - mua sắm trên các nền tảng của Alibaba trong giai đoạn tháng 9/2019 - 9/2020. Các nền tảng chính của hãng là Taobao - nơi tiểu thương bán hàng cho khách hàng, và Tmall - dành cho các thương hiệu Trung Quốc và toàn cầu lớn.

Không như Mỹ - nơi các luật chống độc quyền đã tồn tại cả thế kỷ, Trung Quốc chỉ mới ra mắt luật này năm 2008. Trước Alibaba, các vụ chống độc quyền nổi tiếng nhất nước này là chống lại thương hiệu nước ngoài, như Qualcomm - công ty phải trả khoản phạt 975 triệu USD năm 2015.

Tháng này, giới chức Trung Quốc cho biết Alibaba và 2 công ty khác phạm luật khi không báo cáo các thương vụ M&A gần đây. Dù vậy, mức phạt khá khiêm tốn, chỉ 75.000 USD mỗi công ty.

Nhưng cuộc điều tra hiện tại có thể dẫn đến khoản phạt lớn hơn rất nhiều. Luật chống độc quyền của Trung Quốc cho phép phạt tối đa 10% doanh thu của công ty trong năm trước đó. Với Alibaba, con số này có thể lên tới hàng tỷ USD.

Trong thông báo ngắn gọn hôm qua về cuộc điều tra, Cơ quan Giám sát Thị trường Trung Quốc chỉ đề cập đến một hành vi phản cạnh tranh mà Alibaba bị cáo buộc. Đó là hợp đồng độc quyền.

Từ nhiều năm nay, các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc bị cáo buộc ngăn cản tiểu thương bán trên các nền tảng khác nhau, đặc biệt trong các dịp khuyến mãi lớn như Singles’ Day. JD.com - một trong các đối thủ chính của Alibaba - đang phải ra tòa vì hành vi này.

Galanz - một hãng đồ điện tử Trung Quốc - năm ngoái gây xôn xao khi cáo buộc Tmall chèn ép sản phẩm của họ trên công cụ tìm kiếm của nền tảng này, sau khi Galanz hợp tác với Pinduoduo. Tmall đã phủ nhận cáo buộc này. Tencent cũng chặn người dùng mở trực tiếp liên kết đến Taobao trên WeChat.

"Nguyên nhân có thể là các công ty không cạnh tranh trên toàn cầu. Họ chỉ hoạt động ở một thị trường mà thôi", Rui Ma - một chuyên gia phân tích công nghệ tại Trung Quốc cho biết.

Các nhà đầu tư và chính trị gia Trung Quốc từ nhiều năm nay đồn đoán rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đang lo ngại sức ảnh hưởng của Jack Ma ngày càng tăng. Hai cuộc họp lớn tháng 12 đã phát tín hiệu ông Tập cân nhắc hành động này, khi đều kêu gọi tăng nỗ lực chống độc quyền và siết kiểm soát các công ty Internet.

Những lời phàn nàn của Jack Ma về các quy định kiểm soát tài chính của Trung Quốc trong một hội thảo tháng 10 ở Thượng Hải có vẻ đã khiến giới chức chĩa mũi dùi vào Ant và Alibaba. "Trong văn hóa Trung Quốc, nếu bạn giàu, có quyền lực kinh tế và ảnh hưởng xã hội lớn, bạn sẽ thành mối nguy hiểm. Để an toàn, bạn nên kín tiếng thôi", Gary Liu - nhà kinh tế học độc lập tại Thượng Hải cho biết.

Ở Trung Quốc, người dân coi Ant là công ty hưởng lợi lớn từ lập trường thận trọng của giới chức trong việc quản lý tài chính số. "Nhưng Jack Ma vẫn phàn nàn", ông nói, "Trong văn hóa Trung Quốc, thế là không tôn trọng rồi".

Hà Thu (theo NYT
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn