Bị gắn mác thao túng tiền tệ, liệu Hà Nội có bị trừng phạt?

Thứ Hai, 21 Tháng Mười Hai 20206:00 CH(Xem: 4175)
Bị gắn mác thao túng tiền tệ, liệu Hà Nội có bị trừng phạt?
rfa.org

Bị gắn mác thao túng tiền tệ, liệu Hà Nội có bị trừng phạt?

Mai Hương 2020-12-20

Từ tháng 5/2019, Việt Nam bị xếp vào danh sách giám sát do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư thương mại song phương (xuất siêu lớn) và thặng dư cán cân vãng lai (trên 2% GDP). Từ tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát. Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài Chính Mỹ thì Việt Nam (cùng với Thuỵ Sĩ) đã vượt cả 3 tiêu chí đó là: (i) Xuất siêu sang Mỹ gấp 2.85 lần ngưỡng qui định. (ii) Thặng dư cán cân vãng lai 4.6% GDP (tiêu chí là 2% GDP). (iii) Mua ròng ngoại tệ 5.1% GDP (tiêu chí là 2% GDP). Đấy chính là những lý do khiến Việt Nam bị gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ. Cùng với Việt Nam và Thuỵ Sĩ, thì Đài Loan, Thái Lan và Malaysia cũng ở sát ngưỡng thao túng tiền tệ, vì đã vượt 2 tiêu chí xuất siêu và thặng dư cán cân vãng lai, còn mua ròng ngoại tệ đã gần đến 2% GDP.

Việt Nam phủ nhận

Vậy hậu quả việc bị liệt vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ là gì? Trước tiên là sẽ bị loại trừ khỏi các hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ, tiếp theo có thể bị Bộ Thương mại sử dụng các phát hiện định giá thấp tiền tệ để bắt đầu áp thuế chống trợ cấp đối với các ngành được hưởng lợi từ việc định giá thấp (sẽ được dỡ bỏ khi được cho ra khỏi danh sách thao túng). Thực ra nếu trong năm 2020 Việt Nam không mua dự trữ ngoại tệ nhiều thì chắc chắn vẫn chỉ ở nhóm 10 nước bị giám sát thôi. Vậy sự hoá giải tới đây khá đơn giản. Nếu trong vòng 1 năm nữa Hà Nội mua ròng ngoại tệ dưới 2% GDP thì lại có thể được rút khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Với lý giải như vậy thì việc suy đoán là ông Trump đánh Việt Nam để “giã biệt”, rồi các nhà máy sẽ rời Việt Nam sang các nước khác để tránh bị đánh thuế cao có lẽ là chưa đúng về bản chất.

Liên quan đến việc Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam có hành vi thao túng tiền tệ trong báo cáo định kỳ 6 tháng về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, báo cáo cập nhật vĩ mô Công ty Chứng khoản Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thị Thanh Phượng cũng có những phân tích đáng chú ý. Theo Bản Việt, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường củng cố dự trữ ngoại hối trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào là “hợp lý”. Nói “hợp lý” là vì, vẫn theo các chuyên gia của VCSC, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới và chỉ rơi vào xung quanh ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF.

Cụ thể, tham chiếu dữ liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank, Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2018 mới chỉ ở mức 51,3%. Mức này hiện thấp hơn tỷ lệ 57,8% của các nước thu nhập trung bình thấp và 88,5% của các nước thu nhập trung bình cao trên thế giới. Vào cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ vào mức 3,43 tháng nhập khẩu và tăng lên 4,4 tháng hiện tại (vượt ngưỡng khuyến cáo tối thiểu ba tháng nhập khẩu của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF).

Tuy vậy, theo Chứng khoán Bản Việt, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 11,5 tháng nhập khẩu của thế giới và 7,7 tháng của các nước thu nhập trung bình thấp. VCSC nhận định: “Chỉ số dự trữ so với khoảng khuyến cáo phù hợp với chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng mới chỉ đang tiến dần đến ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF”.

000_Hkg2687325.jpg
Hình minh hoạ. Nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm đồng đô la Mỹ. AFP

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô, chuyên gia của VCSC dự báo, cả Việt Nam lẫn Mỹ sẽ tiến hành đàm phán, trao đổi, thương lượng để tìm giải pháp chung tốt nhất cho vấn đề này. Trong trường hợp không tìm được cách giải quyết có lợi, phù hợp cho cả hai bên, Mỹ mới tính đến áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam. Như thông tin trước đó, Phòng Thương mại Mỹ (US Chamber of Commerce) ngày 16/12 cho hay, Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang xem xét việc thông báo đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trước phiên điều trần theo Điều 301 (Luật Thương mại Mỹ 1974) về định giá tiền tệ (dự kiến sẽ diễn ra ngày 29/12 tới đây và hạn chót để phản hồi là 7/1/2021).

Về phía Việt Nam, Chứng khoán Bản Việt cho rằng, giới chức trách, cơ quan hữu quan của Việt Nam đã  “tiếp cận với vấn đề một cách tích cực” và hiện vẫn đang phối hợp trao đổi với Mỹ. Nhận định về khả năng Việt Nam có bị chính quyền Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt hay không, theo nhóm chuyên gia của VCSC, có thể phiên điều trần tới đây vẫn được tiếp tục và khả năng cao là USTR sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi quá trình điều trần kết thúc. Sàn chứng khoán Việt Nam cũng hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi hàng loạt mã cổ phiếu giảm giá sau khi thông tin Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam.

Mỹ có xem lại cho phù hợp?

Việc bị xếp vào danh sách này sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro về kinh tế. Do đó, cần chú trọng hơn nữa việc kiên trì, ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ. Chia sẻ xoay quanh vấn đề Mỹ nghi Việt Nam thao túng tiền tệ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính) cho rằng việc Chính phủ Mỹ công bố danh sách thao túng tiền tệ mỗi năm là bình thường. Hoa kỳ có những tiêu chí cụ thể để đánh giá vấn đề thao túng tiền tệ. Mỹ xác định là những quốc gia có thặng dư thương mại với Washington từ 20 triệu USD trở lên là những nước cần phải xem xét. Tiếp đó, một nước nếu trong vòng khoảng 6 tháng thường xuyên mua vào các đồng ngoại tệ có thể coi là điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách khiên cưỡng ý muốn chủ quan của ngân hàng quốc gia nước đó. Cuối cùng là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Đây cũng là tiêu chí để xem xét thao túng tiền tệ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với VOV rằng, Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ trước hết là căn cứ trên các tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, việc này phía Mỹ nên xem xét thêm các tiêu chí khác cho phù hợp với tình hình chung. Việt Nam vốn không có ý định phá giá đồng tiền để đẩy mạnh cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam chỉ nhằm ổn định đồng tiền để không bị mất giá thái quá. Do đó, việc mua vào ngoại tệ này chủ yếu có 2 lý do: Thứ nhất là để giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng, nghĩa là Việt Nam không phá giá đồng tiền để cạnh tranh thương mại một cách bất bình đẳng. Thứ hai, việc mua ngoại tệ vào liên tục là do hiện nay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn rất mỏng so với mức dự trữ mà IMF khuyến cáo, thậm chí mỏng so với mức dự trữ ngoại tệ của các quốc gia xung quanh của Việt Nam. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Do đó, Việt Nam mới mua ngoại tệ để tăng cường dự trữ hối đoái đề phòng những biến động bất thường trên thị trường tài chính. Có thể thấy, Chính phủ Mỹ chưa xem xét cẩn trọng vấn đề này”.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ.

Đặc biệt, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ gặp nhiều vấn đề nảy sinh, từ việc có thể đánh giá đồng Việt Nam đang rẻ hơn giá trị thực tế của nó, khiến cho việc tiếp cận với thị trường tài chính thế giới trở nên khó khăn, chi phí đắt đỏ, cũng như liên quan đến lãi vay, nợ vay gây nhiều trở ngại cho việc tiếp cận thị trường quốc tế. Ông Thịnh lưu ý: “Trong khi đó, Việt Nam lại đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cần dòng vốn quốc tế. Có thể nói, việc bị xếp vào danh sách này là rất nguy hiểm đối với nền kinh tế Việt Nam”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, Việt Nam cần kiên trì ổn định chính sách điều hành, đồng thời nên có giải thích rõ hơn đối với các bộ, ban, ngành. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc, trao đổi trực tiếp và đầy đủ các vấn đề liên quan với Bộ Tài chính Mỹ. Từ đó, phía Mỹ sẽ có đánh giá toàn diện, đầy đủ những điều kiện khiến Việt Nam phải thực thi các chính sách của mình. “Hiển nhiên, Chính phủ Việt Nam không muốn phá giá đồng tiền để tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, từ đó làm lệch cán cân thương mại về phía Việt Nam. Do đó, cần giải thích rõ ràng, cụ thể để nhà chức trách Mỹ hiểu và xem xét, điều chỉnh phù hợp với Việt Nam”, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính nhận xét.

Cần tính tới yếu tố chính trị

Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành trao đổi với Forbes nhận định, việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ mang yếu tố chính trị nhiều hơn là xét trên các yếu tố kỹ thuật. Theo ông Thành, “nếu xét riêng các yếu tố kỹ thuật, tôi nghĩ rằng các đại diện từ phía Mỹ hoàn toàn hiểu rằng Việt Nam không hề và cũng khó có thể phá giá tiền đồng để tăng lợi thế thương mại”. Tuy nhiên, theo con số thống kê, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện tại ở con số xấp xỉ 70 tỷ USD tính tới tháng 11 năm nay, cùng với hai cuộc điều tra gần đây theo điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với hai ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều thực sự đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu quyết định của Bộ Tài chính trong những tuần tới đây không có khả năng dẫn đến bất kỳ kết quả rõ ràng nào về các biện pháp trừng phạt, thì tầm quan trọng của nó nằm ở tính biểu tượng của thông báo. Về vấn đề này, Bộ Tài chính vừa đưa ra một chìa khóa quan trọng trong các hoạt động của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, coi Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng khi Hà Nội tiếp tục là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam. Ngoài ra, trong báo cáo về phòng vệ thương mại của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), nhóm nghiên cứu kinh tế từ HSBC cũng cho rằng phần thặng dư thương mại gia tăng đến từ nhóm các mặt hàng điện tử được sản xuất ở Việt Nam ngày càng tăng, kết quả của dòng vốn FDI được duy trì trong nhiều năm qua. Khuyến cáo với các doanh nghiệp trong nước, chuyên gia Vũ Tú Thành lưu ý: “Các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động giao thương với Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục theo dõi sát sao những động thái từ phía các cơ quan như Bộ Tài chính và USTR. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác là doanh nghiệp tại Hoa Kỳ để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra từ các biện pháp áp thuế trừng phạt”./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn