Brexit, chuyện kể không hồi kết ?

Thứ Năm, 17 Tháng Mười Hai 20202:00 SA(Xem: 4640)
Brexit, chuyện kể không hồi kết ?
rfi.fr

Brexit, chuyện kể không hồi kết ? - Tạp chí kinh tế

Thanh Hà

Tại sao Anh Quốc dễ dàng đạt được thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia trên thế giới, nhưng với Liên Hiệp Châu Âu, 15 ngày trước khi chính thức chia tay thị trường chung và rời khỏi liên minh thuế quan châu Âu, 1001 khúc mắc vẫn còn ở phía trước ?

Hai tuần lễ trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Anh Quốc và Liên Âu vẫn chưa kết thúc đàm phán để xuất nhập khẩu hai chiều tránh mọi hạn ngạnh và các hàng rào quan thuế kể từ 0 giờ ngày 01/01/2021. Những « hiệp phụ » liên tiếp nối đuôi nhau ra đời do đối thoại bế tắc trên ba hồ sơ lớn khiến dân chúng và cả truyền thông thực sự mệt mỏi. Chính giới thường xuyên nói tới những « cơ hội đàm phán cuối cùng » để rồi lại thông báo « còn nước còn tát » trước ngày Luân Đôn chia tay Liên Hiệp Châu Âu theo kịch bản « No Deal » gây nhiều thiệt hại cho cả đôi bên.

Theo thẩm định của cơ quan độc lập chuyên nghiên cứu về tình hình tài chính của Anh Quốc, The Office of Budget Responsability - trụ sở tại Luân Đôn, trong trường hợp chia tay không đạt thỏa thuận, GDP của Anh sụt giảm thêm 2 %. Thiệt hại chung cho toàn khối liên âu là 0,3 % GDP. 

Logique của « thị trường nội khối » và « nội địa »

Từ tháng 3/2020 đôi bên đã ráo riết tìm kiếm một thỏa thuận « lâu dài cho giai đoạn hậu Brexit ». Bruxelles và Luân Đôn đã ấn định cuối tháng 10 rồi kéo sang tháng 11 và gần đây nhất là cột mốc 13/12/2020 là hạn chót để đúc kết đàm phán. Nhưng rồi những hạn định đó đều đã lần lượt bị vượt qua trong lúc Liên Hiệp Châu Âu và thành viên cũ là Anh Quốc vẫn chưa thể san bằng bất đồng trên ba điểm : một là về chính sách cho ngư dân châu Âu đánh bắt trong các vùng biển của Anh Quốc. Trở ngại thứ nhì liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong tương lai kể từ ngày 01/01/2021. Nhưng quan trọng hơn cả là Bruxelles chủ trương bảo vệ « thị trường nội khối » trong lúc Luân Đôn nhất quyết bảo vệ « thị trường nội địa ». Trên hồ sơ thứ ba này, tất cả khúc mắc nằm ở Bắc Ai Len thuộc lãnh thổ của vương quốc Anh với Cộng Hòa Ai Len, một thành viên của Liên Âu.

Trả lời RFI luật sư Hoàng Đức Thắng, tại Luân Đôn, trở lại với thỏa thuận trung gian cho một giai đoạn chuyển tiếp sắp hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020. 

LS Hoàng Đức Thắng : « Điểm lại một chút về quá trình đàm phán giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc : bản thỏa thuận đã được ký kết vào cuối 2019 và đã được thông qua vào giữa tháng 12/2019 sau bầu cử Quốc Hội Anh và thủ tướng Boris Johnson giành được đa số. Đây là thỏa thuận giữa Bruxelles và Luân Đôn cho một giai đoạn chuyển tiếp, giới hạn trong một năm - mà trên thực tế là có hiệu lực trong chưa đầy 12 tháng. Giai đoạn chuyển tiếp này nhằm hoàn tất việc Anh Quốc đã tách khỏi Liên Âu. Cho dù Luân Đôn đã ra khỏi Liên Âu từ nửa đêm 31/01/2020 nhưng vẫn có thêm đến 31/12/2020 để qua một giai đoạn chuyển tiếp cho phép đôi bên tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận kinh tế lâu dài. Mặc dù chỉ là mang tính tạm thời nhưng văn bản thỏa thuận trung gian này ra đời trong bối cảnh chính trường Anh đang phức tạp : đảng cầm quyền không nắm được đa số ở Quốc Hội mà phải phụ thuộc vào một chục phiếu của đảng DUP Bắc Ai Len và một số thành viên khác của trong đảng có xu hướng phản đối các quyết định của chính quyền. Tình trạng phức tạp đó dẫn đến việc Luân Đôn vẫn không ký nổi thỏa thuận sơ bộ mà chính phủ của nữ thủ tướng Theresa May đã hoàn tất với Liên Âu từ gần cả hai năm trước đó ». 

Yếu tố chính trị nội bộ Anh

Kết quả là ngày 13/12/2020 thủ tướng Boris Johnson đã giành được đa số rộng rãi cho phép thúc đẩy thủ tục Brexit :

LS Hoàng Đức Thắng : « Nắm bắt thời cơ như vậy, các nhà đàm phán châu Âu đã rất gay gắt trong việc đòi hỏi bảo toàn thị trường nội khối của 27 thành viên, ngoại trừ nước Anh. Để bảo vệ thị trường nội khối đó thì Bruxelles nhấn mạnh rằng Luân Đôn cần duy trì một cơ chế kiểm soát hải quan theo kiểu kiểm soát cứng. Nghĩa là dựng lên các chốt kiểm soát, phải mở thủ tục khai báo hải quan và kiểm soát hàng hóa trước khi đưa hàng vào bất kỳ một quốc gia nào trong Liên Hiệp Châu Âu. Thực ra đây là điều bình thường thôi. Nhưng trong trường hợp này có một điều phức tạp ».

Tính chất đặc thù của Ai Len

Tất cả vấn đề nằm ở đường « biên giới cứng » giữa Cộng Hòa Ai Len và Bắc Ai Len thuộc về lãnh thổ Anh. Nhìn từ Luân Đôn những đòi hỏi của Bruxelles là quá đáng.

LS Hoàng Đức Thắng : « Quốc gia Liên Âu sát cạnh Anh Quốc là Cộng Hòa Ai Len. Nước này lại có đường biên giới với vùng lãnh thổ ở miền bắc và Bắc Ai Len thì thuộc vùng lãnh thổ của vương quốc Anh (…) Trong quá khứ, giữa Bắc Ai Len và Cộng Hòa Ai Len từng xảy ra nội chiến đẫm máu và cuộc nội chiến đó ảnh hưởng luôn cả đến lãnh thổ của Anh qua các vụ tấn công trong những thập niên 1960-1970.

Nên bây giờ để duy trì hòa bình và ổn định tại Ai Len mặc dù có đường biên giới trên đất liền giữa Cộng Hòa Ai Len với Bắc Ai Len nhưng đôi bên không có những đường kiểm soát cứng, không có biên giới, cho dù về mặt pháp lý, kinh tế và cả văn hóa, Bắc Ai Len phụ thuộc vương quốc Anh. Bruxelles mong muốn rằng Luân Đôn không lợi dụng Bắc Ai Len như cửa ngõ để xuất khẩu hàng của Anh và hàng mà nước Anh nhập từ những quốc gia thứ ba, qua Bắc Ai Len, rồi từ Bắc Ai Len đi sang cả Cộng Hòa Ai Len (vì không có các trạm hải quan). Bước kế tiếp là hàng từ Ai Len được xuất khẩu sang bất kỳ quốc gia nào trong Liên Hiệp Châu Âu (Pháp, Bồ Đào Nha...)

Để tránh kịch bản này Liên Âu đòi Anh phải lập ra những chốt kiểm soát cứng. Đường kiểm soát đó được đặt trên biển, dọc theo eo biển giữa Anh và Bắc Ai Len.

Trở lại thời điểm 2018-2019 : do không có đa số rộng rãi để cầm quyền chính phủ của thủ tướng Theresa May dù đã ký được thỏa thuận với Liên Âu về Brexit nhưng văn bản đó không bao giờ được nghị viện Anh phê chuẩn. Ông Boris Johnson lên thay bà May, giải tán quốc hội và cho bầu cử trước thời hạn vào tháng 12/2019. Từ đó ông Jonhson mới đàm phán lại với Liên Âu và Bruxelles đã phải nhượng bộ, tức là chấp nhận không thiết lập đường biên giới cứng ; hàng hóa sẽ được kiểm soát thông qua các thủ tục bình thường, nhưng Bruxelles đòi thiết lập một số trạm kiểm soát trên bộ tức là ở đường biên giới chính thức giữa Bắc Ai Len với Cộng Hòa Ai Len. Đây chỉ là một số trạm kiểm soát mà thôi nhằm xử ký vấn đề khi cần thiết. Ngoài ra châu Âu đòi Anh phải áp dụng cơ chế khai báo hải quan khi các xe hàng của Anh đi qua Bắc Ai Len và hàng từ Bắc Ai Len đi qua cửa khẩu Cộng Hòa Ai Len ».

Sơ hở của những chính trị gia non tay

Mọi chuyện nhẽ ra có thể dừng lại ở đây nhưng rồi vế chính trị đã phá khiến đối thoại bị trật đường ray. Thủ tướng Boris Johnson liên tục chịu áp lực ngay từ phía một phần các thành viên của đảng Bảo Thủ nhưng bài toán càng thêm phức tạp với những tuyên bố vụng về của Liên Âu :

LS Hoàng Đức Thắng : « Chính trường Anh đánh giá chính phủ có một sự nhượng bộ Liên Âu nhưng bước lùi đó có thể chấp nhận được để đổi lấy hòa bình trên lãnh thổ Ai Len. Nhẽ ra mọi việc dừng lại ở đây, nhưng do đàm phán giữa Liên Âu với Anh Quốc còn quá nhiều bất đồng để đạt đến một thỏa thuận toàn diện và lâu dài nên các bên đã tìm kiếm sự ủng hộ của công luận trong nước.

Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Michel Barnier lại cho rằng trong trường hợp Anh và Liên Âu không đoạt được đồng thuận để Luân Đôn rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan châu Âu thì Anh Quốc không được hưởng các điều khoản ưu đãi về quota hay quan thuế để xuất khẩu sang khối 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Ông Barnier thực ra chú trọng vào việc bảo vệ thị trường thực phẩm châu Âu, tránh để Anh Quốc biến thành một trung gian đưa hàng nhập từ những nơi khác với chất lượng an toàn được cho là thấp hơn so với của Liên Âu (như gà hoóc-môn của Mỹ chẳng hạn) thâm nhập thị trường châu Âu. Tuy nhiên, theo tôi trong lúc đàm phán chưa ngã ngũ, tuyên bố này là một sự hớ hênh về chính trị vì Bắc Ai Len là một điểm nhậy cảm đối với nước Anh. Đây là một gánh nặng đối với nước Anh. Bắc Ai Len không sản xuất một cái gì cả và phụ thuộc vào thực phẩm của Anh. Vậy mà Bruxelles lại cấm đưa thực phẩm của Anh qua Bắc Ai Len để nuôi chính dân Bắc Ai Len, tức là dân Anh, thì cách tiếp cận như vậy không mang tính xây dựng. Điều đó khiến một phần chính khách Anh ngay trong hàng ngũ đảng cầm quyền tức giận và yêu cầu chính phủ phải có một dự luật bảo vệ thị trường nội địa của vương quốc Anh nếu như Liên Âu muốn bảo vệ thị trường nội khối một cách cực đoan như vậy ».

Tranh cãi về dự luật bảo vệ thị trường nội địa Anh ?

LS Hoàng Đức Thắng : « Trong dự luật này có hai điều khiến Liên Hiệp Châu Âu bất bình : điều khoản thứ nhất quy định trong những trường hợp khẩn cấp Anh Quốc có thể được tạm bỏ qua các quy định khai báo hải quan để xuất khẩu hàng vào Bắc Ai Len. Còn điều khoản thứ nhì là trong những trường hợp khẩn cấp các thành viên của chính phủ Anh có thể cho phép tạm dừng kiểm sát hàng hóa đối với một số nhóm mặt hàng nhất định. Tuy nhiên trong mọi khả năng, các quy định này trước khi được áp dụng phải tham khảo ý kiến của nghị viện Anh ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn