Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ảnh hưởng đến hiệp định thương mại với Việt Nam

Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20177:00 CH(Xem: 6503)
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ảnh hưởng đến hiệp định thương mại với Việt Nam

Athena chuyển ngữ

Vào tháng Bảy vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin, một ngày trước khi ông có cuộc gặp với quan chức của Đức để xin tị nạn chính trị.

Phía Đức đã cáo buộc chính phủ Việt Nam, cho biết ông Thanh đã bị các mật vụ có liên quan đến Việt Nam bắt cóc và yêu cầu lời xin lỗi vì đây là hành động mà họ cho là “hoàn toàn không thể chấp nhận nổi.”

Tính đến thời điểm này, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi công khai nào. Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất hiệp định thương mại giữa Việt Nam và liên minh châu Âu vốn được chờ đợi từ rất lâu rồi.

Các lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia Việt Nam tin rằng chính phủ hai nước sẽ đạt được thỏa thuận để giữ thể diện qua vụ ông Thanh, người bị chính quyền Việt Nam kết tội tham nhũng khi điều hành một công ty xây dựng thuộc nhà nước.

Nhưng hành động này đã làm rõ thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam. Đây là quốc gia mới nổi tại khu vực Đông Nam Á phải chịu áp lực tìm kiếm đồng minh mới vì Trung Quốc đang trỗi dậy còn nền chính trị đang thay đổi của Mỹ định hình lại trật từ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, chính phủ độc tài của Việt Nam cộng với lối hành xử cứng nhắc đối với nhân quyền và các điều kiện bảo vệ người lao động có thể khiến cho việc tìm kiếm liên minh trở nên khó khăn hơn.

Đoàn Xuân Lộc, một nghiên cứu sinh lại Viện nghiên cứu Chính sách Toàn cầu tại Luân Đôn, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa EU và các nước Đông Nam Á cho biết Việt Nam có thể sẽ mất nhiều hơn một hiệp định thương mại tự do nếu không cải thiện tình hình với Đức. Ông cho biết “Chuyện này sẽ gây tổn hại đến Việt Nam cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược.”

Giống như Trung Quốc, Việt Nam đang trộn lẫn chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản của riêng họ. Nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng nhưng cũng làm cho các đối tác thương mại lo ngại về lối hành xử thô bạo của chính phủ đối với các nhà bất đồng chính kiến trong nước và các nhà hoạt động vì quyền của người lao động.

Chính mối lo ngại về sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc là nền tảng cho động lực thúc đẩy các hiệp định thương mại. Nhiều người Việt Nam sợ rằng đất nước họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc khi Bắc Kinh - cũng đang tđàm phán thương mại với châu Âu – ngày càng gia tăng ảnh hưởng kinh tế khắp Đông Nam Á.

Chính vì vậy, Việt Nam đang điên cuồng tìm kiếm các đối tác mới trong một bàn cờ liên minh thương mại toàn cầu có quá nhiều quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga.

Tình hình ngày càng trở nên khẩn cấp hơn sau khi hiệp định TPP, một hiệp định thương mại tự do cho Hoa Kỳ đưa ra, đã bị hoãn hồi đầu năm nay do tổng thống Trump phản đối. Việt Nam vốn đã trở thành một thành viên của hiệp định này và sẽ là một trong những thành viên được hưởng lợi nhiều nhất.

Hiệp định thương mại với EU đặc biệt hấp dẫn với Việt Nam vì EU, vốn đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 39 tỉ USD từ Việt Nam vào năm ngoái, là đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất mà không thuộc châu Á của Việt Nam (xếp sau Trung Quốc).

Các nhà phân tích cho biết, vụ việc lùm xùm lần này với Đức có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và vượt xa lợi ích chính trị trong nước khi bắt giữ ông Thanh. Ông Nguyễn Phú Trọng, đã trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản vào năm ngoái sau một cuộc đấu đá nội bộ quyết liệt.

Ông Nguyễn Xuân Diện, một blogger chính trị tại Hà Nội đã so sánh tình hình hiện tại của Việt Nam giống như một con ếch ngồi trong nồi súp nóng. “Con ếch bắt đầu cảm nhận được sức nóng rồi đấy.”

Việt Nam có thể đưa ra lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động. Một số quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn họ tin rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, ngay cả khi chính họ cũng không chắc chắn làm thế nào.

Ông Nguyễn Chánh Phương, tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết “Đấy là một hiệp định thương mại. Chắc chắn họ sẽ trao đổi cái gì đó.”

Bà Lê Hoài Anh, chủ tịch Hal Group, một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh chuyên phân phối và bán mỹ phẩm châu Âu, cho biết bà lo lắng hiệp định thương mại sẽ bị gián đoạn và các biện pháp trừng phạt sẽ làm tăng thuế nhập khẩu. “Chúng tôi không biết chính xác sẽ như thế nào nhưng chúng tôi có dự đoán về một viễn cảnh tồi tệ.”

Bộ ngoại giao Đức viết trong một email rằng hiệp định thương mại với Việt Nam cần sự chấp thuận của cả nghị viện Đức và nghị viện châu Âu, và các thành viên của hai cơ quan này đều biết rõ các hậu quả chính trị trong việc bắt cóc ông Thanh.

Phía Bộ ngoại giao Việt Nam đã không hề hồi đáp các câu hỏi trong email.

Thỏa thuận này là nỗ lực thứ hai của Liên minh Châu Âu tại một hiệp định thương mại ở Đông Nam Á, sau khi hiệp định với Singapore đang gần được phê chuẩn. Đức sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Năm ngoái nước này đã nhập khẩu 8 tỷ đô la hàng hoá từ Việt Nam - bao gồm giày dép, hàng dệt may, cà phê và thủy sản - và đã bán được 2,3 tỉ đô la tiền máy móc, thiết bị, xe ô tô, hóa chất và các sản phẩm khác. Thỏa thuận cũng sẽ tạo ra các cơ chế trọng tài nhằm cho phép các nhà sản xuất châu Âu, đa số là Đức, được hưởng an ninh về mặt pháp lý hơn ở đây.

Còn đối với Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nền kinh tế do doanh nghiệp nhà nước làm chủ vốn quá phụ thuộc vào khoản viện trợ phát triển. Bên được hưởng lợi sẽ là các công ty chuyên xuất khẩu trong các ngành như đánh bắt cá và may mặc, và thậm chí là cả các ngành mới nổi như xe tay ga, điện thoại thông minh và nội thất.

Ông Trịnh Xuân Thanh, từng là Bí tư tỉnh Hậu Giang và là chủ tịch của công ty Xây lắp Dầu khi Việt Nam, một công ty con của tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông bị buộc tội là vi phạm các quy định về quản lý dẫn đến thất thoát 147 tỉ USD.

Các luật sư của ông Thanh cho biết vào cuối tháng Bảy vừa qua, ông Thanh đã bị bắt cóc ngay bên ngoài khách sạn Sheraton ở quận Tiergarten và bị tống vào một chiếc xe mang biển số của Cộng hòa Séc. Hơn một tuần sau, ông Thanh đã xuất hiện trên sóng truyền hình nhà nước và cầu xin sự tha thứ từ phía chính phủ Việt Nam.

Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf, một trong những luật sư của ông Thanh tại Berlin, mô tả tình thế này “giống như tác phẩm của George Orwell”, và “Không một ai mong đợi điều này cả.”

Theo Bộ ngoại giao Đức, các quan chức cấp cao của Việt Nam đã yêu cầu Đức cho dẫn độ ông Thanh. Nhưng bà Schlagenhauf cho biết ông Thanh tin rằng ông sẽ không được xét xử công bằng.

Phía Đức đã đáp trả lại hành động bắt cóc bằng việc trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Việt Nam, đình chỉ các cuộc viếng thăm song phương cấp cao và yêu cầu một “sự đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ hành động vi phạm nào kiểu như thế này trong tương lai.”

Ông Marko Walde, chủ tịch Hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, cho biết hành động này “hoàn toàn không thể chấp nhận được, và trường hợp này sẽ được đưa ra xem xét cẩn thận” để phê chuẩn hiệp định thương mại.

Tuy nhiên bà Alicia Garcia-Herrero, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về hiệp định thương mại này, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục miễn là chính quyền Hà Nội tìm được một con dê để làm vật tế thần, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.

Bà cho biết thêm, Đức sẽ không thể lờ đi những lợi ích tiềm năng đối với các nhà sản xuất trong nước hay đòn bẩy giúp các nhà đám phán ở EU có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc. “Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư? Trung Quốc sẽ cười vào mặt cho mà xem.”

Nguồn: https://www.nytimes.com/2017/11/02/business/vietnam-eu-trade-abduction.html

____________________

23130705_1477208295661844_3918207082820470363_n
Email của Bộ Ngoại Giao Đức trả lời ông Bùi Minh Chính về việc hủy bỏ quy chế miễn thị thực cho người sở hữu hộ chiếu Ngoại Giao

NÓNG!!! TẤT CẢ CÁN BỘ DÙNG HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO VIỆT NAM ĐỀU PHẢI XIN VISA VÀO ĐỨC KỂ TỪ NGÀY 06.11.2017!!!

Tin buồn, rất đáng xấu hổ cho ngành ngoại giao Việt nam.

Bữa trước, khi có tin chính phủ CHLB ĐỨC xoá bỏ qui chế miễn thị thực cho các nhà ngoại giao VN, tôi đã viết thư cho Bộ ngoại giao Đức để hỏi thông tin chi tiết. Phía Đức hứa khi nào có quyết định chính thức sẽ trả lời. Hôm nay Bộ ngoại giao Đức gửi trả lời qua E-Mail với nội dung: Hiệp định về miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu ngoại giao được ký giữa chính phủ CHLB Đức và chính phủ nước CHXHCN Việt nam đã bị bãi bỏ. Bắt đầu từ 06.11.2017 (tức thứ hai tuần tới) mọi công dân VN mang hộ chiếu ngoại giao đều phải có Visa khi vào Đức.

Sự thật về uy tín của Việt nam trên trường quốc tế. Sự thật về hậu quả của vụ Trịnh xuân Thanh hay thất bại ngoại giao của TBT Nguyễn phú Trọng qua vụ bắt cóc TXT.

Lại một lần nữa nhân dân là người phải gánh chịu thiệt hại.

Nguồn: FB Minh Chinh Bui/Góc nhìn báo chí-công dân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn