BioNTech và công nghệ mRNA sẽ làm thay đổi thế giới như thế nào?

Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai 20206:00 CH(Xem: 4610)
BioNTech và công nghệ mRNA sẽ làm thay đổi thế giới như thế nào?
Screenshot-2020-12-13-083244-750x430
Vợ chồng Ugur Sahin và Özlem Türeci (ảnh chụp màn hình)

MINH ĐĂNG

Mất 10 tháng để BioNTech của Đức và đối tác Hoa Kỳ, Pfizer, phát triển loại vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Anh và chuẩn bị được tiêm cho hàng triệu người Mỹ, tạo một tiền lệ chưa từng có vì thường cần hơn ba năm để phương Tây chuẩn y một loại vaccine. Câu chuyện về loại vaccine Covid-19 đầu tiên được phép sử dụng ở phương Tây bắt đầu cách đây 30 năm ở một vùng nông thôn nước Đức, khi hai bác sĩ trẻ, con của những người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và lúc ấy đang yêu nhau, cùng cam kết phát minh một phương pháp điều trị ung thư mới.

Một cặp vợ chồng khoa học gia hiếm thấyVới những người sáng lập BioNTech, Ugur Sahin và Özlem Türeci – hai vợ chồng đằng sau nỗ lực thành công với vaccine coronavirus – đó là kết quả của ba thập niên làm việc, bắt đầu từ rất lâu trước khi coronavirus xuất hiện vào mùa đông năm ngoái. Tiến sĩ Sahin đã dành nhiều năm để nghiên cứu mRNA, chuỗi gien được đưa vào cơ thể giúp tự vệ chống lại virus và các mối đe dọa khác. Tháng 1-2020, vài ngày trước khi ca nhiễm coronavirus được chẩn đoán lần đầu tiên ở châu Âu, Sahin đã sử dụng kiến ​​thức nghiên cứu mRNA để thiết kế một phiên bản vaccine trên máy tính.“Thành công của Ugur và Özlem là sự kết hợp tuyệt vời giữa hai con người bổ sung cho nhau” – nhận xét của Rolf Zinkernagel, khoa học gia đoạt Nobel, người từng thuê Tiến sĩ Sahin làm việc tại phòng thí nghiệm Zurich của mình. “Anh ấy là một nhà khoa học sáng tạo, còn cô ấy là bác sĩ lâm sàng xuất sắc với khả năng tuyệt vời trong việc điều hành doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Sahin sinh năm 1965, ở Iskenderun trên bờ biển Địa Trung Hải thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông chuyển đến Đức bốn năm sau, khi cha của ông được tuyển làm việc tại một nhà máy Ford gần Cologne như một phần của chính sách tái thiết nước Đức thời hậu chiến với nguồn lao động nước ngoài. Cha của Tiến sĩ Türeci, một bác sĩ phẫu thuật, đến Đức cùng thời gian để làm việc trong một bệnh viện Công giáo tại thị trấn nhỏ Lastrup, nơi cô lớn lên và được truyền cảm hứng tận hiến giúp đời từ những vị nữ tu.

Tiến sĩ Sahin và Tiến sĩ Türeci kể lại rằng họ có cảm giác buồn nản và thất vọng, với tư cách các bác sĩ trẻ, khi chứng kiến thực tế rằng có quá ít lựa chọn dành cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, chính điều đó lại là động lực thúc đẩy họ lao vào nghiên cứu mRNA. Khi hai người gặp nhau tại bệnh viện đại học Homburg vào thập niên 1990, “Chúng tôi nhận ra rằng với liệu pháp tiêu chuẩn thông thường, chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến điểm mà chúng ta không có bất cứ giải pháp nào để giúp cứu bệnh nhân nữa cả” – Tiến sĩ Türeci kể. Thế là hai người cùng bắt tay viết luận án tiến sĩ về các liệu pháp thử nghiệm. Christoph Huber, khi đó là trưởng khoa huyết học và ung thư của Đại học Johannes‐Gutenberg ở Mainz và hiện là giám đốc không điều hành (nonexecutive director) của BioNTech, đã thuyết phục họ gia nhập khoa của ông. Ở đó, hai người bắt đầu nghiên cứu các phương pháp điều trị mới dựa trên kỹ thuật lập trình hệ miễn dịch để có thể giúp cơ thể đánh bại ung thư dễ dàng như diệt một bệnh truyền nhiễm.

Chìa khóa mRNA

Năm 2001, hai người thành lập công ty đầu tiên, Ganymed Pharmaceuticals GmbH, để phát triển phương pháp điều trị bằng kháng thể. Tiến sĩ Türeci là giám đốc điều hành và Tiến sĩ Sahin phụ trách nghiên cứu. “Động lực… là thu hẹp khoảng cách từ khoa học đến sự sống còn của con người” – Tiến sĩ Türeci nói. Một ngày năm 2002, Tiến sĩ Sahin và Tiến sĩ Türeci rời phòng thí nghiệm của họ vào khoảng giờ ăn trưa và đi đến phòng đăng ký kết hôn, nơi họ làm “lễ cưới” một cách chóng vánh trước khi mặc lại áo khoác phòng thí nghiệm và quay về làm việc. Những người ủng hộ sớm nhất và quan trọng nhất của vợ chồng này là Andreas và Thomas Strüngmann, hai anh em sinh đôi đã rót hơn 200 triệu euro, tương đương 241 triệu USD, cho đầu tư nghiên cứu-bào chế của cặp Sahin và Türeci kể từ năm 2001 đến nay.

Helmut Jeggle, chủ tịch hội đồng giám sát BioNTech, nhận xét: “Ugur là người có tầm nhìn xa. Anh ấy cho chúng ta thấy tương lai và cô Özlem thì cho chúng ta biết cách đạt được điều đó”. Năm 2008, Tiến sĩ Sahin và Türeci thành lập BioNTech để mở rộng nghiên cứu các phương pháp điều trị kháng thể dựa vào mRNA. Tất cả giám đốc điều hành tại BioNTech đều là khoa học gia, kể cả giám đốc tài chính và bán hàng. Giám đốc điều hành Ugur Sahin vẫn giữ chức vụ giáo sư tại trường đại học địa phương, nơi ông hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sĩ đồng thời chú ý tìm kiếm nhân tài cho công ty mình. Đội ngũ BioNTech, một nửa trong số đó là phụ nữ, gồm các nhà khoa học với 60 quốc tịch, trong đó có Katalin Kariko, giáo sư hóa sinh Trường Y Đại học Pennsylvania.

Ngày 25-1-2020, một ngày thứ Bảy, sau khi đọc một nghiên cứu, Sahin nhận thấy căn bệnh ít người biết đến ở Trung Quốc sẽ sớm nhấn chìm toàn cầu. Sahin bắt tay làm việc trên máy tính, thiết kế mẫu cho 10 loại vaccine có thể có, một trong số đó trở thành BNT162b2, vaccine được chuẩn y tại Vương quốc Anh. Cuối ngày hôm đó, ông nói với một đồng sự rằng BioNTech sẽ dồn hết sức vào vaccine chống lại loại virus lúc ấy còn chưa có tên và chưa được chẩn đoán ở châu Âu. Thứ Hai tuần sau, Tiến sĩ Sahin sắp xếp lại nhân sự thành ca bảy ngày, yêu cầu các nhân viên chủ chốt hủy ngày nghỉ và ngừng sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Dự án Lightspeed, như cách ông gọi, sẽ phát triển một loại vaccine trong vài tháng chứ không phải nhiều năm. Đến tháng Hai, khi quan sát trên kính hiển vi, ông chụp ảnh tự sướng cùng hai nhân viên có mặt. “Tôi nghĩ đây là sự ra đời ứng cử viên vaccine của chúng ta” – ông nói.

Một viễn cảnh đẹp cho tương lai thế giới

BioNTech từng làm việc với Pfizer để phát triển vaccine cúm dựa trên công nghệ mRNA. Vì vậy, khi Tiến sĩ Sahin cần một đối tác để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trên khắp các châu lục, nhằm có thể sản xuất trên toàn cầu và giúp phân phối ở Hoa Kỳ lẫn châu Âu, ông biết phải tìm đến ai. Tháng 3, hai công ty ký thỏa thuận hợp tác; và tháng 4, những thử nghiệm đầu tiên trên người bắt đầu. Sau đó, BioNTech mua lại một công ty Mỹ và một nhà máy dược phẩm lớn ở Đức để mở rộng quy mô sản xuất trong khi chờ cấp phép – một động thái cực kỳ liều lĩnh nếu vaccine thất bại.

Morgan Stanley ước tính vaccine coronavirus có thể mang lại cho Pfizer và BioNTech hơn 13 tỉ USD. Tiến sĩ Sahin cho biết, mọi khoản tiền thu vào sẽ được tái đầu tư. Trọng tâm chính của ông không thay đổi: áp dụng các phương pháp điều trị ung thư dựa trên mRNA. 11 trong số đó đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ điều này. Thomas C. Roberts, nhà khoa học sừng sỏ chuyên về mRNA từ Đại học Oxford, cho biết kết quả vaccine rất thú vị nhưng việc ứng dụng mRNA ngoài phạm vi tiêm chủng sẽ đối mặt những thách thức quan trọng. Với Tiến sĩ Sahin, ông vẫn tin vào năng lực của mình. Thành công từ vaccine coronavirus đã xác thực công nghệ mRNA của ông và “mang đến một hạng mục dược phẩm hoàn toàn mới”. Rồi mai đây, con người có thể điều trị ung thư, bằng mRNA, dễ dàng như trị một bệnh truyền nhiễm…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn