Trung-Úc căng thẳng : Châu Chấu Không Sợ Voi

Chủ Nhật, 06 Tháng Mười Hai 20209:00 CH(Xem: 4114)
Trung-Úc căng thẳng : Châu Chấu Không Sợ Voi
rfi.fr

Trung-Úc căng thẳng : Châu Chấu Không Sợ Voi

Tú Anh

Nước Mỹ trước thềm chuyển giao quyền lực, Trung Quốc và chiến thuật hù dọa mới trong quan hệ ngoại giao, bàn cờ địa chiến lược tay ba Nga-Thổ- Châu Âu là những chủ đề quốc tế trên các tạp chí Pháp tuần này.

Do thời sự bắt buộc, tình hình chính trị Pháp chiếm trang bìa các tuần báo Pháp. « Nước Pháp quyến rũ »*.Vị tổng thống canh tân của năm 2017 đâu rồi ? Báo chí quốc tế lo ngại bước chuyển sang phải của Emmanuel Macron, tựa hàm ý tiếc rẻ của Courrier International bên cạnh bức biếm họa tổng thống Pháp mặc áo veste mang thắt lưng quân đội.

Nhân vật làm « xáo trộn » phe tổng thống là ai ? L’Express đưa lên trang nhất chân dung của bộ trưởng nội vụ Gérald Darmadin, đứng đầu lực lượng cảnh sát cùng hàng tựa : "Mùi thuốc súng".

Cũng trong xu hướng này, tuần báo thiên tả l’Obs chọn ảnh chụp đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, và quyết định tranh ghế tổng thống 2022, đấu sức với đương kim chủ nhân điện Elysée, người bị bà ghét cay ghét đắng vì « phản bội đảng Xã hội ».L’Obs còn dành nhiều trang điều tra bên trong hậu trường về  bạo lực cảnh sát, cuộc khủng hoảng gây bối rối cho chính phủ Pháp và làm công luận phản đối mạnh.

Voi dọa châu chấu

Thời sự thế giới, hồ sơ Châu Á của Courrier Internatinal giới thiệu bài tường thuật của báo Úc, The Sydney Morning Herald, về phương cách hù dọa mới của chính quyền Trung Quốc (18/11/2020) nhằm bắt chẹt nước Úc, tuy cả hai đều là bạn hàng của nhau.

Thủ đoạn mới của Bắc Kinh là lên án nước Úc « đầu độc quan hệ song phương ». Đại sứ quán Trung Quốc mượn tay phóng viên hai nhật báo Úc** « chuyển » một bản buộc tội 14 điểm, yêu cầu Canberra lùi bước và xin lỗi nếu muốn quan hệ bình thường với Hoa lục.

Bắc Kinh còn đổ trách nhiệm cho Canberra về nội dung các bài báo « thù nghịch, gây hấn » chống Trung Quốc đăng trên truyền thông độc lập tại Úc.

Tài liệu này, với giọng điệu thẳng thừng, đi xa hơn mọi tuyên bố chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, chắc chắn sẽ làm quan hệ đã căng thẳng giữa hai nước trở thành nghiêm trọng hơn. Bắc Kinh cáo buộc chính phủ Úc « phá hoại thỏa thuận hợp tác của bang Victoria » với chương trình « con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc.

Một viên chức Trung Quốc còn trút thịnh nộ vào một phóng viên Úc trong một cuộc tiếp xúc, một ngày trước, tại Canberra : Trung Quốc đang căm giận. Nếu ông mô tả Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc sẽ là một kẻ thù của Úc.

Tài liệu nói trên cáo buộc Úc một loạt hành động « bài Trung Quốc », nào là chi ngân sách nghiên cứu « kỳ thị Trung Quốc » cho các viện chiến lược, lục soát tư gia nhà báo Trung Quốc, hủy visa nhập cảnh đã cấp cho các chuyên gia Trung Quốc, lãnh đạo « cuộc thập tự chinh » ở các diễn đàn quốc tế chống chính sách Trung Quốc đối với Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, đòi điều tra về cội nguồn Covid-19, loại trừ Hoa Vi không cho tham gia mạng viễn thông thế hệ 5 (5G), chận 10 dự án đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở.

Úc còn bị cáo buộc là nước không có liên can gì đến Biển Đông mà đi tiên phong công kích hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này tại Liên Hiệp Quốc (thật ra Úc phát biểu sau Mỹ).

Chính quyền Úc :« quyền lợi quốc gia không thể thương lượng »

Theo The Sydney Morning Herald, danh sách cáo buộc được trao cho báo chí Úc vài giờ trước khi phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khuyến cáo « Úc hãy suy ngẫm thay vì trốn tránh trách nhiệm » cho thấy Trung Quốc thay đổi chiến thuật, chia rẽ giữa chính quyền Úc và giới kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp thái độ hung hăng này, và áp lực trên ngành ngoại thương, (40% hàng xuất khẩu Úc bán sang Hoa lục), Canberra không thay đổi một ly.

Đối với chính phủ Úc, mục tiêu cốt lõi là bảo đảm an ninh quốc gia, qua hiệp định hợp tác quốc phòng với Nhật răn đe thái độ hiếu chiến của Trung Quốc. Còn doanh nhân thì muốn duy trì trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Thế nhưng đối với bộ ngoại giao Úc, 14 điểm bất đồng mà đại sứ  quán Trung Quốc đưa ra, liên hệ nhân quả đến quyền lợi quốc gia, do vậy « không có chuyện thương lượng ».

Đáp trả những chỉ trích của Bắc Kinh, thông điệp của bộ Ngoại Giao Úc mời gọi lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc đối thoại kèm theo lời khẳng định : « Chúng tôi sống trong một xã hội dân chủ và tự do, với truyền thông tự do và một chế độ đại nghị, tất cả mọi người đều có quyền phát biểu ».

 Hồng Kông :Tỷ phú Lê Trí Anh đấu tranh cho tự do

Chiến thuật lấy thịt đè người của Trung Quốc dường như không chừa một ai. Một nạn nhân khác là Jimmy Lai, Lê Trí Anh, nhà tỷ phú từ tay trắng làm nên ở Hồng Kông, chủ nhân một tổ hợp báo chí độc lập. Trong bài phỏng vấn dài, ông chia sẻ với Financial Times thời khởi nghiệp và bằng cách nào ông có thể điều hành công việc với bản án « thông đồng ngoại bang » cũng như tại sao ông muốn Donald Trump tái đắc cử .

Năm 12 tuổi (1959), ông xin mẹ cho rời Quảng Đông sang Hồng Kông tìm việc làm. Khi được một hành khách xe lửa trả công vác hành lý bằng ít tiền mặt và một thỏi sô-cô-la « ngon ơi là ngon », Hồng Kông phải là môt thiên đường, trong trí tưởng tượng của cậu bé, nhà tỷ phú 73 tuổi kể lại.

Và Hồng Kông đúng là một thiên đường. Cho dù ông phải làm việc ở tuổi 12, 13 nhưng có tự do.  Chỉ chín năm sau, 21 tuổi, ông đứng đầu công ty may mặc và phụ trách tiếp xúc với khách hàng Âu Mỹ nhờ vốn tiếng Anh học miễn phí với ông kế toán tốt bụng.

Tự do là cụm từ được ông nhắc lại nhiều lần trong cuộc phỏng vấn. Trong một chuyến sang Mỹ, và sau một buổi chiều kể chuyện « xấu » của Cộng Sản Mao, ông được một người bạn của doanh nhân Do thái đỡ đầu, tặng cho một tác phẩm của Friedrich Hayek***, bản tiếng Anh « Con đường của thân phận nô lệ » (1944). Nhờ quyển sách này mà nhà doanh nghiệp mới vào nghề trở thành một nhà tranh đấu cho tự do. Bức tượng của Friedrich Hayek chiếm chỗ đứng trang trọng trong phòng tiếp khách của tổ hợp truyền thông Giordano- Next Digital và Apple Daily.

Muốn làm Trung Quốc sợ, phải dọa đánh Trung Quốc

Jimmy Lai, Lê Trí Anhn nể phục Donald Trump ở thái độ hung hãn đối với chính quyền Trung Quốc : « Ông ấy chỉ để tâm đến thực tế, ông không phải là một người lịch sự. Donald Trump tỏ thái độ không khoang nhượng và nhờ vậy mà hiệu quả. Phương cách hay nhất để tranh chiến tranh với Trung Quốc là đe dọa đánh nó ». Hiện nay, tâm lý « chống Trung Quốc » ở Washington đều in đậm trong cả hai phe. Tuy nhiên, Jimmy Lai e ngại phe Dân chủ vì căm ghét Donald Trump mà có thể làm Joe Biden tỏ ra hòa dịu hơn với Bắc Kinh.

Nhưng trong mọi trường hợp, người dân Hồng Kông tiếp tục đấu tranh để chứng tỏ phẩm cách của mình, bảo vệ giá trị của mình. Tù nhân tương lai của Hồng Kông cho rằng xung khắc giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc và Tây phương cốt lõi là khác biệt giá trị. Ngày nào Bắc Kinh không công nhận giá trị tức là văn minh Tây phương thì Trung Quốc không thể là tác nhân thích hợp.

Với niềm tin Thiên Chúa, tỷ phú Lê Trí Anh chỉ lo cho hai người con trai bị câu lưu. Phần ông, « dù có bị đóng đinh trên thập tự giá cũng không hề gì ».

Tổng thống thứ 46 của Mỹ không hẳn là bạn của Châu Âu

Về thời sự Hoa Kỳ, giới truyền thông xem trang sử Donald Trump đã xong, Joe Biden sắp xếp đội ngũ nhân sự kinh nghiệm báo hiệu một nước Mỹ truyền thống lãnh đạo thế giới trở lại. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm thì khó.

Financial Times được Courrier Internatinal trích dịch một bài báo dài tiên đoán với Joe Biden, chủ nghĩa nước Mỹ ngoại lệ sẽ trở lại. Qua nhân sự được bổ nhiệm như Anthony Blinken, ngoại giao, Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, báo hiệu một chính sách đối ngoại tôn trọng đạo lý hơn và bớt can thiệp hơn.

Tuy nhiên, đây không phải là ý kiến của L’Express. Những cố vấn cũ của Obama trở lại chính phủ sẽ bị chới với vì cảnh cũ không còn ai ngoài các bức tường. Hai Ngoại trưởng của Donald Trump, Rex Tillerson và Mike Pompeo đã dọn sạch các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Bài thời luận « Không, Joe Biden không phải là bạn tốt của chúng ta », l’Express cảnh báo Châu Âu : Trong lãnh vực thương mại,  cũng như người tiền nhiệm Donald Trump, Joe Biden chủ trương ưu tiên cho xí nghiệp Mỹ trong các cuộc đấu thầu xây dựng ha tầng.

Trong khi đó, Châu Âu, với dự án đánh thuế các tập đoàn dịch vụ kỹ thuật số, sẽ bị xem là biện pháp bảo hộ thị trường đối với doanh nghiệp Mỹ. Nếu 2022, Bruxelles thực hiện dự án thuế khí thải thì Joe Biden, với tác phong nhã nhặn, sẽ không đình chỉ biện pháp của Donald Trump trừng phạt các công ty nước ngoài, tức là Châu Âu.

Theo L’Express, chỉ có một lĩnh vực mà Mỹ và Châu Âu có thể đồng thuận : đó là Trung Quốc và tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tuy nhiên, với điều kiện là những thành viên Liên Hiệp Châu Âu còn « xé lẻ » với Trung Quốc như 5G và con đường tơ lụa, phải xa lánh thiên triều. Đó là cái giá phải trả để hòa bình với Mỹ.

Châu Âu lúng túng trong chiến lược đối phó với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời phỏng vấn tuần báo l’Obs, Bayram Balci, nhà nghiên cứu Pháp, chuyên gia về Hồi giáo chính trị trong khu vực hậu Liên xô xác quyết ngay : nhiều người quy trách nhiệm cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ các cuộc chiến tranh ở Libya, Syria và Thượng Karabakh. Erdogan không phải là « tân bạo chúa » Ottoman và cố xây dựng lại đến chế này. Erdogan chỉ vụng về trong phương cách thoát ra vòng vây cô lập.

Azerbaijan cũng không phải là tay sai của Thổ Nhĩ Kỳ hay của Nga như nhiều nhà phân tích Châu Âu tin lầm. Trong các nước hậu Xô-Viết, Azerbaijan là một trong những nước hiếm hoi có một chính sách đối ngoại cân bằng, thân thiện với tất cả mọi nước từ Nga cho đến Mỹ, từ Iran cho đến Châu Âu và mọi nước lân cận khác.

Châu Âu cũng sai lầm khi sợ rằng Nga và Thổ sẽ đánh nhau. Bayram Balci, giải thích : Nước Nga không còn là một đế chế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy và không ai sợ nước kia lấn đất của mình. Putin và Erdogan đều có vẻ bề ngoài của những hoàng đế nhưng thực tế họ là những nguyên thủ quốc gia biết cách hợp tác với nhau để bảo vệ quyền lợi cho dù có nhiều bất đồng. Đó chính là lý do Thổ tiến lại gần Nga. Và Nga xem Thổ là đồng minh để trêu tức NATO .

Cho nên, có thể dự đoán là trong tương lai, đối tác Nga-Thổ và xa hơn nữa là Trung Quốc sẽ được phát triển dù Erdogan còn hay mất.

L’Express với một góc nhìn khác, phân tích về nỗ lực vô vọng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn xây dựng Châu Âu với nước Nga dựa trên « sự tin cậy lẫn nhau ». L’Express nhắc lại hai sự kiện: Yelsin bật đèn xanh cho Ba Lan gia nhập NATO. Putin cũng thụ động cho ba nước Baltic theo chân Ba Lan nhưng NATO không giữ một lời hứa nào trừ cam kết không đóng quân ở các bang Đức sát biên giới Nga.

Tâm lý trả thù của Putin hoàn toàn đi ngược lại cao vọng của Châu Âu. Trả thù Liên xô tan rã cùng với việc NATO kéo quân sát biên giới phía tây của Nga là « nhiên liệu » nung nấu tinh thần dân tộc mà điện Kremlin đang làm.

*« Douce France », nhạc phẩm biểu tượng của Charles Trenet

** The Age và The Sydney Morning Herald

*** Nhà tư tưởng của chủ nghĩa tự do người Anh gốc Áo (1899-1992)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn