Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một trong những ứng dụng chiếm lĩnh thế giới nhanh nhất, TikTok, có thể sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới, nơi mà châu Á chứ không phải Thung lũng Silicon sẽ dẫn đầu lĩnh vực công nghệ.

Trong hơn 30 năm qua, một vùng đất nhỏ, chỉ khoảng 116 cây số vuông, đã có tác động to lớn vượt bậc tới cách thức chúng ta làm việc, sinh hoạt và vui chơi.

Thung lũng Silicon của California đã định hình cuộc sống của chúng ta. Từ những trang web để ta mua đồ, cho tới các dịch vụ phát video trực tuyến, cho tới những công ty cung cấp dịch vụ thư điện tử, hầu như tất cả đều dựa vào nơi này của nước Mỹ.

Đó là chuyện xảy ra cho tới gần đây.

Sự trỗi dậy của TikTok, một ứng dụng của công ty mẹ, hãng ByteDance của Trung Quốc, đã đánh trúng vào trọng tâm siêu đẳng của Thung lũng Silicon.

Cùng với các sản phẩm kỹ thuật số được đưa ra từ Trung Quốc, TikTok có tiềm năng tái định hình công nghệ trong tương lai - một tương lai trong đó văn hóa và lợi ích của Thượng Hải hoặc Bắc Kinh có thể sẽ tạo khuôn mẫu cho ngành công nghiệp này ở tầm mức lớn hơn so với những gì mà vùng Vịnh San Francisco đã tạo ra.

Khó để nói quá về tầm mức ghê gớm của sự thay đổi này.

"Quan điểm trước đây là Trung Quốc thường đưa ra những phiên bản của riêng mình, dựa trên việc sao chép các sản phẩm kỹ thuật số của phương Tây," Elaine Jing Zhao, giảng viên cao cấp từ trường nghệ thuật và truyền thông thuộc Đại học New South Wales, Australia, nói.

"Ngày nay, ta thấy sự dịch chuyển đang diễn ra theo hướng các mạng xã hội của phương Tây đang học hỏi các mạng xã hội Trung Quốc."

Và các ứng dụng, nền tảng và dịch vụ của Trung Quốc hiện đang rất khác so với những thứ của phương Tây.

Sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc

Nổi tiếng nhất đương nhiên là TikTok, ứng dụng có 690 triệu người dùng tích cực mỗi tháng trên toàn cầu, trong đó có 100 triệu từ Hoa Kỳ và 100 triệu từ châu Âu.

Giống như các ứng dụng khác có nguồn gốc Trung Quốc, chủ sở hữu TikTok đã tìm cách làm giảm bớt tầm quan trọng xuất xứ của ứng dụng này.

"Họ muốn người dùng quốc tế có cảm giác rằng đây không phải là các nền tảng của Trung Quốc mà là nền tảng toàn cầu," Jian Lin, Phó giáo sư từ Đại học Groningen, Hà Lan, tác giả của nhiều cuốn sách nói về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nền tảng công nghệ và ngành công nghiệp kỹ thuật số, nói.

"Họ thực sự muốn công chúng cảm nhận rằng đó không nhất thiết phải là hàng Trung Quốc, mà cũng giống như các sản phẩm khác, đó là sản phẩm toàn cầu."

Nỗi sợ hãi của họ về việc bị phản tác dụng phát sinh từ quan điểm cứng rắn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với ứng dụng này.

Ông Trump đã tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng vững chắc nào rằng đây là một mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

Trong số các nước khác phản đối TikTok còn có Ấn Độ, nơi ứng dụng này đã bị cấm kể từ tháng 6/2020, và Pakistan, nơi đã cấm trong 10 ngày hồi tháng Mười.

Nhưng những trở ngại này có vẻ như không làm chùn bước các công ty công nghệ khác của Trung Quốc trong việc theo chân TikTok, Lin nói. "Tôi tin rằng các công ty Trung Quốc sẽ trở nên thậm chí là tham vọng hơn, mạnh mẽ hơn trong những năm tới," ông nói.

Ông cũng trông đợi rằng các công ty này sẽ bành trướng tham vọng toàn cầu của mình: do thị trường công nghệ nội địa của Trung Quốc đã trở nên bão hòa với quá nhiều cạnh tranh, các công ty sẽ muốn tìm kiếm cơ hội ở các thị trường hải ngoại.

Làm thay đổi công nghệ phương Tây

Cách thức mà các ứng dụng của Trung Quốc tương tác với người dùng, và các dịch vụ được chào mời từ các ứng dụng này đã và đang ảnh hưởng tới các nền tảng kỹ thuật số của phương Tây.

Một ví dụ, đó là "siêu ứng dụng" ("superapp").

"Tại Trung Quốc, việc trở thành một siêu ứng dụng là rất phổ biến, nơi bạn có thể làm được rất nhiều thứ khác nhau mà chỉ cần dùng một ứng dụng," Fabian Ouwehand nói. Ông là sáng lập viên của Many, một công ty marketing Hà Lan chuyên tư vấn cho các công ty và những người có nhiều ảnh hưởng cách sử dụng TikTok và phiên bản tiếng Trung của ứng dụng này, Douyin (Đẩu Âm).

Việc kết hợp phổ biến nhất có thể là gì? Chính là kết hợp mạng xã hội với hoạt động thương mại.

"Tại Trung Quốc, mọi người đã quen với việc sử dụng phiên bản thương mại hóa của hoạt động giải trí trên mạng xã hội, và thực hiện rất nhiều giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh thông qua các ứng dụng," Lin nói.

Chẳng hạn như trên Douyin, người dùng có thể mua các sản phẩm trực tiếp từ ứng dụng này trong lúc xem các video ngắn mà những người làm video đăng tải lên, điều mà TikTok ở phương Tây đang bắt chước, với việc tích hợp nền tảng mua sắm trực tuyến Shopify vào TikTok hồi tháng 10/2020.

WeChat, vốn thường được miêu tả như một ứng dụng trò chuyện thuần tuý, còn đi xa hơn: nó hoạt động như một nền tảng thanh toán, và là cách để giữ liên lạc, cập nhật thường xuyên với bạn bè.

Lý do khiến những siêu ứng dụng trở nên phổ biến như vậy tại Trung Quốc thì thật đơn giản, theo Zhao.

"Mọi người cảm thấy thật là tiện dụng khi mọi thứ trong cuộc sống đều được tổ chức, sắp xếp bằng các nền tảng mạng xã hội và các siêu ứng dụng," bà nói. "Từ việc mua sắm trực tuyến cho tới việc gọi taxi, hay giao lưu với bạn bè, gặp gỡ người lạ, bạn đều có thể thực hiện trên cùng một ứng dụng."

Cách tiếp cận này đòi hỏi việc phải trao nộp nhiều dữ liệu để kết nối các hệ thống khác nhau vào một cổng đơn lẻ, thuận tiện cho người dùng, điều mà không phải ai cũng thoải mái chấp nhận.

Nhưng các chuyên gia tin rằng công tác nhân khẩu học hỗ trợ rất tốt cho các nhà phát triển ứng dụng. "Người dùng trẻ tuổi sẽ chấp nhận nhanh chóng hơn so với các thế hệ trước, những người vốn hay lo lắng," Ouwehand nói. "Họ đề cao sự tiện lợi hơn so với sự riêng tư."

Các công ty phương Tây đang ghi nhận điều này. Những nền tảng như Facebook đã bắt đầu đem tới các tính năng và dịch vụ khác nhau cùng về một chỗ: trong những năm gần đây, Facebook đã tích hợp việc xem video trực tuyến (Facebook Watch) và việc mua sắm (Facebook MarketPlace) vào cùng mạng xã hội cốt lõi của mình.

Instagram thuộc sở hữu của Facebook trong những tháng gần đây cũng đã đưa thêm dạng thức video ngắn phát đi phát lại giống như của TikTok, gọi là Instagram Reels, và cũng kết nối với Shopify để ủng hộ viên của những người có nhiều ảnh hưởng có thể mua trực tiếp trên ứng dụng các sản phẩm mà thần tượng của họ ưa dùng.

"Tôi đang thấy ngày càng có nhiều công ty tìm cách bổ sung thêm các tính năng vào ứng dụng của mình," Rui Ma, chuyên gia công nghệ Trung Quốc làm việc tại Thung lũng Silicon, đồng ý. "Điều đó có lẽ là bước đi công khai lớn nhất, hướng tới việc thay đổi để trở nên giống công nghệ Trung Quốc hơn."

Tăng cường kiểm soát

Tuy nhiên, phía sau hậu trường đang có những khác biệt khác, vốn cũng tạo nên sự thay đổi đầy ý nghĩa.

TikTok đã bị chỉ trích về cách tiếp cận của họ đối với những người sáng tạo video là người khuyết tật hoặc quá cân. Video của những người này bị cho là không được ưu tiên, di sản của chính sách kiểm soát mà các nhân viên của hãng tại Trung Quốc đưa ra.

Ứng dụng này nói kể từ đó họ đã soạn lại chính sách kiểm duyệt, nhằm phù hợp với thị hiếu và văn hóa phương Tây, vốn cởi mở và ít bị kiểm soát hơn.

"Điều chúng ta biết dựa trên các tường thuật, là TikTok đã có những chỉ dẫn rất rõ ràng trong nội bộ công ty về việc những loại nội dung nào sẽ được quảng bá và những loại nội dung nào sẽ cần phải bị xóa bỏ hoặc không để cho người dùng khác xem," Lin nói.

Tuy nhiên, bất chấp việc địa phương hóa chính sách kiểm soát đối với các nội dung đăng tải trên nền tảng của mình, TikTok vẫn chủ động hơn nhiều so với các mạng xã hội phương Tây trong việc can thiệp vào điều gì hãng coi là những nội dung có thể sẽ gây rắc rối.

Bản phúc trình về mức độ minh bạch ra hồi tháng 9/2020 của hãng cho thấy trong số 104 triệu video bị xóa khỏi TikTok trong nửa đầu năm 2020, có 90,3% bị xóa trước khi được bất kỳ người dùng nào xem, và 96,4% bị gỡ bỏ bởi chính ứng dụng này trước khi bị người dùng khiếu nại là có nội dung vi phạm.

Hãy so sánh những số liệu này với chính sách kiểm soát nội dung của các mạng khác, như YouTube chẳng hạn. Cho tới khi xảy ra đại dịch Covid-19, YouTube chủ yếu dựa vào chính sách kiểm soát tự động thay vì có sự can thiệp của con người, và YouTube đi sau chút ít so với TikTok trong việc chủ động xóa gỡ video.

Trong thời gian ba tháng, từ tháng Tư đến tháng Sáu 2020, là thời gian mới nhất đã có các số liệu được báo cáo, 95% video bị gỡ bỏ do chức năng "tuýt còi tự động" ("automated flagging"), và chỉ có 42% là chưa được bất kỳ ai xem đã bị gỡ bỏ.

Khuyến nghị theo thuật toán

Một cách khác mà các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đang gây ảnh hưởng lên trên các mạng xã hội phương Tây, đó là cách thức chúng cho hiện và sàng lọc thông tin.

Trong khi Facebook và Twitter gợi ý các post dựa trên những gì bạn bè của bạn đăng tải hoặc chia sẻ trên dòng tin tức của bạn thì TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc lại thích tìm hiểu về bạn tới mức tối đa, rồi sau đó gửi tới cho bạn những nội dung mà ứng dụng này nghĩ rằng bạn sẽ thích.

"Tại Trung Quốc, bạn thấy có rất nhiều nền tảng khác nhau mọc ra như nấm, và đó là những cách giúp chúng tập trung vào việc khám phá, mà ở đây, đó là tập trung rất nhiều vào vòng quan hệ xã hội của bạn," Ouwehand nói.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Mô hình này tìm hiểu sở thích của chúng ta dựa trên cách ta phản ứng thế nào đối với những video mà chúng ta đã xem trước đó, thay vì đoán ý mối quan tâm của chúng ta dựa trên những gì chúng ta tương tác với hoặc dựa trên những từ khoá mà chúng ta dùng trong những lần tìm kiếm trước đó.

Đây là sự khác biệt đầy ý nghĩa, làm định hình lại cách thức chúng ta tiêu thụ thông tin, và làm thay đổi kinh tế cho những người sáng tạo nội dung.

Theo mô hình của Trung Quốc, trong đó sự khám phá và và giới thiệu được dựa trên thuật toán, người dùng ít bị hút vào những nội dung đơn lẻ mà những người sáng tạo đăng tải và họ đăng ký theo dõi.

Chẳng hạn như trên YouTube, những người có tính cách mạnh mẽ trở nên nổi tiếng bởi họ có khả năng xây dựng được một hệ thống người theo dõi trung thành hùng hậu.

Nhưng trên TikTok, bất kỳ ai cũng có thể trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm, nhờ vào một video đơn lẻ trở nên phổ biến do thuật toán của ứng dụng này - và sự nổi tiếng đó có thể biến mất cũng nhanh không kém khi có một video nổi tiếng khác nổi lên.

Do chiến lược này rất được ưa chuộng, nó cũng có thể là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi rộng lớn hơn giữa các nền tảng mạng xã hội khác.

Công nghệ trong tương lai

Nếu các hãng Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò gây ảnh hưởng ngày càng lớn trong lĩnh vực công nghệ, thế giới trực tuyến của chúng ta có thể sẽ khác đi rất nhiều vào khoảng thời gian 2030.

Một trong những thay đổi là nó có thể trở nên đa dạng hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon mà chúng ta vẫn đang chứng kiến vào lúc này.

Và tuy các ứng dụng Trung Quốc đang làm mưa làm gió nhiều nhất vào lúc này, nhưng điều đó cũng có thể thay đổi.

"Không chỉ là các công ty Trung Quốc mà cả các công ty khác ở Châu Á," Zhao nói. "Những gã khổng lồ trong khu vực có thể cũng sẽ muốn chiếm được một phần trong miếng bánh thị trường toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa Facebook và Google để giành thị phần ở thị trường châu Á, nhưng đồng thời các gã khổng lồ địa phương cũng đang tiến vào thị trường Hoa Kỳ."

Chúng ta cũng có thể sẽ chứng kiến việc các ứng dụng ngày càng tập trung nhiều hơn vào việc địa phương hóa, điều mà chúng ta đã thấy ở TikTok. "Nếu bạn muốn trở thành một công ty toàn cầu, bạn phải phục vụ các khách hàng khác nhau với những những khẩu vị văn hóa khác nhau," Zhao nói.

Và chúng ta có thể sẽ chứng kiến việc các sản phẩm phương Tây chiếm vị thế đi đầu nhiều hơn nữa, từ việc áp dụng các chiến lược hoặc các dịch vụ thành công nằm bên ngoài Trung Quốc và nằm ở phần còn lại của châu Á.

"Đó là nơi phương Tây sẽ sao chép rất nhiều," Ouwehand nói. "Nói về các chức năng và về việc mở rộng chính mình thì các ứng dụng cần phải làm rất nhiều hơn nữa."

Tương lai của công nghệ trong thập niên tới đương nhiên sẽ khác rất nhiều so với ý tưởng được đưa ra từ Thung lũng Silicon mà chúng ta đã quen thuộc trong vòng 20 năm qua.

Thế nhưng nó nhiều khả năng sẽ phát triển tiến hóa thông qua những bước đi nhỏ và những ảnh hưởng nhỏ, như đã được chứng minh thông qua cách thức TikTok được triển khai khác với Douyin; việc không kịp đưa ra những thay đổi đã có trong phiên bản Trung Quốc đã mở đường cho TikTok tiến vào thị trường phương Tây.

Rốt cuộc, đây chính là điều mà một thế giới toàn cầu hóa hoạt động, Zhao nói. "Đây là một ví dụ về việc thụ phấn chéo. Hoạt động kinh doanh luôn là cách lấy cảm hứng từ người khác," bà nói.