Pháp chống khủng bố: Bài toán khó về ngăn chặn thông điệp thù hận trên mạng xã hội

Chủ Nhật, 22 Tháng Mười Một 20206:00 SA(Xem: 3772)
Pháp chống khủng bố: Bài toán khó về ngăn chặn thông điệp thù hận trên mạng xã hội
Thùy Dương
twitter-facebook-instagram

Để đối phó với nguy cơ khủng bố, nước Pháp đang tăng cường cuộc chiến chống hận thù trên các mạng xã hội. AFP/File

Năm năm sau loạt vụ khủng bố tối 13/11/2015 tại Paris và ngoại ô khiến 130 người thiệt mạng, làm 350 người bị thương và gây chấn động toàn quốc, nước Pháp vẫn nhiều lần phải đương đầu với các vụ tấn công khủng bố. Cùng với thời gian và sự biến chuyển của xã hội, mối họa khủng bố đã có nhiều thay đổi khiến các biện pháp phòng chống không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Gây rúng động nhất trong thời gian gần đây có lẽ phải kể tới vụ Hồi giáo cực đoan sát hại man rợ, chặt đầu thầy giáo sử-địa Samuel Paty ở ngoại ô Paris ngày 16/10/2020 sau khi nhà giáo 47 tuổi cho học sinh xem tranh biếm họa của tuần báo Charlie Hebdo về nhà tiên tri Mohamed trong giờ học giáo dục công dân. Vụ Paty đã thổi bùng tranh luận về đấu tranh chống thông điệp hận thù, thúc đẩy Pháp tăng cường mặt trận chống khủng bố trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng thầy giáo Paty thiệt mạng một phần vì những thông điệp hận thù đã không được xóa bỏ kịp thời, kích động thủ phạm ra tay.

Theo France 24 ngày 30/10, hiện nay chính phủ Pháp ít lo ngại về nguy cơ tấn công khủng bố được chuẩn bị từ nước ngoài hơn là các hành động cá nhân đơn lẻ trong nước. Với sự phát triển bùng nổ của mạng internet và các mạng xã hội, hơn bao giờ hết, nước Pháp đang chật vật trong cuộc chiến chống các thông điệp hận thù và Hồi giáo cực đoan trên mạng internet.

Ngày 20/10/2020, trang mạng Public Senat trích dẫn phát biểu của bộ trưởng chuyên trách Quyền Công Dân / Bộ Nội Vụ Marlène Schiappa, trong một cuộc họp với lãnh đạo các mạng xã hội và trang web lớn tại Pháp trong khuôn khổ cuộc chiến chống “Hồi giáo cực đoan trên mạng Internet”: “Chúng ta đang phải đối phó với một thế hệ người cực đoan mới, đó là những thanh niên cực đoan hóa không phải do đến các đền thờ Hồi giáo cực đoan, do tiếp xúc với những người có tư tưởng cực đoan hay trở nên cực đoan khi ở trong nhà tù mà là những người trẻ tuổi trở nên cực đoan khi ngồi một mình trước màn hình điện thoại hay máy tính trong phòng riêng của họ”.

Tăng cường nhân sự cho Pharos là chưa đủ

Sau khi vụ sát hại thầy giáo Paty xảy ra, trang web Pharos của chính phủ Pháp chuyên về báo động, phân tích các nội dung phi pháp trên mạng internet được nhắc tới nhiều. Được thành lập từ năm 2009, nhưng thực ra Pharos không được công chúng biết đến nhiều cho dù nhiệm vụ của họ rất đa dạng: chống các nội dung hận thù trên mạng xã hội, trang web, diễn đàn, chống quấy rối, lừa đảo trên mạng internet … Chỉ vỏn vẹn có 30 nhà điều tra, mỗi năm phải tiếp nhận, xử lý hơn 200.000 ngàn báo động của cư dân mạng, thì không khó để hình dung hiệu quả thực sự của Pharos chỉ là rất hạn chế. Để khắc phục, chính quyền Pháp đã quyết định tăng cường nhân lực cho trang web Pharos.

Tuy nhiên, France Info ngày 02/11 trích dẫn nhận định của giảng viên Romain Badouard thuộc Viện Báo Chí Pháp, Đại học Paris II – Panthéon Assas, theo đó trong bối cảnh khối lượng thông tin được đăng tải ồ ạt trên mạng như hiện nay, chẳng hạn chỉ tính riêng Twitter, chỉ trong vòng một phút, có tới vài trăm ngàn tin nhắn được đăng tải, thì nhân sự của Pharos cho dù có tăng thêm hàng trăm, hàng ngàn người cũng sẽ là không đủ. Còn ông Marc Rees, tổng biên tập trang mạng NextInfact, chuyên về luật công nghệ số, nhấn mạnh ngoài việc tăng cường nhân lực cho Pharos, cần có sự chuyển tiếp nhanh chóng, hiệu quả từ các lời báo động, cảnh báo của Pharos đến hành động xử lý của cơ quan tư pháp.

Tăng cường trách nhiệm của các mạng xã hội

Trong số các biện pháp tăng cường kiểm soát và đấu tranh chống các thông điệp hận thù trên mạng xã hội, thủ tướng Pháp Jean Castex trong các bài phát biểu đã nói đến khả năng Pháp sẽ thông qua nhiều quy định, điều luật mới, chẳng hạn về tội gây nguy hiểm đến tính mạng người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo đài France Culture, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư chuyên về quyền kỹ thuật số nhận định, nước Pháp đã có đủ luật để chống sự lan truyền các thông điệp thù hận trên mạng xã hội.

Nhà nghiên cứu Romain Badouard nói đến “đặc trưng kiểu Pháp”: cứ khi nào xảy ra thảm kịch, chính quyền Pháp lại tìm cách tạo ra các luật mới để chứng tỏ họ có hành động. Đối với ông, thách thức đặt ra hiện nay là áp dụng triệt để các luật đã có sẵn chứ không phải tạo ra thêm luật mới.

Còn luật sư về quyền kỹ thuật số Alexandre Lazarègue khẳng định trong bộ luật hình sự đã có các điều luật quy định việc xử lý những người kêu gọi tiến hành các hành vi phạm tội, kích động hận thù… và nhấn mạnh phải tăng cường, ràng buộc trách nhiệm của các mạng xã hội đối với nội dung được đăng tải, không thể coi mạng xã hội chỉ như một “thùng thư” trên mạng, ai muốn bỏ thư gì vào thì bỏ, không thể coi mạng xã hội chỉ là một nơi chứa các tin nhắn, thông điệp, mà phải coi mạng xã hội như cơ quan báo chí và áp dụng luật báo chí đối với họ.

Vẫn theo chuyên gia Lazarègue, ngoài việc buộc các mạng xã hội dỡ bỏ các nội dung kích động hận thù, chính quyền phải lưu ý đến tính minh bạch của các thuật toán mà các mạng xã hội sử dụng, phải khám phá được “hộp đen” thuật toán của các mạng xã hội, bởi theo chuyên gia Alexandre Lazarègue, chính các thuật toán này là “thủ phạm”: thông điệp càng cực đoan thì càng được mạng xã hội cho lan truyền nhanh.

Doanh nghiệp Phát bắt đầu tham gia mặt trận chống thù hận trên mạng

Chống thù hận trên mạng hiện nay không chỉ là nhiệm vụ cấp bách cho chính phủ Pháp mà còn bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các công ty chuyên về trí thông minh nhân tạo và thuật toán thông minh trong việc tìm kiếm, sàng lọc, thu thập và báo động về thông tin giả mạo, sai lệch và bài viết kích động hận thù, cổ súy khủng bố trên các mạng xã hội. Một trong số đó là công ty khởi nghiệp Predicta Lab tại thành phố Toulouse, miền nam nước Pháp.

Trả lời đài France Info ngày 07/11/2020, ông Baptiste Robert, nhà sáng lập start-up Predicta Lab, giải thích: “Ý tưởng của Predicta Lab là ban đầu sẽ thu thập dữ liệu trên các mạng xã hội, tất cả các mạng xã hội, như TikTok, Facbook (…) phân tích các dữ liệu và rồi đưa ra các báo động tùy vào nội dung mà chúng tôi thu thập được, có thể liên quan đến sự thù hận trên mạng, hay việc phát hiện ra là có người đang bị hàng trăm người khác quấy rối, hay một sự kiện đang xảy ra (…)

Chúng tôi nhận thấy là từ khi Predicta Lab khởi động, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều điều và rất nhanh chóng. Đúng là bây giờ sự thù hận đang lan truyền trên các mạng xã hội. Chẳng hạn hôm nay tôi mới thấy một đoạn vidéo quay cảnh một phụ nữ bị chồng đánh đập và bên dưới có hàng loạt bình luận mang tính thù hận. Có những người dành cả buổi tối, từ 18 giờ cho đến nửa đêm hay 1h sáng chỉ để chửi bới người khác trên mạng internet và cũng trong một buổi tối có những người viết từ “đồ đểu cáng”, “đồ khốn nạn” hàng trăm lần và những từ này xuất hiện trong tất cả các tin nhắn Twitter của họ (…)

Đã có những chương trình tương tự, có những doanh nghiệp tương tự chủ yếu là doanh nghiệp Mỹ. Mạng xã hội nào cũng có công cụ riêng để theo dõi, nhưng ở Pháp thì chưa có doanh nghiệp nào thực sự làm những chương trình như thế này. Nước Pháp đang thực sự có nhu cầu về một thị trường như vậy và châu Âu cần có hành động để có thể xử lý tất cả những vấn đề này, đôi khi chúng liên quan nhiều đến an ninh quốc gia, chẳng hạn về hành vi ca tụng, cổ xúy khủng bố”.

Nhưng liệu trí thông minh nhân tạo có phải là một giải pháp thần kỳ để đấu tranh chống sự thù hận lan truyền trên mạng internet hay không? Nhà sáng lập Predicta Lab nhấn mạnh:

“Công nghệ không phải là điều kỳ diệu. Vẫn còn rất khó để nắm bắt được hết các sắc thái. Thế nhưng, điều mà chúng tôi có thể làm và đã biết làm, đó là xác định được những bài viết có nội dung rõ ràng, trực tiếp, chẳng hạn như “Cần chặt đầu người Pháp”. Với những nội dung kiểu này, thuật toán của chúng tôi có thể hiểu được ngay và chúng tôi biết là đây là một thông điệp gây tội ác, một lời đe dọa, có người đang ca tụng, cổ súy khủng bố. Đó là những bài viết mà nội dung được thể hiện một cách trực tiếp, rõ ràng, cụ thể. Nếu chúng ta có thể loại bỏ hết những bài viết như thế khỏi các mạng xã hội thì điều này sẽ tốt cho tất cả mọi người và không khí trên các mạng xã hội cũng sẽ dịu đi”.

Sự ràng buộc của tự do ngôn luận


Về phía cộng đồng, bộ trưởng Marlène Schiappa, đề xuất ý tưởng triển khai “đội quân cộng hòa trên mạng”. Trên thực tế, đã có nhiều hội đoàn và nhiều nhóm cư dân mạng phối hợp để đấu tranh chống các phát ngôn hận thù, mang tính bạo lực trên mạng internet. Mục đích của họ là kêu gọi sự chú ý của những cư dân mạng mà họ gọi là những thành phần “đa số thầm lặng”, những người đọc được các nội dung thù hận trên mạng, không hùa theo nhưng cũng không phản đối hay báo động cho cơ quan chức năng.

Thế nhưng, trả lời phỏng vấn báo 20 Minutes, nhà nghiên cứu Romain Badouard cho biết sự tự nguyện tham gia của cư dân mạng là rất cần thiết, nhưng nếu có sự tổ chức của chính quyền thì chưa chắc sẽ mang lại thành công bởi một số người sẽ dè chừng khi nghĩ rằng chính phủ có ý đồ can thiệp vào các cuộc tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Quả thực, người Pháp vốn dĩ đề cao quyền tự do ngôn luận, và chính điều này đã tạo thế khó cho chính quyền Pháp. Các đề xuất của chính quyền thường bị chỉ trích là ngăn chặn tự do ngôn luận. Sự thất bại của dự thảo luật Avia về chống hận thù trên mạng xã hội trước Hội Đồng Bảo Hiến của Pháp hồi tháng 06/2020 là một minh chứng.

Làm thế nào để duy trì quyền tự do ngôn luận mà vẫn kiểm soát không để nội dung hận thù lan truyền trên mạng, kích động bạo lực, khủng bố, gây hại cho an ninh quốc gia là bài toán khó mà chính quyền Pháp vẫn chưa có lời giải triệt để.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn