RCEP thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc

Thứ Ba, 17 Tháng Mười Một 20206:00 SA(Xem: 3877)
RCEP thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc
rfi.fr

RCEP thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc

Thanh Hà

Sau tám năm đàm phán, 14 quốc gia châu Á, trong đó có nhiều đồng minh của Hoa Kỳ đã hưởng ứng sáng kiến của Bắc Kinh, cùng với Trung Quốc tham gia Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực RCEP. Vào lúc Washington đã rút lui khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, thắng lợi của Bắc Kinh gần như trọn vẹn.

Thuần túy về kinh tế, thắng lợi đầu tiên của Trung Quốc là RCEP vẫn được ký trong bối cảnh đang diễn ra các xung đột thương mại, đối đầu về công nghệ với Mỹ. Các đồng minh thân thiết nhất của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đến những đối tác thân thiện với Mỹ hơn cả trong Hiệp Hội ASEAN, tất cả đều tham gia hiệp định này.

Bất chấp những nỗ lực của Mỹ thuyết phục các đối tác châu Á giữ khoảng cách với Trung Quốc, ngoại trừ Ấn Độ, không mấy ai muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia vào một khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bao gồm 30 % dân số toàn cầu gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Điều đó cũng cho thấy, thị trường Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn rất lớn. Ngay cả Canberra vốn đang căng thẳng với Bắc Kinh cả về ngoại giao lẫn kinh tế vẫn đặt bút ký.

Điểm thứ nhì đáng chú ý là chính sách bảo hộ của tổng thống Donald Trump trong bốn năm qua, việc Mỹ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương ngay từ năm 2017, càng hối thúc các nước Á châu đẩy mạnh tiến trình hội nhập. Sự thoái lui của Hoa Kỳ đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc.

Như chính thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố nhân lễ ký kết hiệp định RCEP : đây không chỉ là một là dấu hiệu rõ rệt nhất về hợp tác của khu vực mà còn là « thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và mậu dịch tự do ». Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng khẳng định điều này qua phát biểu trên cầu truyền hình vào hôm 15/11/2020, cho dù sau khi Washington rút khỏi TPP, Tokyo đã đóng vai trò đầu tàu để cứu hiệp định xuyên Thái Bình Dương lấp chỗ trống do Hoa Kỳ để lại.

Thắng lợi thứ ba của Bắc Kinh là hiệp định RCEP cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng với các nước Đông Nam Á. Theo chuyên gia Alexander Capri Đại Học Kinh Doanh Singapore, vào lúc từ Indonesia đến Philippines cùng lâm vào suy thoái do dịch Covid-19, những nước này vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ là một « giải pháp » giúp thoát khỏi khó khăn.

Deborah Elms giám đốc Asian Trade Center, trung tâm kinh doanh châu Á tại Singapore được báo South China Morning Post trích dẫn cũng nhận định, ASEAN tin rằng RCEP là chìa khóa cho phép các nước này « quay trở lại với con đường tăng trưởng ». Điều này không hẳn hoàn toàn vô lý vì hiện nay, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới không bị đại dịch đẩy vào suy thoái.   

Điểm quan trọng thứ tư đối với Bắc Kinh là nhờ hiệp định RCEP mà lần đầu tiên Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về tự do mậu dịch với hai nước Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả hai vừa là những đối tác vừa là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. 

Cuối cùng, ngoài những lợi thế về kinh tế và thương mại, Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực còn là một thành công về ngoại giao và chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.

Bất chấp những nỗ lực cho đến tận những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump để thuyết phục các đồng minh châu Á đoàn kết trước mối đe dọa Trung Quốc, hai thành viên Bộ Tứ QUAD là Nhật và Úc đã hưởng ứng sáng kiến của Trung Quốc, ký kết vào một hiệp định đã được cho ra đời để làm đối trọng với TPP.

Cần nhắc lại là Hiệp định mậu dịch xuyên Thái Bình Dương từng được chính quyền Obama thúc đẩy nhằm kềm tỏa ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh cả về mặt ngoại giao, chiến lược lẫn kinh tế và thương mại. Việc tổng thống Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP dường như càng thúc đẩy nhiều nước châu Á –Thái Bình Dương rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thành công của Bắc Kinh chưa được trọn vẹn vì Ấn Độ đã rút khỏi các vòng đàm phán từ năm 2019. Bất chấp những lời đường mật của Trung Quốc, thiện chí của Nhật Bản, chính quyền New Delhi vẫn chưa có dấu hiệu muốn quay trở lại. Trung Quốc thất vọng vì sự vắng mặt của Ấn Độ, một đối thủ nặng ký tại Nam Á và cũng là một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ.

Chính quyền của thủ tướng Modi đã rút lui vào giờ chót trước lo ngại « hàng rẻ của Trung Quốc » gây ra những hậu quả tàn khốc cho nền công nghiệp của Ấn Độ. Thái độ dè dặt đó của Ấn Độ phải chăng là một lời cảnh báo nhắm tới nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc nhất là các nước Đông Nam Á kém phát triển nhất ?

Giám đốc trung tâm Asian Trade Center tại Singapore, Deborah Elms cho rằng, với RCEP, một khi « ván đã đóng thuyền », ASEAN sẽ khó mà cưỡng lại trước sức mạnh của Trung Quốc. Không còn Mỹ và cũng không một cường quốc kinh tế nào của thế giới có thể can thiệp hay bênh vực cho những bên thấp cổ bé miệng.

Trả lời báo Hồng Kông, South China Morning Post giáo sư Peter Petri đại học Brandeis, Boston –Hoa Kỳ, nhận định rằng RCEP là công cụ để Bắc Kinh xây dựng mô hình và trật tự thương mại tại châu Á trong tương lai. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn