Tham nhũng thể chế: Vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Trọng là vô nghĩa trong dài hạn

Thứ Ba, 10 Tháng Mười Một 20208:00 CH(Xem: 4442)
Tham nhũng thể chế: Vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Trọng là vô nghĩa trong dài hạn

VC-THamNhung-convoiSau gần mười năm Đảng Cộng sản nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người có thể tự hào rằng chính quyền Việt Nam đã làm “quá tốt” nhiệm vụ chính trị thanh lọc các thành phần “thoái hóa”, “suy thoái đạo đức”, “gây ảnh hưởng đến niềm tin của dân chúng vào Đảng và Nhà nước”.

Họ có hàng ngàn lý do để tin vào điều đó. 

Chỉ tính sáu tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “xét xử” được một ủy viên Bộ Chính trị, một nguyên ủy viên Bộ Chính trị; bốn ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; cùng với đó là 186 cán bộ đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý dù là đương chức hay nghỉ hưu, dù có được sắp xếp vào diện nhân sự khóa sau hay không. 

Các chính khách tên tuổi lớn như Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Đức Chung, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Tất Thành Cang… đều rơi vào vòng lao lý, hoặc chí ít là bị kỷ luật, bị mất vị thế chính trị lâu dài. Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây có thể gọi là một giai đoạn chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, với bối cảnh đại hội đảng sắp đến, ngay lập tức người ta nhận thấy rằng toàn bộ những “thành tựu” này sẽ đổ sông đổ bể nếu một phe nhóm khác thắng thế ở đại hội.

Điều gì khiến cho quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” lại có nguy cơ tan tành mây khói chỉ sau một kỳ đại hội?

Các thảo luận khoa học xã hội hay triết học liên quan đến tham nhũng tại Việt Nam còn rất ít ỏi. Nếu có, các nghiên cứu này chủ yếu do chính các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện, nhằm phục vụ cho các diễn ngôn chống tham nhũng của riêng họ. Với bài viết này, người viết mong muốn giới thiệu một góc nhìn khác về khoa học phòng chống tham nhũng; và vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng không có bất kỳ giá trị nào đáng kể trong dài hạn.

***

Bản thân khái niệm và các vấn đề triết học liên quan đến tham nhũng là vô vàn. Các triết gia lớn từ cổ đại đến cận đại như Plato, Aristotle, Machiavelli hay Montesquieu… đều từng luận bàn đến tham nhũng. Vậy nên để chứng minh sự hụt hơi của chính sách chống tham nhũng hiện nay, bài viết sẽ chỉ tập trung vào các khái niệm đặc biệt có liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng này: tham nhũng cá nhân (individual corruption) và tham nhũng thể chế (institutional [systemic] corruption).

Tham nhũng cá nhân, hiểu một cách đơn giản nhất, là việc một cá nhân nhất định thực hiện hành vi tư lợi khi thực thi công vụ. Hành vi đó có thể là nhận hối lộ, lạm quyền, tạo điều kiện cho người thân trong một cuộc đấu thầu công khai…

Tham nhũng cá nhân là mức độ tham nhũng cấp thấp nhất, xét theo mặt tổ chức và chức năng nhà nước, dù giá trị tham nhũng tư lợi có lớn đến đâu. Khái niệm tham nhũng cá nhân thường hay được sử dụng khi tham nhũng là ngoại lệ (exception), chứ không phải bản chất (norm) của hệ thống. 

Vì đặc trưng này, tham nhũng cá nhân có thể hiện diện tại bất kỳ quốc gia nào bất kể trình độ phát triển và trình độ dân chủ của họ. Đây là hiện tượng tham nhũng không thể tránh khỏi, nhưng cũng là hiện tượng tham nhũng dễ xử lý nhất: những lời kêu gọi đạo đức và những chiến dịch tư pháp nhắm vào các cá nhân tham nhũng.

Có thể thấy ngay đây chính là cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay như chúng ta đã nhắc đến ở trên. Nhưng điều kiện thành công của nó lệ thuộc rất lớn vào thực tế tình trạng tham nhũng của một quốc gia có phải chỉ dừng lại ở mức tham nhũng cá nhân hay không. 

Đến đây, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là “tham nhũng thể chế”. 

Giáo sư Dennis F. Thompson, Đại học Harvard (và là một trong những người đầu tiên giới thiệu khái niệm tham nhũng thể chế) gợi ý rằng tham nhũng sẽ trở thành một phần không thể thiếu của một hệ thống bằng ba con đường

  1.  Tham nhũng vừa làm lợi cho sự tồn tại của hệ thống, trong khi cùng lúc đó làm xói mòn nó.
  2.  Tham nhũng mang bản chất thụ động vô nhân cách (impersonal passive). 
  3.  Tham nhũng trở thành hiện tượng có thể khái quát hóa cho toàn xã hội. 

Do Giáo sư Thompson đang nói về tình hình chính trị Hoa Kỳ và các vấn đề liên quan đến bầu cử, khó có thể áp dụng nguyên mẫu lý thuyết của ông vào thực trạng tham nhũng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể trở thành nền móng để phân tích về tham nhũng tại Việt Nam.

Ở con đường thứ nhất, có thể nói tham nhũng ở Việt Nam đã đạt đến trình độ cùng tồn tại với hệ thống chính trị bởi sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố khách quan và chủ quan như: bộ máy nhà nước cồng kềnh, lương bổng và phúc lợi rất thấp, nhưng thẩm quyền quá lớn.  

Nhu cầu và kỹ thuật gắn chặt lợi ích của chính quyền với lợi ích của một lượng lớn dân cư tại Việt Nam không phải là một câu chuyện mới. 

Mới đây, nhiều người bất ngờ khi Bộ Công an công bố chỉ riêng lực lượng dân phòng, an ninh cơ sở không thôi đã có quân số 1,5 triệu người; tức đã có tới gần 1,5% dân số Việt Nam thuộc “biên chế” của các nhóm trật tự trị an địa phương.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, trong năm 2017, thống kê chính thức từ nhà nước Việt Nam ghi nhận có đến 11 triệu lao động đang hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Chỉ tính riêng số lượng cán bộ phường xã đã là 1,3 triệu người. 

Riêng những đơn vị thuộc khối sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, cũng đã hơn 73.600 đơn vị, tuyển dụng 2,5 triệu người, tăng hơn 14,7% so với năm 2012. Số đơn vị tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội là 35.100 đơn vị, với số người lao động trên 237.000.

Một bộ máy cồng kềnh khiến cho ngân sách luôn ở trong tình trạng kiệt quệ, dù mức lương và chế độ đãi ngộ nói chung là rất thấp. Điều này khiến cho người ta kỳ vọng vào điều khác khi tham gia vào bộ máy hành chính quản lý nhà nước: Quyền – thứ có thể giúp các cá nhân nắm giữ nó tạo ra các nguồn thu khác. 

Việc chi tiền để được vào bộ máy nhà nước, sau đó kỳ vọng sử dụng quyền này để có cơ hội tham gia vào những hoạt động tham nhũng khác nhau trở thành một phần không thể thiếu của việc duy trì và vận hành hệ thống chính trị Việt Nam. 

Chạy công chức, chạy chức vụ… phổ biến đến mức vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy của thủ đô Việt Nam còn phải thừa nhận: “Thưa các đồng chí, bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng [tiền “chạy” công chức] không có chuyện đỗ đâu” (thời giá… 2012). 

Vì vậy, dù lạm quyền, tham nhũng và rủi ro hối lộ, lạm chi ngân sách… trở thành vấn nạn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan nhà nước, nó cũng chính là lý do hệ thống còn có thể tiếp tục tồn tại. 

Điều này dẫn đến hiện tượng tham nhũng tại Việt Nam dần hình thành bản chất thụ động vô nhân cách (impersonal passive), tức việc quyết định thực hiện hành vi có tham nhũng hay không không phụ thuộc vào đạo đức (moral) hay lựa chọn lý tính (rational choice) của cá nhân. Nó trở thành một bản năng đương nhiên (dù chủ động hay bị động) của các cá thể tham gia vào hệ thống. 

Hiện tượng này cũng được chứng minh trở thành một bản chất của hệ thống chính trị Việt Nam qua rất nhiều nghiên cứu của các học giả Việt Nam lẫn học giả quốc tế. 

Ví dụ, trong một nghiên cứu ngắn của Anti-corruption Resources Center trong giai đoạn 2005 – 2010, lực lượng công an tại Việt Nam được 95% công chúng nhìn nhận là thoái hóa, tham nhũng; trong khi 59% doanh nghiệp nhìn nhận “chi phí bôi trơn” là bình thường trong hoạt động kinh doanh của họ. 

Hay một nghiên cứu mới gần đây của tác giả Nguyen Thai Hoa vẫn tiếp tục khẳng định tham nhũng và các yêu sách “lệ phí” không chính thức là một trong những nguồn động lực lớn nhất đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế phi chính thức (informal economy) ở Việt Nam. 

Không có cơ chế tố cáo, phản biện và can thiệp một cách lớp lang, có tổ chức cho công dân, tổ chức xã hội dân sự (ngoại lực); trong khi quy trình xử lý tham nhũng lệ thuộc rất lớn vào “quyết tâm chính trị” của nội lực Đảng Cộng sản Việt Nam ở trung ương lẫn địa phương, tham nhũng trở thành một tư duy – một văn hóa – một loại tư tưởng có thể khái quát hóa cho toàn xã hội Việt Nam, dù trong lĩnh vực công hay lĩnh vực tư. 

Những đặc trưng trên phù hợp với các cảnh báo của Roberto Laver, một nghiên cứu viên khách mời thuộc Trung tâm Đạo đức Chính trị, trường Luật – Đại học Harvard. Ông cho rằng, một khi tham nhũng đạt đến mức hệ thống, chính bản thân hệ thống đó sẽ dung dưỡng, hay thậm chí là khuyến khích hành vi tham nhũng. 

Lý giải điều này không khó. Người không tham gia thực hiện hành vi tham nhũng hay các hành vi lạm quyền, lạm chi, bè phái… nhanh chóng nhận ra họ không đủ nguồn lực cho các cuộc cạnh tranh chức tước, và để tồn tại trong hệ thống hay để thăng tiến, họ phải hy sinh các giá trị và lý tưởng của mình. Chắc chắn phải thỏa hiệp.

Nhìn vào bản thân các trọng án “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan hành chính đến các cơ quan sự nghiệp, từ công ty nhà nước thuộc quyền sở hữu thành ủy cấp tỉnh đến các công ty nhà nước trực thuộc trung ương, có thể chắc chắn mà nhận định rằng tham nhũng không còn là một hiện tượng có tính chất cá biệt, liên quan nhiều đến đạo đức cá nhân hay hành vi cá thể. 

***

Vì bản chất tham nhũng thể chế nói trên, chúng ta có nhiều căn cứ để cho rằng kỳ công đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kết thúc chóng vánh hơn rất nhiều so với nhiều năm nhọc tâm “nằm gai nếm mật” của ông.

Ông có thể loại bỏ một ủy viên Bộ Chính trị hay thậm chí năm ủy viên Bộ Chính trị. 

Ông có thể bắt giam 100 hay 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ông có thể thanh lọc toàn bộ đảng viên của một tỉnh thành, nếu điều kiện cho phép. 

Nhưng cái gút mắc về bộ máy, về trách nhiệm giải trình của các đảng viên, về quyền lực khổng lồ họ nắm giữ và những công cụ yếu ớt hời hợt được trang bị cho người dân thì vẫn còn nguyên đó, chắc chắn không bao giờ được sửa đổi. Nỗi nơm nớp lo sợ của những người ủng hộ phong trào “đốt lò” trong đại hội sắp tới không phải không có cơ sở, khi đến cuối cùng lò chỉ đốt được cái tham nhũng của từng cá thể. Còn cái tham nhũng đi vào huyết quản của một thể chế cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn, điều mà có lẽ Đảng Cộng sản không dám làm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn