Không chiến cũng chẳng hòa : Chiến lược Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Thứ Hai, 05 Tháng Hai 20186:00 SA(Xem: 5628)
Không chiến cũng chẳng hòa : Chiến lược Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
mediaKhông ảnh ngày 11/05/2015 cho thấy Trung Quốc hối hả đào đắp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa.REUTERS/Ritchie B. Tongo/Pool/File Photo

Tuần báo Anh The Economist dành chủ đề cho « Cuộc chiến sắp tới », với nhiều bài viết nói về sự cạnh tranh về công nghệ và địa chính trị đang làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh. Riêng trong bài « Sắc xám : Không chiến cũng chẳng hòa », tờ báo phân tích về chiến lược nhập nhằng để giành chiến thắng, chẳng hạn như thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trực diện đối đầu quân đội Mỹ sẽ là tự sát

Một nhân tố chính trong chiến lược của Trung Quốc là « hiểu rõ kẻ thù ». Các tướng lãnh tại Học viện Khoa học Quân sự ở Bắc Kinh nghiên cứu mọi phương diện về chiến tranh với Hoa Kỳ trong thập niên 80, và kết luận rằng mặc dù Trung Quốc đã khai thác được các công nghệ mới nhằm « tin học hóa » chiến tranh, nhưng vẫn không thể đối đầu trực diện với quân đội Mỹ cho đến giữa thế kỷ 21. Nếu hành động sớm hơn sẽ là tự sát.

Thế nên các tướng Trung Quốc và Nga, rất ấn tượng với các cuộc tấn công chính xác của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, đã tìm cách giành thắng lợi về chính trị và lãnh thổ mà không phải vượt qua ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh công khai. Họ hình dung ra một « vùng xám » trong đó các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Iran có thể tấn công và cưỡng bức mà không bị nguy cơ leo thang hay trừng trị. Ông Mark Geleotti, Viện Quan hệ Quốc tế ở Praha gọi cung cách này là « địa chính trị du kích ».

Điểm chính của vùng xám là đủ nhập nhằng để đối thủ không biết phải phản ứng thế nào. Nếu ít quá, có thể thất bại, còn nếu làm quá trớn, thì có nguy cơ phải chịu trách nhiệm về việc leo thang. Theo Hal Brands, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, chiến thuật vùng xám « thường được che giấu trong các thủ thuật bóp méo thông tin, dối trá, bằng một cách khó thể quy trách nhiệm ». Chiến thuật này được tiến hành với một loạt công cụ, từ tấn công tin học cho đến tuyên truyền, nổi dậy, bắt bí về kinh tế, phá hoại, tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm và bành trướng quân sự.

Chiến lược vùng xám : Địa chính trị kiểu du kích

Các ví dụ điển hình nhất cho chiến lược vùng xám là việc Nga can thiệp vào Ukraina, thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, và việc Iran giựt dây lực lượng dân quân để thiết lập vòng cung ảnh hưởng từ Syria đến Liban. Cả ba nước này đều e ngại sức mạnh quân sự của phương Tây, nhưng cũng nhận ra những lỗ hổng có thể khai thác.

Chiến lược vùng xám của Nga nhằm làm lung lay lòng tin nơi các định chế phương Tây, cổ vũ các phong trào dân túy qua việc can thiệp vào bầu cử, sử dụng thủ thuật máy tính để gây tranh cãi, tung tin thất thiệt, tạo thành kiến trên mạng xã hội. Nếu các vụ tấn công tin học của Nga đã đóng góp vào thắng lợi của ông Donald Trump, chúng cũng thành công trong các mục tiêu rộng hơn.

Tuy không có bằng chứng về bàn tay của Bắc Kinh trong các vụ tin tặc tấn công theo kiểu Nga, nhưng hàng năm có hàng trăm triệu thông tin gây nhiễu trên mạng xã hội, tấn công vào các giá trị phương Tây, nuôi dưỡng xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Việc Donald Trump đắc cử cũng đã phục vụ cho mục đích của Trung Quốc. Từ bỏ hiệp định TPP, ông Trump đã tự gỡ bỏ thách thức cho chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trong khu vực. Việc chống đối tự do mậu dịch, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris đã giúp Tập Cận Bình đóng vai người bảo vệ trật tự quốc tế.

Còn với Iran, sự thiếu vắng chiến lược lâu dài của Mỹ tại Trung Đông đã tạo ra cơ hội lớn cho Teheran. Iran phối hợp giữa quyền lực mềm về tín ngưỡng và quyền lực cứng quân sự, huấn luyện và trang bị cho dân quân Shia để biến Irak và Syria thành một thứ thuộc địa.

Thành công của chiến lược vùng xám tùy thuộc vào sự kiên nhẫn và khả năng trộn lẫn tất cả các công cụ của Nhà nước, mà các xã hội dân chủ, đa phương không thể làm được. Chẳng hạn như ở Ukraina, Nga sử dụng nhiều kỹ thuật tuyên truyền tinh vi để khuấy động những bất bình tại chỗ và hợp pháp hóa hành động quân sự, tấn công tin học vào mạng lưới điện, cắt nguồn khí đốt cung cấp, đưa những đoàn quân không phiên hiệu vào Crimée, yểm trợ vũ khí và nhân lực cho phe ly khai, hăm dọa leo thang kể cả việc sử dụng hạn chế vũ khí nguyên tử.

Tất cả nhằm ngăn cản mọi toan tính trả đũa của phương Tây. Mỗi lần vấn đề bán vũ khí phòng vệ cho Ukraina được nêu ra ở Washington, ông Putin lại đe dọa đẩy mạnh một cuộc chiến mà ông ta bảo là không tham gia. Mục tiêu của Nga không phải là « thắng » cuộc chiến với Ukraina, mà làm đảo ngược xu hướng rời khỏi quỹ đạo Nga, răn đe các nước khác như Belarus, khích động dân tộc chủ nghĩa và tâm lý chống phương Tây.

Trung Quốc và « vùng xám đen » trên Biển Đông

Chiến lược vùng xám của Trung Quốc nhằm xác lập quyền kiểm soát Biển Đông và quyền tài phán đối với các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông thì diễn ra từ rất lâu, và màu xám càng đậm hơn theo với thời gian, khi sự tự tin và sức mạnh của Bắc Kinh tăng lên. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trưng ra bản đồ đường 9 đoạn tại Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi « chủ quyền không thể tranh cãi » trên 90% diện tích Biển Đông.

Chuyên gia James Holmes của Naval War College, Hoa Kỳ mô tả đây là « ngoại giao cây gậy nhỏ » (trái ngược với chiến lược « cây gậy lớn » thông qua lực lượng Hải quân quy ước). Trung Quốc huy động lực lượng tuần duyên và dân quân đông đảo, trang bị tận răng, trà trộn vào đội tàu đánh cá để đẩy các quốc gia ven biển ra khỏi vùng biển thuộc quyền lịch sử của họ.

Các nước láng giềng đành cắn răng chấp nhận sự áp bức của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc vẫn tránh được việc đối đầu trực diện với các chiến hạm Mỹ, vì không muốn xảy ra sự cố. Năm 2013, khi Trung Quốc dấn thêm một bước qua việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa, Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Nhưng năm 2017, các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế công bố đã cho thấy những kho chứa các giàn hỏa tiễn, thiết bị radar quân sự đã được thiết lập trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi ở Trường Sa, và sắp tới sẽ đến lượt các chiến đấu cơ.

Ngược với chiến tranh truyền thống, chiến lược vùng xám không tạo ra kết quả mang tính quyết định trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc đều đã chứng tỏ rằng một cuộc chiến tranh hỗn hợp, nếu không bị đẩy đi quá xa, có thể đạt đến các kết quả lâu dài mà chẳng tốn kém gì cả.

Chuyên gia Brands cho rằng không có lý do gì mà Hoa Kỳ và các đồng minh lại không sử dụng chiến lược tương tự. Mỹ sở hữu các công cụ kinh tế và tài chính quan trọng, cùng với vũ khí tin học, các lực lượng đặc nhiệm tài giỏi, mạng lưới liên minh và quyền lực mềm vô địch. Tuy nhiên những lợi thế này dễ dàng bị lãng phí. Không có sự cam kết của Mỹ đối với trật tự thế giới và quyền lực cứng để tự vệ trước những thách thức, nguy hiểm sẽ tăng lên, và tương lai chiến tranh sẽ cận kề hơn là chúng ta nghĩ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn