Vietnam, flood

Nguồn hình ảnh, STR/Getty Images

Mô hình nhà chống lũ đơn giản, giá rẻ của hai kiến trúc sư Việt Nam hiện đang được dư luận quan tâm như một giải pháp tái thiết cuộc sống cho người dân miền Trung.

Đó là mô hình 'chòi chống lũ' của PGS. TS Phạm Hùng Cường, giảng viên Bộ môn Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội và mô hình 'nhà lõi' của kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Việt Nam. Giá giao động cho mỗi nhà chống lũ kiểu này chỉ từ 15 - 30 triệu đồng.

Được biết ca sỹ Thủy Tiên hiện đang tích cực hỗ trợ bà con miền Trung và đang tìm cách xây nhà chống lũ cộng đồng tại nhiều địa phương, hai kiến trúc sư nói với BBC rằng nếu kết hợp được với cô thì hai mô hình này có thể là lựa chọn tối ưu để triển khai nhanh và nhân rộng.

Hai ông cho BBC biết trong đợt mưa lũ này, nhiều người đã gọi điện hỏi thăm, bày tỏ sự quan tâm tới mô hình nhà chống lũ do họ thiết kế.

Một trong những người đã xây chòi chống lũ và hiện đang ở cùng gia đình tại chòi, bà Lê Thị Tuyết, nông dân, 70 tuổi, nói với BBC Tiếng Việt từ Hương Khê, Hà Tĩnh, rằng từ khi có chòi, gia đình bà đưa hết thóc gạo, tài sản lên đó nên yên tâm đón lũ chứ hồi xưa là 'mất sạch'.

"Do nuôi gà vịt thả vườn chứ không nuôi tập trung, nên khi lũ về không chạy kịp gà vịt thì bị trôi gà vịt thôi, còn lại thóc lúa, đồ đạc để lên chòi đều cứu được cả," bà Tuyết kể.

Một số các hộ gia đình khác tại Hương Khê và Nghệ An cũng được Bộ Xây dựng hỗ trợ xây chòi và nhà lõi chống lũ cách đây hơn chục năm.

Chòi chống lũ

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, PGS Phạm Hùng Cường cho biết ý tưởng về chòi chống lũ được hình thành vào năm 2013 cho vùng Hương Khê, Hà Tĩnh khi đó đang là nơi hứng lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng về người và của.

Với ý tưởng nhà phải đơn giản, dễ làm, giá rẻ, kiến trúc sư Cường đã thiết kế mô hình chòi chống lũ cho người nghèo. Mô hình này đoạt giải A của Hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 2014.

Mô hình chòi chống lũ

Nguồn hình ảnh, PGS Pham Hung Cuong

Chụp lại hình ảnh,

Mô hình chòi chống lũ

"Lũ về rất nhanh, chỉ 3 - 4 tiếng sau khi mưa lớn là nước cuồn cuộn đổ về. Bà con có khi chạy không kịp. Phần lớn những gia đình bị thiệt hại nặng về tài sản, thậm chí về người, là những nhà khó khăn. Họ không xây được nhà hai tầng mà chủ yếu sống trong những căn nhà thấp, sơ sài. Do đó khi có lũ là nghèo lại nghèo thêm vì tài sản bị lũ cuốn sạch. Năm nào cũng như năm nào.

"Do đó, nếu nhà chống lũ không rẻ thì có đưa thiết kế cho dân, họ cũng không làm được, hoặc cũng khó để xin tài trợ," ông Cường nói.

Kiến trúc chòi chống lũ rất đơn giản. Gồm một khung có bốn cột và sàn bằng bê tông. Chiều cao của cột khoảng 3,5m để chống chọi lại được mức lũ lớn nhất ở Hương Khê vào khoảng 3,5m, diện tích sàn bê tông khoảng 8-9 m2. Trên sàn bê tông này người dân có thể quay khung thép hoặc tường gạch, lợp mái tôn. Mức giá một chòi như vậy từ 15-20 triệu đồng.

"Tùy vào điều kiện kinh tế của người dân mà họ có thể xây chòi làm kho chứa thóc, lúa, tài sản, gia cầm, các vật dụng thiết yếu khi lũ về. Hoặc có thể cải tạo thành nhà để ở luôn. Hiện đã có gia đình ở Hương Khê cải tạo chòi chống lũ thành nhà để ở," PGS Cường cho biết.

Chòi này được xây dựng gần nhà chính, có cầu thang, để khi lũ về người dân chỉ cần chạy ngay lên chòi.

PGS Cường cho rằng việc người dân có tinh thần chuẩn bị là rất cần thiết. Chẳng hạn thấy có mưa lớn là chủ động mang thóc lúa, gia cầm, nước uống, mì tôm, làm sẵn bè tre để đưa trâu bò gà lợn lên chòi.

Nguồn hình ảnh, PGS Pham Hung Cuong

Chụp lại hình ảnh,

Phối cảnh minh họa chòi chống lũ

Do kết cấu bê tông và diện tích nhỏ, chòi có thể chống chịu được bão số 12 và đảm bảo đững vững trong nước lũ, không bị ngấm nước, mục rã như nhà bằng gạch.

So sánh với mô hình nhà phao, PGS Cường nhận định rẵng mỗi mô hình đều có ưu và nhược điểm riêng. Với mô hình nhà phao, nhược điểm là cần phải nổi nên phải dùng các vật liệu rất nhẹ như vách tôn, mái tôn, như vậy sinh sống trong nhà này sẽ rất nóng nực. Ngoài ra một năm chỉ lũ từ một đến hai lần, trong khi phao không dùng đến trong suốt cả một năm dễ bị hư hỏng, cần thường xuyên duy tu. Đến khi lũ về có khi các dây chằng phao do có khi bị tụt, bị lỏng, v.v…

"Mô hình này là cho các hộ nghèo, rất nghèo. Nên đôi khi 20 triệu với họ cũng không có để xây. Do đó rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm hiện đang tìm kiếm các cách thức để giúp đỡ bà con vùng bão lụt tái thiết cuộc sống."

"Bộ Xây dựng trước đây đã hỗ trợ một số hộ ở Hà Tĩnh để làm chòi này. Tôi cũng tự bỏ tiền giúp đỡ một hộ. Nhưng để nhân rộng thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng."

Là hộ gia đình nhận được tiền hỗ trợ của kiến trúc sư Phạm Hùng Cường để làm chòi chống lũ, bà Lê Thị Tuyết cho BBC biết rằng từ cái chòi đơn sơ ban đầu, gia đình bà mới nâng nền chòi cao lên 1,5m, nếu lũ về thì đưa trâu bò lên đó. Căn chòi cũng cải tạo thành nhà ở kiên cố, đủ cho 6 người trong gia đình yên tâm sinh sống kể cả khi lũ về.

Nguồn hình ảnh, PGS.TS Pham Hung Cuong

Chụp lại hình ảnh,

Khung nhà chống lũ của gia đình ông Đinh Công Chính, Hương Khê, Hà Tĩnh

Nhà lõi chống lũ

Cũng với tiêu chí đơn giản, dễ lắp đặt, giá rẻ, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Việt Nam cho BBC News Tiếng Việt hay ông đã đi khảo sát ở Quảng Ngãi, Nghệ An - nơi liên tiếp trải qua các đợt lũ lớn các năm trước - hỏi người dân chống lũ như thế nào, sau đó trở về hình thành mô hình 'nhà lõi'. Một nhà lõi cơ bản có giá từ 20 - 30 triệu đồng.

Nhà lõi hiểu đơn giản là cái lõi - phần kết cấu chính của nhà - nhưng chưa phải là một cái nhà hoàn chỉnh. Nhà lõi gồm các thanh bê tông, được lắp ghép và chồng lên nhau như hai hình lập phương (hai tầng).

Các thanh bê tông này có thể được đúc sẵn, khi cần chỉ cần vận chuyển tới nơi mong muốn, sau đó lắp ghép thành khung và làm nền bê tông. Với những vùng trũng, thường có lũ lớn, có thể lắp thêm tầng thứ ba. Sau đó từ lõi này, có thể xây tường gạch bao quanh và lắp mái tôn, có cầu thang lên xuống để bà con vận chuyển lương thực, đồ đạc, gia cầm lên tầng trên tránh lũ.

Có hai dạng cơ bản. Loại một là nhà lõi được xây cạnh nhà chính, với chức năng như nhà kho - là nơi người dân cất đồ đạc, lúa gạo khi mưa bão. Loại hai là làm thành nhà ở kiên cố luôn.

"Điều quan trọng là tính biến hóa của mô hình này. Rất dễ dàng để lắp thêm tầng 2, tầng 3, cải tạo thành nhà kiên cố khi cần."

"Do giá rẻ, nên dễ dàng đưa người dân vào cuộc. Người dân có thể tự làm lấy, hoặc dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm tài trợ," kiến trúc sư Ngô Doãn Đức nói với BBC.

'Mong được phối hợp với Thủy Tiên'

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức bộc bạch: "Tôi rất khâm phục, yêu mến ca sỹ Thủy Tiên vì cô ấy đã một mình đi tận nơi tới các vùng lũ để giúp người dân và quyên góp được rất nhiều tiền."

"Được biết hiện nay Thủy Tiên đang tìm cách xây nhà cộng đồng chống lũ cho bà con. Nguyện vọng của tôi là có thể kết nối, phối hợp cùng Thủy Tiên để triển khai các mô hình nhà cộng đồng tránh lũ, nhà lõi chống lũ... để giúp bà con. Nếu được như vậy thì sẽ rất tốt. Do chi phí các mô hình nhà chống lũ này rất rẻ, nên có thể triển khai nhanh và rộng cho nhiều hộ dân."

PGS.TS Phạm Hùng Cường cũng đồng ý rằng nếu Thủy Tiên lựa chọn mô hình chòi chống lũ thì sẽ có nhiều hơn nữa cá hộ nghèo ở miền Trung có nơi yên ổn để cứu tài sản, cứu tính mạng khi lũ về.

Về lý do vì sao những mô hình như chòi chống lũ chưa được triển khai rộng ở vùng lũ cho tới nay, PGS Phạm Hùng Cường nhận định:

"Có lẽ chính sách hỗ trợ người nghèo của nhà nước có 'nhiều việc' phải lo. Có thể có những việc cần giúp hơn nữa. Trong khi vùng lũ thì năm lũ năm không. Nên sự giúp đỡ cũng bập bõm, chưa trở thành kế hoạch chính thức. Nếu là kế hoạch chính thức thì sẽ toàn diện hơn."

"Năm nay miền Trung lại lũ lớn. Tôi cho rằng những mô hình như thế này cần được quan tâm hơn. Xây sớm hơn. Không thể để bà con nghèo lại mất sạch thóc lúa, tài sản vốn đã ít ỏi, thậm chí cả tính mạng. Trong khi hoàn toàn có thể tránh được điều này," ông Cường nói.

Cần xây nhà thích ứng với ngập lụt

Nghiên cứu của một nhóm nhà khoc học thuộc Climate Central, có trụ sở tại New Jersey, Hoa Kỳ, chỉ ra rằng 10% dân số Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng nặng do nước biển dâng. Đặc biệt, miền nam Việt Nam có nguy cơ biến mất hoàn toàn vào năm 2050.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Benjamin Strauss hiện là Giám đốc điều hành và Trướng nhóm nghiên cứu của Climate Central - nơi vừa công bố nghiên cứu gây chấn động, cho hay để đối phó với thảm họa, "có ba chiến lược cơ bản để thích ứng với nước biển dâng, gồm phòng thủ, thích nghi hoặc rút lui."

Bên cạnh đó, chính phủ cần tính đến một giải pháp nữa là " xây dựng nhà cửa và các công trình theo cách có thể thích ứng với ngập lụt mà không bị hư hại nhiều", theo TS Strauss.

Và một cách tiếp cận thứ ba là di dời người dân tại các vùng dễ bị tổn thương lên vùng đất cao hơn.

"Nước biển đang dâng cao mỗi hàng trăm năm. Và cuối cùng thì các thành phố ven biển trên khắp thế giới gần như chắc chắn sẽ bị buộc phải di chuyển vào đất liền và lên các vùng cao hơn, bởi vì có một giới hạn cho việc 'lòng bát' sâu mức độ nào thì người ta còn muốn sống ở đó," TS Strauss nói.

Nghiên cứu của Climate Central chỉ ra rằng miền nam Việt Nam và nơi khác trên thế giới như Thượng Hải của Trung Quốc, Mumbai của Ấn Độ, một số thành phố của Ai Cập, Thái Lan v.v...cũng sẽ bị biển nuốt chửng vào giữa thế kỷ này.

Nguồn hình ảnh, AFP Contributor/Getty Images