Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ hôm thứ Ba (13/10), một Chủ tịch Hòa bình của UNESCO nói rằng theo hiểu biết của ông, Ấn Độ không cho rằng Đài Loan nằm trong định nghĩa “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, theo Taiwan News.

Vào ngày 7/10, sau khi các quảng cáo toàn trang xuất hiện trên các tờ báo Ấn Độ thông báo rằng kênh truyền hình WION của Ấn Độ sẽ phát sóng một phóng sự đặc biệt dài 25 phút về sự kiện Quốc khánh của Đài Loan, đại sứ quán Trung Quốc tại Delhi đã gửi một bức thư đe dọa đến các cơ quan truyền thông Ấn Độ, với khuyến cáo rằng chỉ có “duy nhất một Trung Quốc trên thế giới” và chế độ chuyên quyền ở Bắc Kinh là “chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc”.

Bất chấp chiến thuật gây sức ép của Trung Quốc, Tajinder Pal Singh Bagga, phát ngôn viên của văn phòng New Delhi của Đảng Bharatiya Janata (BJP), vào ngày Quốc khánh Đài Loan (10/10) đã treo 100 tấm biển có cờ Đài Loan kèm dòng chữ “Ngày Quốc khánh Đài Loan 10 tháng 10” bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Delhi.

Kể từ đó, các hãng truyền thông Ấn Độ liên tục đăng tải các bài viết về Đài Loan và coi quốc đảo này như một quốc gia tách biệt với Trung Quốc. Hôm thứ Ba, TheNews21 đã phỏng vấn Madhav Nalapat, Chủ tịch Hòa Bình UNESCO, đồng thời là viện sĩ kiêm nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ, về quan điểm của ông đối với Đài Loan.

Khi Nalapat nhận được đề nghị bình luận về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bóp nghẹt truyền thông Ấn Độ, ông nói rằng điều này cho thấy “đại sứ quán Trung Quốc hiểu biết về tâm lý người Ấn Độ ít ỏi như thế nào”.

TheNews21 sau đó đề nghị Nalapat bình luận về cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Ấn Độ về việc Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Subrahmanyam Jaishankar, đăng một dòng tweet gửi những lời chúc tốt đẹp nhất vào ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10, trong khi giữ im lặng vào ngày Quốc khánh Đài Loan chỉ sau đó ít ngày.

Nalapat trả lời rằng Ấn Độ “đồng ý với chính sách ‘Một Trung Quốc’, nhưng tôi nhớ là không có hồ sơ nào của Ấn Độ định nghĩa ‘Một Trung Quốc’ là bao gồm trong đó Đài Loan, không giống với Nga, Pakistan và các đồng minh khác của Trung Quốc”.

Câu hỏi tiếp theo chuyển sang mối quan hệ Ấn Độ-Đài Loan và những phát biểu trước đây của ông Nalapat rằng ông hi vọng có “những cam kết mạnh mẽ” giữa hai nước. Trả lời câu hỏi, ông Nalapat cho biết quan hệ Ấn-Đài đã được cải thiện đáng kể và “Cả hai bên đang gia tăng các cuộc tiếp xúc”.

Đáp lại đề nghị bình luận về cách tiếp cận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đối với Trung Quốc và Đài Loan, ông Nalapat nói rằng Modi “sẽ không bao giờ thỏa hiệp về an ninh, không giống như một số người tiền nhiệm của ông” trong vấn đề biên giới với Trung Quốc.

Trong trường hợp của Đài Loan, ông nói rằng Modi đã phát triển quan hệ với Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ khi “Thủ tướng Narasimha Rao bình thường hóa quan hệ [với Đài Loan] trong nhiệm kỳ của ông”.

Về quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Ấn Độ, Nalapat cho biết các công ty Đài Loan đã nhanh chóng tăng cường đầu tư vào Ấn Độ, đặc biệt là trong 4 năm qua. Khi được hỏi về một hiệp định thương mại tự do song phương mà ông đã đề xuất vào năm 2012, Nalapat nói rằng “Theo quan điểm của tôi, một hiệp định thương mại tự do trên thực tế có thể diễn ra trong thời Modi 2.0”.

Cuối cùng, khi được hỏi liệu Ấn Độ có nên tiếp tục chơi “quân bài Đài Loan” hay không dựa trên tình hình hiện tại trong khu vực, Nalapat đã trả lời rằng “Đài Loan không phải là quân bài để chơi. Đó là cơ hội để nắm bắt”.