Với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, không bao giờ hết khủng hoảng

Thứ Ba, 13 Tháng Mười 20202:00 SA(Xem: 2406)
Với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, không bao giờ hết khủng hoảng
rfi.fr

Với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, không bao giờ hết khủng hoảng

Anh Vũ

Xung đột vũ trang ở Thượng Karabakh đã tạm thời dịu xuống sau khi Azerbaijan và Armenia, dưới sự hòa giải của Nga, đạt được lệnh ngừng bắn từ cuối tuần qua. Trong cuộc khủng khoảng ở Kavkaz, các báo Pháp tiếp tục chú ý đến vai trò châm ngòi nổ gây căng thẳng trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồ sơ quốc tế chính của Le Figaro là « Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan triển khai mọi mặt trận ». Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ ý đồ bành trướng, vươn lên trở thành một thế lực lớn, hành động như một cường quốc khu vực, liên tiếp can dự vào các cuộc xung đột nóng khắp khu vực.

Le Figaro nhận định, « với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thì không bao giờ hết khủng hoảng. Syria, Libya, Đông Địa Trung Hải, Hy Lạp, Chypre rồi qua Kavkaz.Từ đầu năm đến nay, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò châm lửa cho các đám cháy mới ngay khi đám kia vừa lắng xuống ».

Làm thế vì mục đích gì ? Câu trả lời của Le Figaro : « Ông Erdogan chỉ có một suy nghĩ trong đầu, đó là sự sống còn về chính trị của ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó ở trong nước. Nền kinh tế đang suy yếu. Khủng khoảng nội bộ bắt đầu dấy lên … Mở mặt trận mới ra bên ngoài là để đánh lạc hướng dư luận trong nước ».

Không những thế, đó còn là một phần trong giấc mơ khôi phục đế chế Thổ hùng cường Ottoman thời xa xưa. Xã luận của Le Figaro nhận xét : Đóng vai trò một chiến lược gia đáng sợ, Erdogan châm ngòi đám cháy ở khắp những nơi mà ông thấy có thể mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Syria hay Irak để tiêu diệt kẻ thù Kurdistan. Ở Libya, trên Địa Trung Hải hay Chypres để thâu tóm nguồn khí đốt. Ông không ngần ngại hành động ngược lại với lợi ích của đồng minh NATO cũng như lợi dụng sự rạn nứt giữa Nga và phương Tây. Erdogan làm được như vậy vì ông tin chắc NATO hiểu Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quá mạnh không thể trừng phạt được.

Nga vẫn kiểm soát được khu vực Kavkaz

Cũng trong loạt bài về chủ đề Thổ Nhĩ Kỳ, Le Figaro có bài viết : « Quan hệ Nga-Thổ bị thử thách trong hồ sơ Kavkaz ». Tờ báo đặt vấn đề, liệu cuộc xung đột Thượng Karabakh bùng lên có là dấu chấm hết cho mối liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ của Recep Tayyip Erdogan và nước Nga của Vladimir Putin ?

Tác giả bài báo nhắc lại, trong lịch sử, hai đế chế Ottoman và Nga đã có nhiều cuộc chiến với nhau để tranh giành sự thống trị Trung Đông, cửa ngõ vào các vùng biển trọng yếu và kiểm soát vùng Balkan hay Kavkaz. « Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai đế chế cũ. Lãnh đạo của họ cũng giống nhau, có cùng cách suy nghĩ, theo lối cũ trên phương diện lãnh thổ. Cả hai đều có oán thù với châu Âu », chuyên gia về Nga, Tatiana Kastoueva-Jean thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định.

Vladimir Putin sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ để chia rẽ NATO. Lợi dụng việc Hoa Kỳ thoái lui và phương Tây suy giảm ảnh hưởng trên thế giới, cả hai nước lớn đều muốn trở lại như thời đế chế cũ để chống lại trật tự quốc tế hiện nay và dấn thêm ảnh hưởng trong vùng Trung Đông. Cả hai đều muốn đẩy phương Tây ra khỏi đó.

Thế nhưng, cuộc xung đột Thượng Karabak bùng lên lại đặt hai nước vào hai chiến tuyến đối đầu nhau. Tờ báo phân tích : Can dự vào Kavkaz là Thổ phá hỏng nguyên trạng mà Nga vẫn duy trì trong vùng. Nếu Akara can dự quân sự làm thay đổi tương quan lực lượng như đã làm ở Libya thì Nga sẽ không để yên. Chắc chắn Nga không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng Kavkaz. Thái độ chống phương Tây không đủ để che đậy những nghịch lý giữa Nga và Thổ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình Nga hôm 11/10, ông Putin đã nói : « Ở tầm cao chính trị, không có ai là bạn ! ». Liệu Erdogan sẽ lắng nghe thông điệp đó ? Bài báo kết luận những gì Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan có thể làm ở Syria hay Libya không thể vận hành tốt được ở Kavkaz. Thực tế đã cho thấy, chỉ có Nga thành công trong việc áp đặt với hai nước liên quan Azerbaijan và Armenia để ngừng bắn tại Thượng Karabakh.

Bắc Triều Tiên khoa trương tên lửa mới với Mỹ ?

Liên quan đến thời sự châu Á, Le Figaro nhìn qua Bắc Triều Tiên trong sự kiện cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng hôm 10/10 vừa qua nhân kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao Động Bắc Triều Tiên. Bài báo có tựa : «  Kim Jong Un thách thức Washington với tên lửa khổng lồ ».

Điều được chú ý nhất là trong cuộc diễu binh, Bắc Triều Tiên đã giới thiệu một tên lửa liên lục địa mới với kích thước lớn hơn nhiều so với các loại tên lửa đã được trình diễn trước đó. Hình ảnh quả tên lửa dài trên chiếc xe đặc chủng hiếm hoi được đưa trên truyền hình Bắc Triều Tiên đã cuốn hút sự chú ý đặc biệt của các chuyên gia quốc tế, không chỉ vì sự tò mò mà còn vì nó liên quan đến hồ sơ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên cùng các cuộc đàm phán không kết quả giữa Bình Nhưỡng và Washington hơn 2 năm qua.

Theo Le Figaro, rõ ràng cuộc biểu dương sức mạnh quân sự này là nhằm lưu ý tới Washinton, vào lúc chỉ còn vài tuần nữa đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Giới phân tích đều thống nhất cho rằng cuộc biểu dương vũ khí và diễn văn của Kim Jong Un để khẳng định rằng chế độ Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi phát triển kho vũ khí chiến lược của họ, bất chấp những lần bắt tay hay tuyên bố đầy an tâm của ông Trump. Những dấu hiệu này cho thấy chế độ Kim Jong Un sẽ còn lên gân trong những tháng tới đây.

Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch ngoại giao vac-xin ?

Vẫn liên quan đến châu Á, nhật báo Les Echos trở lại đề tài Trung Quốc gia nhập chương trình do Tổ Chức Y Tế Thế Giới khởi xướng dành 2 tỷ liều vac-xin phòng Covid-19 cho các nước nghèo.  

Theo Les Echos, « ở đâu Mỹ rút đi thì ở đó Trung Quốc lao vào ». Minh họa mới nhất là Bắc Kinh đã quyết định tham gia sáng kiến của Tổ Chức Y Tế Thế Giới có tên gọi Covax nhằm bảo đảm các nước nghèo trên thế giới được tiếp cận vac-xin phòng Covid 19. Chương trình này ngay từ giờ đã nhận được những hứa hẹn cung cấp vac-xin (dù chưa có) của nhiều nước với hy vọng sẽ thu thập được khoảng 2 tỷ liều thuốc từ hai chục quốc gia.

Theo Les Echos, quyết định của Bắc Kinh còn nhằm mục đích đánh bóng lại hình ảnh quốc tế của họ. Một điều tra mới đây của Pew Research Center cho thấy cảm nhận tiêu cực về Trung Quốc đã lên cao kỷ lục ở các nước phát triển. Chuyên gia Antoine Bondaz Thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp nhận định, Trung Quốc quyết tâm trở thành một cường quốc có trách nhiệm và đó cũng là để chứng tỏ họ có khả năng sớm cho ra đời vac-xin phòng Covid-19.  

Les Echos cho biết thêm là trên tổng số 11 loại vac-xin hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, có 5 loại đến từ Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời một quan chức y tế Trung Quốc hồi cuối tháng 9 khẳng định : Ngay cả trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3, từ đầu tháng 7 Trung Quốc đã cho tiêm chủng vac-xin cho hàng trăm nghìn người chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thể thao, y tế, quân nhân và các nhân viên ngoại giao ở nước ngoài.

Roland-Garros : Rafael Nadal xứng danh « ông Hoàng sân đất nện »

Một sự kiện thể thao được hầu hết các báo đăng tải là giải quần vợt quốc tế Roland-Garros 2020 đã khép lại với chiến thắng tiếp tục thuộc về tay vợt Tây Ban Nha, Rafael Nadal. Le Figaro chạy tựa trang nhất : Rafael Nadal, ông vua Roland-Garros.

Tờ báo ghi nhận, mùa giải năm nay vì khủng hoảng dịch, giải Roland-Garros phải lui lại mùa thu và người ta đã nghĩ đây là giải đấu không lường được những bất ngờ. Nhưng kết cục lại không có gì khó đoán. Rafael Nadal đã giành chiến thắng khá dễ dàng trước tay vợt Serbia Novak Djokovic ở trận chung kết qua 3 ván đấu với tỷ số  6-0, 6-2, 7-5. Nadal trở thành « bức tượng không thể lật đổ của Roland-Garros ». Chưa bao giờ trong lịch sử làng quần vợt thế giới, một người có thể giành được quá 12 danh hiệu vô địch trong cùng một giải đấu lớn. Nhưng Rafael Nadal đã làm được điều đó với danh hiệu vô địch thứ 13 tại Roland-Garros. Từ năm 2005 đến giờ, Tay vợt Tây Ban Nha này mới chỉ bỏ lỡ có 2 giải đấu. Anh xứng đáng với tên gọi « ông Hoàng sân đất nện ». Tờ báo ca ngợi Nadal dường như được lập trình để chiến thắng ở Roland-Garros, cho dù giải diễn ra mùa nào.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn