Trung Quốc dùng chiến thuật chia để trị nhằm đối phó với Bộ Tứ

Thứ Năm, 08 Tháng Mười 20206:00 CH(Xem: 4164)
Trung Quốc dùng chiến thuật chia để trị nhằm đối phó với Bộ Tứ
rfi.fr

Trung Quốc dùng chiến thuật chia để trị nhằm đối phó với Bộ Tứ

Trọng Nghĩa

Bộ Tứ, tức là Quad, bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn, đã tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng lần thứ hai hôm 06/10/2020 tại Tokyo. Hội nghị của bốn nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có mục đích phát huy một trật tự dựa trên luật pháp mà Trung Quốc bị cho là mối đe dọa dĩ nhiên đã bị Bắc Kinh đả kích. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Trung Quốc một lần nữa đã áp dụng sách lược “chia để trị” trong phản ứng chống lại Bộ Tứ.

Ngay trước khi các ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Úc và Ấn họp, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 29/09 đã tuyên bố phản đối việc “hình thành các phe nhóm” nhằm chống lại “các bên thứ ba”. Sau cuộc họp của Bộ Tứ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc chưa thấy bình luận, nhưng đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo đã ra một tuyên bố ngắn gọn, phần lớn lập lại lời cảnh báo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cuối tháng 9.

Tuy nhiên, sau lời chỉ trích chung chung đó, đại sứ quán Trung Quốc đặc biệt tấn công ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cáo buộc ông là đã “liên tục bịa đặt những lời nói dối về Trung Quốc và tạo ra một cuộc đối đầu chính trị với mục đích xấu”.

Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat hôm 07/10, bản tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật phản ánh chiến thuật cố hữu của Bắc Kinh là tấn công cá nhân vào ông Pompeo, nhưng đồng thời tìm cách chia rẽ Hoa Kỳ với các đối tác còn lại trong Bộ Tứ.

Việc chia rẽ này có vẻ như được thực hiện dễ dàng do cách hành xử thẳng thừng của ngoại trưởng Mỹ, đã công khai tuyên bố vai trò đối trọng với Trung Quốc của Bộ Tứ, điều mà các nước còn lại trong nhóm không muốn nói ra để tránh gây nên căng thẳng vô ích.

Khác biệt trong cách xử sự của các thành viên Bộ Tứ bộc lộ rõ tại Hội Nghị Tokyo vừa kết thúc. Do việc không có tuyên bố chung, từng nước đã đưa ra tuyên bố của riêng mình, với một số khác biệt đáng chú ý.

Trong phát biểu của mình, ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã thẳng thừng công kích đích danh Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong khi các đồng nhiệm của ông lại tỏ ra cẩn trọng hơn, tránh đề cập đích danh Trung Quốc trong bài phát biểu khai mạc, mà chỉ nói đến những vấn đề chung về tầm quan trọng của một “Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở rộng” và một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne đặc biệt nhấn mạnh rằng “Quad có một chương trình nghị sự tích cực”, ngầm bác bỏ phân tích cho rằng Bộ Tứ chủ yếu tập hợp các nước chống Trung Quốc. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thậm chí còn nói rằng mục tiêu của Bộ Tứ là “thúc đẩy an ninh và quyền lợi kinh tế của tất cả các nước có lợi ích chính đáng và quan trọng trong khu vực” - trong đó có cả Trung Quốc.

Theo giới phân tích, mẫu số chung của các nước trong Bộ Tứ là mối quan ngại ngày càng tăng về sức mạnh và thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc trên trường thế giới. Nhưng không phải là nước nào cũng muốn nói thẳng ra điều đó.

Một cách cụ thể, trong khi Washington có vẻ dứt khoát, thậm chí không ngần ngại làm dấy lên một cuộc Chiến Tranh Lạnh với Trung Quốc, các thành viên còn lại trong Bộ Tứ lại thận trọng hơn, không muốn vạch mặt chỉ tên bất kỳ ai.

Trung Quốc hiểu rất rõ khác biệt kể trên và đã tích cực lợi dụng để đào sâu chia rẽ trong nhóm 4 nước. Điều đó giải thích vì sao phản ứng chính thức của Trung Quốc đối với Bộ Tứ đi theo hai hướng: một mặt đưa ra những tuyên bố quan ngại tương đối nhẹ nhàng, nhưng mặt khác lại cực lực đả kích Mỹ, và tránh trực tiếp tấn công vào Nhật, Úc và Ấn.

Theo The Diplomat, chính chủ trương tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh của một số thành viên trong Bộ Tứ đã khiến cho nhóm này gần như là phân rã trong một thời gian dài sau lần họp đầu tiên vào năm 2007.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn