Trung Quốc và tham vọng thu phục một “nước” Nouvelle-Calédonie độc lập

Thứ Tư, 07 Tháng Mười 20202:00 CH(Xem: 2765)
Trung Quốc và tham vọng thu phục một “nước” Nouvelle-Calédonie độc lập
rfi.fr

Trung Quốc và tham vọng thu phục một “nước” Nouvelle-Calédonie độc lập

Mai Vân

Chủ Nhật 04/10/2020 vừa qua, trong một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về nền độc lập của vùng lãnh thổ Pháp Nouvelle-Calédonie, với tỷ lệ 53,26% phiếu không đồng ý, đa số cử tri đã bác bỏ đề nghị chia tay với Pháp để trở thành một quốc gia độc lập. Đây là vấn đề nội bộ giữa người dân bản xứ và nước Pháp.

Thế nhưng, điểm được nhiều nhà quan sát chú ý là trong cuộc vận động bỏ phiếu trước đó, yếu tố Trung Quốc đã nổi bật thành một chủ đề tranh cãi giữa phe muốn ở lại với Pháp và phe đòi độc lập.

Trong một bài phân tích ngày 02/10 mang tựa đề “Trung Quốc ngắm nghía vùng Nouvelle-Calédonie với những trữ lượng niken”, nhật báo Pháp Le Monde ghi nhận rằng trước ngày trưng cầu dân ý, phe đòi chia tay và phe muốn ở lại với Pháp đã tranh luận gay gắt với nhau trên vấn đề Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực miền Nam Thái Bình Dương, nơi có Nouvelle-Calédonie.

Những người trung thành với Pháp đã nêu bật hiểm họa một nước Kanaky độc lập sẽ sớm rơi vào tay Bắc Kinh – Kanaky là tên mà phe chủ trương độc lập gọi vùng Nouvelle-Calédonie. Trong lúc đó, phe đòi rời khỏi nước Pháp, dù không phủ nhận những rủi ro về nợ nần hoặc nguồn thủy sản bị Trung Quốc làm cho cạn kiệt, nhưng lại coi thương mại với Bắc Kinh là cơ hội để bù đắp cho sự mất mát thu nhập mà cuộc chia tay với Paris tất yếu sẽ gây ra.

Theo Le Monde, công luận toàn khu vực cũng rất lo lắng trước việc tàu đánh cá Trung Quốc làm cạn nguồn hải sản trong các ngư trường mà họ được phép đánh bắt, hoặc số lượng tăng vọt của các dự án cơ sở hạ tầng huênh hoang hơn là hữu ích cho người dân, với nguy cơ bị rơi vào bẫy nợ.

Bóng dáng Trung Quốc đang bao trùm khu vực

Nghị sĩ Philippe Gomès, thuộc đảng Calédonie Ensemble, chủ trương ở lại với Pháp nhận xét: “Đó là một chủ đề thực sự trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý… Nếu phe đòi độc lập thắng, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ được chào đón”.

Phe chủ trương độc lập thì sẵn sàng gánh vác trách nhiệm về việc chạy theo Trung Quốc. Chủ tịch Nghị Viên Nouvelle-Calédonie, ông Roch Wamytan, lãnh đạo phe đòi độc lập, thẳng thừng xác nhận: “Chúng tôi không sợ Trung Quốc. Chính nước Pháp, chứ không phải là Trung Quốc, đã đô hộ chúng tôi. Trung Quốc không phải là vấn đề đối với chúng tôi... Chúng tôi không chỉ duy nhất nhìn về châu Âu, vốn ở rất xa, và không thể làm như là Trung Quốc không tồn tại”.

Theo Le Monde, phải công nhận là bóng dáng Trung Quốc đang bao trùm khu vực. Cách Noumea, thủ phủ Nouvelle-Calédonie 500 km, tức là một giờ bay, quần đảo Vanuatu đã trở thành hiện thân cho tham vọng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Đảo quốc này là tủ kính phô bày những gì mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có thể cung cấp với tốc độ vô song, nhưng lại đầy cạm bẫy. Các công ty Nhà nước Trung Quốc đang xây dựng ở đấy những con đường đi tới những khu vực mà cho đến nay không thể tiếp cận được, Hoa Vi đang lắp đặt mạng viễn thông hiện đại nhất, nhưng trung tâm hội nghị 1.000 chỗ ngồi với giá 24 triệu euro cũng do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Port-Vila, hầu như trống vắng, và việc mở rộng cảng của thành phố lớn thứ hai của đất nước này là Luganville, trị giá 46 triệu euro, đang khiến Úc và Mỹ lo ngại trong trường hợp có xung đột công khai với Trung Quốc.

Xa hơn nữa, các đảo quốc Fiji, Tonga, Samoa và quần đảo Solomon cũng đang rơi vào sự cám dỗ của “những con đường tơ lụa mới”, mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang dùng để tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn thế giới.

Chính sách này tăng tốc khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Loan xấu đi hơn kể từ năm 2016, sau khi dân Đài Loan bầu bà Thái Anh Văn, một người đặc biệt chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc, lên làm tổng thống. Kể từ lúc đó, Bắc Kinh đã mở rộng hầu bao để mua chuộc các quốc gia nhỏ vẫn công nhận Đài Bắc về mặt ngoại giao, trong đó có nhiều đảo quốc nhỏ ở miền Nam Thái Bình Dương.

Lôi kéo Nouvelle-Calédonie vào quỹ đạo

Riêng Nouvelle-Calédonie cũng đã bắt đầu lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế, và Bắc Kinh không hề che giấu ý định lôi kéo vùng lãnh thổ thuộc Pháp này vào quỹ đạo của mình.

Theo Le Monde, là nơi có trữ lượng niken lớn thứ nhì hành tinh, vào năm 2018, vùng Nouvelle-Calédonie đã xuất khẩu 900 triệu euro niken sang Trung Quốc, nhiều hơn tất cả các thị trường khác gộp lại. Niken là một trong những nguyên liệu chính để chế tạo pin điện dùng cho ngành công nghiệp ô tô chạy bằng điện năng.

Chi tiết này dĩ nhiên đã được chế độ Bắc Kinh chú ý. Vào đầu tháng 10 năm 2017, một năm trước cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên được tổ chức theo Hiệp Định Noumea giữa Pháp và phong trào đòi độc lập cho vùng Nouvelle-Calédonie, đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã có chuyến thăm kéo dài một tuần ở vùng lãnh thổ này. Tháp tùng theo đại sứ Trung Quốc là một loạt cố vấn.

Nghị sĩ Philippe Gomès nhớ lại “Họ đã tiếp xúc với mọi giới, đã hỏi xem chúng tôi cần gì: du lịch, nuôi trồng thủy sản, bất cứ thứ gì mà chúng tôi quan tâm đều được họ đề nghị giúp đỡ”.

Đại diện Trung Quốc và đoàn tùy tùng của ông đã đến thăm Nouvelle-Calédonie theo lời mời của người sáng lập và sau đó là chủ tịch Hội Hữu Nghị Trung Quốc-Caledonie, bà Karine Shan Sei Fan, người từng làm việc trong văn phòng của ông Roch Wamytan, chủ tịch của Nghị Viện vùng lãnh thổ này.

Theo Le Monde, các hội hữu nghị tại các nước thường được Mặt trận Thống Nhất, một bộ phận của đảng Cộng Sản Trung Quốc sử dụng như một phương tiện gây ảnh hưởng, thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Riêng ông Wamytan dự định đến thăm Bắc Kinh vào đầu năm 2020, nhưng dịch Covid-19 đã làm hỏng kế hoạch này. Tuy nhiên Bắc Kinh đã sớm tài trợ học bổng cho sinh viên Calédonie. Trả lời Le Monde, ông Wamytan giải thích: “Trung Quốc muốn giúp chúng tôi nhưng chúng tôi bị kềm hãm vì không có thẩm quyền đối ngoại, chúng tôi chỉ có thể hành động trong khuôn khổ quy chế của chúng tôi”.

Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Pháp sẽ bị đe dọa ?

Đối với Le Monde, việc Nouvelle-Calédonie trở thành một quốc gia độc lập và ngả về phía Trung Quốc có nguy cơ phá hoại chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp.

Le Monde nhắc lại rằng vào tháng 5 năm 2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Nouvelle-Calédonie. Tại đấy, ông Macron cho biết ý muốn xây dựng một trục Pháp-Ấn-Úc và nhận định một cách thẳng thắn và rõ ràng rằng: “Ở khu vực này của thế giới, Trung Quốc đang từng bước xây dựng quyền bá chủ của mình”.

Nouvelle-Calédonie hiện đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược mà ông Macron mong muốn vì có một vùng đặc quyền kinh tế rộng 1,74 triệu km2, hay gấp 5 lần vùng đặc quyền mà lãnh thổ Pháp sản sinh. Nouméa còn là nơi đồn trú của lực lượng quân đội Pháp lớn nhất ở Thái Bình Dương, gồm khoảng 1.700 người.

Tất nhiên, Nouvelle-Calédonie hiện tại không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa như các nước láng giềng ở miền Nam Thái Bình Dương, nhưng Bắc Kinh đang rất chú trọng đến việc tăng cường ảnh hưởng tại lãnh thổ này.

Bà Anne-Marie Brady, chuyên gia về Trung Quốc, tại Đại Học Canterbury, Christchurch, New Zealand tóm tắt như sau về giá trị của Nouvelle Calédonie đối với Trung Quốc: “Có niken, có khả năng trở thành một quốc gia độc lập, lại nằm giữa tuyến đường chiến lược nối liền Hoa Kỳ với các đồng minh Úc và New Zealand”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn