Xung đột Nagorno-Karabakh và vai trò của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 29 Tháng Chín 20202:00 CH(Xem: 4041)
Xung đột Nagorno-Karabakh và vai trò của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
Xung đột Nagorno-Karabakh và vai trò của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
Xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: RIA

Xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát căng thẳng trong hai ngày qua. Cả hai bên đều có thương vong.

Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ Azerbaijan, còn Nga cũng như nhiều nước trên thế giới kêu gọi các bên ngừng chiến ngay lập tức và chuyển sang giải quyết bằng kênh chính trị-ngoại giao.

Cuộc đối đầu giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh tiếp diễn trong nhiều thập kỷ. Xung đột lúc lắng xuống, lúc lại bùng lên. Kể từ thời Liên Xô, nơi này vẫn là một điểm nóng trên bản đồ.

Hiện tại cả Armenia và Azerbaijan đều đã tuyên bố thiết quân luật và huy động lực lượng. Trong các cuộc xung đột diễn ra trên biên giới của nước cộng hòa không được công nhận, cả hai bên xung đột đều chịu tổn thất.

Như Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đã tuyên bố về cuộc phản công rạng sáng 27/9 để đáp trả Armenia thì đây là "nguyện vọng của người dân".

"Chiến dịch tổng phản công thắng lợi đặt dấu chấm hết cho sự chiếm đóng và bất công kéo dài 30 năm. Dân tộc Azerbaijan muốn sống trên mảnh đất của mình", ông Aliev nói.

Trong khi đó, ngày 28/9, Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi chấm dứt "việc Armenia chiếm đóng lãnh thổ Azerbaijan". Theo nhà lãnh đạo này, Azerbaijan, vốn đã đợi 30 năm để giải quyết vấn đề lãnh thổ, hiện đang hành động độc lập". Ông lưu ý, "việc Armenia giải phóng ngay lập tức các vùng đất Azerbaijan bị chiếm đóng sẽ mở đường cho việc thiết lập hòa bình và ổn định trong khu vực".

Theo Phó trưởng Khoa Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga Andrei Suzdaltsev, vấn đề bây giờ sẽ phụ thuộc nhiều vào hành động của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia đang căng thẳng nhìn về hướng của Ankara, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc hỗ trợ Azerbaijan, họ quan tâm đến việc có mặt tại Zakavkaz, để làm trọng tài ở đây. Theo lời ông, đã có tin đồn rằng lực lượng đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ nên xuất hiện ở đây, nhưng cho đến nay, "đây là thông tin nhồi nhét".

Nhà quan sát quân sự Alexei Sukonkin cũng đồng ý rằng, có bàn tay của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột. Ông giải thích điều này là do gần đây nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có những kế hoạch rất tham vọng.

Ở một hướng khác, khi thảo luận về các hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh, người ta ngày càng nghe nhiều lời nhắc rằng, Armenia là một thành viên của Tổ chức hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).

Nhưng ý kiến ​​của các chuyên gia về sự can thiệp của Liên bang Nga trong cuộc xung đột này lại khác nhau. Một số người tin rằng Nga sẽ phải can thiệp trong khuôn khổ của Hiệp ước An ninh Tập thể. Những người khác cho rằng, CSTO chỉ áp dụng cho các cuộc xung đột giữa các nước tham gia, còn Azerbaijan thì không liên quan với họ.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga về các vấn đề SNG Viktor Vodolatsky giải thích rằng, không ai tấn công chính Armenia. Xung đột đang diễn ra ở Cộng hòa Nagorno-Karabakh chưa được công nhận và ngày nay lãnh thổ này không liên quan gì đến CSTO. Và Nga không thể can thiệp, vì đây là cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Hiện tại, không ai dám đề xuất, khi nào những xung đột ở điểm nóng này sẽ kết thúc. Ông Viktor Vodolatsky lưu ý rằng, tình hình ở Cộng hòa Nagorno-Karabakh không làm hài lòng bất cứ ai, ngay cả cộng đồng thế giới. Và Nga sẽ luôn đấu tranh vì hòa bình giữa các quốc gia này. Theo ông, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang tiến hành các cuộc đàm phán chuyên sâu với các đồng nghiệp của mình từ các nước này.

Ông Lavrov cũng liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để họ không "châm lửa đốt vụ này". Theo hướng tương tự, ủy ban chuyên ngành cần tổ chức các cuộc họp chuyên sâu với các đồng nghiệp từ Armenia và Azerbaijan.

Theo Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga về các vấn đề SNG Viktor Vodolatsky thì Nga có quan hệ tốt với các nước này và sau đó cần thiết phải tổ chức một cuộc họp ba bên với sự tham gia của ba quốc hội. Ông cho rằng, tình hình đã kéo dài trong một thời gian dài phải được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình.

Giáo sư của Học viện Khoa học Quân sự Vadim Kozyulin cũng tin rằng, cách duy nhất để giải quyết tình hình là ngừng bắn và chuyển đối thoại sang kênh chính trị và ngoại giao, điều này đã được thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn