Về sự hình thành và nuôi dưỡng chuyên chế

Thứ Hai, 28 Tháng Chín 20202:00 SA(Xem: 4689)
Về sự hình thành và nuôi dưỡng chuyên chế

Thái Hạo

1. Tôi không giới hạn về chuyên chế ở phương diện thiết chế nhà nước, mà muốn nói đến cái chuyên chế theo nghĩa rộng, trong mọi phương diện của đời sống xã hội. Tuy vậy vẫn cần đưa ra định nghĩ để chúng ta dễ hình dung: “Chủ nghĩa chuyên chế theo khoa học chính trị là một hình thức chính quyền độc tài, đứng giữa chế độ dân chủ và độc tài toàn trị. Đó là một hình thức chính phủ có đặc điểm là đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối, không thắc mắc, mù quáng với chính quyền, đối ngược với một chính phủ tôn trọng tự do cá nhân” (dẫn theo Wikipedia).

2. Hãy bắt đầu từ 1 việc giả tưởng: anh viết một bài phê phán những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục và post lên fb cá nhân. Ngày hôm sau hiệu trưởng cho gọi anh lên và cuộc đối thoại diễn ra. Hiệu trưởng sẽ quy kết rằng anh nhìn cuộc đời tăm tối, giáo dục mà tăm tối như thế thì dạy ai; giáo viên chống chế; hiệu trưởng đưa công an ra dọa rằng anh động tới chính sách rồi chính trị rồi đường lối; giáo viên vẫn chống chế nhưng yếu ớt; hiệu trưởng nói rằng, nếu không muốn làm nữa thì viết đơn nghỉ, đừng làm hư môi trường giáo dục này v.v…

Nhân vật Bê-li-cốp trong ‘Người trong bao’, một thầy giáo điển hình cho lối suy nghĩ tù hãm và sự chỉ điểm bệnh hoạn để duy trì một thiết chế tăm tối trong môi trường giáo dục. Ảnh: internet

Cuộc “nói chuyện” trên cho chúng ta thấy điều gì? Thứ nhất, hiệu trưởng không chỉ ra cái sai nào trong thông tin và logic ở bài viết của giáo viên, nhưng liền viện đến một lý do rất mô hồ “nhìn đời tăm tối”. Nghĩa là không cần biết sự thật mà lái câu chuyện sang hướng đạo đức. Cái này trong logic học gọi là ngụy biện. Từ cái xuất phát ban đầu này, hiệu trưởng tiếp tục đi xa hơn trong sự quy kết và chụp mũ rồi cuối cùng là hăm dọa và khủng bố tinh thần. Dường như bài viết của giáo viên chỉ còn là cái cớ để người ta thực hiện ý chí cá nhân, thứ ý chí không cần biết đến sự thật và luật pháp.

3. Nhưng, vấn đề là tại sao người lãnh làm được như thế? Chúng ta có nhà nước và luật pháp. Luật pháp ta không đến nỗi tệ, nếu không nói rằng, nếu thượng tôn nó thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp, ít nhất là hơn hiện tại rất nhiều lần. Cái bi kịch nằm ở chỗ, luật ấy đã không có được một cơ chế hợp lý để vận hành; vì thế, bản thân nhà nước ấy không thể quản lý được quyền lực mà nó phân bổ. Nó bị tê liệt.

Mỗi cơ quan là một nơi bị phong bế mà quyền tối cao là ý chí cá nhân của lãnh đạo chứ không phải pháp luật. Xuất phát từ những mục đích có tính vị kỷ, người lãnh đạo sẽ khiến cả guồng máy phải quay theo cái ý muốn ấy. Nhưng, bản thân nó (ý muốn) lại xung đột với các thành viên của tổ chức, mức độ tăng dần theo thời gian.

Từ đó, xuất hiện tình trạng đối phó của cấp dưới. Và như thế, những quy định được đặt ra mỗi ngày một nhiều thêm, tạo thành những sợ xích chằng chịt. Nhưng trớ trêu thay, chính người lãnh đạo lại không thể làm chủ những quy định này, vì nó quá nhiều và quá rối. Đến lúc này, những quy định ấy chỉ còn là một thứ công cụ mang tính răn đe, dọa nạt, gây sức ép tinh thần là chính; chứ dường như không còn mang tác dụng quản lý thực chất nữa.

Để chúng (quy định) không trở nên một thứ trang sức hoàn toàn, người lãnh đạo sẽ tạo ra một hệ thống “mật thám”, “chỉ điểm”; và quản lý theo tin đồn. Những thông tin sẽ không được kiểm chứng, mà chỉ cần nghe tới sự việc abc thì lập tức sự chụp mũ, quy kết sẽ được tiến hành như ở mục 2.

Bản thân nhân viên, vì nhiều lý do về mặt lịch sử văn hóa – tinh thần, cộng với sự đơn độc nên dường như không thể chống trả trước quyền lực tuyệt đối – một thứ quyền lực đã được xây dựng bằng những phương thức “hành lang”. Và khi sự chống đối tỏa ra trực diện và gay gắt thì những yếu tố “hành lang” kia sẽ lại được dùng tới để đè bẹp người lao động.

4. Một sự im lặng đầy hăm dọa đáng sợ sẽ âm thầm len lỏi và thống trị trong môi trường công sở. Ai cũng có thể trở thành con mồi trước những tai mắt và rình rập. Người ta sẽ đối phó bằng thái độ ngoan ngoãn và sự phục tùng; nhưng không bao giờ tự nguyện và tôn trọng. Một sự nứt gãy, thậm chí vỡ vụn từ bên trong tổ chức sẽ diễn ra theo cách ấy. Không có những lời phản biện, không có những tiếng nói thẳng thắn nhưng cũng không thật tâm làm theo.

Một môi trường ngột ngạt được hình thành và lớn lên, mỗi lúc một yếm khí và đến một thời điểm dường như không thể thở nổi. Lúc này, đi làm sẽ trở thành nỗi bất an và sự bất hạnh. Người ta sẽ kéo lê thân xác đến chỗ làm và lết nó về khi tan tầm. Hạnh phúc cá nhân dần được thay thế bởi sự ấm ức, mỏi mệt, rã rời… Bi kịch bị đẩy lên khi người ta dường như không thể tiếp tục nhưng lại cũng không thể vứt bỏ vì miếng cơm manh áo, vì cha mẹ già yếu và những đứa trẻ đáng thương của họ. Một cuộc sống lê thê, vặt vẹo trong sự gồng mình tột độ sẽ kéo dài như thế, mà không hẹn ngày kết thúc…

Không thể tiếp tục duy trì bộ máy ấy với một cách quản lý như thế. Nó chính là cội nguồn của tham nhũng, từ tham nhũng quyền lực đến tham nhũng tài sản; nó cũng chính là nguồn cơn của những bất hạnh trong môi trường công việc; và cũng chính nó là nguyên nhân làm tiêu biến mọi năng lượng sống và sự sáng tạo cá nhân – nguồn lực thiêng liêng cho phát triển xã hội.

“Không thể sống thế này mãi được*”!

_____

*Lời nhân vật bác sĩ I-van-I-va-nứt trong tác phẩm Người trong bao của văn hào Chekhov.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn