Khủng hoảng Belarus : Cơ hội để Nga thúc đẩy dự án « hợp nhất » hai nước ?

Thứ Ba, 08 Tháng Chín 20208:00 SA(Xem: 3232)
Khủng hoảng Belarus : Cơ hội để Nga thúc đẩy dự án « hợp nhất » hai nước ?
rfi.fr

Khủng hoảng Belarus : Cơ hội để Nga thúc đẩy dự án « hợp nhất » hai nước ?

Minh Anh

Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko hội đàm với phái đoàn Nga do thủ tướng Mikhail Mishustin dẫn đầu, tại Minsk, ngày 03/09/2020

Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko hội đàm với phái đoàn Nga do thủ tướng Mikhail Mishustin dẫn đầu, tại Minsk, ngày 03/09/2020 via REUTERS - SPUTNIK

Người dân Belarus tiếp tục đông đảo xuống đường đòi tổng thống Alexandre Loukachenko phải ra đi. Cường quốc Nga láng giềng liên tục đưa ra nhiều tín hiệu ủng hộ vị tổng thống bị phản đối. Điện Kremlin ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng. Đối với giới quan sát, đây có thể là một cơ hội vàng để nguyên thủ Nga thúc đẩy dự án hợp nhất giữa hai nước mà ông đề xuất cách nay 20 năm.

Nhà nghiên cứu địa chính trị Kathia Zhuk, trường Quản Lý Grenoble (GEM) trên tạp chí Diplomatie (số ra tháng 7-8/2020) nhắc lại hiệp ước « Nhà nước Liên minh » có từ năm 1999 nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Theo văn bản này, một sự hợp bang sẽ ra đời dựa trên nền tảng hội nhập thương mại, kinh tế, thuế quan, văn hóa, quân sự, tiền tệ và công nghiệp. Nhà nước hợp bang này cũng có một tổng thống, một nghị viện duy nhất, quốc kỳ, quốc ca và một đồng tiền chung. Tóm lại, đó là một sự hội nhập tương tự, thậm chí còn cao hơn cả mô hình của Liên Hiệp Châu Âu.

Đối với ông Vladimir Putin, khi ấy vừa mới đắc cử, dự án này giúp giữ chặt Belarus trong không gian ảnh hưởng của Nga. Còn với ông Loukachenko nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1994, đây là cách để khẳng định tính chính đáng quyền lực của ông trước một cộng đồng dân chúng rất thân Nga và trong một bối cảnh kinh tế mỗi lúc mỗi hiểm nghèo.

Hơn 20 năm qua, dự án này vẫn chẳng mấy tiến triển bất chấp nhiều yếu tố hiển nhiên cho sự xích lại gần này : Gần gũi về mặt địa lý và nhu cầu quản lý đường biên giới chung, di sản lịch sử và văn hóa chung, mối quan hệ chằng chịt giữa hai nước thông qua nhiều tổ chức như Cộng đồng các nước Độc lập, Cộng đồng Kinh tế Á-Âu hay Tổ chức hiệp ước An ninh chung…

Nguyên nhân là giữa hai đối tác tồn tại nhiều điểm bất cân đối (kinh tế, địa lý, địa chính trị). Tổng thống Loukachenko vẫn chần chừ vì e ngại rằng việc hoàn tất dự án này có nguy cơ làm biến mất Belarus với tư cách là một quốc gia độc lập, do mối tương quan lực lượng là hoàn toàn bất lợi cho Belarus. Đây cũng điểm khiến phe đối lập tại Belarus lo lắng từ hai thập niên qua.

Đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, có thể được xem là « thóp yếu » của tổng thống Belarus. Les Echos (ngày 03/09/2020) cho biết một nửa GDP của Belarus phụ thuộc vào Nga. Từ năm 2008, Matxcơva là chủ nợ chính khi cấp cho chính quyền Minks đến 8 khoản vay. Có thể nói, Nga là chủ nợ của gần 50% nợ công nước ngoài của Belarus. Vẫn theo nhật báo kinh tế Pháp, trong cuộc gặp thủ tướng Nga Mikhail Michoustine hôm 03/09/2020, một trong những chủ đề bản thảo chính tái cấp vốn, tức là Belarus muốn tiếp tục vay của Nga để trả một khoản nợ 600 triệu cho Nga vào năm 2021.

Về điểm này, chuyên gia Andrei Kortounov, giám đốc Russian Council, trên Les Echos có nhận định : « Chuyến thăm của ông Mikhail Michoustine là bước đầu tiên, đó là Kinh tế. Để xử lý khủng hoảng chính trị, điều này sẽ phải được thực hiện trong bước tiếp theo và trực tiếp với chủ nhân điện Kremlin, ông Vladimir Putin. Hiện tại Matxcơva vẫn chưa có một quan điểm rõ ràng để chấm dứt khủng hoảng Belarus. Nga rất có thể cho thực hiện chuyển đổi chính trị tại Minks, vừa có thể làm hài lòng phe đối lập, vừa bảo vệ được các lợi ích của Nga. Và nhất là, ông Putin chưa bao giờ từ bỏ dự án hợp nhất giữa hai nước… »

Do vậy, theo giới quan sát, việc Vladimir Putin ủng hộ phong trào phản kháng tại Minks là không còn chút nghi ngờ gì nữa. Alexandra Loukachenko bị suy yếu thì Nga có thể ép buộc đồng nhiệm Belarus chấp nhận sự hợp nhất mà ông ấy vẫn từ chối cho đến lúc này. Đây được xem như là giải pháp sau cùng để cứu rỗi tương lai cho ông Alexandra Loukachenko, nay đã 66 tuổi và tại vị từ 26 năm qua.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn