Ngoại trưởng Đức : Tín hiệu mới từ châu Âu

Thứ Hai, 07 Tháng Chín 20208:00 CH(Xem: 4814)
Ngoại trưởng Đức : Tín hiệu mới từ châu Âu

Theo nhà bình luận Andreas Kluth của hãng tin Bloomberg, mục tiêu bao trùm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại châu Âu là ngăn chặn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tập hợp thành liên minh chống Trung Quốc. Dường như ông Tập đang hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đạt được một đột phá tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU, dự kiến diễn ra vào ngày 14/9 tới.

Theo kế hoạch ban đầu, sự kiện trên sẽ được tổ chức tại thành phố Leipzig (Đức), tuy nhiên do đại dịch COVID-19, hội nghị đã được chuyển sang hình thức họp trực tuyến.

Ông Kluth cho rằng, do có những "rủi ro cao", nên tuần trước, ông Tập đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị thực hiện chuyến công du đến 5 quốc gia châu Âu để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh quan trọng sắp tới. Đáng tiếc là những cuộc hội đàm của ông Vương Nghị trong chuyến đi này đã không diễn ra suôn sẻ như mong đợi.

Cây viết của Bloomberg phân tích, ông Vương đã tới châu Âu trong tâm thế trông đợi được nghe những lời nhẹ nhàng quen thuộc từ châu Âu; bởi dù sao thì so với Mỹ, châu Âu vẫn quan tâm hơn đến việc duy trì thương mại và hợp tác làm ăn với Trung Quốc. Thế nhưng, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã phải bất ngờ trước những điều mà ông nhận được trong chuyến công du lần này.

Ngoại trưởng TQ đe dọa nghị sĩ Séc, Ngoại trưởng Đức liền bật lại ngay: Tín hiệu mới từ châu Âu - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến công du Pháp. Ảnh: AP

Tín hiệu mới từ châu Âu

Những sự phản kháng, bất hòa ngầm đó chẳng thấm vào đâu so với chuyến thăm Berlin của Ngoại trưởng Trung Quốc.

Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ông Vương đã chỉ trích Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc (CH Séc), ông Milos Vystrcil, bằng những ngôn từ nặng nề vì ông Vystrcil vừa dẫn một phái đoàn 90 người đến thăm chính thức đảo Đài Loan, một động thái được cho là đã "chọc giận" Bắc Kinh.

Ngay lập tức, Ngoại trưởng Maas - người đứng cạnh ông Vương trong cuộc họp báo chung - đã nhắc nhở vị khách của mình rằng "với tư cách là người châu Âu, chúng tôi hành động trong sự hợp tác chặt chẽ", đồng thời thẳng thắn đề nghị Ngoại trưởng Trung Quốc tôn trọng và nhấn mạnh rằng "những lời đe dọa không phù hợp ở đây".

EU sẽ không trở thành một "món đồ chơi" trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nhấn mạnh. Phản ứng của ông đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp Pháp, Slovakia và nhiều quốc gia châu Âu khác.

Cây viết của Bloomberg nhận định, trong thế giới nghi thức hóa bằng những biệt ngữ ngoại giao này, khoảnh khắc Ngoại trưởng Đức "bật" lại trước lời đe dọa của Ngoại trưởng Trung Quốc đã báo hiệu một tông giọng mới và cả một hướng đi mới ở châu Âu.

Trong nhiều năm qua, vì lý do thương mại, nhiều quốc gia châu Âu đã rất cố gắng làm ngơ trước nhiều hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Hồng Kông biển Đông, kinh doanh... nhưng thời đó dường như đã qua rồi. Danh sách những mối bất bình của châu Âu đối với Trung Quốc chỉ đơn giản là đã trở nên quá dài, theo nhà bình luận Kluth.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 14/9 vốn được lên kế hoạch tổ chức nhằm chính thức hóa mối quan hệ tốt đẹp hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư song phương giữa EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều năm đàm phán, thương lượng, EU giờ đã trở nên bớt hứng thú vì lối hành xử của Trung Quốc. Thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư Trung Quốc vào châu Âu, giờ đây EU đã bắt đầu hạn chế điều đó.

Lựa chọn của châu Âu sẽ không giống Mỹ?

Mặc dù vậy, vẫn còn những giới hạn trong việc châu Âu sẽ đi xa đến mức nào so với Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc.

Ông Noah Barkin, một chuyên gia theo dõi về tình hình Trung Quốc tại Berlin và hiện đang làm việc cho Quỹ Marshall của Đức, cho rằng sự khác biệt giữa Mỹ và EU trong đối sách với Trung Quốc là Mỹ muốn "tách rời" nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc, còn EU chỉ muốn "đa dạng hóa".

Điều này đã lí giải việc một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, vẫn đang lưỡng lự về quyết định cấm hay không cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc cung cấp các thiết bị cho mạng 5G đang phát triển. Đó cũng là lí do Pháp - với sự ủng hộ của Đức và nhiều nước khác - đang nỗ lực nhiều hơn để duy trì sự tự do và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

So với Mỹ, châu Âu nhận thức được rằng họ không đủ sức kiểm tra sức mạnh của Trung Quốc ở bất cứ nơi đâu có thể, bởi họ cũng cần phải tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc ở mọi lĩnh vực cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu tới nguy cơ về đại dịch trong tương lai. Hơn hết, châu Âu hy vọng rằng việc hai nước Trung-Mỹ đối đầu sẽ không biến thành một cuộc chiến tranh nóng mà EU buộc phải chọn bên.

Đối với châu Âu, mục tiêu của họ là duy trì thể thức tự trị trong một thế giới ngày càng bị hai siêu cường Trung-Mỹ áp đảo. Nếu ông Joe Biden trở thành tân Tổng thống Mỹ, EU sẽ cố gắng hợp tác với đồng minh truyền thống để đạt được mục tiêu này. Còn nếu như ông Trump tái đắc cử, thì châu Âu sẽ tăng tốc các nỗ lực - dù khiêm tốn - để trở nên bình đẳng.

Dù điều gì xảy ra trong tương lai, thì các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn nên thay đổi cách hành xử của mình trong những chuyến công du sau này, cây viết của Bloomberg kết luận.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn