Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria : Một công đôi việc

Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 20184:15 SA(Xem: 5821)
Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria : Một công đôi việc

Ngày 24/08/2016, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức can thiệp quân sự trên bộ vào Syria. Và ngày 04/09, thủ tướng Binali Yildirim thông báo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy Syria đã đánh đuổi được các chiến binh thuộc tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo - Daech, bảo đảm được an ninh tại vùng biên giới chung với Syria, từ Azaz đến Jarabulus, dài 91 cây số.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, khi ra lệnh cho quân đội can thiệp trực tiếp, trên bộ, vào lãnh thổ phía bắc Syria, tổng thống Recep Erdogan thực hiện một công đôi việc : thứ nhất là được tiếng tham gia tích cực chống khủng bố, thứ hai và điều này mới quan trọng đối với Ankara, là tránh được cơn ác mộng có thể biến thành hiện thực : sự hình thành « một vùng Kurdistan Syria tự trị », ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

PKK - Cơn ác mộng của Ankara

Theo một số thẩm định, cộng đồng người Kurdistan, khoảng từ 20 đến 40 triệu, sống tập trung chủ yếu tại bốn khu vực, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, vùng đông bắc và tây bắc Syria, ở đông bắc Irak Cộng đồng này cũng hiện diện ở Afghanistan, Arménia, Azerbaidjan. Nếu như người Kurdistan có vùng tự trị tại Irak, có hẳn một tỉnh ở Iran, thì tại Syria, chính quyền đã tiến hành chiến dịch tước quốc tịch và đồng hóa người Kurdistan.

Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, công cuộc cải cách đất nước được tiến hành từ năm 1923 dưới thời Mustafa Kemal Pacha, người sáng lập và là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, được tiến hành song song với việc bác bỏ sự tồn tại của cộng đồng thiểu số Kurdistan trên lãnh thổ nước này. Và tư tưởng chống Kurdistan phát triển ngày càng mạnh.

Theo ông Aron Lund, thuộc Centre Carnergie Endowment for International Peace, được AFP trích dẫn, thì « vấn đề Kurdistan tại Syria từ nay là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Erdogan, bởi vì các phe phái Kurdistan, gắn bó với đảng Lao Động Kurdistan – PKK, đã chiếm được những vùng đất rộng lớn ở phía bắc » Syria và « viễn cảnh một tiểu Nhà nước của PKK, nằm sát biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, với nguồn tài chính từ dầu lửa và được Hoa Kỳ hỗ trợ, là một ác mộng đối với Ankara ».

PKK - Đảng Lao Động Kurdistan – được thành lập năm 1978, chủ trương đấu tranh vũ trang, để thành lập một vùng lãnh thổ độc lập ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1984, đảng này đối đầu quân sự trực tiếp với chính quyền Ankara, hoạt động mạnh và có các chi nhánh tại Syria, Iran, Irak.

Tận dụng hoàn cảnh chiến tranh, Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) – một chi nhánh của PKK, theo chính quyền Ankara – trong đó Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) chiếm đa số, đã kiểm soát được một vùng lãnh thổ bằng 18% diện tích Syria, bao gồm ba huyện, với khoảng hai triệu dân trong đó 60% là người Kurdistan.

Theo chuyên gia Aron Lund, thì việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech đánh chiếm được Minbij, thuộc Aleppo, cách sông Euphrate khoảng 30 km về phía tây vào cuối tháng Sáu vừa qua, và đặc biệt là quyết tâm của Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) tiến về phía tây, cũng như thành phố Jarabulus đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ vội vã can thiệp vào phía bắc Syria, bởi vì Hoa Kỳ đã hứa với Ankara không để cho FDS vượt qua sông Euphrate tiến về thành phố Aleppo.

Ông Didier Billion, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược – IRIS – Pháp, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng việc Ankara can thiệp quân sự vào Syria làm thay đổi cảnh quan cũng như vai trò của các bên trên thực địa.

« Sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép giành lại một số khu vực từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, và những nơi này hiện nay đang là mục tiêu tranh giành, bao vây giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG). Thách thức của các cuộc đối đầu trong những ngày qua liên quan đến khu vực nằm giữa Jarabulus mà gần đây lực lượng nổi dậy Syria với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được, và vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, khu vực này là điểm trung chuyển trên tuyến đường tiếp tế y tế, thực phẩm, và quân sự. Nếu Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) mà nòng cốt là YPG, hoặc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát được khu vực này thì đây là vố đau đối với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo -Daech.

Mặt khác, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi vai trò các lực lượng hiện diện trên thực địa tại khu vực này. Trong hàng ngũ Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), các chiến binh Kurdistan gắn bó với Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) lại chiếm đa số. Cách nay có vài tuần, FDS là lực lượng duy nhất có khả năng kháng cự thành công chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Cùng với đà tiến quân, lực lượng Kurdistan tại Syria đang làm thay đổi tương quan lực lượng cũng như các thách thức chính trị trong vùng. Bởi vì Đảng Liên Hiệp Dân Chủ (PYD) đã tranh thủ đà tiến quân của chi nhánh quân sự YPG thuộc đảng này, để thiết lập các cơ quản lý hành chính cấp huyện dưới sự lãnh đạo của họ.

Do vậy, mục đích của Recep Tayyip Erdogan là ngăn chặn đà đi lên của PYD về quân sự và chính trị, và thậm chí, như ông ta đã công khai tuyên bố là « quét sạch » sự hiện diện của PYD trong khu vực này. Sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn PYD tạo lập một vùng liên kết giữa ba huyện mà họ chiếm giữ : Hai huyện ở phía đông và một ở phía tây. Nếu lực lượng Kurdistan liên kết được các huyện này với nhau thì họ sẽ kiểm soát được một phần lớn vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây chính là điều mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại và cũng phần nào vì lý do này mà ông ta đã quyết định đưa quân đội đến đó ».

Can thiệp quân sự vào Syria không làm sứt mẻ quan hệ Ankara - Washington

Cuộc khủng hoảng Syria, bị quốc tế hóa, nay lại càng phức tạp hơn với sự tham chiến trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy Hoa Kỳ vào tình thế đi trên dây. Bởi vì Washington cần Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng lại ủng hộ lực lượng Kurdistan.

Bực tức vì bị Hoa Kỳ liên tục thúc giục tham gia tích cực chống Daech trong khi đó, Washington lại không nhanh chóng chia sẻ cảm thông sau cuộc đảo chính hụt ngày 15/07/2016, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ra lệnh đưa chiến xa sang Syria vào đúng ngày phó tổng thống Mỹ Joe Biden đang có mặt tại Ankara. Theo giới chuyên gia, chính quyền Erdogan muốn chứng tỏ cho Mỹ thấy là họ có thể tự tiến hành các hoạt động quân sự, bên ngoài khuôn khổ liên minh. Tuy vậy, Ankara không hề sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO.

Về phần mình, chuyên gia Didier Billion cho rằng cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria không gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Washington và Ankara.

« Không. Tôi nghĩ là không. Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã hỗ trợ và trang bị vũ khí cho YPG trong lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ, thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO –lại coi lực lượng này là một tổ chức khủng bố vì cho rằng đó là chi nhánh Syria của Đảng Lao Động Kurdistan(PKK). Mỹ có thái độ mập mờ, nhưng cách nay vài tuần, các chiến binh Kurdistan là lực lượng duy nhất, trên bộ, đủ khả năng đương đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với chiến dịch « lá chắn Euphrate » đã làm thay đổi cảnh quan chung. Ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ đang thăm Ankara ngày 24/08 vừa qua, đã khẳng định rõ ràng sự ủng hộ của Washington đối với chiến dịch này. Lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi các chiến binh Kurdistan rút về phía đông sông Euphrate. Như vậy, nếu Hoa Kỳ không muốn phải ngừng hỗ trợ cho lực lượng Kurdistan tại Syria thì trong tương lai, Washington phải tỏ ra cứng rắn hơn.

Hoa Kỳ đã có một sự lựa chọn chiến lược. Họ muốn có một liên minh mạnh, hiệu quả và có khả năng tác chiến với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì với các nhóm chiến binh Kurdistan tại Syria. Thực vậy, đối với Mỹ, đây là một thách thức địa chính trị quan trọng hơn nhiều. Chính vì thế, tình hình rất bấp bênh và có thể biến đổi nhanh chóng ».

Syria: Miếng mồi ngon cho các phe phái Hồi giáo xâu xé

Chiến dịch quân sự của Ankara đã ngăn chặn được - ít ra là cho đến lúc này - ý định của lực lượng Kurdistan thiết lập một vùng lãnh thổ tự trị rộng lớn ở phía bắc Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời chiếm lại được một số nơi từ tay tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là Daech bị dồn vào đường cùng, « hết chỗ dung thân ». Cuộc chiến tại Syria còn tiếp tục vì không một phe phái nào, cho đến lúc này, đủ khả năng làm chủ tình hình, đánh bại các nhóm khác.

Chuyên gia Didier Billion nhận định :

« Thực ra, Daech chỉ là một phần của phương trình. Tổ chức này chiếm giữ được một vài dải đất, nhưng sự thâm nhập, đóng rễ của chúng đã diễn ra tại các thành phố lớn, nhất là ở Raqqa (miền trung Syria). Nếu như sự thoái lui của Daech ra khỏi những khu vực nhỏ bé là điều rõ ràng, thì sự suy yếu của tổ chức này chỉ là tương đối. Daech vẫn làm chủ những thành phố quan trọng và cứ địa Raqqa và chúng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ nơi đây.

Lực lượng Kurdistan ở Syria, từ nhiều tháng nay, chỉ cách Raqqa khoảng ba chục cây số. Mặc dù Hoa Kỳ đã nhiều lần thúc giục, nhưng lực lượng Kurdistan không tấn công Raqqa. Để đánh vào cứ địa này, trước tiên họ cần phải chuẩn bị về mặt chiến thuật quân sự và cố gắng ngăn chặn các nguồn tiếp tế cho nơi đây, nhằm làm suy yếu các vị trí của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Vả lại, thành phố Aleppo của Syria là một trong những thách thức địa chính trị và quân sự quan trọng : tương lai của Syria chắc chắn sẽ phụ thuộc vào nhóm vũ trang nào kiểm soát được thành phố này. Thế nhưng, cho đến lúc này, không một lực lượng nào đủ khả năng kiểm soát được toàn bộ Aleppo và thường dân nơi đây phải trả giá đắt do các giao tranh quân sự.

Các trận đánh diễn ra quyết liệt giữa lực lượng của Bachar al-Assad và các chiến binh thuộc Quân đội Syria Tự do (ASL), được coi là lực lượng « ôn hòa ». Mùa hè vừa qua, do ở thế phòng thủ, ASL đã buộc phải liên kết với các phần tử Hồi Giáo cực đoan thuộc Mặt trận Fatah al-Sham – Front al-Sahm (hậu thân của Front al-Nosra, liên kết với Al Qaida) để chiếm lại một số khu vực và làm giảm bớt áp lực vòng vây của quân đội Syria trung thành với Bachar al-Assad.

Do đó, Aleppo cũng như những nơi khác trở thành những điểm hội tụ căng thẳng rất cao, và không có còn chỗ cho những lực lượng được gọi là « ôn hòa » nữa, giữa một bên là các lực lượng của Bachar al-Assad, được Nga hỗ trợ một cách ồ ạt, lực lượng dân quân Hezbollah, binh sĩ Iran và bên kia là các nhóm thánh chiến, như tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hay Mặt trận Fatah al-Sham và một số đông các nhóm này cũng được các nước Ả Rập vùng vịnh ủng hộ.

Hiện nay, Syria đang bị chia sẻ giữa các lực lượng của chính quyền Damas, người Kurdistan, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, lực lượng nổi dậy được gọi là « ôn hòa » và các nhóm thánh chiến, hoặc salafite Hồi Giáo. Nhưng không một phe phái nào đủ khả năng áp đặt sự thống trị của mình đối với các nhóm khác. Bất hạnh thay, có thể nhận thấy rằng lực lượng thánh chiến, ngoài các chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đang trở thành tác nhân không thể thiếu vắng trong việc giải quyết một số xung đột nhỏ trên phạm vi quốc gia Syria ».

Ngày 07/09, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là, trong cuộc gặp giữa tổng thống Erdogan và đồng nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama, ngày 04/09/2016, bên lề thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Trung Quốc, hai bên đã tìm được đồng thuận là phải có « hành động cần thiết » để đánh đuổi Daech ra khỏi Raqqa, Syria, cứ địa của tổ chức khủng bố này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn