Dominique Seux : Châu Âu có nên mong ông Joe Biden đắc cử ?

Thứ Bảy, 29 Tháng Tám 20202:00 SA(Xem: 2863)
Dominique Seux : Châu Âu có nên mong ông Joe Biden đắc cử ?
rfi.fr

Dominique Seux : Châu Âu có nên mong ông Joe Biden đắc cử ?

Thụy My

Trên Les Echos ngày 25/08/2020, tác giả Dominique Seux đã « đi ngược chiều gió », nhận định rằng nếu ông Donald Trump tái đắc cử sẽ có lợi cho châu Âu hơn là việc ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng, trong khi đa số dư luận châu Âu có xu hướng ủng hộ phe Dân Chủ. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết.

Tất cả đã sẵn sàng, với việc đảng Cộng Hòa chính thức đề cử ông Donald Trump hôm thứ Hai 24/08. Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2020, ông Trump đối mặt với Joe Biden, người bị đặt biệt danh là « Joe ngủ gục ».

Tuổi tác của hai đối thủ không phải là điểm độc đáo duy nhất của cuộc song đấu này : Joe Biden sẽ 78 tuổi vào tháng Giêng tới, còn Donald Trump 74 tuổi. Cần nhớ là ông Barack Obama rời quyền lực vào năm 56 tuổi, và trước đó ông Georges W.Bush ra đi ở lứa tuổi khoảng 60.

Đại dịch Covid-19 tất nhiên bao trùm lên kỳ bầu cử tổng thống lần này. Với gần 180.000 người đã tử vong vì con virus, bản tổng kết của Hoa Kỳ nằm trong số những bức tranh đen tối nhất thế giới, nếu so sánh với dân số. Tỉ lệ lây nhiễm trong những ngày gần đây đã giảm xuống, nhưng tình hình vẫn rất tương phản theo từng bang.

Điều nghịch lý là thị trường chứng khoán Wall Street lại tăng cao, dù nền kinh tế đang mất phương hướng. Lý do ? Cổ phiếu các công ty công nghệ, đang hưởng lợi nhiều nhất trong đại dịch, được săn lùng hơn bao giờ hết.

Đây không phải là tin « giựt gân » : trái tim của đa số người dân và chính phủ châu Âu nghiêng về phía ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Tính cách của ông Donald Trump, những lời nói dối của ông, cái cách ông coi đa số đồng minh cũ của Hoa Kỳ là kẻ thù, việc xử lý tiền hậu bất nhất về đại dịch, hoài nghi về biến đổi khí hậu…tất cả đều gây bất bình đối với châu Âu vốn chừng mực.

Tuy nhiên, nếu giữ cái đầu lạnh để phân tích một cách khách quan, thì có ba điều cần suy ngẫm.

Thứ nhất : Thái độ chống châu Âu của tổng thống Mỹ giúp 27 nước Liên Hiệp Châu Âu siết chặt đoàn kết. Nước Đức, vốn luôn không muốn làm mất lòng Chú Sam, đã lãnh cú đá xoáy và rồi chấp nhận đóng góp nhiều hơn cho châu Âu. Sự đối địch Mỹ-Trung hiện nay khiến cựu lục địa phải đoàn kết với nhau để hiện hữu.

Nếu đảng Dân Chủ Mỹ quay lại với quyền lực, Berlin (và Vacxava) sẽ lại hướng về Washington.

Với sai lầm của mình, ông Donald Trump là một đồng minh giúp cho châu Âu hành động như một tập thể hòa hợp, bảo vệ cho một mô hình chung : nền kinh tế thị trường mang tính xã hội.

Thứ hai : Ông chủ Nhà Trắng hiện nay có quan hệ trắc trở với đa số GAFA. Văn hóa California không phải là gu của ông Trump. Khi Joe Biden cầm quyền, các tập đoàn kỹ thuật số sẽ lại cảm thấy thoải mái như cá tung tăng bơi lội trên dòng sông Potomac.

Một tổng thống Dân Chủ không từ chối họ bất kỳ điều gì, và có thể còn hỗ trợ cho GAFA trong cuộc chinh phục toàn cầu, nhân danh quyền lực mềm của lá cờ sao. Châu Âu, do không có các nhân tố tương xứng, sẽ rất vất vả trước « chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số ».

Thứ ba : Cần phải nhìn nhận rằng ông Donald Trump đã làm được cái công việc hết sức khó khăn, khi cố gắng ngăn chận Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới. Ông có được một ít thành công, nhưng Trump đã tạo được ý thức là cần phải kìm hãm Bắc Kinh. Châu Âu, riêng việc nói rằng Bắc Kinh là « đối thủ mang tính hệ thống » đã phải run rẩy, có thể hy vọng đi dây giữa hai cường quốc. Còn ông Joe Biden sẽ làm gì được ?

Những bất lợi nếu ông Donald Trump tái đắc cử, chủ yếu là mối quan hệ giữa sự thật và dối trá. Nhưng theo tác giả, châu Âu cũng không nên tỏ ra quá ngây thơ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn