Cuộc chạy đua nước rút để phát triển vắc-xin chống Covid-19

Thứ Tư, 26 Tháng Tám 20206:00 SA(Xem: 3225)
Cuộc chạy đua nước rút để phát triển vắc-xin chống Covid-19
voatiengviet.com

Cuộc chạy đua nước rút để phát triển vắc-xin chống Covid-19

Hoài Hương-VOA

Từ khi virus Sars-CoV2 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019, siêu vi đã nhanh chóng lây lan khắp thế giới, và giáng một đòn nặng vào nền kinh tế của tất cả các nước nơi dịch Covid-19 hoành hành.

Theo trang web worldometers cập nhật tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu thì siêu vi Sars CoV2 gây ra dịch Covid-19 đã lây lan sang 213 nước và vùng lãnh thổ, và tính cho tới 24/8 đã giết chết hơn 814.000 người, lây nhiễm cho hơn 23 triệu người. Ước lượng số bệnh nhân hồi phục là hơn 16.140.000 người, có nghĩa là hiện còn hơn 6.730.000 ca đang được điều trị, 1% trong số này trong tình trạng nguy kịch.

Hoa Kỳ vẫn đứng đầu bảng trong danh sách các nước bị tác động nặng nề nhất, với gần 5,9 triệu ca nhiễm, hơn 180.000 ca tử vong. Kế tiếp là Brazil - 3,6 triệu ca nhiễm, và thứ 3 thế giới là Ấn Độ, với 3,1 triệu ca.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy siêu vi gây dịch Covid-19 sẽ tự động biến mất trong tương lai gần, và thế giới nói chung vẫn bó tay, cho tới khi có một vắc-xin hữu hiệu và an toàn chống Covid-19, và một chương trình chủng ngừa quy mô trên toàn cầu.

Trong cuộc đua để trở thành nước đầu tiên phát triển vắc-xin, nhiều nước đã đốt giai đoạn để đẩy nhanh tiến trình phát triển.

Vắc-xin Nga

Nga hôm 11/8 tuyên bố nước này là nước đầu tiên cấp phép để sản xuất một vắc-xin có tên là Sputnik-5, mặc dù Nga chưa tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 – một giai đoạn thiết yếu để bảo đảm vắc-xin hiệu quả và an toàn.

Một nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Dịch tễ và Sinh học Gamaleya ở Moscow, Nga, hôm 6/8/2020. (Russian Direct Investment Fund / Handout via Reuters)

Một nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Dịch tễ và Sinh học Gamaleya ở Moscow, Nga, hôm 6/8/2020. (Russian Direct Investment Fund / Handout via Reuters)


Tin này được đón nhận với nhiều hoài nghi, ngay cả trong cộng đồng khoa học Nga, cũng quan tâm về tính an toàn của vắc-xin Nga vì quy trình phát triển bị nghi là không đạt tiêu chuẩn vì chính quyền muốn đốt giai đoạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ thẩm định tuyên bố của Nga. Mặc dù vậy, Nga nói đã có 20 nước, kể cả Brazil, Indonesia và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập, yêu cầu mua vắc-xin của họ.

Việt Nam đang tìm cách phát triển một vắc-xin riêng nhưng đã lập tức đặt mua từ 50 triệu tới 150 triệu liều vắc-xin của Nga, một phần với sự tài trợ của Nga.

Bên cạnh đó, công ty Petrovax -thuộc quyền sở hữu của tư nhân ở Nga- đang giúp thử nghiệm một vắc-xin của CanSino của Trung Quốc, và cho hay nếu thành công, Nga sẽ sản xuất vắc-xin tại khu vực Moscow để bán ở trong nước và bán cho các nước thuộc Liên Xô cũ.

Vắc-xin tại Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, hai công ty đã bước vào thử nghiệm giai đoạn 3, bước thử nghiệm cuối cùng trước khi được cấp phép sản xuất.

Công ty sinh học Moderna đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 một loại vắc-xin có thể luyện cho hệ thống miễn dịch của con người chống lại virus corona.

Moderna đã đạt được thỏa thuận với Ủy hội Châu Âu để cung cấp tới 160 triệu liều vắc-xin cho khối EU.

Ngoài ra, chính phủ Tổng Thống Trump cũng đang xem xét việc đẩy nhanh tiến trình sản xuất vắc-xin chống Covid-19 của công ty AstraZeneca, một công ty dược phẩm đa quốc của Anh và Thụy Điển, có chi nhánh tại nhiều nước, kể cả tại Hoa Kỳ.

Trang tin tức Alliance News của Anh trích dẫn báo Financial Times, cho biết Tổng Thống Trump đang cân nhắc việc nới lỏng các quy định và tiêu chuẩn luật định để có thể đẩy nhanh một vắc-xin chống virus corona có tinh cách thử nghiệm từ nước Anh.

Các biện pháp đang được cứu xét gồm cho phép Cơ quan Quản lý Thực phầm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 10 cho một vắc-xin do công ty bào chế dược phẩm AstraZeneca phát triển, nếu kết quả nghiên cứu thành công.

Tuy nhiên trong khi các cơ sở khoa học của chính phủ Mỹ đòi hỏi một vắc-xin phải được nghiên cứu trên 30.000 đối tượng thì mới đủ điều kiện để được cấp phép, cuộc nghiên cứu do Astra Zeneca thực hiện chỉ nghiên cứu trên 10.000 người tình nguyện.

Giới khoa học, cũng như một số quan chức y tế và các nhà lập pháp Mỹ lo ngại chính quyền của Tổng Thống Trump có thể vì lý do chính trị gây áp lực đối với FDA để hối thúc cấp phép cho một vắc-xin chống Covid trước cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 3/11 năm nay.

Vắc-xin Ấn độ hợp tác với Hội từ thiện Bill & Melinda Gates

Tại Ấn Độ, Viện Nghiên cứu Huyết thanh Ấn Độ (SII), hãng bào chế vắc-xin lớn của thế giới, cũng đang ráo riết phát triển một vắc-xin chống Covid.

Có tin nói rằng một vắc-xin của SII, COVISHIELD, có thể sẵn sàng ra mắt trong vòng 73 ngày, mặc dù SII ra tuyên bố cải chính tin này hôm 23/8:

“Hiện nay, chính phủ chỉ cấp phép cho chúng tôi sản xuất vắc-xin và tích trữ thuốc để sử dụng trong tương lai mà thôi. COVISHIELD đã chứng tỏ là thành công, và thỏa đáng tất cả các quy định cần thiết.”

Trước đó, báo Business Today của Ấn Độ đăng một bài báo hôm Chủ nhật 23/8, dẫn lời một quan chức hàng đầu tại SII, xác nhận ‘độc quyền’ với tờ báo này rằng vắc-xin COVISHIELD sẽ sẵn sàng nội trong 73 ngày.

Đầu tháng này, SII hợp tác với Gavi, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, tổ chức được Hội Từ thiện Bill & Melinda Gates hỗ trợ, để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin chống COVID-19 cho Ấn Độ và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

‘Ngoại giao vắc-xin’ của Trung Quốc

Hơn 160 vắc-xin đang được thử nghiệm trên toàn cầu, trong số này chỉ có 6 hay 7 vắc-xin là đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong số các vắc-xin có triển vọng đạt đích sớm nhất có 3 vắc-xin là của các công ty dược phẩm Trung Quốc, cả quốc doanh lẫn tư nhân.

Trung Quốc từ lâu đã là nước sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đang tìm cách khai thác vị thế dẫn đầu này để đổi chác lấy lợi thế về mặt ngoại giao.

Tổng Thống Indonesia Joko Widodo (P) tới thăm Viện bào chế Dược phẩm Bio Farma, nơi sản xuất vaccine chống COVID-19 ở Bandung, Tây Java. - Indonesia ngày 11/8/2020.. (Foto: Biro Setpres via AFP)

Tổng Thống Indonesia Joko Widodo (P) tới thăm Viện bào chế Dược phẩm Bio Farma, nơi sản xuất vaccine chống COVID-19 ở Bandung, Tây Java. - Indonesia ngày 11/8/2020.. (Foto: Biro Setpres via AFP)


Bài báo đăng trên WSJ hôm 17/8/2020 cho biết các quan chức ở Bắc Kinh và các hãng bào chế thuốc Trung Quốc đã cam kết ưu tiên cung cấp vắc-xin cho các nước: Brazil, Indonesia, Pakistan, Nga và Philippines, là những nước có thể phục vụ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc giữa lúc nước này đang tìm cách khôi phục lại vị thế của mình trên thế giới sau trận đại dịch đã gây căng thẳng cho các quan hệ địa chính trị của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hứa ưu tiên cung cấp vắc-xin cho Philippines, trong khi Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc do tư nhân sở hữu đồng ý hợp tác với Brazil và Indonesia để sản xuất hàng trăm triệu liều vắc-xin cho các thị trường địa phương.

Pakistan, nước đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong thế giới đang phát triển, sẽ được cung cấp các liều vắc-xin đủ để phân phối cho 1/5 dân số 220 triệu dân của nước này, theo một thỏa thuận với Sinopharm, Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc, với điều kiện Pakistan cho phép Sinopharm thực hiện các cuộc nghiên cứu lâm sàng ở Pakistan.

Bắc Kinh không tiết lộ các chi tiết của những dàn xếp của họ với các nước khác, nhưng báo WSJ nói dựa trên những tuyên bố chính thức của Trung Quốc thì Bắc Kinh không ngần ngại dùng vấn đề nhân đạo để thăng tiến các ưu tiên về chính sách đối ngoại của họ, trong đó có vận động các nước cần vắc-xin ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của TQ trong Biển Đông.

Tuy nhận vắc-xin của Trung Quốc có thể giúp thắt chặt các quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, nhưng cùng lúc, có thể phương hại tới các quan hệ với Washington.

Vắc-xin và các nước Á châu

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Malaysia tiếp xúc với cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về những cách thức để đẩy mạnh hợp tác sản xuất vắc-xin.

Cả Bắc Kinh lẫn Washington không hứa hẹn sẽ giúp Malaysia, nhưng cả hai nước đều muốn củng cố quan hệ với Kuala Lumpur trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 7 nói Bắc Kinh sẽ ưu tiên cho Philippines, một nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, sau khi Tổng Thống Duterte trực tiếp yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình giúp. Câu hỏi được đặt ra tại đây là Philippines phải trả giá nào cho sự giúp đỡ này? Và liệu cái giá đó quá đắt đối với chủ quyền quốc gia và chủ quyền lãnh thổ?

Bắc Kinh tung ra ‘ngoại giao vắc-xin’ sau chiến dịch ‘ngoại giao khẩu trang’ tặng thiết bị y tế cho nhiều nước hồi đầu năm nay.

WSJ dẫn lời các chuyên gia y tế thế giới nói họ tin rằng Trung Quốc, Nga và một số nước khác, nếu phát triển vắc-xin thành công, sẽ dùng vắc-xin như một ‘công cụ ngoại giao’ trong bối cảnh nhu cầu vắc-xin đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trên toàn cầu. Cấp bách vì có vắc-xin mới mong khống chế được dịch Covid-19. Khống chế được dịch Covid-19 mới mong khôi phục được kinh tế và sinh hoạt bình thường.

CanSino đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế từ 18/3 trong khi đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và được cấp bằng hôm 11/8 trong lúc vắc-xin Ad5-nCoV đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Hoàn Cầu Thời Báo, báo do tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc, quản lý, nói dù chưa hoàn tất giai đoạn cuối, kết quả giai đoạn 1 và 2 cho thấy sản phẩm của CanSino có độ an toàn và khả năng miễn dịch.

Các nước phương Tây hoài nghi vắc-xin Nga, Trung Quốc

Như Nga, vắc-xin Trung Quốc khó tìm được khách mua từ các nước Âu Tây, nên phần lớn sẽ tập trung vào các thị trường ‘thân thiện’ hơn.

Reuters cho biết Peru, Morocco, UAE (Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả rập) và Argentina đồng ý cho Trung Quốc thực hiện các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 một vắc-xin có tính cách thử nghiệm của CNBG, một đơn vị của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc.

Các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 -trên nguyên tắc- phải được thực hiện trên quy mô lớn với hàng ngàn người tình nguyện, thì các nhà nghiên cứu mới thu thập được đủ dữ liệu cần thiết để xác quyết tính hiệu quả cũng như sự an toàn của vắc-xin.

Ông John J. Donnelly của Vaccinology Consulting LLC khuyến cáo ‘nếu vắc-xin không hiệu quả hay sau này chứng tỏ là không an toàn, thì nước phát triển ra vắc-xin sẽ ‘mất mặt’ trước thế giới.

Xuất khẩu trang thiết bị hư hỏng hay không đạt tiêu chuẩn, như Trung Quốc đã làm với các lô hàng khẩu trang thiếu tiêu chuẩn trước đây, sẽ phương hại tới uy tín của Trung Quốc.

WSJ nói Brazil, nước thứ nhì trên thế giới (sau Hoa Kỳ) trên danh sách các nước bị Covid-19 hoành hành dữ dội nhất, có thể là một trong những nước đầu tiên sử dụng vắc-xin Trung Quốc, kèm theo những rủi ro của nó. Nước này cũng phải chấp nhận điều kiện của Trung Quốc là đồng ý thực hiện các cuộc thử nghiệm vắc-xin Sinovac trên người.

Trong khi chờ đợi một vắc-xin an toàn và hữu hiệu, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục đe dọa thế giới, với các ca lây nhiễm vẫn tăng mỗi ngày tại nhiều nơi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn