Nghiên cứu Mỹ: Người chết vì nóng sẽ nhiều hơn nạn nhân dịch bệnh

Thứ Ba, 25 Tháng Tám 20206:01 CH(Xem: 3194)
Nghiên cứu Mỹ: Người chết vì nóng sẽ nhiều hơn nạn nhân dịch bệnh
rfi.fr

Nghiên cứu Mỹ: Người chết vì nóng sẽ nhiều hơn nạn nhân dịch bệnh

Trọng Thành

Bắc Mỹ và châu Âu trong những tuần qua phải đối mặt với những đợt nóng kỷ lục, đúng vào lúc các khu vực này, cũng như toàn thế giới nói chung, phải vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19. Các hậu quả của nhiệt độ tăng cao với sức khoẻ con người là ghê gớm. Tuy nhiên, cho đến nay, rất hiếm có nghiên cứu nào xem xét tác động của nhiệt độ cao đối với tỉ lệ tử vong trên phạm vi toàn cầu.

Một nghiên cứu khoa học Mỹ vừa công bố hồi tháng 7/2020 dự báo : Nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu, từ nay đến cuối thế kỷ, có thể khiến nhiều người chết hơn là số nạn nhân tử vong hiện nay do tất cả các loại dịch bệnh cộng lại. Trong bối cảnh thế giới rất thiếu các dữ liệu khoa học về chủ đề này, nghiên cứu của National Bureau of Economics Researchs là một trợ giúp quý giá đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chuyên mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu một số nét chính của nghiên cứu này. 

*** 

Nghiên cứu của Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế Mỹ có những điểm gì đáng chú ý ? 

Nghiên cứu mang tên « Valuing the Global Mortality Consequences of Climate Change Accounting for Adaptation Costs and Benefits / Đánh giá về hậu quả gây tử vong toàn cầu do biến đổi khí hậu, có tính đến phí tổn và lợi ích của việc thích ứng » do Viện tư vấn tư nhân độc lập phi lợi nhuận National Bureau of Economics Researchs (NBER) chủ trì. Nghiên cứu của NBER đưa ra nhiều kịch bản. Theo kịch bản tồi tệ nhất, có nghĩa là nhân loại làm rất ít để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu có thể khiến tỉ lệ tử vong tăng lên mức 73 người chết trên 100.000 người vào cuối thế kỷ. Có nghĩa là tương đương với số người được coi là tử vong hiện nay do tất cả các căn bệnh lây nhiễm cộng lại, bao gồm lao, HIV, sổt rét, sốt xuất huyết và sốt vàng da (hoành hành chủ yếu ở Nam Mỹ và châu Phi). 

Các nhà nghiên cứu so sánh các dữ liệu tử vong toàn cầu với lịch sử biến đổi nhiệt độ để tìm cách xác định « các nguyên nhân trực tiếp » gây chết người do nóng, khi cơ thể mất khả năng tự điều chỉnh để đối phó với nhiệt độ cao, và « các nguyên nhân gián tiếp » gây chết người do nóng, như các đợt nóng cao điểm làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch chẳng hạn. Tương tự như đối với đại dịch Covid-19 hiện nay, trong nhiều trường hợp, virus không trực tiếp gây chết người, mà khiến bệnh nhân tử vong, do các bệnh nền.  

Một điểm đáng chú ý thứ hai của nghiên cứu là chỉ ra việc khí hậu bị hâm nóng làm gia tăng bất bình đẳng vốn có trong lĩnh vực y tế. Dân cư các quốc gia nghèo nhất, thường là các nước ở xứ nóng nhất hành tinh, cũng là nơi có tỉ lệ nạn nhân tăng vọt. Tỉ lệ tử vong tại các nước như Ghana, Bangladesh, Pakistan hay Soudan có thể tăng lên đến 200 người chết trên 100.000 dân. 

Theo kịch bản tồi tệ nhất, việc tỉ lệ tử vong tăng cao nói trên khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3,2% GDP. Biến đổi khí hậu buộc các quốc gia phải có các biện pháp thích nghi để sinh tồn. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có phương tiện kinh tế hay khả năng tổ chức xã hội như nhau để chuẩn bị đối phó tốt. Kinh tế gia chuyên về môi trường Amir Jina, Đại học Chicago, đồng tác giả của nghiên cứu lưu ý: « Các nước giàu có thể đầu tư cho việc thích ứng, trong lúc các nước nghèo nhất cũng chính là các nước ít góp phần nhất vào biến đổi khí hậu, thì lại phải chịu các hậu quả nặng nề nhất ». 

Viện NBER là một viện nghiên cứu kinh tế có uy tín hàng đầu tại Mỹ, 16 trong số 31 giải Nobel kinh tế người Mỹ là thành viên liên kết của Viện. Nghiên cứu nói trên về tác động của biến đổi khí hậu nhấn mạnh đây là « các đánh giá sơ bộ đầu tiên » về nguy cơ tử vong toàn cầu do nhiệt độ tăng cao dựa trên một khối lượng dữ liệu lớn. Tổng cộng các dữ liệu quốc gia của khoảng 40 nước đã được huy động. 

Phản ứng tại Pháp ra sao về kết quả nghiên cứu này ? 

Tuần báo Pháp L’Express đặt câu hỏi với tiến sĩ dịch tễ học, bác sĩ Jean-David Zeitoun, bệnh viện Saint Antoine - Paris. Bác sĩ Pháp thừa nhận ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao với tỉ lệ tử vong. Nhiều quan sát cho thấy trong các đợt nóng cao điểm, có nhiều ca tai biến não, các bệnh nhân về tim mạch phải nhập viện nhiều hơn. Cụ thể là năm ngoái, tại Pháp, tỉ lệ tử vong tăng 9%, do các đợt nóng cao điểm. Tỉ lệ tử vong tăng cao, cho dù chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp thích ứng, sau khi rút ra các bài học từ đợt nóng lịch sử năm 2003, khiến khoảng 20.000 người chết. 

Vị bác sĩ Pháp cũng lưu ý là biến đổi khí hậu rõ ràng là một đe dọa đối với y tế quốc gia, nhưng đây là một vấn đề phức tạp, vì không có một căn bệnh gọi là « bệnh khí hậu », mà biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiều yếu tố gây hại cho sức khoẻ. Nhiệt độ tăng cao chỉ là một trong các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Trong các đợt nóng cao điểm, còn có hiện tượng ô nhiễm không khí tăng cao chẳng hạn, khiến tỉ lệ tử vong còn cao hơn nữa. Nhà dịch tễ học người Pháp nhấn mạnh là « ô nhiễm ôzôn có thể nguy hiểm hơn nhiều so với một đợt nóng cao điểm, nếu chỉ xét thuần tuý về khía cạnh nhiệt độ ». 

Một nghiên cứu hồi năm ngoái, đăng tải trên tạp chí Y học The Lancet (« The 2019 report of The Lancet Countdown on health and climate change: ensuring that the health of a child born today is not defined by a changing climate »), chỉ ra hàng loạt nguy cơ trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ trẻ em, trong đó có các đợt nóng cao điểm, ô nhiễm, nguy cơ hỏa hoạn và kể cả nguy cơ khiến chính các loại dịch bệnh gia tăng. Theo các tác giả, trẻ em ra đời năm 2019 sẽ phải sống trong một thế giới có nhiệt độ gia tăng hơn 4°C kể từ khi chúng sinh ra đến năm 71 tuổi. Một môi trường như vậy để lại các hậu quả đối với tất cả các giai đoạn trong cuộc đời các em.

Bất bình đẳng sẽ trở nên nghiêm trọng gấp bội, nếu nhiệt độ Trái đất tiếp tục nóng lên với đà hiện nay ? 

Đúng như vậy. Có thể phân ra hai loại bất bình đẳng. Bất bình đẳng giữa các nước, giữa nước giàu và nước nghèo, và bất bình đẳng trong nội bộ một quốc gia. Tại các nước giàu nhất, nhiều việc đã được làm để đối phó với việc nhiệt độ gia tăng. Nhưng theo nhà khí hậu học Bob Kopp, Đại học Rutgers, đồng tác giả nghiên cứu trên, ngay tại Mỹ, một ngày nóng cao điểm tại Seattle cũng gây thiệt hại hơn là tại Houston, vì tại Houston, điều hòa nhiệt độ và nhiều biện pháp chống nóng khác phổ biến hơn. 

Nhật báo Công giáo La Croix, trong bài « Các đợt nóng cao điểm khiến bất bình đẳng gia tăng », cũng nhấn mạnh đến thực trạng này tại các nước phát triển, trong đó có Pháp. Bài viết dẫn một nghiên cứu, đăng tải trên tập san về dịch tễ học Bulletin épidémiologique của bộ Y Tế Pháp, cho thấy tính chất bất bình đẳng còn thể hiện qua việc các nhóm dân cư khá giả có điều kiện dùng điều hoà nhiệt độ để chống nóng, nhưng điều hoà nhiệt độ lại đưa cái nóng ra bên ngoài gây hậu quả cho những người sức khoẻ yếu, và bản thân họ không có điều kiện sử dụng điều hoà nhiệt độ (chưa kể đến việc sử dụng điều hòa nhiệt độ là một tác nhân chủ yếu khiến Trái đất bị hâm nóng).

Theo nhà dịch tễ học Pháp Mathilde Pascal, một số nghiên cứu ở Mỹ cũng cho thấy tỉ lệ tử vong do nóng tăng cao tại một số khu phố nghèo người Mỹ da đen, nơi nhiều người tuy trong nhà có điều hòa nhiệt độ, nhưng không có điều kiện trả tiền điện. 

Vẫn theo nhà khí hậu học Mỹ Bob Kopp, đồng tác giả nghiên cứu nói trên của Viện NBER, tình hình chắc chắn là còn tồi tệ hơn ở những nước nghèo. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng lo ngại chính khác là, mảng nghiên cứu về tác động của việc khí hậu bị hâm nóng đối với dân cư tại các quốc gia nghèo lại gần như bị bỏ trống. Cụ thể như tại châu Phi. Theo một nghiên cứu của Viện biến đổi môi trường, Đại học Oxford, Anh quốc, công bố hồi tháng 7/2020, thì tình trạng các đợt nóng cao điểm gia tăng tại châu Phi là điều dễ hình dung, thế nhưng lại gần như không có mấy thông tin chính xác về vấn đề này. 

Theo bài nghiên cứu của Đại học Oxford, cơ sở dữ liệu quốc tế được coi là rộng lớn nhất về các tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu (Emergency Events Database - EM-DAT) nằm tại trung tâm nghiên cứu ở Bỉ, được khởi sự xây dựng từ năm 1988 (Centre for Research on the Epidemiology of Disasters - CRED). Cơ sở dữ liệu EM - DAT này chỉ ghi nhận hai đợt nóng lớn tại phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi từ đầu thế kỷ 20, khiến 71 người chết sớm.

Trong lúc đó, riêng tại châu Âu cùng thời kỳ, có 83 đợt nóng lớn được ghi nhận, khiến khoảng 140.000 người chết sớm. Các nhà nghiên cứu Đại học Oxford nhấn mạnh là sự mất cân bằng nghiêm trọng về thông tin này là hoàn toàn tương phản với thực tế các hiện tượng thời tiết cực đoan ở miền nam châu Phi thường là khắc nghiệt hơn nhiều với người dân, so với vùng châu Âu ôn đới. 

Thiếu thông tin về tác động của nhiệt độ tăng cao đến sức khoẻ con người cũng là một vấn đề lớn mà tuần báo Pháp L’Express, trong bài « Khí hậu và dịch Covid : Nhất bên trọng, nhất bên khinh, theo các chuyên gia », nhấn mạnh. L’Express lưu ý là những thảm họa thường được coi là « nhỏ » ít thu hút sự chú ý của truyền thông và các định chế quốc tế. Gọi là « nhỏ », nhưng thực ra khi tổng hợp lại, thì có thể trở nên rất lớn, như trường hợp của nhiệt độ tăng cao với sức khoẻ. Việc thiếu thông tin khoa học như vậy cũng có những hậu quả rất lớn đối với quá trình giới chính trị các nước, giới lãnh đạo quốc tế đưa ra các chính sách. 

Nghiên cứu dự báo của Viện nghiên cứu Mỹ NBER có thể coi là đến rất đúng lúc. Trong lúc nhân loại đang tập trung đối phó với đại dịch Covid, NBER cảnh báo : Đừng quên biến đổi khí hậu ! Nhà kinh tế Amir Jina, đồng tác giả nghiên cứu, khẩn thiết kêu gọi : Cũng giống như đại dịch Covid ập đến làm rung chuyển toàn bộ hệ thống y tế toàn cầu, khó mà nói điều gì sẽ đến vào lúc biến đổi khí hậu đặt toàn bộ các hệ thống xã hội dưới áp lực tương tự. Hãy hình dung trước hiểm họa, để kịp thời chuẩn bị, đừng để đến khi mất bò mới lo làm chuồng. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn