Tourism Authority of Thailand

Nguồn hình ảnh, Tourism Authority of Thailand

Trong số các chóp mái cao vút lên và những tòa bảo tháp cẩn gốm ở chùa Wat Pho tại Bangkok là một cụm các tác phẩm điêu khắc có từ Thế kỷ 19.

Nằm dưới những mái che bằng gỗ, những mảng đá cẩm thạch lớn, được gọi là Kho Lưu trữ Văn học của chùa Wat Pho, tiết lộ nhiều điều huyền bí của đời sống Thái Lan cổ xưa và là một trong những bản ghi chép sớm nhất về các kỹ thuật của liệu pháp được tôn kính nhất của Thái Lan: Nuad Thai (tức là mát-xa Thái).

Được ghi nhận vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Unesco năm 2019, phương pháp chữa bệnh cổ xưa này được áp dụng bởi các vị sư tại ngôi chùa, bằng cách pha trộn các kỹ thuật giãn gân cốt, yoga và bấm huyệt để giúp thư giãn cơ thể.

Nếu như với mát-xa tại Thụy Điển hay mát-xa lomi lomi ở Hawaii, người được phục vụ chỉ tham gia một cách thụ động, thì với mát-xa Thái, người được mát-xa - vẫn mặc quần áo đầy đủ - hợp tác uốn cong lưng, duỗi người và co kéo chân tay với sự trợ giúp của nhân viên trị liệu để tăng cường sự linh hoạt.

Một số nhà trị liệu ở Thái Lan thậm chí còn giẫm lên lưng bệnh nhân để tác động sâu hơn đến các bó cơ, tuy nhiên kỹ thuật này không phải ai cũng dùng đến.

Được khắc vào đá cẩm thạch trên các mảng tường chùa Wat Pho là các đường 'sen' - cách gọi các dòng kinh mạch lan tỏa trên cơ thể - để hướng dẫn các nhà trị liệu đặt tay, chân hoặc khuỷu tay lên người được mát xa, tùy theo tình trạng sức khỏe của người đó.

Đường 'sen' được cho là những ống dẫn truyền năng lượng sự sống. Mỗi bức vẽ có đường viền của hình cơ thể người với các bộ phận như lồng ngực hoặc cột sống, và sơ đồ các đường màu đen mảnh kết nối giữa các chấm trên cơ thể với các điểm bấm huyệt trên cột sống. Mỗi điểm bấm huyệt lại được chú thích tương ứng với một bệnh.

Trong phương pháp trị liệu Nuad Thai, cơ thể người được hình thành từ bốn thành tố là đất, nước, gió và lửa, và người trị liệu cần phải điều khiển các huyệt đạo để tái cân bằng lại các thành tố và loại bỏ những tắc nghẽn năng lượng trong các đường 'sen'.

Gốc gác ra đời của Nuad Thai

Vào giữa Thế kỷ 19, trước khi y học hiện đại xuất hiện ở Thái Lan, ngôi chùa có từ Thế kỷ 16 này là nơi dạy nghề y, mà Nuad Thai là một phần quan trọng của chương trình truyền thụ. Và vì vậy, khi Đức Vua Bhumibol muốn mở một trường mát-xa Thái Lan vào năm 1955, không có gì ngạc nhiên khi Ngài chọn ngay chùa Wat Pho làm điểm khai sinh.

Ngày nay, học viên từ khắp nơi trên thế giới đến đây để học nghề; và dù cho Nuad Thai giờ đây được phục vụ ở khắp các spa trên toàn thế giới, nhưng linh hồn của liệu pháp này vẫn không mấy đổi thay tại nơi nó được sinh ra.

Trong khi chùa Wat Pho được coi là nơi ra đời chính thức của mát-xa Thái cổ truyền, thì những người đầu tiên sử dụng liệu pháp cổ truyền này lại sống cách chùa khá xa, rải rác ở các vùng thôn quê thuần nông của Thái Lan.

Theo truyền thống, mỗi làng quê đều có thầy lang, chuyên chữa bệnh bằng cách mát-xa, và dân làng thường tới xin giúp khi bị đau nhức sau những ngày lao động cực nhọc.

Thầy lang, thường là người lớn tuổi, sẽ bẻ sống lưng cho xương kêu răng rắc rồi gập người xuống, và cách làm này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các thầy lang thì không thu tiền khi mát-xa cho mọi người, bởi việc này là chăm sóc sức khỏe cho mọi người, theo đúng tinh thần phổ độ chúng sinh của Phật giáo.

Krairath Chantrasri, thầy dạy ở trường mát-xa Wat Pho, người quê vùng nông thôn Phetchabun ở miền bắc Thái Lan, đã tận mắt chứng kiến kiểu mát-xa chữa bệnh này trong cuộc sống nơi quê nhà.

"Ông nội tôi là một thày lang chữa bệnh bằng mát-xa cho dân làng," anh cho biết. "Tôi chưa quá già, nên tôi nhớ rõ cảnh mọi người đến nhà ông tôi, và tôi được xem ông chữa bệnh cho họ như thế nào."

Nuad Thai được dùng ở hầu hết các gia đình nông thôn. Trẻ em thường được dạy các kỹ thuật xoa bóp để chúng có thể làm dịu các cơ bắp đau nhức của cha mẹ, ông bà sau ngày làm việc vất vả ngoài cánh đồng.

Mặc dù có thể không hiểu căn nguyên sâu xa và ý nghĩa của các điểm bấm huyệt, nhưng lũ trẻ con biết cách kéo đẩy chân tay và cách giẫm lên lưng để làm thư giãn cơ bắp của người lớn vốn đã phải làm lụng cực nhọc nơi đồng lúa.

Gốc rễ khiêm nhường của phương pháp trị liệu này có thể được nhìn thấy thông qua cách mà nó được thực hiện: đơn giản là trên một tấm nệm trải trên sàn nhà (y như những tấm nệm thường thấy trong các căn nhà truyền thống của Thái Lan).

Chantrasri được mẹ khuyến khích hoàn thiện kỹ năng ở trường Wat Pho, nhưng anh thật ra đã biết làm mát-xa từ khi còn nhỏ.

"Mẹ thường bảo tôi dẫm lên chân, lên lưng để mát-xa cho mẹ. Tôi đã được dạy các kỹ thuật mát xa, nhưng khi còn nhỏ, tôi chẳng để tâm ghi nhớ," anh nói. Giờ đây, với tư cách là một nhà trị liệu tại Wat Pho, anh không còn làm cách cách này nữa, vì chúng không phải là triết lý và chương trình giảng dạy của trường.

Các bảng vẽ tại Wat Pho có thể là văn bản công khai đầu tiên về mát-xa Thái, nhưng tài liệu sớm nhất về môn trị liệu này là một chiếu chỉ hoàng gia từ năm 1455, liên quan đến bộ phận chuyên làm mát-xa của triều đình.

Thế nhưng gốc gác sự tồn tại của Nuad Thai trong các cộng đồng thôn quê bắt nguồn từ sự tổng hợp của các truyền thống chữa bệnh khác nhau, Jan Chaithavuthi, đồng tác giả cuốn sách Mát-xa Thái cổ truyền chữa bệnh với Năng lượng Vũ trụ, nói.

"Ý tưởng về sức mạnh năng lượng sự sống trong thực hành mát-xa Thái có thể là do chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, các kỹ thuật thực tế làm cho mát-xa Thái trở nên độc đáo thì hoàn toàn do người Thái phát minh ra và lưu truyền qua nhiều thế hệ," bà nói.

Mát-xa Thái có hai phương thức: mát-xa dân gian và mát-xa cung đình.

Mát-xa dân gian Thái được thực hiện ở vùng nông thôn, và người thực hiện sử dụng tay, khuỷu tay, đầu gối và bàn chân của mình để giúp giảm đau cơ bắp cho dân làng. Đây là hình thức phổ biến nhất ở Thái Lan và trên toàn thế giới.

Mát-xa cung đình Thái là cách riêng của các ngự y thực hiện trong chốn hoàng cung, khi mà người chữa bệnh chỉ sử dụng tay và đầu ngón tay của mình để điều trị, không sử dụng cánh tay. Đây là phương pháp mà Bộ Y tế Công Thái Lan khuyên các phòng mát-xa trị liệu tại các trung tâm y tế cộng đồng và bệnh viện nên áp dụng.

Dù là cách thức nào đi chăng nữa, từ nhiều thế kỷ nay - mỗi hình thức mát-xa Thái nêu trên đều luôn bắt đầu với việc người làm mát-xa cất lời cầu nguyện biết ơn các sư phụ và cầu xin được giúp đỡ để chữa lành cho người bệnh.

"Chúng tôi sẽ nghĩ tới các sư phụ của mình và Chiwaka Komparaphat (danh y người Thái Lan, là người theo đạo Phật), người được coi là tổ phụ của nghề thuốc cổ truyền Thái Lan," Serat Tangtrongchitr, Giám đốc Trường Wat Pho cho biết.

"Chúng tôi cảm ơn các sư phụ và cầu nguyện họ giúp chúng tôi chữa lành cho khách."

Xóa bỏ tai tiếng của 'dịch vụ mát-xa' biến tướng

Sau khi hình ảnh Nuad Thai bị quân đội Hoa Kỳ làm vấy bẩn với việc bị biến tướng thành thứ dịch vụ khác trong thời Cuộc chiến Việt Nam, năm 1985, chính phủ Thái Lan đã khởi động Dự án Hồi sinh Mát-xa Thái, một chương trình lấy lại sự thực hành mát-xa như một liệu pháp điều trị và giúp rũ bỏ hình ảnh đầy tai tiếng của môn này.

Các chuyên gia từ các lĩnh vực y tế công cộng, y học cổ truyền Thái Lan và mát-xa trị liệu đã làm việc cùng nhau để tạo ra một loạt các chương trình giảng dạy xác định những nguyên tắc và kỹ thuật của mát-xa Thái.

Dự án mất ba năm để hoàn thành và tập trung vào sự an toàn, hiệu quả trị liệu và quy tắc ứng xử khi hành nghề. Ngày nay, các nhân viên trị liệu mát-xa Thái phải đạt đủ 800 giờ học thì mới được cấp phép hành nghề.

Liệu pháp đã giúp nông dân Thái Lan phục hồi sung sức sau ngày dài lao động vất vả nay cũng trở thành một phần của chăm sóc y tế chính quy. Các bệnh viện Thái Lan hiện sử dụng Nuad Thai để phục hồi bệnh nhân đột quỵ và bệnh nhân tiểu đường, kết hợp với những phác đồ điều trị khác.

Nó cũng đã phát triển thành một ngành kinh doanh trị giá hàng triệu đô la, cung cấp sinh kế cho nhiều người Thái, bao gồm cả những người trước đây từng phải đứng bên lề xã hội.

Hiện nay có các trường dạy mát-xa Thái dành cho người khiếm thị ở Bangkok và Chiang Mai, và Trại Phục hồi Nhân phẩm phụ nữ ở Chiang Mai cũng có một trường dạy mát-xa cho các trại viên.

Nuad Thai cũng tỏ ra là một hoạt động thu hút mạnh đối với khách du lịch - dưới hình thức trải nghiệm mát-xa hoặc tự học các kỹ thuật xoa bóp.

Các trường mát-xa Thái như Trường Mát-xa Wat Pho và Trường Mát-xa Thái Lan (TMC) tại Chiang Mai, do Chaithavuthi đồng sáng lập, đã thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến từ Peru và Bắc Mỹ.

"Đào tạo thực hành yêu cầu rất khắt khe," Ashleigh Guthrie, nhà trị liệu người Anh đã theo học tại trường mát-xa Wat Pho, nói. "Các kỹ thuật đòi hỏi bạn phải có một thể chất khỏe mạnh vì nó là một phương pháp thực sự vận động liên tục. Nhanh nhẹn và linh hoạt cũng là tố chất phải có để làm chủ nghệ thuật của các bài tập kéo giãn cơ."

Nguồn hình ảnh, Tourism Authority of Thailand

Chụp lại hình ảnh,

Các nhân viên trị liệu mát-xa Thái phải đạt đủ 800 giờ học trước khi được cấp phép hành nghề

Paul Buffel, một cựu chuyên gia tiếp thị người Canada, đã chọn học tại TMC ở Chiang Mai. Ông tin rằng việc thực hiện chuyến bay kéo dài 30 giờ quả là xứng đáng.

"Mát-xa Thái được hiểu rõ nhất, được tích hợp và thể hiện qua lăng kính của văn hóa Thái Lan," ông nói. "Người dân Thái, đất đai và văn hóa Thái Lan được thể hiện đầy đủ trong qui trình thực hành mát-xa Thái."

Mặc dù tất cả người dân Thái Lan hiện đều có quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí của chính phủ, nhưng các thầy lang nơi làng quê vẫn ảnh hưởng đến văn hóa Thái Lan cho đến tận ngày nay. "Chúng tôi vẫn sử dụng thuốc thảo dược Thái Lan, và mát-xa Thái là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi," Chaithavuthi nói.

Tangtrongchitr thì tin rằng liệu pháp cổ xưa này hiện càng ý nghĩa hơn bao giờ hết. "Có thể xung quanh chúng ta đông nghẹt người đấy, song thế giới hiện đại này dường như lại chỉ đơn độc có mỗi mình ta mà thôi. Mát-xa Thái giúp thu hẹp sự xa cách này, chữa bệnh và tạo sự kết nối giữa người với người."