Đóng cửa tòa lãnh sự, bước ngoặt trong quan hệ Mỹ Trung?

Thứ Hai, 27 Tháng Bảy 20205:21 SA(Xem: 4184)
Đóng cửa tòa lãnh sự, bước ngoặt trong quan hệ Mỹ Trung?
rfi.fr

Đóng cửa tòa lãnh sự, bước ngoặt trong quan hệ Mỹ Trung?

Thanh Hà

Viễn cảnh Bắc Kinh và Washington chung tay cứu nguy kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, thân thiện trong mối bang giao song phương, càng thêm xa vời. Quan hệ Mỹ-Trung càng lúc càng rơi xuống vực thẳm sau đòn « ăn miếng trả miếng » đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Từ tôn giáo đến môi trường, tất cả đều có thể là những mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Căng thẳng Mỹ-Trung liên tục kéo dài từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump liệu đã đạt tới đỉnh điểm? Hình ảnh nhân viên ngoại giao Trung Quốc phi tang tài liệu trước khi rời khỏi tòa lãnh sự tại Houston, Texas, hồi cuối tuần trước, rồi cảnh nhân viên Mỹ hạ quốc kỳ vào sáng sớm ngày 27/072020 trước khi Trung Quốc tiếp quản văn phòng đại diện ngoại giao ở Thành Đô, cho thấy Mỹ và Trung Quốc « thực sự không muốn nói chuyện với nhau chút nào vào thời điểm này », như chính tổng thống Trump từng tuyên bố hồi tháng 5/2020.

Không phải tình cờ mà Houston hay Thành Đô là những mục tiêu bị nhắm tới. Houston là địa điểm đầu tiên được chọn làm văn phòng lãnh sự của Trung Quốc tại Mỹ, được khánh thành năm 1979 là một biểu tượng mạnh mẽ cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng chính quyền Trump đã quả quyết đây là « ổ gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ ».

Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có nhiều lý do để chọn khai tử văn phòng ngoại giao của Mỹ ở Thành Đô. Theo tiết lộ cửa cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong những địa điểm hoạt động của CIA, với lợi thế là « gần với Tân Cương và Tây Tạng » hai điểm nhạy cảm trong chính sách an ninh nội bộ của Trung Quốc. Chưa hết : Đây cũng là nơi mà một trong những quan chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc từng ẩn náu trong đợt thanh trừng nhắm vào cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, một trong những đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình.

Trong gần nửa thế kỷ từ ngày chính thức thiết lập bang giao, đây không phải là lần đầu tiên văn phòng ngoại giao của đôi bên hứng chịu sóng gió. Có điều như hãng tin Mỹ AP ghi nhận, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tinh thân dân tộc chủ nghĩa của cả đôi bên cùng đang dâng cao. Viễn cảnh hàn gắn lại càng thêm đen tối.

Ngoài ra, đòn ăn miếng trả miếng đích đáng, đóng cửa tòa lãnh sự của nhau lần này, trên thực tế chỉ là bước kế tiếp trong số những hiềm khích giữa hai siêu cường của thế giới này. Những nghi kỵ chồng chất xuất phát từ sự cạnh tranh cả về quân sự, đến ngoại giao và kinh tế, thương mại, công nghệ. Mỹ và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đọ sức trên hầu hết các hồ sơ từ Biển Đông cho đến luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Bắc Kinh áp đặt, từ tham vọng thôn tính Đài Loan đến chính sách của Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương …

Tình hình đã đột ngột xấu đi thêm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tổng thống Trump cho tận ngày hôm nay vẫn dứt khoát gọi virus corona chủng mới là « siêu vi Trung Quốc », để nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế trong tai họa y tế lần này.

Theo nhật báo tài chính Mỹ the Wall Street Journal (ấn bản ngày 09/05/2020) việc dồn hỏa lực vào Trung Quốc là điều tất yếu, bởi « trọng lượng của Trung Quốc quá lớn, Bắc Kinh có quá nhiều mối liên hệ mật thiết với thế giới (…) và đã không ngừng dẫm chân lên Hoa Kỳ trong tất cả mọi lĩnh vực ». Nói cách khác, trong hoàn cảnh đó, khó có thể tin rằng giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung đã qua. Một nhà quan sát Pháp được báo Le Monde trích dẫn cho rằng, « cuộc đối đầu giữa hai siêu cường của thế giới (…) sẽ còn tiếp tục lan rộng thêm ».

Vậy đâu là những mặt trận sắp tới trong cuộc đấu tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh ? Le Monde trong số ra ngày 23/07/2020 nhắc lại trong chính quyền Mỹ hiện tại « phe diều hâu chủ trương cứng rắn với Trung Quốc đang thắng thế ». Phó tổng thống Mike Pence ngay từ tháng 10/2018 trong một bài diễn văn đã mạnh mẽ lên án « làn sóng đàn áp nhắm vào những người Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo Trung Quốc ». Phải chăng tôn giáo sẽ là một sân chơi mới trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung?

Con theo quan điểm của một số chính khách và giới bảo vệ môi trường, sông Mekong có thể là « một mặt trận » trong cuộc tranh hùng. Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một đại sứ Hoa Kỳ trong khu vực vào tháng 4/2020 tố cáo đích danh Trung Quốc « kiểm soát » nguồn nước của con sông dài 4.350 cây số này và đe dọa trực tiếp đến đời sống của « hàng chục triệu người ở hạ nguồn ».  

Tổ chức bảo vệ môi trường Mekong Energy and Ecology Network, trụ sở tại Thái Lan, cũng lên tiếng báo động về việc Trung Quốc đang kiểm soát nguồn nước của con sông này, « xua tan những nỗ lực của Mỹ từ hàng chục năm qua thúc đẩy các dự án sông Mekong ».

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 27 Tháng Bảy 20202:29 CH
Khách
Xưa như trái dưa
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn