Mười điểm cần lưu ý đối với phóng viên tường thuật các câu chuyện nhạy cảm về tâm lý

Chủ Nhật, 02 Tháng Tám 20207:00 CH(Xem: 3072)
Mười điểm cần lưu ý đối với phóng viên tường thuật các câu chuyện nhạy cảm về tâm lý
bbc.co.uk

Mười điểm cần lưu ý đối với phóng viên tường thuật các câu chuyện nhạy cảm về tâm lý


Những chỉ dẫn dưới đây được tổng hợp từ các chuyên gia chuyên trợ giúp chấn thương tâm lý, các bậc phụ huynh có con cái bị giết chết, và từ những người thoát chết khỏi tình trạng bị bạo hành, những người đã nói chuyện với các phóng viên tại thời điểm họ bị chấn thương tâm lý.

p067x8l4

Chuẩn bị: Cần nắm trước các thông tin căn bản, kiểm tra các thông tin thực tế cho thật chính xác với các gia đình. Những thông tin không chính xác sẽ làm nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân căng thẳng.

Thừa nhận thực tế: Một lời ‘xin lỗi’ chân thành về những gì xảy ra là điều đúng đắn cần được nói ra. Hãy tiếp cận vấn đề một cách nhân văn. Hãy chú tâm vào câu chuyện, hãy nhạy cảm tế nhị, tôn trọng cảm xúc của người bạn phỏng vấn, bất kể cảm xúc đó của họ là gì. Đừng giả bộ cảm thông, hoặc tỏ ra cảm thông quá mức, bạn cần giữ cho cuộc phỏng vấn trong phạm vi công việc, chuyên nghiệp.

Mệt mỏi: Họ có thể rất mệt mỏi, hãy để cho họ có khoảng trống. Tránh quay phim quá mức, hãy nói chuyện rõ ràng, hãy để những khoảng thời gian tạm dừng cho họ nghỉ ngơi, và hãy để ‎ý xem họ có cảm thấy thoải mái với những gì bạn làm hay không.

Ngôn ngữ: Tránh nói những câu như ‘Tôi hiểu cảm giác của ông/bà’, bởi bạn không hiểu và nói vậy có thể sẽ là sự xúc phạm đối với họ. Đừng đưa ra lời khuyên, chẩn đoán, hoặc tỏ ý chỉ trích.  

Ngôn ngữ cơ thể: Đừng nhìn vào điện thoại hoặc thể hiện bất kỳ thái độ nào rằng bạn đang vội. Hãy dùng các kỹ năng lắng nghe một cách tích cực. Hãy lắng nghe thay vì nói.

Kiểm soát mức độ mong đợi: Hãy cởi mở, thành thật về việc các tư liệu bạn đang thu thập sẽ được sử dụng thế nào, tới mức độ nhiều ít ra sao. Hãy giải thích cho họ biết, nhưng đừng đổ dồn dập thông tin xuống cho họ.

Trao quyền kiểm soát: Chấn thương tâm lý có thể khiến nạn nhân mất đi một số khả năng, năng lực, do đó hãy cho phép họ kiểm soát phần nào đối với những gì bạn đang làm, như khích lệ họ chọn những bức ảnh họ yêu thích, hay chọn vị trí quay phim mà họ thấy thoải mái, v.v...

Nước mắt: Đừng cố tình khiêu khích nhưng cũng đừng sợ hãi họ. Hãy ngồi yên lặng và hỏi xem họ có muốn nghỉ giải lao không.

Phỏng vấn: Hãy cho họ biết là bạn muốn hỏi về điều gì. Phỏng vấn kiểu tra khảo, thẩm vấn sẽ chỉ gây hại. Hãy lưu ý rằng việc phải hồi tưởng lại những gì đã trải qua có thể khiến họ lại bị chấn thương tâm lý.

Chia tay: Cho dùbạn có bị áp lực tới đâu thì cũng không bao giờ ‘rũ bỏ’ họ sau khi phỏng vấn xong. Hãy liên hệ với họ sau khi cuộc phỏng vấn/tường thuật của bạn được phát sóng hay đăng tải để cảm ơn họ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn