Quyết định về Huawei của Anh cho thấy căng thẳng chiến lược với Trung Quốc

Thứ Hai, 13 Tháng Bảy 202010:00 SA(Xem: 3894)
Quyết định về Huawei của Anh cho thấy căng thẳng chiến lược với Trung Quốc
bbc.com

Quyết định về Huawei của Anh cho thấy căng thẳng chiến lược với TQ

James Landale Phóng viên Ngoại giao

huawei store in Shanghai Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Căng thẳng về mạng 5G của Huawei là triệu chứng của áp lực rộng lớn hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trên toàn cầu

Thế giới ngoại giao có hai thứ là lời nói và hành động. Hai bên có thể thường xuyên lời qua tiếng lại mà không dẫn đến trận chiến. Nhưng những quyết định khó khăn mang đến hậu quả quan trọng thường tạo ra những phản ứng cụ thể.

Vì vậy, có thể khi Anh công bố các kế hoạch được dự trù trước, nhằm hạn chế thêm sự tham gia của Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, vào mạng viễn thông di động 5G của nước này, thì đây là thời điểm mà sự căng thẳng âm ỉ Trung-Anh có thể đi đến tình trạng sôi sục.

Cho đến nay, Trung Quốc đã buông những lời đe dọa chung chung mà không cụ thể. Đại sứ của nước này tại London, Lưu Hiểu Minh, cảnh báo rằng Anh sẽ phải "gánh chịu hậu quả" nếu coi Trung Quốc là một quốc gia thù địch.

Cấm Huawei, ông Lưu nói, sẽ làm tổn hại danh tiếng của Anh như một quốc gia thương mại mở. Anh sẽ không còn được tin tưởng là sẽ giữ cam kết của mình. Thế giới sẽ biết Vương quốc Anh đã "chịu thua áp lực nước ngoài" - ý ông là Mỹ - và không còn có chính sách đối ngoại độc lập.


Nhưng khi bị hỏi dồn, cả về quyết định liên quan đến Huawei và việc Vương quốc Anh đưa ra con đường trở thành công dân cho tối đa 3 triệu cư dân Hong Kong, sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới hà khắc lên thành phố này - Đại sứ Lưu Hiểu Minh từ chối cho biết Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng như thế nào. "Hãy chờ xem," ông nói với ánh mắt không hoàn toàn vui vẻ.

Ngoại giao với tầm nhìn dài?

Một phản ứng chậm không có gì là bất thường. Trung Quốc nổi tiếng là có quan điểm lâu dài về ngoại giao. Trong khi nhiều chính trị gia phương Tây khó có thể nhìn thấy xa quá tuần tới, các chính khách Trung Quốc thường nhìn lịch sử trong nhiều thập niên, nếu không nói là hàng thế kỷ.

Bắc Kinh biết rằng sự thay đổi của Anh đối với Huawei là một phần của nỗ lực rộng rãi đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc mà hiện vẫn chưa có kết luận. Một động thái gọi là "Đánh giá tích hợp" về chính sách đối ngoại của Anh đang được tiến hành, trong đó sức mạnh đang lên của Trung Quốc sẽ đóng vai trò tâm điểm.

UK and Chinese flags Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Anh đang đánh giá lại những nguy cơ kinh tế với Trung Quốc trước các sự kiện gần đây

Do hậu quả của đại dịch Covid-19, chính phủ Anh đang xét lại nguy cơ kinh tế của Anh trong việc giao thương với Trung Quốc, không chỉ về mặt dược phẩm hay thiết bị y tế, mà cả các chuỗi cung ứng khác. Chính phủ Anh đã nắm thêm quyền hạn để ngăn chặn sự tiếp quản các công ty của Anh bởi các tập đoàn Trung Quốc, và đang soạn thêm luật dưới dạng Dự luật Đầu tư & An ninh Quốc gia.

Thúc giục chính phủ ở mọi chặng đường là một quốc hội đang muốn đẩy mạnh một đường lối cứng rắn hơn về Trung Quốc. Có một sự hợp tác của các nhóm mới trong đảng Bảo thủ Anh - Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, Nhóm lợi ích Huawei, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc. Đảng Lao động cũng đang vất vả vận động hành lang, với Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ đối lập, Lisa Nandy, kêu gọi kiềm chế sự đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, như năng lượng hạt nhân. Đảng Dân chủ cấp tiến muốn Vương quốc Anh cấp quyền định cư cho tất cả người dân Hong Kong, không chỉ những người có hộ chiếu Anh.

Vì vậy, phản ứng chính sách đối ngoại của Anh với Trung Quốc đang thay đổi. Bắc Kinh có thể đang chờ xem họ giải quyết như thế nào trước khi quyết định mức giá mà Anh phải trả cho sự quyết đoán mới của mình.

Danh sách đối đầu ngày càng tăng

Bắc Kinh cũng đang phải dập tắt lửa trên nhiều mặt trận. Cuộc đối đầu kéo dài của nó với Hoa Kỳ cho thấy không có dấu hiệu kết thúc. Khuynh hướng chống Trung Quốc vẫn là một chủ đề của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hoa Kỳ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc liên quan đến việc đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, nói về "những thách thức nghiêm trọng nhất trong 40 năm quan hệ ngoại giao" nhưng được lưu ý là nói lên sự cần thiết phải hòa giải.

Còn có cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Úc, bắt đầu khi Canberra kêu gọi nên có cuộc điều tra quốc tế về việc xử lý đại dịch virus corona của Bắc Kinh. Điều này đã kích động lệnh cấm của Trung Quốc lên một số mặt hàng như thịt bò và lúa mạch nhập khẩu của Úc. Hiện tại, Canberra đang nới lỏng các quy tắc nhập cư cho những người muốn rời khỏi Hong Kong, đồng thời đình chỉ luật dẫn độ với thuộc địa cũ của Anh.Úc cũng đã quyết định tăng 40% chi tiêu quốc phòng để chống lại những gì được xem là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

New Zealand cũng vậy, đang xét lại mối quan hệ của mình với Hong Kong vì luật an ninh mới, bao gồm các thỏa thuận dẫn độ và tư vấn du lịch.

Nhiều cư dân Hong Kong sẵn sàng qua Anh sinh sống

Quan hệ của Trung Quốc với Canada vẫn ở trong tình trạng đóng băng sâu, lại cũng vì Huawei. Vào tháng 12 năm 2018, chính quyền Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty này, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, về những cáo buộc đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Trong vài tuần sau đó, hai người Canada đã bị bắt ở Trung Quốc và bị giam giữ trong động tác được coi là "ngoại giao con tin". Canada đang hạn chế xuất khẩu quân sự sang Hong Kong vì luật an ninh mới và cũng đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ.

A Chinese soldier and an Indian soldier stand guard at the Chinese side of the ancient Nathu La border crossing between India and China in 2008 Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ tranh chấp biên giới hồi đầu năm nay

Như thể tất cả những điều này chưa đủ các vấn ngoại giao toàn cầu mà Bắc Kinh đang phải đối phó, đừng quên cuộc đụng độ biên giới nghiêm trọng đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thập niên. Và tất nhiên, còn những căng thẳng tiếp diễn với các nước xung quanh Biển Đông khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Nói tóm lại những khó khăn Huawei của Trung Quốc với Vương quốc Anh không phải là một tình huống riêng biệt, nó là một phần của danh sách các cuộc đối đầu toàn cầu mà Bắc Kinh đang phải đối mặt.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Vào một thời điểm nào đó, tất nhiên, Trung Quốc cũng có thể thực thi một số biện pháp đe dọa đối với Anh. Có nhiều lựa chọn. Bắc Kinh có thể khiến các công ty Anh khó hoạt động hơn ở các thị trường Trung Quốc. Nó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt lên hàng hóa cụ thể. Nó có thể hạn chế - hoặc thậm chí đảo ngược - đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh. Nó có thể giảm số lượng sinh viên và học sinh Trung Quốc ở Anh, gây ảnh hưởng tài chính cho các trường đại học và trường công đã trở nên quá phụ thuộc vào học phí nước ngoài.

Việc Trung Quốc phản ứng lại mạnh như thế nào có thể phụ thuộc vào các quyết định cụ thể, như họ có muốn biến Anh Quốc thành một thí dụ trong quyết định với về Hong Kong và Huawei để "làm gương cho người khác" hay không. Bắc Kinh biết rằng nó có khả năng trừng phạt nghiêm khắc Vương quốc Anh vào thời điểm London cần nhiều giao thương và đầu tư nhất có thể được trong thời kỳ suy thoái kinh tế sau Covid-19.

Hoặc có thể sẽ có một xem xét chiến lược rộng hơn. Trung Quốc thực sự muốn đối đầu bao nhiêu với các nước trên thế giới? Quyết đoán hơn ở nước ngoài để khuyến khích tinh thần dân tộc quốc nội là một chuyện. Bước vào một kỷ nguyên căng thẳng kéo dài ở mức độ thấp với phương Tây, trước nguy cơ leo thang liên tục ở thời điểm bất ổn kinh tế rất lớn, lại là một điều khác.

An Australian navy ship docking at a port in Jakarta, Indonesia in May 2019 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Úc là một trong số các quốc gia đang tăng cường hợp tác quân sự ở Thái Bình Dương

Mối nguy hiểm cho Trung Quốc là sự gây hấn của họ đã trở thành chất xúc tác đoàn kết các quốc gia chống lại nước này. Trong khi trước đây Bắc Kinh có thể bắn tỉa từng quốc gia, thì giờ đây họ có thể sẽ bị hạn chế hơn nếu nhóm các quốc gia được gọi là Five Eyes - Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand - nối kết với các nền dân chủ khác - như Ấn Độ, Nam Hàn Quốc, Nhật Bản - và các quốc gia khác - như Việt Nam hoặc Malaysia - để đẩy lùi Trung Quốc.

Thứ Năm tuần trước, các bộ trưởng ngoại giao của mạng lưới Five Eyes đã thảo luận về những hành động kế tiếp theo mà họ nên có, về tình hình Hong Kong. Trong khi cái gọi là 'bộ tứ' của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ - đang tăng cường hợp tác quốc phòng của họ.

Cũng có cuộc nói chuyện giữa một nhóm các quốc gia được gọi là D10 - G7 cộng với Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ - để tạo ra công nghệ phi Trung Quốc.

Quyết định chiến lược lớn đối với nhiều quốc gia trong Thế kỷ 21 là làm thế nào để có được sự cân bằng đúng đắn trong mối quan hệ với Trung Quốc giữa tương giao và độc lập, giữa bảo vệ các giá trị và bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia. Và trong khi Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc giao tranh ngoại giao trên toàn cầu, thì quyết định lớn đối với Cộng hòa Nhân dân là họ muốn chiến đấu hăng đến mức nào.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn