Mỹ đóng quân ở Đức: Đức chi gần 1 tỷ Euro trong 10 năm, nhưng chỉ là phần nhỏ của tổng chi phí thực

Thứ Năm, 09 Tháng Bảy 20206:00 CH(Xem: 4379)
Mỹ đóng quân ở Đức: Đức chi gần 1 tỷ Euro trong 10 năm, nhưng chỉ là phần nhỏ của tổng chi phí thực
Hôm qua ngày 7-7-2020, tờ Der Spiegel, một tuần báo có uy tín nhất nước Đức và có tiếng trên thế giới, đã đăng một bài báo nói về nguyên nhân tại sao Tổng thống Trump tuyên bố rút bớt lính Mỹ đóng quân tại Đức. Sau đây là bản dịch.
a48xKJKbWtJU8NmMYZsbt2xvhYJSfHbM1elxOPq2bsFSpBUw_SCnDFDuXJYG20s1RTLAZHbdnL1fJhCfTuVa-8rzP1o8VxI8cAR0JP-XdBTCbfh8sBsaLIloHa1vwgxO7PFaR_OLbMlVAbKvIg
Mỹ đóng quân ở Đức: Đức chi gần 1 tỷ Euro trong 10 năm, nhưng chỉ là phần nhỏ của tổng chi phí thực


Đức chi phí cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Đức trung bình hơn 100 triệu Euro mỗi năm. Nghe qua có vẻ nhiều, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của tổng chi phí thực sự. Số tiền chi tiêu của Mỹ cao hơn gấp nhiều lần số tiền của Đức.

Trong mười năm qua, Chính phủ Liên bang Đức đã chi phí gần một tỷ Euro cho việc đóng quân của Mỹ ở Đức. Khoảng hai phần ba trong số này, 648,5 triệu euro đã được tài trợ cho các biện pháp xây dựng và 333,9 triệu còn lại cho chi phí quốc phòng phát sinh.

Trong đó chủ yếu là tiền trợ cấp cho các cựu nhân viên làm việc cho quân đội Mỹ, tiền khắc phục những thiệt hại do lính Mỹ gây ra và hoàn trả các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các căn cứ cũ.

Bộ Tài chính Đức đã trả lời như thế đối với câu hỏi của nữ dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Brigitte Freihold (thuộc đảng Cánh Tả).

Tuy nhiên, các khoản chi tiêu của phía Đức chỉ vẽ lên một bức tranh phiến diện mà thôi. Bởi vì cùng thời gian phía Mỹ đã chi phí một số tiền cao gấp nhiều lần số tiền của Đức. Ngoài ra, các căn cứ lớn của Mỹ cũng là yếu tố kinh tế trung tâm trong nhiều vùng ở Đức.

Chỉ riêng cho năm 2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính chi phí khoảng 7,234 tỷ Euro, theo ngân sách dự trù từ năm ngoái. Số tiền này cao gấp 61 lần so với 132,4 triệu Euro mà Đức đã chi phí trong năm ngoái. Không có địa điểm đóng quân nào khác của Mỹ trên thế giới mà làm tốn nhiều tiền thuế của người dân Mỹ như thế.

Dĩ nhiên quân đội Mỹ ở các nước châu Âu khác và ở các nước xa xôi cũng được hưởng lợi từ các căn cứ ở Đức. Căn cứ ở Ramstein thuộc bang Rheinland-Pfalz là căn cứ hậu cần được dùng để tiếp liệu cho các cuộc hành quân của quân đội Mỹ tại Iraq hoặc Afghanistan, bệnh viện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở nước ngoài là nằm ở vùng phụ cận của Landstuhl, các Trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi là nằm ở thành phố Stuttgart, thành phố Wiesbaden là nơi đặt trụ sở của Quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu, và tại Grafenwöhr thuộc bang Bavaria là một trong những nơi tập luyện quân sự lớn nhất châu Âu.

Hiện có tổng cộng gần 35.000 lính Mỹ ở Đức. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút bớt 9.500 người trong số đó. Ông nêu lý do là vì ngân sách Đức dành cho quốc phòng quá ít. Mặc dù chính phủ Đức đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng lên 1,38%, nhưng vẫn còn thấp hơn hẳn so với mức do NATO định ra: 2% tổng sản phẩm quốc nội. Để so sánh: Hoa Kỳ trả 3,4%. “Đức đã trễ nải từ nhiều năm và nợ NATO hàng tỷ Mỹ kim, và họ phải trả số tiền đó“, ông Trump nói khi tuyên bố rút quân.

Ông cũng chỉ ra rằng việc đóng quân của Mỹ ở Đức đã gây ra “chi phí khổng lồ” cho Mỹ, trong khi Đức được hưởng lợi về kinh tế từ việc quân đội Mỹ đồn trú. “Họ là những người lính được trả lương cao. Họ sống ở Đức. Họ tiêu rất nhiều tiền ở Đức.“

Hiệu quả kinh tế thực sự đáng kể. Ví dụ tại bang Rheinland-Pfalz: Hơn một nửa số lính Mỹ ở Đức, 18.500 lính đang đóng quân ở đây. Thêm vào đó là 12.000 nhân viên dân sự Mỹ và gia đình của họ là 25.000 người. Ngoài ra 7. 200 nhân viên dân sự Đức được quân đội Hoa Kỳ trả lương.

Nghiên cứu gần nhất về tác động kinh tế là được thực hiện cách đây 6 năm, nhưng cho đến nay vẫn được sử dụng như một thước đo trong vùng này. Hồi đó, người ta tính ra rằng sự hiện diện của quân đội sẽ tạo ra sức mạnh kinh tế 2,347 tỷ Mỹ kim: 1,123 tỷ Mỹ kim tiền lương, 400 triệu Mỹ kim từ xây dựng, dịch vụ, vật liệu, vật tư và thiết bị và 824 triệu đô la sẽ chảy vào vùng này thông qua các chỗ làm được tạo ra một cách gián tiếp.

Rõ ràng Trump không sanh nạnh với Đức về thu nhập này. Ông đã không giấu giếm kế hoạch rút quân của ông như là một biện pháp trừng phạt, mà sẽ được rút lại nếu Đức chi phí nhiều hơn cho quốc phòng. “Chừng nào họ (người Đức) chưa trả tiền, chúng tôi rút lính của chúng tôi, một phần binh sĩ của chúng tôi.”


https://www.danluan.org/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn