Căng thẳng Pháp – Thổ : Vì sao NATO im lặng ?

Thứ Tư, 08 Tháng Bảy 20205:47 SA(Xem: 4970)
Căng thẳng Pháp – Thổ : Vì sao NATO im lặng ?
rfi.fr

Căng thẳng Pháp – Thổ : Vì sao NATO im lặng ?

Minh Anh

Ngày 01/07/2020, Pháp thông báo tạm ngừng tham gia các chiến dịch quân sự trong khuôn khổ chương trình giám sát an ninh hàng hải Sea Guardian của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Paris phản đối thái độ im lặng của tổ chức quân sự này liên quan đến một sự cố hải quân giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Địa Trung Hải. Vì sao NATO lại im lặng ?

Bất chấp việc thông báo mở điều tra của NATO, hầu hết giới chuyên gia tại Pháp đều có chung một nhận định, trong cuộc tranh cãi này, Paris rơi vào thế đơn độc. Sự việc một lần nữa xác nhận phát biểu của tổng thống Macron khi ông cho rằng « NATO trong trạng thái chết não ». Những cuộc tranh cãi giữa hai nước thành viên, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, đang đặt khối quân sự này trong thế khó xử, ít nhất cũng vì hai lý do.

Thứ nhất, theo quan điểm của ông Hadrien Desuin, chuyên gia về quan hệ quốc tế và quốc phòng nói với báo Le Figaro, NATO vẫn còn duy trì một tầm nhìn chiến lược cố hữu, có từ khi mới thành lập năm 1949. Nước Nga vẫn luôn là đích ngắm đầu tiên nên mục tiêu chính là đẩy Nga càng xa càng tốt.

Do vậy, các hoạt động của NATO tại vùng Trung Đông được xem như là một sự nối dài của chiến lược chính, nghĩa là chiến đấu ở Trung Đông, trước hết là để ngăn cản sự trở lại hay đà tiến của Nga trong khu vực. Và cuộc chiến chống khủng bố chỉ là nhiệm vụ thứ yếu, là một con tốt quèn trong ván cờ chống Matxcơva. Xu hướng này càng được củng cố khi các nước Đông Âu gia nhập khối NATO và tầm nhìn luôn hướng về Đông.

Trong vụ tầu chiến Courbet của Pháp bị hải quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếu ra-đa dẫn bắn khi đang thi hành nhiệm vụ của NATO trên biển Địa Trung Hải, những nước Đông Âu đó đã ngầm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, để đánh đổi lấy việc thông qua những kế hoạch phòng thủ mới của khối, mà đích ngắm chính vẫn là nước Nga.

Thứ hai, vẫn theo chuyên gia Hadrien Desuin, NATO « rất ghét » đề cập đến đề tài Thổ Nhĩ Kỳ, một điều cấm kỵ chiến lược thật sự. Xuất phát từ chiến lược cố hữu trên, bộ Quốc Phòng Mỹ và NATO cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một mảng ghép chủ đạo. Chuyên gia Didier Billion, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, trên đài Euronews phân tích :

« Bởi vì NATO cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tuy đôi khi bướng bỉnh, thỉnh thoảng gây vấn đề, nhưng lại là một nước có một tầm quan trọng chiến lược hoàn toàn thiết yếu. Là thành viên duy nhất trong khối NATO có văn hóa Hồi giáo, có một vị trí chiến lược có thể mở cửa đi sang Iran, Irak, Syria và đối diện với vùng biển phía nam của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thật sự có một tầm quan trọng đáng kể ».

Vị thế chiến lược quan trọng này giải thích phần nào cho việc NATO nhắm mắt làm ngơ trước việc tổng thống Erdogan ủng hộ các nhóm dân quân thánh chiến và phe Huynh Đệ Hồi Giáo tại Mistara và Tripoli. Với NATO và Hoa Kỳ, việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào Libya sẽ giúp phá tan mưu đồ biến Libya của ông Haftar thành một chế độ dưới sự bảo hộ của Nga tại vùng Địa Trung Hải theo mô hình của Syria.

Chính vì những tính toán này, mà Mỹ và NATO để cho Thổ Nhĩ Kỳ gậm nhấm lãnh thổ Syria, Irak và giờ là Libya, mà không chút mảy may quan tâm đến hành động ngày càng độc tài chuyên chế của chính quyền Ankara. Một quan điểm đương nhiên đã không được Paris đồng chia sẻ khi tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ đang « Syria hóa » tình hình tại Libya.

Chỉ có điều khi « chiều chuộng » Thổ Nhĩ Kỳ, liệu Washington và NATO có nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ rơi vào tình cảnh « nuôi ong tay áo » ? Chuyên gia Hadrien Desuin cảnh báo NATO đang nhầm đối thủ. Thổ Nhĩ Kỳ mới thật sự là mối nguy hiểm cho an ninh Địa Trung Hải và châu Âu hơn là nước Nga. Ai cũng biết rằng, khống chế được Libya, một lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ được chiếc « cổng » di dân thứ hai, đóng – mở theo ý muốn, đủ để làm áp lực với một Liên Hiệp Châu Âu thiếu đoàn kết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn