Luật an ninh Hồng Kông, hồi kết của ảo tưởng phương Tây về Trung Quốc

Chủ Nhật, 05 Tháng Bảy 202011:00 CH(Xem: 5142)
Luật an ninh Hồng Kông, hồi kết của ảo tưởng phương Tây về Trung Quốc

Le Monde lưu ý, theo truyền thống thì ngày 1 tháng Bảy tại Hồng Kông được đánh dấu bằng hai sự kiện riêng biệt : lễ thượng kỳ với diễn văn của trưởng đặc khu, và cuộc tuần hành lớn của người dân vào buổi chiều. Năm 2003, có đến nửa triệu người tham gia cuộc tuần hành để chống lại luật an ninh được dự kiến trong điều 23 Luật căn bản (Hiến pháp) Hồng Kông.

Trước sự chống đối này, Bắc Kinh đã quyết định áp đặt một cách thô bạo. Lần đầu tiên cuộc tuần hành và hai cuộc tập họp khác hôm nay bị cấm, với cái cớ dịch bệnh virus corona.

Le FigaroLes Echos nhắc lại, ngày 1 tháng Bảy năm ngoái, các thanh niên biểu tình đòi dân chủ đã xông vào Nghị viện Hồng Kông, giương lá cờ Anh, thách thức quyền lực độc tài Trung Quốc. Hôm qua 30/06 dưới pa-nô búa liềm, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật « an ninh quốc gia », mang lại phương tiện đàn áp tại đặc khu vốn được bảo đảm quyền tự trị cho đến năm 2047 thông qua một hiệp ước với Anh quốc.

0107_01

Cai trị Hồng Kông thông qua gieo rắc sợ hãi

Libération nhận xét, chỉ trong vài tuần lễ, Bắc Kinh đã áp đặt điều mà chính quyền Hồng Kông không thể buộc được cho người dân suốt 23 năm qua : một luật an ninh quốc gia mà cả 7,5 triệu dân lẫn Nghị viện Hồng Kông đều không được tham vấn. Đạo luật có nội dung được giữ kín đến phút chót, được ban hành vào 23 giờ địa phương và có hiệu lực ngay lập tức. Le Monde dẫn lời ông Đái Khải Tư (Philip Dykes), chủ tịch luật sư đoàn Hồng Kông coi đây là chuyện vô tiền khoáng hậu về mặt hiến định.

Theo luật này, Bắc Kinh có thể trừng phạt mọi hành động « ly khai », « nổi dậy », « khủng bố », « thông đồng », những khái niệm mơ hồ trong luật an ninh Trung Quốc để đàn áp đối lập ở Hoa lục. Nếu vi phạm luật, có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc, khung hình phạt cao nhất là chung thân đối với những người lãnh đạo phong trào. Tội « khủng bố » được định nghĩa rất rộng, từ quăng bom xăng đến làm hư hại, bôi bẩn phương tiện công cộng.

Những tiếng nói quan ngại của các tổ chức phi chính phủ, của G7, NATO, Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu đều không có tác dụng, kể cả những biện pháp trừng phạt đầu tiên của Washington. Amnesty International cho rằng mục đích của Bắc Kinh là « cai trị Hồng Kông thông qua sự sợ hãi ».

0107_03
Cờ Trung Quốc bị quăng dưới đất trong cuộc biểu tình của người Hồng Kông chống luật an ninh ngày 01/07/2020.

« Nhất quốc, lưỡng chế » đã chết cùng với tương lai Hồng Kông 

Nhiều người Hồng Kông vội vã gỡ những tấm áp-phích ủng hộ dân chủ, những tài khoản Twitter, WhatsApp, Telegram xóa đi những nội dung chống chế độ. Một nhà đấu tranh tên tuổi khuyến cáo « Hãy xóa hết những trao đổi của chúng ta trên WhatsApp », luật sư Lương Doãn Tín (Wilson Leung) nhận xét « Sự giải thể Hồng Kông diễn ra với tốc độ khủng khiếp ».

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) rời khỏi đảng Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí), và đảng này cùng với nhiều đảng khác giải thể trong cùng ngày hôm qua. Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), nhóm Hong Kong National Front giải thích đó là « để giảm thiểu nguy cơ ». « Hai năm qua, nhóm bị truyền thông thân Bắc Kinh theo dõi sát, chụp hình các thành viên và người tình nguyện ». Dân biểu trẻ này bị loại năm 2016, vì khi tuyên thệ anh quàng dải băng có hàng chữ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc ».

Cũng như anh, vài trăm người khác không thể rời đặc khu vì hộ chiếu đã bị tịch thu trong khi chờ ra tòa : từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020 cảnh sát đã bắt trên 9.110 người. Một số đã tự tìm đường ra đi, như nhà đấu tranh đòi độc lập Trần Gia Câu (Wayne Chan) hôm Chủ nhật loan báo đã đi tị nạn. Cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh (CY Leung) chưa chi đã hứa thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (114.729 euro) cho những ai giúp bắt được những « kẻ vô lại » này.

Một ủy viên hội đồng địa phương chua chát : « Quy chế một đất nước, hai chế độ đã chết, cùng với tương lai của Hồng Kông. Ai muốn đầu tư vào một nơi mà luật lệ nằm trong tay Bắc Kinh ? Các nhà đầu tư và tư bản sẽ dần dà ra đi ». 

0107_04
Bắt bớ người biểu tình, 01/07/2020.

Bắc Kinh muốn triệt tiêu tinh thần tự do của người Hồng Kông 

Không chỉ có thế, Bắc Kinh còn muốn kiểm soát cả tư tưởng,  tiêu diệt tinh thần tự do của người Hồng Kông, và đặc biệt nhắm vào các lãnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông.

Le Monde cho biết một cuộc triển lãm và trình diễn nghệ thuật mang tên « Câu chuyện của năm đầu tiên », vẽ lại 12 tháng biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu dự kiến diễn ra vào tuần trước, đã bị ách lại hai ngày trước khi khai mạc.

Các đài truyền hình và truyền thanh phát thông cáo tố cáo « những kẻ nổi dậy », nêu ra các hình phạt, trên nền tiếng còi xe cấp cứu. Cư dân được kêu gọi không ủng hộ biểu tình, phải chọn lựa trật tự ổn định xã hội. Những tấm áp-phích to tướng xuất hiện đầy trên các đường phố, hành lang métro, trạm xe buýt, trùm lên toàn bộ các toa tàu điện, ca ngợi đạo luật « an ninh quốc gia ».

xi_02
Người biểu tình Hồng Kông dẫm lên ảnh Tập Cận Bình trong dịp quốc khánh Trung Quốc 01/10/2019.

« Giáo dục ái quốc » để tẩy não ?

Một nhà sản xuất phim ảnh, từ năm 2018 đã cho biết các đối tác Trung Quốc luôn áp đặt trong hợp đồng một điều khoản cấm các bình luận chính trị. Tháng 12/2015, một năm sau « Phong trào Dù vàng », tập đoàn Alibaba mua lại nhật báo uy tín Hồng Kông South China Morning Post, và từ đó các vấn đề nhạy cảm ít được đề cập tới, những cây bút xông xáo nhất biến mất. Toàn bộ truyền thông đều biết rằng phải tự kiểm duyệt.

Giáo sư xã hội học Lưu Triệu Giai (Lau Siukai), phát ngôn viên một think tank thân Bắc Kinh cho rằng nhà trường, báo chí và chính quyền phải  « giáo dục ái quốc » - một chương trình tẩy não từng bị thất bại bởi Hoàng Chi Phong, lúc đó mới là một học sinh 15 tuổi.

Trong khi hệ thống giáo dục Hồng Kông luôn khuyến khích tinh thần phản biện, quan điểm mao-ít « chỉnh đốn tư tưởng » lại được làm sống dậy. Một đại biểu địa phương nhấn mạnh cần phải chống lại tuyên truyền của chính quyền và giải thích cho những người chưa hiểu, vì tuyên truyền lặp đi lặp lại không phải là không có tác động.

anh_02
Giang Trạch Dân bắt tay thái tử Charles trong buổi lễ trao trả Hồng Kông vào nửa đêm 30/06/1997.

Hồi kết của ảo tưởng phương Tây về dân chủ hóa Trung Quốc 

Trong bài phân tích « Hồi kết của ảo tưởng phương Tây khi chìa bàn tay hòa hiếu với Trung Quốc », Le Monde nhận định việc thông qua luật an ninh Hồng Kông đã làm tắt lịm niềm hy vọng vốn là cơ sở cho chính sách mở cửa của Hoa Kỳ. Phương Tây đã sai lầm khi tin tưởng vào Trung Quốc ? Cuộc tranh luận một lần nữa được dấy lên.

Ngày 01/07/1997 khi Anh vừa trao trả, phương Tây tràn ngập lạc quan. Tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) khẳng định « chắc chắn Hồng Kông sẽ được quản lý một cách dân chủ ». Ngay cả sau vụ thảm sát Thiên An Môn, đến năm 2001 Trung Quốc vẫn được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và một số người mơ rằng Hồng Kông sẽ gieo virus dân chủ vào xã hội Trung Quốc.

Phương Tây giờ đây phải để tang cho một chính sách mà đối với Pháp đã bắt đầu từ năm 1964, khi tướng De Gaulle công nhận Trung Quốc cộng sản, và được áp đặt sau chuyến thăm của ông Richard Nixon năm 1972. Tổng thống Mỹ dù chống cộng vẫn cho rằng không nên để Trung Quốc đứng ngoài cộng đồng các quốc gia, và chính sách này được đeo đuổi suốt nửa thế kỷ.

Orville Schell, chuyên gia về Trung Quốc kể lại, sau vụ Thiên An Môn, tổng thống George Bush cha bí mật gởi cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft đến Bắc Kinh để nối lại đối thoại, cho biết « người dân Mỹ bị sốc » « tổng thống Bush đang rất khó xử ». Đặng Tiểu Bình, kẻ chủ trương vụ thảm sát thay vì ở thế thủ, lại ngang nhiên khẳng định « không bao giờ để cho bất kỳ ai can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».

07

Sự ngạo mạn cộng sản của Tập Cận Bình 

Nhà Trắng biện minh cho chủ trương hòa dịu là tự do hóa kinh tế sẽ giúp dân chủ hóa các chế độ toàn trị. Thực tế đã diễn ra ngược lại. Trong cuốn « Cái chết của sự cam kết » (The Death of Engagement), Orville Schell nhận định, chính sách từng mang lại 50 năm hòa bình thịnh vượng nay đã cáo chung. Nếu Trung Quốc không cải cách chính trị và chuyển đổi để hội nhập vào trật tự thế giới, không có lý do gì để Hoa Kỳ  tiếp tục chìa tay ra cho Bắc Kinh. Bởi vì Tập Cận Bình coi cải cách là mối đe dọa cho đảng cộng sản.

Chính quyền Donald Trump còn đi xa hơn, cho rằng sai lầm trên là « thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ thập niên 30 », và cần phải sửa đổi lại « 40 năm quan hệ với Trung Quốc theo kiểu một chiều, bất công ».

Trong khi phương Tây nhận ra chính sách hòa hiếu đã giúp Trung Quốc làm giàu trên lưng của mình, Bắc Kinh lại cho đây là một cái bẫy mà họ tự hào đã không rơi vào. Các nhà lãnh đạo cộng sản coi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy sự yếu kém của kinh tế thị trường, và đại dịch virus corona chứng tỏ ưu thế của chế độ Trung Quốc.

Từ nhiều năm qua, Tập Cận Bình đã đưa ra quan điểm mô hình phương Tây đang đi xuống. Việc siết chặt Hồng Kông là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nghĩ rằng họ đang ở thế thượng phong ; và có rất ít hy vọng những « quan ngại sâu sắc » của các ngoại trưởng G7 hôm 17/06 làm thay đổi được ý đồ của Bắc Kinh. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) còn tuyên bố đạo luật của Mỹ về Hồng Kông « xứng đáng quẳng vào thùng rác ».

merkel_01

Tái thúc đẩy kinh tế châu Âu : Thách thức của bà Angela Merkel

Les Echos hôm nayquan tâm đến « Airbus, cú sốc xã hội mang tính lịch sử ». Tập đoàn hàng không châu Âu sa thải 15.000 nhân viên trong đó có 5.000 người tại Pháp, do thị trường thế giới sụt giảm lâu dài. Libération dành trang bìa cho « Thế hệ sinh thái » với các tân thị trưởng của đảng Xanh lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hôm Chủ nhật tại Pháp.

Hôm nay 01/07/2020 Đức trở thành chủ tịch luân phiên Liên hiệp Châu Âu, vào lúc chỉ còn một năm nữa bà Angela Merkel sẽ rời chính trường. Trang nhất của La Croix đăng ảnh nữ thủ tướng giữa lá cờ châu Âu với hàng tựa lớn « Thời điểm của bà Merkel ». Tương tự, Le Figaro chạy tựa « Thách thức châu Âu cuối cùng của bà Angela Merkel » : trong sáu tháng đứng đầu châu Âu, ưu tiên của bà là thuyết phục được các nước còn chống đối thông qua kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro.

Le Figaro nhận định cho đến nay, Đức vẫn đóng vai trò « con kiến » trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Libération nhắc lại, khi khu vực đồng tiền chung gặp khủng hoảng (2010-2012), bà Merkel đã tuyên bố cần phải « bước qua xác chết » của bà mới có thể phát hành trái phiếu châu Âu (eurobond).

Nhưng nay tầm cỡ của đại dịch virus corona khiến Berlin ý thức được không thể để thị trường chung sụp đổ, vì chính lợi ích của Đức, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. Con virus từ Vũ Hán đã làm nữ thủ tướng thay đổi 180°, trong nhiệm kỳ này bà Merkel phải thuyết phục được nhóm « cứng đầu » (Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan). Cặp Pháp-Đức lại tiếp tục là đầu tàu, một tin tốt lành cho châu Âu.

croatia_duc_1
Croatia bàn giao chức chủ tịch EU cho Đức ngày 01/07/2020.

 Đức lên nhậm chức chủ tịch EU một cách không kèn không trống, chỉ qua một thông điệp video của bà Merkel và một thông cáo ngắn gọn của bộ Ngoại giao. Nhiệm kỳ của Angela Merkel có lẽ cũng giống như 15 năm cầm quyền của bà : thực dụng, hiệu quả.

Le Figaro nhận định nước Đức đang được những ngôi sao tốt chiếu mệnh : các lực lượng cánh trung ở châu Âu đã thay chân phe cực đoan, tạo môi trường thuận lợi cho nhiệm kỳ. Sự co cụm của chính quyền Trump cũng buộc châu Âu phải tự lực cánh sinh, bảo vệ những giá trị lâu nay của mình.

Trong bài xã luận « Cơ hội cuối cùng », La Croix cũng cho rằng đang hội đủ những điều kiện để có được sự tương trợ trong châu Âu. Trong bối cảnh các cường quốc : Hoa Kỳ của ông Donald Trump, Trung Quốc của Tập Cận Bình, Nga của Vladimir Putin đối địch với nhau, châu Âu phải dựa vào nội lực. Và điều may mắn là Đức, quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu lên làm chủ tịch luân phiên, với vị thủ tướng vào thời kỳ cuối trên chính trường nên không có gì để mất. Cần phải nắm lấy cơ hội này, vì sẽ không còn có dịp may nào khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn