Covid-19 : Cuộc chạy đua nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vac–xin

Thứ Tư, 24 Tháng Sáu 20206:00 CH(Xem: 3376)
Covid-19 : Cuộc chạy đua nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vac–xin
rfi.fr

Covid-19 : Cuộc chạy đua nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vac–xin

Thanh Phương

Song song với cuộc chạy đua giữa các tập đoàn dược phẩm để tìm ra vac-xin ngừa Covid-19, một cuộc chạy đua khác cũng đang diễn ra ráo riết không kém giữa các quốc gia nhằm bảo đảm nguồn cung cấp một khi chế tạo được vac-xin.  

Hơn 10 vac-xin được thử nghiệm lâm sàng

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến nay, có 11 vac-xin ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, 126 vac-xin khác đang trong giai đoạn tiền lâm sàng ( thử nghiệm trên súc vật ). Hiện giờ chưa thể biết dự án nào tiến triển nhanh hơn hết, nhưng một số tập đoàn đang quảng cáo rầm rộ cho sản phẩm tương lai của họ, chẳng hạn như tập đoàn Moderna của Mỹ khẳng định là đến tháng 7, vac-xin thử nghiệm của họ sẽ bước vào giai đoạn 3, tức là giai đoạn chót.

 Tập đoàn dược phẩm Anh Quốc AstraZeneca cùng với đại học Oxford đang cùng nhau nghiên cứu chế tạo một loại vac-xin, sẽ được thử nghiệm trên 50.000 người tình nguyện. Tập đoàn này khẳng định là đến mùa thu năm nay sẽ biết được công hiệu của vac-xin. Các thử nghiệm hiện đang được tiến hành ở Anh Quốc và Brazil, nay đã trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19.

Tập đoàn Mỹ Johnson & Johnson cũng lạc quan không kém, khẳng định là họ có thể cung cấp một tỷ liều vac-xin năm tới. Ấy là chưa kể tập đoàn Sanofi của Pháp, hiện đang phát triển hai loại vac-xin, mà sắp tới đây sẽ bắt đầu được thử nghiệm tiền lâm sàng. Vac-xin thứ nhất, hợp tác chế tạo với tập đoàn Anh GSK, có thể được sử dụng rộng rãi trong vòng 18 tháng tới. Vac-xin thứ hai thì Sanofi dự trù sẽ cung cấp với quy mô lớn vào cuối năm 2021. 

Nếu đúng như thế thì có thể nói đây là lần đầu tiên mà ngành dược phẩm có thể tung ra thị trường một vac-xin nhanh chóng như thế. Theo giải thích của kinh tế gia chuyên về ngành y tế Nathalie Coutinet, được hãng tin AFP trích dẫn, lý do thứ nhất là các nhà khoa học nay đã nắm được nhiều kiến thức qua các đợt dịch SARS và MERS, tức là những dịch bệnh cũng do virus corona gây ra. Thứ hai là lần này các nguồn tài trợ rất dồi dào. Theo dự báo của các chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư UBS, với một sự huy động như vậy, rất có thể sẽ có nhiều vac-xin được tung ra thị trường cùng một lúc, và như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn.

Nhưng liệu các tập đoàn dược phẩm có thể đi nhanh như thế hay không ? Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 09/06/2020, Giáo sư Frédéric Tangy, giám đốc Phòng thí nghiệm vac-xin của Viện Pasteur, nhắc lại những giai đoạn của việc nghiên cứu chế tạo một vac-xin mới :

« Bình thường, việc sản xuất một vac-xin mới có thể mất từ 8 đến 15 năm, dĩ nhiên là ngoại trừ vac-xin ngừa cúm, mỗi năm hoặc mỗi hai năm phải được chế tạo lại, nhưng đó là vẫn là cùng một sản phẩm, được làm với cùng một cách thức. Khởi đầu nghiên cứu chế tạo một vac-xin mới từ con số không để ngừa một bệnh mới sẽ mất một thời gian dài như thế, thậm chí dài hơn. Nên nhớ rằng đã hơn 30 năm rồi người ta vẫn chưa tìm ra virus ngừa SIDA.

Giai đoạn thứ nhất là nghiên cứu học thuật và y học, tức là tìm hiểu về căn bệnh, để xem bệnh đã lây từ người sang người như thế nào, những ai đã bị bệnh và những ai đã chống được bệnh, để hiểu thêm về hệ miễn dịch của những người không có triệu chứng và đã cưỡng lại được căn bệnh. Giai đoạn thứ hai của nghiên cứu là thiết kế một sản phẩm dễ được sản xuất, có thể được sản xuất đại trà và với chi phí thấp, để có thể đến tay mọi người. Một khi đã đề ra một tiến trình sản xuất công nghiệp, với sản lượng có thể lên tới hàng trăm triệu liều, người ta tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng để chứng minh hiệu quả của vac-xin trên người.

Nhưng chúng ta chỉ có thể thử nghiệm lâm sàng một sản phẩm trước đó đã chứng minh hiệu quả trên súc vật. Đó là một quy tắc về đạo lý : chúng ta không thể thử nghiệm một sản phẩm trên người nếu chúng ta không có những lập luận vững chắc rằng sản phẩm này sẽ có hiệu quả trên người. Ngoài ra chúng ta còn phải thử nghiệm tính độc hại, hay đúng hơn là tính không độc hại, của sản phẩm trên súc vật, đó cũng là một quy tắc về đạo đức. Sau đó chúng ta mới thử nghiệm trên người, với sự tham gia của những người tình nguyện, theo ba giai đoạn 1, 2 và 3.

Đốt cháy giai đoạn có nghĩa là chế tạo một vac-xin chỉ trong vòng 6 tháng, 9 tháng, một năm. Nhiều công ty đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trên súc vật, hoặc thử nghiệm rất ít trên súc vật, không lập đi lập lại đủ các thí nghiệm. Dĩ nhiên có điểm tích cực là chúng ta sẽ có vac-xin một cách khá nhanh chóng , nhưng có nguy cơ, điều đang làm tôi rất lo ngại, đó là chúng ta sẽ có một vac-xin với những tác dụng phụ nghiêm trọng, vì đã không được thử nghiệm đàng hoàng, trong khi chúng ta đang trong thời kỳ mà nhiều người không mấy tin tưởng vào vac-xin.  Điều này sẽ rất tai hại cho người dân và cho các loại vac-xin khác, tối cần thiết, như vac-xin ngừa bệnh sởi hay ngừa sốt vàng da. »

Nguy cơ thiếu lọ đựng vac-xin 

 Nhưng các liều vac-xin đó sẽ được đựng trong các lọ thủy tinh và cung cấp đủ các lọ vac-xin này cho tất cả mọi người là cả một bài toán nan giải. Ngay chính tổng giám đốc của AstraZeneca, Pascal Soriot, cũng thừa nhận đây là một vấn đề hóc búa. Tập đoàn của ông, cũng như các tập đoàn khác, đang dự trù khả năng chứa nhiều liều vac-xin trong cùng một lọ. Các tập đoàn lớn cũng cho biết đã bắt đầu điều chỉnh các dây chuyền sản xuất của họ để có thể sản xuất các lọ vac-xin này. Nếu cần, họ cũng có thể nhờ đến các công ty gia công. SGD Pharma, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về lọ thủy tin cho ngành dược phẩm, đã bảo đảm là họ sẽ làm hết mình để tránh trường hợp khan hiếm lọ thuốc.

Bảo đảm nguồn cung cấp

Để bảo đảm nguồn cung cấp vac-xin, các chính phủ tham gia tài trợ cho việc nghiên cứu chế tạo hoặc đăt mua trước, thường là đặt mua từ nhiều tập đoàn khác nhau. Những hợp đồng này giúp hạn chế các rủi ro cho các công ty, vì nếu có thất bại, họ không phải một mình gánh chịu thiệt hại tài chính, và các chính phủ cũng yên tâm vì đã nắm trong tay các nguồn cung cấp vac-xin tương lai.

 Tại Hoa Kỳ, chính phủ đã thiết lập một đối tác công-tư, mang tên "Operation Warp Speed", với mục tiêu bảo đảm đủ vac-xin cho dân Mỹ từ đây đến năm 2021, thông qua việc tài trợ và hỗ trợ các tập đoàn dược phẩm. Chính vì tập đoàn Pháp Sanofi đã nhận được 30 triệu đôla tài trợ từ chính quyền Hoa Kỳ, mà tổng giám đốc Paul Hudson từng nêu lên khả năng ưu tiên giao vac-xin cho dân Mỹ, một tuyên bố đã gây tranh cãi sôi nổi ở Pháp. 

Tại châu Âu cũng vậy, các chính phủ đang tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp vac-xin. Đó chính là mục tiêu của hiệp định vừa được ký kết giữa tập đoàn AstraZeneca với bốn nước Pháp, Đức, Hà Lan và Ý. Theo hiệp định này, toàn bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các quốc gia châu Âu tình nguyện khác, có thể nhận được tổng cộng đến 400 triệu liều vac-xin của AstraZeneca. Bốn nước nói trên đã trả trước 750 triệu euro cho 300 triệu liều mà AstraZeneca bảo đảm là sẽ cung cấp trước cuối năm nay. Số vac-xin này sẽ được phân chia cho các nước tùy theo dân số. Các nước châu Âu cũng đang thương lượng với những tập đoàn dược phẩm khác để tăng thêm khả năng nhanh chóng có được một vac-xin với số lượng đủ và với giá rẻ nhất.

Riêng tại Đức, nhà nước sẽ đầu tư 300 triệu euro để trở thành cổ đông của tập đoàn CureVac nhằm tránh cho tập đoàn này lọt vào tay nước ngoài, nhất là vao tay Mỹ, vì CureVac hiện đã tiến rất xa trên con đường chế tạo vac-xin ngừa Covid-19. Mục tiêu tối hậu vẫn là bảo đảm nguồn cung cấp vac-xin tương lai cho dân Đức.

Tại Pháp, tập đoàn Sanofi vào giữa tháng 6 đã thông báo sẽ đầu tư 610 triệu euro để lập thêm hai trung tâm nghiên cứu và sản xuất vac-xin, để tăng cường khả năng hiện có. Khi đến thăm một cơ sở sản xuất của Sanofi ngày 16/06, tổng thống Pháp Macron đã loan báo tháo khoán 200 triệu euro để hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị và vac-xin, nhất là vac-xin ngừa Covid-19.

 Ngoài châu Âu, AstraZeneca cũng đang thảo luận với các nước Nhật Bản, Nga, Brazil và Trung Quốc về các hợp đồng cung cấp vac-xin của tập đoàn này.  

Giá một vac-xin là bao nhiêu ?

Không chỉ bảo đảm cung cấp cho các nước châu Âu, tập đoàn AstraZeneca còn cam kết là sẽ không kiếm lời trên vac-xin này, theo tuyên bố chủ tịch đặc trách nước Pháp của tập đoàn Olivier Nataf trên đài truyền hình franceinfo. Ông Nataf còn nói rõ là giá một liều vac-xin của AstraZeneca sẽ là khoảng 2 euro. 

Hiện giờ, do áp lực quốc tế, các tập đoàn dược phẩm khó mà bán vac-xin với giá quá cao, nhưng các chuyên gia của ngân hàng UBS dự báo, nếu thế giới phải cần đến vac-xin ngừa Covid-19 một cách thường xuyên, chắc chắc là các tập đoàn sẽ không thể tiếp tục bán vac-xin với giá « hữu nghị » nữa.

Đối với các nước đang phát triển, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào đầu tháng 6 đã cho rằng vac-xin tương lai sẽ phải được xem như là « tài sản chung » của thế giới, phải đến được với mọi người, trên nguyên tắc tương trợ giữa các nước giàu với các nước nghèo. Về vấn đề này, giáo sư Tangy nêu ý kiến của ông :

« Tiếp cận vac-xin là một trong những quyền căn bản của con người. Kể từ khi tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào thập niên 1960, thế giới đã cam kết là sẽ cung cấp những vac-xin công hiệu cho toàn thể người dân. Đó là điều tối thiểu, vì chúng ta không thể để cho trẻ em ở nước bên này không được bảo vệ, trong khi bước qua bên kia biên giới, trẻ em được chích ngừa đàng hoàng.

Vấn đề này đang được đặt lại ngày nay. Tôi nói trở lại về Covid-19. Các công nghệ được phát triển hiện nay không thể nào bảo đảm điều đó. Những sản phẩm được chế tạo theo các công nghệ rất tiên tiến ở các nước Âu Mỹ đòi hỏi được bảo quản trong môi trường rất lạnh, tức là -80°C. Ngay cả tại Paris, không phải bệnh viện nào cũng có tủ lạnh với nhiệt độ -80°C. Đó là những vac-xin được chế tạo cho những nước rất giàu, nơi mà người ta có thể bỏ ra 100, 250, thậm chí 500 đôla cho một liều vac-xin, rồi sau đó sẽ được hệ thống bảo hiểm y tế hoàn trả. Và như vậy là một phần của thế giới sẽ bị gạt sang một bên.

 Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh là tại Viện Pasteur, chúng tôi làm ngược lại. Cũng như các loại vac-xin khác, loại vac-xin ngừa Covid-19 mà chúng tôi đang phát triển là dựa trên vac-xin ngừa bệnh sởi, loại vac-xin đang được sản xuất trên toàn thế giới, rẻ tiền và ai cũng có thể tiếp cận thông qua các chương trình chích ngừa mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới »

 Ngày 17/06 vừa qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi góp chung các nguồn lực ở châu Âu và trên thế giới để giúp phát triển các vac-xin tương lai và đặt mua trước các vac-xin này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn